Có nên xem xét đình chỉ chức vụ Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa?

Thứ ba - 21/02/2017 02:33
(PL News) - "Cơ quan có thẩm quyền cần xem xét việc đình chỉ chức vụ của bà Hồ Thị Kim Thoa để tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, làm rõ tài sản...", ông Thuyền đề nghị.
Có nên xem xét đình chỉ chức vụ Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa?

 

Lương bà Thoa được bao nhiêu mà nhiều cổ phần thế?

Liên quan tới câu chuyện về khối tài sản rất lớn của bà Hồ Thị Kim Thoa tại Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang, hôm 18/2, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm giải đáp rõ những vấn đề dư luận đang quan tâm.

"Người dân cần được biết, cán bộ công chức, đặc biệt là những người có chức quyền sở hữu bao nhiêu tài sản? tài sản đó từ đâu mà có được? có minh bạch không?

Có một điều chắc chắn rằng, với tiền lương của bà Thoa trước và sau khi làm Thứ trưởng Bộ Công thương, không thể mua/sở hữu số cổ phần lớn như vậy được.

Do đó, cơ quan có thẩm quyền phải làm rõ, tại sao bà Thoa lại có nhiều cổ phần như vậy? tiền mua cổ phiếu của bà Thoa lấy từ nguồn nào? kênh nào? có minh bạch không?

Việc sở hữu cổ phần của bà Thoa có hợp pháp không?

Đây chính là mấu chốt vấn đề trong vụ việc này”, TS. Lê Đăng Doanh đặt nêu quan điểm.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh (ảnh: Hoàng Lực/giaoduc.net.vn).

Không chỉ bà Thoa, các thành viên khác trong gia đình bà bao gồm con gái Nguyễn Thái Nga (đang giữ chức Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang) cũng sở hữu 4,1 triệu cổ phiếu; con gái Nguyễn Thái Quỳnh Lê sở hữu 2,2 triệu cổ phiếu. 

Ông Hồ Quỳnh Hưng, em trai bà Thoa được bổ nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Điện Quang ngay sau khi bà Thoa được bổ nhiệm Thứ trưởng, hiện đang nắm giữ 2,5 triệu cổ phiếu. Mẹ của bà Thoa là bà Trần Thị Mỹ Xuân cũng nắm giữ 1,22 triệu cổ phiếu.

Một thành viên khác trong gia đình bà Thoa là ông Hồ Đức Lam hiện đang là thành viên HĐQT tại Bóng đèn Điện Quang.

Tuy không nắm giữ cổ phần tại doanh nghiệp này nhưng ông Lam đang sở hữu khoảng 65% cổ phần tại Công ty cổ phần Nhựa Rạng Đông (RDP) và là nhân vật có quyền chi phối mọi hoạt động tại đây.

Ngoài ra, cháu ruột của bà Thoa là ông Hồ Đức Dũng cũng đang nắm giữ 4,9% cổ phần của Điện Quang.

Bà Hồ Thị Kim Thoa có khối tài sản hàng trăm tỷ đồng. Ảnh đăng trên Báo điện tử vietnamplus.vn.

Trước những thông tin trên, TS. Lê Đăng Doanh đặt nghi vấn, liệu việc cổ phần hóa doanh nghiệp này có được thực hiện một cách minh bạch? Cổ phần đó được mua đi bán lại ra sao?

"Việc người có chức có quyền, gom cổ phiếu, mua lại từ người khác là những chuyện xảy ra rất nhiều khi doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa.

Có trường hợp họ dùng quyền lực hoặc tạo áp lực từ người thứ 3, nhằm có được số cổ phần đó.

Trường hợp nếu dùng quyền lực của mình để "mua" lại của cán bộ công nhân viên chức thì rõ ràng là không hợp pháp rồi", TS. Lê Đăng Doanh nhận định.

Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nhận đề nghị: "Trước mắt, Uỷ ban kiểm tra Trung ương nên đề nghị bà Thoa giải trình về số cổ phần/tài sản của mình.

Tiếp đó cần thực hiện kiểm tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, số cổ phiếu bà Thoa và gia đình có được.

Phải làm rõ câu hỏi, bà Thoa lấy tiền ở đâu để mua cổ phần? mua bằng cách gì?", TS. Lê Đăng Doanh đề nghị.

Cần xem xét đình chỉ chức vụ

Cũng liên quan tới sự việc nói trên, mới đây Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh thông tin tài sản của Thứ trưởng Bộ Công thương - bà Hồ Thị Kim Thoa.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII), chỉ đạo trên thể hiện quyết tâm của Đảng, nhà nước trong công tác chống tham nhũng và không có vùng cấm trong việc xử lý cán bộ, đặc biệt là cán bộ có chức quyền.

Qua sự việc trên cũng cho thấy, vai trò hết sức quan trọng của người dân, truyền thông, báo chí, trong việc giám sát chống thất thoát tài sản của Nhà nước, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

PGS.TS Bùi Thị An (ảnh: NGỌC QUANG).

Về thông tin tài sản "khủng" của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, trong trường hợp này, vấn đề minh bạch tài sản là điều mà dư luận quan tâm, và cần phải được làm rõ.

"Nếu bà Thoa giải trình được số cổ phần/tài sản của mình có được là hợp pháp (số tiền dùng để mua cổ phần, việc sở hữu cổ phần) thì tốt quá.

Bởi nhân dân luôn tôn trọng, ngưỡng mộ những người làm giàu bằng sức lao động chân chính. Chúng ta phải biểu dương, bởi đó là điển hình về sản xuất kinh doanh giỏi.

Đặt trường hợp, qua kiểm tra, nếu phát hiện tài sản bà Thoa có được là không hợp pháp thì cần phải xem xét, xử lý trách nhiệm của những người để thất thoát tài sản nhà nước cũng như người sở hữu tài sản bất hợp pháp đó", PGS.TS Bùi Thị An nói.

Trong khi đó, nguyên Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét việc đình chỉ chức vụ của bà Hồ Thị Kim Thoa để tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, làm rõ khối tài sản mà Thứ trưởng Bộ Công thương có được.

Tác giả bài viết: QUỐC TOẢN

Nguồn tin: Theo Giaoduc.net.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây