Muốn tìm được người tài, phải thay đổi tư duy

Chủ nhật - 19/02/2017 08:03
(PL News) - Nhân tài của chúng ta không thiếu, nhưng muốn tìm được người thực sự có tài, có tâm, có tầm để bổ nhiệm làm lãnh đạo thì cần phải có một tư duy mới.
Muốn tìm được người tài, phải thay đổi tư duy

 

Năm 2017 là năm mà theo kế hoạch tất cả các cấp sẽ tập trung làm công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo cho giai đoạn tới. Trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu Quốc hội khóa XIII, IX, X cho rằng: Đây là công việc cực kỳ quan trọng bởi chất lượng công tác cán bộ ảnh hưởng trực tiếp đến thành bại của cả đất nước, dân tộc.

ảnh 1

- PV: Mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã phát biểu rằng, trong công tác quy hoạch cán bộ cho giai đoạn tới, tinh thần là phải “đốt đuốc đi tìm người có tài, có tâm, có tầm” - Một tư duy mới trong công tác cán bộ. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

- Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, về công tác xây dựng Đảng, Đảng ta đều đặt ra vấn đề là phải làm thế nào để làm tốt công tác cán bộ, để tìm được đội ngũ lãnh đạo thực sự là người có tài, có tâm, có tầm. Hà Nội là Thủ đô của cả nước, vì thế công tác cán bộ của thành phố càng có ý nghĩa quan trọng hơn, không chỉ quyết định thắng lợi trong triển khai nhiệm vụ của thành phố mà còn ảnh hưởng đến cả nước. 

Nếu nhìn vào có thể thấy Hà Nội không thiếu nhân tài, cũng không thiếu người có tâm, có tầm, bởi đây là nơi tập trung đội ngũ trí thức, khoa học, văn hóa nghệ thuật… đông đảo nhất cả nước. Nhưng làm sao để giới thiệu, quy hoạch và sắp xếp được người thực sự có tài lại không phải chuyện đơn giản.

Tôi cho rằng, tìm người có tài, có tâm, có tầm nhưng phải có ý chí, phải quyết liệt và táo bạo, có tinh thần và tư duy đổi mới. Anh có tài để phục vụ đất nước, có tâm với dân với nước, có tầm để lãnh đạo cấp dưới nhưng anh không có ý chí mạnh mẽ, không quyết liệt, không dám đổi mới, không dám nhận trách nhiệm thì sẽ không làm được điều gì lớn lao cả. Không có cuộc cách mạng, cuộc đấu tranh nào mà không có khó khăn, thách thức, nếu không có ý chí mạnh mẽ để vượt qua thì dù có tài, có tâm cũng không thể lãnh đạo thắng lợi. 

- Vậy theo ông, làm thế nào để có thể thực sự tìm được người tài?

Hà Nội không thiếu nhân tài nhưng Hà Nội cũng là nơi tập trung quyền lực, là nơi mà công tác cán bộ phải chịu sức ép bởi những yếu tố tác động do “hậu duệ”, “tiền tệ”, “quan hệ” rất lớn. Những bài học trong công tác cán bộ vừa qua như câu chuyện ở Bộ Công Thương và một số đơn vị, cán bộ trẻ chưa thể hiện được gì hay vừa mới đi làm đã được bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo rất cao, thậm chí điều hành doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ lại được thăng chức to hơn… vẫn còn nóng hổi. Vì thế, tôi mong lãnh đạo thành phố sẽ sáng suốt, công tâm, khách quan để thực sự tìm được người tài cho thành phố.

- Trong công tác cán bộ nói chung, theo ông điều gì là quyết định đến chất lượng cán bộ? Đó là sự công khai, minh bạch hay phải có sự đổi mới tư duy làm công tác cán bộ...”?

- Muốn tìm được người tài, đầu tiên người lãnh đạo phải thực sự là người tài, phải khách quan, sáng suốt. Bộ phận, những người có trách nhiệm, quyền hạn tiến cử hay tuyển chọn, quy hoạch cán bộ trước hết phải là người tài, người có tâm và thực sự công minh. Việc bổ nhiệm cán bộ cần tránh tình cảm riêng tư và phải có thăm dò trong đơn vị, quần chúng, phải lắng nghe dân để chọn lựa đúng. Và đặc biệt phải lấy hiệu quả công tác, năng lực công tác của người cán bộ là tiêu chí quan trọng nhất để đề đạt bổ nhiệm, muốn vậy phải có cơ chế, có tiêu chí đánh giá cán bộ chặt chẽ. 

Tư duy làm công tác cán bộ phải đổi mới. Chọn những người có tâm, có tầm, có tài nhưng phải là những người có quyết tâm, có ý chí, có cá tính, dám đột phá trong công việc chứ không nên vì sợ trách nhiệm mà tiến cử, lựa chọn những phương án “tròn trĩnh”, an toàn.

ảnh 2

- Đà Nẵng vừa ban hành Đề án xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ, trong đó cho phép tiến cử những cán bộ dưới 35 tuổi để giữ các chức vụ cán bộ chủ chốt thành phố đến năm 2025. Ông có cho rằng  đó là một sự tiến bộ, một cách làm hay trong công tác cán bộ?

- Cá nhân tôi rất hoan nghênh và ủng hộ cách làm nói trên của Đà Nẵng. Đừng bao giờ lấy độ tuổi cao làm tiêu chí, làm thước đo để quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Cán bộ càng trẻ bao nhiêu càng phục vụ nhân dân được nhiều bấy nhiêu. Và hơn thế, càng trẻ thì càng quyết tâm, quyết liệt, càng có ý chí phục vụ đất nước, nhân dân. Chắc chắn người trẻ khi làm cán bộ thì không tránh khỏi việc thiếu kinh nghiệm nhưng nếu họ thực sự có tài, lại có ý chí mạnh mẽ, quyết liệt thì đó là môi trường để họ rèn luyện và vượt qua. Vì thế, không có lý do gì để không mở đường cho cán bộ trẻ, nhất là những cán bộ lãnh đạo đã cao tuổi nhưng không thể hiện được nhiều dấu ấn thì nên sớm tự nguyện rút lui để “nhường đất” cho thế hệ trẻ hơn, có tài hơn.

Tuy nhiên, cán bộ trẻ phải được tuyển chọn chính xác, khách quan, minh bạch, chứ nếu được tiến cử nhờ là “con ông cháu cha”, nhờ tác động này khác thiếu minh bạch thì lại vô cùng nguy hiểm. Bởi nếu người được bổ nhiệm là cán bộ trẻ không đủ tiêu chuẩn, không đủ tài, tâm, họ sẽ sớm thỏa mãn, thiếu ý chí vượt qua khó khăn, dễ sinh kiêu căng, tham nhũng. Hơn nữa họ còn trẻ, thời gian công tác của họ còn dài thì đó là mối nguy thực sự cho đất nước. 

- Xin cảm ơn ông!

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long: Muốn nước mạnh phải trọng dụng người tài

ảnh 3

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia” luôn là lời cảnh báo, nhắc nhở về cách ứng xử với người tài. Việc chọn người tài chính là thể hiện sự quyết tâm của bậc anh minh về thế nước. Muốn nước mạnh, phải trọng dụng người tài. Muốn mạnh bền vững bên cạnh tài phải chọn người có tâm. Việc chọn người tài, không chọn người nhà vừa là thể hiện quyết tâm đó, vừa còn như một điều chỉnh đối với một trong những tồn tại chưa thực sự văn minh trong mối quan hệ làm việc của người Việt ta đó là quan hệ gia đình, họ hàng, thân quen đặt trên lợi ích quốc gia, dân tộc. Việc chọn người tài không chọn người nhà phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước lại đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của nhân dân. 

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á: Tuyển dụng phải được công khai

ảnh 4

Việc tuyển dụng người yếu kém, không có năng lực chỉ nhờ quan hệ vào làm trong cơ quan Nhà nước sẽ kéo tụt cả sự phát triển của xã hội. Bởi vậy tôi rất ủng hộ sáng kiến “tuyển người tài chứ không tuyển người nhà”. Tôi cho rằng, bất cứ ai, kể cả “có quan hệ” cũng phải được tuyển dụng theo đúng luật lệ, qua thi cử, sát hạch, phải có năng lực, bằng cấp, việc tuyển dụng phải được công khai hóa. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng không nên quá định kiến về cái gọi là “con ông cháu cha”. Vì kể cả “con nhà quan” cũng có người rất giỏi, cũng có người có năng lực, miễn là họ cũng phải trải qua một quy trình thẩm định đúng luật và phải chứng tỏ năng lực của mình. 

Họa sĩ Thanh Thục: Hãy trao cho người trẻ niềm tin và trách nhiệm

ảnh 5

Đã đến lúc chúng ta nên thay đổi tư duy về khía cạnh lãnh đạo các đơn vị. Ngoài các vị lãnh đạo giàu thâm niên, nhiều kinh nghiệm, hãy để các bạn trẻ có đủ tri thức, đủ đam mê và đạo đức đứng vào hàng ngũ lãnh đạo. Họ có thể ở vùng quê nghèo khó nào đó, có thể gặp khó khăn trong con đường thăng tiến nhưng họ thật sự yêu và muốn cống hiến cho mảnh đất nơi họ sinh ra và lớn lên. Chúng ta nên tạo mọi điều kiện cho người trẻ được thể hiện mình và giúp cho những ý tưởng táo bạo của tuổi trẻ được bước ra thực tế. Tôi luôn tin và trân trọng tuổi trẻ. Họ còn rất nhiều thời gian, nhiều trí lực để biến những đam mê chân chính thành hiện thực. Hãy trao cho họ niềm tin và trách nhiệm, đừng quá lo họ làm không tốt như những thế hệ đi trước.

Nguồn tin: Theo ANTĐ:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây