Khoán xe công: Một chủ trương nhiều lợi ích

Thứ năm - 16/03/2017 19:38
(PL News) - Hà Nội khoán xe công 9 sở ban ngành từ ngày 1/3 là thông tin được một số tờ báo đăng tải. Trước đó, cũng có một số nơi làm thử nghiệm. Việc khoán xe công đặt ra từ lâu, là một việc làm cần thiết, không những góp phần tiết kiệm ngân sách cho quốc gia mà còn tạo ra một thói quen tốt cho việc gần dân của các quan chức vẫn có thói quen  “lên xe, xuống ngựa”, ngày càng xa rời dân như người ta vẫn thường nói.
Khoán xe công: Một chủ trương nhiều lợi ích

 

Cách đấy khá lâu, khi ông Trương Đình Tuyển khi còn làm bí thư tỉnh ủy Nghệ An, ông đã nhiều lần đi xe máy xuống tận các địa phương để bám sát tình hình, gần gũi với người dân, nghe được nhiều tâm tư nguyện vọng cụ thể của dân ...Việc làm của ông đã được nhiều tờ báo phản ảnh, nêu gương ...

Trong nhiều năm làm báo, tôi đã được chứng kiến nhiều cán bộ, chỉ là cấp phòng, cấp sở xuống địa phương công tác vẫn đi ô tô, họ xuống trụ sở ủy ban huyện hay xã, trống dong, cờ mở, nhân viên cấp dưới chạy ngược, chạy xuôi tiếp đón, rồi tiệc tùng “ dô dô”, rượu tràn cung mây!

Như thế thì gần dân, hiểu dân, lắng nghe nguyện vọng của dân sao được...

Bởi vậy, chủ trương khoán xe công rất được nhân dân ủng hộ. Nếu kiên trì, làm tốt, từng bước sẽ giảm được nhiều lãng phí tiền bạc cho dân, tạo điều kiện cho cán bộ gần dân hơn, từ đó mới hiểu được tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc hàng ngày của người dân, của đời sống xã hội...

xe công, khoán xe công, tài sản nhà nước, thanh lý xe công

Khoán xe công là một chủ trương đúng đắn, từng bước đưa cán bộ gần với dân, tạo ra sự bình đẳng, tạo ra thói quen tốt để người cán bộ dù ở cấp nào cũng là “ nô bộc” của dân chứ không đứng trên dân. Ảnh: VietNamNet

Theo thông tin trên báo chí, hiện nay cả nước có đến 4.000 xe công như vậy số lái xe chắc cũng có đến 4.000 người. Nếu khoán xe công, hàng năm sẽ tiết kiệm cho ngân sách một số tiền không nhỏ, và cũng sẽ giảm được ít nhất là 4000 người ăn lương trong biên chế nhà nước vốn đang ngày càng phình to.

Muốn giải quyết được vấn đề này không phải một sáng, một chiều là xong. Bởi vậy, cần có một lộ trình cụ thể, chính sách cụ thể, nhất quán, chứ không phải tùy theo từng nơi, từng địa phương muốn làm sao thì làm.

Phải nghiên cứu kỹ để có thể bắt đầu từ đâu, để các địa phương, ban ngành biết rõ đây là một chủ trương nhất quán của nhà nước, một chủ trương bắt buộc, bắt đầu thực hiện từ ngày tháng năm nào....Từ đó, việc hạn chế mua xe mới, tuyển lái xe. Việc còn lại là tìm cách giải quyết việc làm thỏa đáng cho 4000 lái xe, để 4000 xe công sẽ dùng vào việc gì, bán lại ra sao ...Tất cả phải được công khai, được giải quyết hợp tình, hợp lý, nếu không đây sẽ là một kẻ hở cho những tiêu cực có thể phát sinh như bán xe công rẻ cho những người quen, người nhà thu lợi bất  chính.

Theo VTV có nơi thanh lý xe công khi mua là 19 tỷ, giờ bán ra chỉ có trên 300 triệu, rồi thanh lý 1000 xe giá mỗi chiếc chỉ có 46 triệu, lại có tờ báo đưa tin thanh lý xe công như bán sắt vụn ...

Năm 2000 vợ chồng tôi muốn mua một cái ô tô cũ, đã tìm đến một cơ quan nhà nước khi biết nơi đó có thanh lý xe công, chúng tôi cũng tham gia đấu thầu, cũng có hội đồng thẩm định, thế nhưng vì không quan biết nên không mua được. Khi tôi đến hỏi sự tình họ nói đã bỏ thầu “ Đúng quy trình”. Sau đó tôi phải nhờ một người quen bỏ thầu nới khác mới mua được cái ô tô cũ ...

Lúc đó chưa có chủ trương khoán xe công, chưa có nhiều xe để thanh lý, mà bỏ thầu còn “đúng quy trình” như vậy, chứ như bây giờ có hàng ngàn xe thanh lý thì những tiêu cực chắc sẽ khó mà đoán định được. Chưa kể những quan chức vừa có tiền khoán xe công bỏ túi  (nghe nói thí điểm là 9,5 triêu đồng) mà nhiều xe công vẫn nằm đấy, khi quan chức cần cũng có thể đi và 4000 lái xe vẫn ăn lương ... Nếu vậy, một chủ trương đúng đắn sẽ lại rơi vài tình trạng “lợi bất cập hại” ...

Khoán xe công là một chủ trương đúng đắn, từng bước đưa cán bộ gần với dân, tạo ra sự bình đẳng, tạo ra thói quen tốt để người cán bộ dù ở cấp nào cũng là “ nô bộc” của dân chứ không đứng trên dân. Bởi, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh “ Dễ vạn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Tuy nhiên, khi một chính sách liên quan đến con người, đến quyền lợi của nhiều người với những thói quen khó bỏ đều cần có lộ trình để con người chuẩn bị tâm lý, cơ quan quản lý chuẩn bị các biện pháp quản lý có hiệu quả. Như vậy chủ trương, chính sách đó mới thành công, mới không gây ra việc thất thoát tài sản của nhà nước, của nhân dân.

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây