Hai cựu lãnh đạo ngành kiểm tra Đảng và bảo vệ PL kiến nghị: Cần hình sự hóa một số hành vi sai phạm trong công tác cán bộ

Thứ sáu - 14/04/2017 03:36
(PL News) -  “Quan hệ, hậu duệ, tiền tệ, trí tuệ” là một câu nói thường được xã hội mỉa mai mỗi khi nhắc đến vấn đề tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức thời gian qua. Thực tế, tiêu cực và sai phạm nghiêm trọng trong công tác điều chuyển, bổ nhiệm cán bộ đã và đang gây nhức nhối dư luận, gây ra không ít hệ lụy nghiêm trọng khó mà đong đếm được.
Ông Vũ Quốc Hùng (nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKTTƯ) trao đổi với Phóng viên Pháp lý
Ông Vũ Quốc Hùng (nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKTTƯ) trao đổi với Phóng viên Pháp lý

 

Một câu hỏi được đặt ra và cũng đã được nhiều chuyên gia pháp luật đề xuất đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền: “Có nên bổ sung vào Bộ luật Hình sự một số điều luật điều chỉnh hành vi sai phạm trong lĩnh vực tổ chức cán bộ để có căn cứ pháp lý xử lý thích đáng những cán bộ ban hành quyết định sai trái trong lĩnh vực nhạy cảm này?”.

Liên quan đến chủ đề này, Pháp lý đã có cuộc trao đổi với 2 cựu lãnh đạo: một người có kinh nghiệm trong công tác kiểm tra của Đảng (ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra T.W) và một người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực lập pháp và tư pháp (ông Vũ Đức Khiển – nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội).

Ông Vũ Quốc Hùng: Chế tài hành chính không đủ sức răn đe đối với những hành vi sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ

Hệ thống pháp luật đầy đủ, vậy tại sao tình trạng vi phạm, tiêu cực trong công tác tổ chức cán bộ vẫn diễn ra và ngày một nghiêm trọng hơn? Có phải do chế tài xử phạt những cán bộ có sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ còn nhẹ, xử phạt chiếu lệ, không làm nghiêm nên không có tác dụng cảnh báo, răn đe ? Đó là câu hỏi được rất nhiều người đặt ra. Phóng viên đã mang những bức xúc này của dư luận trao đổi với ông Vũ Quốc Hùng.

Phóng viên: Thưa ông Vũ Quốc Hùng, từ những sai phạm nghiêm trọng trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ thời gian vừa qua (đặc biệt là tại Bộ Công thương), ông có nhận xét gì về những hạn chế, yếu kém trong công tác tổ chức cán bộ của một số Bộ, Ban, Ngành, địa phương hiện nay?

Ông Vũ Quốc Hùng: Công tác tổ chức cán bộ hiện nay đang có rất nhiều vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Thật sự là trong tổ chức Đảng cũng như trong Bộ máy Nhà nước tồn tại một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức hoặc đảng viên không đáp ứng được các yêu cầu công việc, không có đủ năng lực, tư cách để thực thi công vụ của mình. Thế nhưng những người này vẫn “lọt” qua được các quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển được đánh giá là khá chặt chẽ, gắt gao nhưng dễ nhận thấy sự chặt chẽ, gắt gao ấy chỉ là hình thức.

Thực trạng này đã được chỉ ra tại nhiều văn bản và hội nghị nhưng gần đây nhất là Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 khóa XII. Theo đó, các biểu hiện tiêu cực cũng như các vi phạm nghiêm trọng trong công tác tổ chức cán bộ đã được chỉ rõ: Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội…Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.

Đồng thời, tham ô, tham nhũng; lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực cũng đã và đang tồn tại trong công tác tổ chức cán bộ, công chức, viên chức nước ta.

Phóng viên: Ông có thể cho biết những sai phạm chủ yếu trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ của người có chức vụ, quyền hạn?

Ông Vũ Quốc Hùng: Thời gian qua, dư luận thường nhắc đến từ “bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình” với thái độ mỉa mai, nhạo báng. Như vậy có thể thấy ở đây, những người có chức vụ, quyền hạn trong công tác tổ chức cán bộ họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để “hợp thức hóa” quy trình. Nói cách khác, “đúng quy trình” chỉ là hình thức. Ví dụ, bổ nhiệm một cán bộ cấp cao phải theo nguyên tắc tập thể, bỏ phiếu tín nhiệm. Việc bỏ phiếu có thể đúng quy trình nhưng thực ra đã có sự chỉ đạo ngầm, vận động ngầm và khống chế ngầm để hướng tới một cá nhân nhất định.

Một biểu hiện nữa là cố ý làm sai quy trình. Sai phạm này dễ thấy và dễ chứng minh hơn so với hành vi thao túng ngầm để hình thức hóa quy trình bổ nhiệm cán bộ nói trên. Có thể liên hệ ngay đến vụ việc xảy ra tại Bộ Công thương: Dưới thời ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng, Bộ Công thương đã bổ nhiệm sai quy định hàng loạt cán bộ, công chức, trong đó có vụ Trịnh Xuân Thanh. Từ những sai phạm về độ tuổi, trình độ lý luận rồi tuyển dụng không qua thi tuyển…Hoàn toàn sai quy trình. Vậy mà sau nhiều năm những sai phạm này mới được phát giác!

Phóng viên: Nguyên nhân của thực trạng trên là gì, thưa ông?

Ông Vũ Quốc Hùng: Có hai nguyên nhân chính dẫn đến những tồn tại, yếu kém trong công tác tổ chức cán bộ. Thứ nhất là nguyên nhân chủ quan, bản thân những cán bộ, đảng viên đó suy thoái về mặt đạo đức, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân.

Nguyên nhân thứ hai thuộc về sự quản lý của Đảng và Nhà nước trong đó có công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các hoạt động của cán bộ, đảng viên không đến nơi đến chốn, còn nể nang, chưa nghiêm khắc, chưa tương xứng với mức độ sai phạm.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, việc tuyển dụng, bổ nhiệm hay luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức không đúng quy định của pháp luật chỉ đem đến cho bộ máy Nhà nước những người chưa đạt tiêu chuẩn chứ chưa thể gây ra hậu quả gì nghiêm trọng. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

Ông Vũ Quốc Hùng: Nhận định như trên là phiến diện, là chưa có cái nhìn xa, rộng và chưa đánh giá đầy đủ mức độ nguy hiểm của các sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ.

Cần phải thấy rằng, tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển một cán bộ, công chức hay viên chức mà không đúng sẽ dẫn đến hai nhóm hậu quả. Hậu quả trực tiếp dễ nhìn thấy ngay, đúng như ý kiến mà phóng viên đề cập: Nhà nước sẽ phải “gánh” thêm những con người không đủ trình độ, tiêu chuẩn về năng lực và đạo đức.

Hậu quả gián tiếp mới là thứ nguy hiểm hơn và mức độ nguy hiểm của nó phụ thuộc vào từng lĩnh vực, cấp độ, cấp bậc được phân công. Bổ nhiệm một Bộ trưởng không chính xác thì sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ lĩnh vực mà Bộ ấy quản lý. Bổ nhiệm một cục trưởng, vụ trưởng lại liên quan đến một vài ngành, nghề hoặc nhóm công việc nhất định. Tóm lại, hậu quả này phải được đánh giá ở góc độ vĩ mô, tác động đến cả một lĩnh vực, ngành, nghề, từ phạm vi T.Ư cho đến địa phương…ảnh hưởng đến sự phát triển chung của kinh tế, văn hóa, xã hội, con người…

Bên cạnh đó, uy tín của Đảng, Nhà nước cũng sẽ bị giảm sút trong mắt nhân dân. Đó là thứ khó có thể đong đếm được.

Phóng viên: Khi chỉ ra nguyên nhân của những sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, ông có nhắc đến nguyên nhân thuộc về trách nhiệm quản lý, trách nhiệm pháp lý (cụ thể là vấn đề xử lý vi phạm). Xin ông phân tích thêm về các chế tài xử lý sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ hiện nay?

Ông Vũ Quốc Hùng: Chúng ta phải phân biệt rõ hai trường hợp: Những người là cán bộ đảng viên chỉ làm công tác đảng vụ đơn thuần thì khi có vi phạm Đảng sẽ xem xét và xử lý theo Điều lệ Đảng. Nhưng nếu cán bộ đồng thời là đảng viên và có tham gia chính quyền thì phải xử lý thêm về mặt pháp luật của Nhà nước: Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Bộ luật Hình sự…

Như vậy tôi thấy mọi biện pháp xử lý vi phạm đều có cả, từ Điều lệ Đảng đến xử phạt vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy tại sao tình trạng vi phạm, tiêu cực trong công tác cán bộ vẫn diễn ra và ngày một nghiêm trọng hơn? Câu hỏi này vừa khó và vừa dễ trả lời. Có lẽ do chế tài xử phạt những cán bộ có sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ còn nhẹ, xử phạt chiếu lệ, không làm nghiêm nên không có tác dụng cảnh báo, răn đe.

Phóng viên: Nghiên cứu các quy định pháp luật hiện hành, trường hợp nặng nhất nếu có sai phạm về công tác tổ chức cán bộ và chứng minh được tiêu cực (có hành vi nhận tiền để chạy chức, chạy quyền) thì mới có thể xử lý về tội Nhận hối lộ. Nhưng trên thực tế, để bắt quả tang nhận hối lộ lại vô cùng khó, thêm vào đó còn có nhiều vụ bổ nhiệm do “quan hệ”, “hậu duệ” hoặc đổi quan hệ này được quan hệ khác… nên rất hiếm và khó xử lý về tội Nhận hối lộ. Theo ông, đây có phải là “lỗ hổng”của pháp luật hiện hành liên quan đến việc xử lý những sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ hiện nay?

Ông Vũ Quốc Hùng: Theo tôi đó có thể chính là “lỗ hổng”, là sơ hở. Bởi rõ ràng, xử lý theo Điều lệ Đảng; theo Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức thậm chí là cả BLHS đều có cả nhưng vẫn không ăn thua. Hóa ra là chưa đủ, bởi BLHS vẫn còn quá ít các điều luật cụ thể hóa các hành vi phạm tội trong công tác tổ chức cán bộ. Thậm chí như phóng viên đề cập là chưa có một tội danh cụ thể nào trong lĩnh vực này.

Chế tài hành chính chưa đủ sức răn đe thì phải dùng đến chế tài hình sự. Có lẽ phải như vậy mới ngăn chặn được thực trạng mà tôi đã nêu ở trên.

Phóng viên: Trên thực tế, đã có khá nhiều diễn đàn, hội nghị của các chuyên gia pháp luật cho rằng cần thiết phải hình sự hóa những hành vi sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ. Ông đánh giá như thế nào về đề xuất này?

Ông Vũ Quốc Hùng: Rất hay! Hướng nghiên cứu và đề xuất này là cần thiết! Tuy nhiên, hình sự hóa như thế nào? Thêm các tội danh cụ thể gì? Cần sự vào cuộc của các nhà làm luật có đủ quyền hạn, chuyên môn và nghiệp vụ. Nhưng tôi đánh giá điều này là cần thiết và nên làm ngay!

Ông Vũ Đức Khiển: Cần bổ sung một số tội danh trong BLHS để trị những hành vi sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ

Với kinh nghiệm hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực pháp luật hình sự, ông Vũ Đức Khiển – nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề xuất: “Cần tách các hành vi nhận hối lộ trong công tác tổ chức cán bộ thành một tội danh riêng trong Bộ luật Hình sự. Đồng thời bổ sung một số tội danh cụ thể tương ứng với các hành vi vi phạm trong công tác tổ chức cán bộ.

Có như vậy mới lấp được “khoảng trống” để có căn cứ pháp luật xử lý hình sự các sai phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực này!”.

Phóng viên: Thưa ông Vũ Đức Khiển, cần lưu ý những điều gì nếu muốn hình sự hóa những hành vi sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ?

Ông Vũ Đức Khiển: Thông thường, một hành vi vi phạm pháp luật có tính nguy hiểm cao mới trở thành tội phạm. Một trong các yếu tố để đánh giá tính nguy hiểm này là ở hậu quả do hành vi phạm tội gây ra hoặc có thể gây ra. Trên thực tế, đánh giá hậu quả của hành vi sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ là rất khó. Nhưng điều này vẫn có thể thực hiện được nếu các nhà làm luật có quyết tâm. Bởi trong BLHS có không ít các tội danh mà hậu quả của nó mang tính định tính chứ không định lượng.

Điểm cần lưu ý thứ hai là phải phân định được trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể trong công tác tổ chức cán bộ. Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII cũng đã chỉ ra việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của người đứng đầu với tập thể, đơn vị hiện nay chưa rõ ràng. Đó chính là nguyên nhân làm cho việc xử lý hình sự các sai phạm trong công tác này rất khó khăn.

Nếu chúng ta nghiên cứu kỹ sẽ thấy, các nhà làm luật đang hoàn thiện BLHS theo hướng giảm bớt các tội danh chung chung, thay vào đó là các tội cụ thể trong từng lĩnh vực cụ thể. Như vậy vừa tạo thuận lợi cho các cơ quan áp dụng pháp luật trong việc chứng minh tội phạm, vừa góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm. Bởi khi một tội danh gắn với hành vi phạm tội cụ thể trong lĩnh vực cụ thể được xướng tên, sẽ có tác động mạnh mẽ vào ý thức con người hơn rất nhiều so với một tội danh chung chung. Tôi lấy ví dụ như BLHS 2015 đã bỏ tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Thay vào đó là 6 tội danh cụ thể trong mỗi lĩnh vực kinh tế riêng biệt.

Do đó, sẽ không chồng chéo nếu các nhà làm luật sử dụng chuyên môn và nghiệp vụ của mình để nghiên cứu, làm việc một cách nghiêm túc, khoa học.

Phóng viên: Công tác tổ chức cán bộ bao gồm rất nhiều nội dung từ tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, quản lý, bồi dưỡng, đào tạo, khen thưởng, kỷ luật…BLHS hiện hành được đánh giá là chưa bao quát được hết các hành vi phạm tội có thể xảy ra trong hoạt động này. Theo ông, nếu muốn hình sự hóa những hành vi sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, cần theo hướng nào để không có “khoảng trống” pháp luật khi xử lý các sai phạm?

Ông Vũ Đức Khiển: Đối với những tội danh sẵn có mà vẫn thường được sử dụng để truy cứu TNHS các hành vi phạm tội trong công tác tổ chức cán bộ như Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ thì trước hết phải giữ nguyên. Nhưng theo tôi, cần tách riêng hành vi nhận hối lộ trong công tác tổ chức cán bộ thành một tội danh riêng biệt; tách riêng hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong công tác tổ chức cán bộ cũng thành một tội danh riêng biệt.

Đối với những hành vi sai phạm khác trong công tác tổ chức cán bộ mà hiện nay BLHS chưa quy định, thì phải bổ sung bằng các tội mới, với các dấu hiệu đặc trưng. Tất nhiên các dấu hiệu định tội đặc trưng như thế nào cần phải nghiên cứu cho kỹ. Ở đây tôi chỉ nói hướng làm, cách làm mà thôi.

Phóng viên: Ông có thể gợi ý một vài tội danh cụ thể đối với những hành vi sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ?

Ông Vũ Đức Khiển: Ví dụ như tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn cố ý bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ sai quy định”, tội “Nhận hối lộ trong công tác tổ chức cán bộ”, tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thao túng trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ”…

Phóng viên: Câu hỏi cuối cùng, có ý kiến cho rằng nếu chặn được những sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ sẽ góp phần quan trọng đẩy lùi nguồn gốc tham nhũng. Xin ông cho biết ý kiến của mình?

Ông Vũ Đức Khiển: Nguồn gốc tham nhũng xuất phát từ những người có chức vụ, quyền hạn. Nếu ngăn chặn được các hành vi “chạy chức”, “chạy quyền”…thì cũng chính là ngăn chặn được tham nhũng từ phía người có chức vụ, quyền hạn trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ.

Tiếp đó, chúng ta sẽ ngăn được những người không đủ trình độ, phẩm chất “lọt” vào bộ máy chính quyền. Bởi những người thiếu tiêu chuẩn về trình độ, phẩm chất, đạo đức này rất dễ trở thành những “trùm” tham nhũng tương lai.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông Vũ Quốc Hùng và ông Vũ Đức Khiển đã dành thời gian trao đổi với Phóng viên Pháp lý và cảm ơn hai ông về những ý kiến góp ý hết sức quý báu cho công tác tổ chức cán bộ, công tác xây dựng pháp luật nói chung, pháp luật hình sự nói riêng.

Kết mở

Một trong những nhiệm vụ mà Ban Chấp hành T.Ư khóa XII đã đề ra sau Đại hội 4 đó là: Bên cạnh việc kiểm tra, rà soát, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm trong thực thi quyền lực, tổ chức cán bộ gây bức xúc dư luận thời gian qua; thì các cấp các ngành cần chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên đặc biệt trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ. Như vậy có thể nói, bổ sung và hoàn thiện các quy định của BLHS để điều chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm nghiêm trọng trong công tác tổ chức cán bộ là điều đáng được quan tâm, nghiên cứu và cần sự vào cuộc sớm của các cơ quan xây dựng pháp luật, bảo vệ pháp luật.

Tác giả bài viết: Lan Hương (thực hiện)

Nguồn tin: Pháp lý Online

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây