Giảm án tử còn 20 năm cho vợ bí thư đốt xác: Sai luật

Thứ bảy - 04/03/2017 00:19
TAND Tối cao quyết định giảm án từ tử hình xuống 20 năm tù cho vợ cựu bí thư xã đốt xác Lê Thị Hường là sai luật. Theo luật, chỉ có thể giảm xuống chung thân.
Giảm án tử còn 20 năm cho vợ bí thư đốt xác: Sai luật

 

Bà Lê Thị Hường sau phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Trùng Khánh

Như đã phản ánh, ngày 17-1, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã nhận được quyết định của TAND Tối cao về việc chuyển hình phạt với bị án Lê Thị Hường từ tử hình xuống 20 năm tù. Ông Nguyễn Văn Hiến, Chánh án TAND tỉnh này, cho biết sẽ ban hành quyết định thi hành án 20 năm tù đối với bị án Hường và được chuyển từ khu vực giam giữ các bị án tử hình sang khu vực khác.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp luật khẳng định việc chuyển hình phạt này là sai luật.

LS Hồ Ngọc Diệp, Đoàn Luật sư TP.HCM: Chuyển hình phạt sai luật, sai thẩm quyền

Trong quyết định chuyển hình phạt, chánh án TAND Tối cao đã căn cứ vào khoản 3 Điều 7, khoản 3 Điều 57 BLHS 2015 và điểm a khoản 4 Điều 1 Nghị quyết 144 ngày 29-6-2016 của Quốc hội (QH) về việc lùi hiệu lực thi hành của BLHS 2015 quy định thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội… để chuyển hình phạt cho bị án Hường.

Thế nhưng khoản 3 Điều 7 BLHS 2015 quy định: Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.

Điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 109/2015 của QH (về việc thi hành BLHS 2015) đã cụ thể hóa đối tượng áp dụng theo nội dung quy định tại khoản 3 Điều 7 BLHS 2015 vừa nêu trên như sau: Các điều khoản của BLHS 2015 xóa bỏ một tội phạm, xóa bỏ một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định hình phạt nhẹ hơn… thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2016 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích…

Như vậy, trong trường hợp này, bản án xét xử đối với bị án Hường đã có hiệu lực pháp luật và hiện nay bà Hường chỉ có đơn gửi đến Chủ tịch nước để xin ân giảm chứ không thuộc trường hợp “đang bị điều tra, truy tố, xét xử” hay “đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt” theo quy định nêu trên. Vì vậy, không thể áp dụng khoản 3 Điều 7 BLHS 2015 cũng như điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 109/2015 về việc thi hành BLHS 2015 để chuyển hình phạt tử hình đối với bị án Hường xuống 20 năm tù theo quy định tại khoản 3 Điều 57 BLHS năm 2015.

Ngoài ra, theo tinh thần quy định tại Nghị quyết 109/2015 thì thẩm quyền của chánh án TAND Tối cao trong việc xem xét giảm hình phạt khi áp dụng luật mới chỉ được quy định tại hai điểm b và c khoản 2 Điều 1 của nghị quyết. Và cả hai quy định này đều thuộc trường hợp chuyển từ hình phạt tử hình sang chung thân. Ngoài ra, không có quy định nào về thẩm quyền của chánh án TAND Tối cao trong việc chuyển hình phạt từ tử hình sang tù có thời hạn đối với bị án trong quá trình áp dụng BLHS 2015 nói chung.

Vì vậy, thiết nghĩ TAND Tối cao cần xem xét lại việc chuyển hình phạt từ tử hình sang 20 năm tù đối với bị án Lê Thị Hường, nhằm đảm bảo việc áp dụng đúng các quy định của pháp luật theo tinh thần hướng dẫn tại Nghị quyết 109/2015 của QH về việc thi hành BLHS 2015.

TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự, ĐH Luật TP.HCM: Hai cách khắc phục cái sai

Thứ nhất, cơ sở mà chánh án TAND Tối cao áp dụng quy định khoan hồng của BLHS 2015 đối với hành vi phạm tội của bị án Hường là đúng. Căn cứ pháp lý là điểm a khoản 4 Điều 1 Nghị quyết 144/2016 của QH về việc lùi hiệu lực thi hành của BLHS 2015. Ngoài ra, khoản 3 Điều 57 BLHS 2015 quy định mức hình phạt đối với trường hợp phạm tội chưa đạt tối đa là 20 năm tù (nếu mức cao nhất của khung hình phạt là chung thân hoặc tử hình). Quy định trên thể hiện sự khoan hồng hơn khoản 3 Điều 52 BLHS 1999 (có thể quyết định chung thân hoặc tử hình đối với trường hợp phạm tội chưa đạt).

Thứ hai, về thủ tục áp dụng quy định khoan hồng với bị án Hường, bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật và bà Hường chỉ có đơn gửi Chủ tịch nước để xin ân giảm. Do đó, đây không thuộc trường hợp “đang bị điều tra, truy tố, xét xử” hay “đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt”. Vì thế, không thể áp dụng khoản 3 Điều 7 BLHS 2015 hoặc điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 109/2015 của QH về thi hành BLHS.

Thủ tục đối với trường hợp này được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 109/2015. Nhưng theo quy định trên thì chánh án TAND Tối cao chỉ được phép chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân, chứ không được chuyển từ tử hình xuống 20 năm tù. Mặc dù biết rằng quy định này là không hợp lý, không phù hợp với sự khoan hồng của BLHS 2015 nhưng nghị quyết của QH có giá trị như luật nên chánh án TAND Tối cao bắt buộc phải tuân theo khi xét khoan hồng cho bà Hường. Đây là yêu cầu của nguyên tắc pháp chế.

Thứ ba, hướng khắc phục thế nào? Hiện nay bà Hường chỉ có đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm án tử hình nên có thể có hai cách khắc phục cho đúng pháp luật, đồng thời vẫn đảm bảo sự khoan hồng của BLHS 2015.

Cách thứ nhất là giảm án từng bước. Cụ thể là chánh án TAND Tối cao chuyển hình phạt từ tử hình xuống thành tù chung thân cho đúng điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 109/2015. Khi bà Hường chấp hành tù chung thân thì sẽ giảm án xuống 20 năm theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 109/2015.

Cách thứ hai là chánh án TAND Tối cao (hoặc viện trưởng VKSND Tối cao) ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm để Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hủy bản án này, sau đó xét xử lại. Hiện vẫn còn thời hạn kháng nghị. Hai cách này tuy hơi phức tạp (nhất là cách thứ hai) nhưng đúng luật, đảm bảo sự khoan hồng của BLHS 2015.

Vụ án từng gây rúng động dư luận

Tháng 5-2012, bà Lê Thị Hường chở bà Hà đến nhà mình chơi và nhờ bà ra vườn đóng cầu dao điện để bơm nước. Một lúc sau, bà Hường đến chỗ cầu dao điện thì thấy bà Hà đã chết. Sợ bị liên lụy, bà Hường đưa xác bà Hà đi đốt, lấy chiếc lắc vàng và ĐTDĐ của bà Hà mang bán…

Tháng 12-2014, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên phạt bà Hường năm năm tù về tội xâm phạm thi thể, mồ mả.

Trước đó, bà Hường cũng đã bị TAND tỉnh này phạt tử hình về tội giết hai vợ chồng chủ nợ nhưng bất thành (phạm tội chưa đạt).

Cụ thể, đầu năm 2013, bà Hường hẹn vợ chồng chủ nợ đến nhà mình để giải quyết nợ nần. Tại đây, bà Hường nói là chờ chồng mình (khi đó là bí thư Đảng ủy xã Kim Long) về nói chuyện. Sau đó, bà Hường dùng dao rựa tấn công làm người chồng bị thương tật gần 80%, người vợ gần 30%.

 

Tác giả bài viết: Theo Thanh Tùng (Pháp luật TP.HCM)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây