Trước đó, Triều Tiên khẳng định "sẵn sàng chiến tranh" sau khi Mỹ điều nhóm tác chiến do tàu sân bay Carl Vinson dẫn đầu, rời Singapore hôm 8/4 vừa qua và tiến về vùng biển gần bán đảo Triều Tiên.
Nhận định về khả năng xảy ra xung đột giữa Mỹ và Triều Tiên, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an cho rằng, có nhiều lý do khiến Mỹ phải cân nhắc và Washington sẽ "tự sát" nếu tấn công Bình Nhưỡng.
- Căng thẳng Mỹ - Triều Tiên đang có dấu hiệu gia tăng khi cả hai bên đều khẳng định sẵn sàng cho khả năng xảy ra xung đột, theo ông, điều này liệu có xảy ra?
Nói rõ hơn, nguyên nhân Mỹ đưa các chiến hạm đến bán đảo Triều Tiên là do Bình Nhưỡng liên tục có động thái thử tên lửa, hạt nhân.
Khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/2 vừa qua, Triều Tiên bắn một loạt tên lửa trong đó có nhiều quả rơi xuống khu vực đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Trump, Triều Tiên cũng tổ chức bắn thử tên lửa vào ngày 5/4. Do đó, ông Donald Trump điều một loạt chiến hạm, trong đó có cả tàu sân bay đến khu vực bán đảo Triều Tiên.
Điều này làm dấy lên mối lo ngại trong cộng đồng quốc tế về khả năng xảy ra xung đột trên biển hoặc trên không giữa Mỹ và Triều Tiên.
- Người ta cho rằng, không thể biết Tổng thống Donald Trump- với những quyết định luôn gây bất ngờ - sẽ ‘liều’ đến mức nào trong vấn đề này…
Có thể nói, giới "diều hâu" trong chính trường Mỹ đang rất sốt ruột.
Tháng 3 vừa qua, trong cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillersonkhẳng định, chính sách kiên nhẫn chiến lược của chính quyền Tổng thống Obama đã chấm dứt và cảnh báo về kịch bản xung đột quân sự nếu Bình Nhưỡng nâng cấp mối đe dọa từ các hoạt động phát triển vũ khí của họ.
Ngày 2/4, Ngoại trưởng Mỹ lại nói "mọi lựa chọn với Triều Tiên đã được đặt trên bàn", tức không loại trừ khả năng đánh phủ đầu, như vụ tấn công Syria ngày 6/4 vừa qua.
Cũng trong ngày 2/4, ông Donald Trump trả lời Financial Times của Anh với nội dung: "Trung Quốc có ảnh hưởng lớn tới Triều Tiên và Trung Quốc nên quyết định có giúp Mỹ đối phó với Triều Tiên hay không. Nếu có, điều đó rất tốt. Nếu không, chẳng bên nào có lợi".
Với những tuyên bố như vậy của giới chức Mỹ và Tổng thống Donald Trump cùng với việc điều nhóm tàu sân bay đến bán đảo Triều Tiên khiến nhiều người lo ngại về khả năng xung đột.
Tuy nhiên, theo tôi, mối lo ngại này sẽ không xảy ra.Ông Donald Trump là doanh nhân, nhưng bây giờ, có thể nói nếu có người cho ông ta 10 tỷ USD để tấn công Triều Tiên thì điều đó vẫn không xảy ra.
- Vì sao thưa ông?
Triều Tiên không phải Iraq năm 2003, Triều Tiên cũng không phải Syria hiện nay. Có thể nói, Triều Tiên có sức mạnh quân sự chỉ xếp sau nhóm Mỹ, Nga, Trung Quốc.
Chính quyền Mỹ cần bình tĩnh, không được hành động như con thiêu thân vì tấn công Triều Tiên là tự sát.
Thiếu tướng Lê Văn Cương
Trong khi đó, tại Hàn Quốc có 28.000 binh sỹ Mỹ, tại Nhật Bản con số này là hơn 40.000 và Triều Tiên sở hữu hơn 200 tên lửa có tầm bắn đến bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Chưa kể, nếu những cái đầu nóng ở Nhà Trắng và Lầu Năm Góc "bật đèn xanh" cho cuộc xung đột, dồn chính quyền Bình Nhưỡng vào chân tường thì ông Kim Jong-un hoàn toàn có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.
Nếu điều đó xảy ra, con số người chết sẽ là hàng chục triệu chứ không chỉ một triệu hay vài trăm nghìn.
Vì vậy, các chuyên gia ở Lầu Năm Góc và Nhà Trắng sẽ phải cân nhắc, không được "đùa với lửa".
Triều Tiên hoàn toàn khác Syria, trong khi đó, Mỹ tấn công Syria vẫn phải dè chừng phản ứng của Nga, hay thậm chí quá nửa số tên lửa được phóng đi không bắn trúng đích.
Vì vậy chính quyền Mỹ cần bình tĩnh, không được hành động như con thiêu thân vì tấn công Triều Tiên là tự sát.
Ngoài tiềm lực trong nước, quan hệ của Triều Tiên với Trung Quốc cũng khác Syria với Nga. Ông Trump chưa hiểu rõ được các vấn đề quan hệ quốc tế và cần nghiên cứu kỹ hơn về Trung Quốc, về Nga để đưa ra các quyết định sáng suốt.
- Thế còn việc Trung Quốc lại đưa 150.000 quân đến biên giới Triều Tiên khi căng thẳng Bình Nhưỡng - Washington có dấu hiệu leo thang thì sao ạ?
Đây là hành động làm theo phép của Trung Quốc, mục đích chính là ngăn chặn dòng người tị nạn Triều Tiên tràn qua biên giới trong trường hợp xảy ra xung đột.
Khi đó, sẽ không có "Kháng Mỹ viện Triều" lần hai, Trung Quốc sẽ áp dụng chính sách tọa sơn quan hổ đấu. Bắc Kinh sẽ không bao giờ nhảy vào canh bạc nguy hiểm này.
- Nói như vậy thì có nghĩa Bắc Kinh đã chuẩn bị cho kịch bản xung đột Mỹ - Triều?
Có thể nói đó là động thái thể hiện sự lo xa của Trung Quốc mặc dù có thể Bắc Kinh vẫn nhận định Washington không tấn công Bình Nhưỡng.
Bên cạnh đó, hoạt động đưa quân đến biên giới Triều Tiên, ngoài việc chuẩn bị cho kịch bản xấu còn mang nhiều ý đồ của người Trung Quốc.
Đây có thể xem là tín hiệu ngầm của ông Tập Cận Bình với ông Trump rằng không được gây xung đột với Triều Tiên. Ngoài ra, đây cũng là tín hiệu với ông Kim Jong-un rằng không được vượt qua giới hạn đỏ.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn tin: VTC News
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn