Những ngày qua, chiến dịch đòi lại vỉa hè cho dân của Quận 1 TP HCM thực sự thu hút sự chú ý của dư luận cả nước. Phó Chủ tịch Quận 1 – ông Đoàn Ngọc Hải là người kiên quyết, mạnh mẽ trong việc xử lý các vi phạm lấn chiếm vỉa hè. Với tốc độ và thái độ giải quyết công việc của ông Hải, nhiều người hy vọng, Quận 1 sẽ trở thành một Singapore trong lòng TP HCM. Tuy nhiên, việc làm của lãnh đạo quận 1 cũng đang gây nhiều tranh cãi rằng đúng luật hay không?
Xử phạt người vi phạm |
Trong phiên họp Chính phủ ngày 1/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự ủng hộ với những việc mà TP HCM đang làm. Còn tại họp báo Chính phủ, báo chí đặt câu hỏi việc phá dỡ, cưỡng chế các công trình sai phạm lấn chiếm vỉa hè có vi phạm luật pháp, bởi theo qui định là phải có thông báo bằng văn bản rồi mới được cưỡng chế? Bộ trưởng – Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã thẳng thắn nói rằng, việc này không phải bây giờ mới làm mà chúng ta làm nhiều năm, ngay cả TPHCM làm quyết liệt từ năm 2011, nhưng làm xong, các lực lượng chức năng rút thì lại tái lấn chiếm. Việc này đã được các cấp chính quyền các địa phương thường xuyên ra quân, tuyên truyền, giải tỏa nhưng không thành chứ không phải bây giờ mới làm, không phải bây giờ mới áp dụng xử lý vi phạm hành chính.
Chiến dịch đòi lại vỉa hè lẽ ra đã không xảy ra nếu từ trước tới nay, các đơn vị, cá nhân ở cơ sở thực hiện nghiêm túc các qui định về trật tự xây dựng đô thị. Trong cả một quãng thời gian dài, chính quyền cơ sở buông lỏng, thậm chí xuê xoa, bao che cho người dân vi phạm. Nhiều người lo ngại có lợi ích nhóm khi để vi phạm lấn chiếm vỉa hè tràn lan, nhưng trong số đó không ít trường hợp chỉ là xuê xoa cho nhau, chỉ vì tình làm nghĩa xóm, chỗ quen biết do va chạm hàng ngày…
Vỉa hè, vốn lâu nay là nơi bán hàng, mưu sinh của rất nhiều người, trong đó người khó khăn thực sự và cả những người giàu “nứt đố đổ vách”. Buôn bán trên vỉa hè cũng đã tạo cho biết bao nhiêu người thói quen xấu gặp đâu cũng là chợ, ngồi đâu cũng là nhà hàng. Bao thứ rắc rối cứ dắt díu nhau tràn ra vỉa hè để giải quyết những nhu cầu, thói quen bừa bãi của người dân.
Một đô thị hiện đại, văn minh không thể có cảnh buôn bán nhếch nhác, không có kỷ cương, quy củ… Việc này chúng ta đã nhìn thấy từ lâu, có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thi hành nhưng ra quân rầm rộ bao lần mọi việc lại “vẫn y nguyên”. Dẹp những vi phạm lấn chiếm vỉa hè giống như việc “bắt cóc bỏ đĩa”. Vì đâu câu chuyện vỉa hè thành “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” mà không tìm được lời giải hiệu quả? Một phần không nhỏ là từ sự buông lỏng của chính quyền cơ sở. Việc thực thi pháp luật không đến nơi đến chốn đã dẫn đến tình trạng này.
Ngay sự quyết tâm của Phó Chủ tịch Quận 1 Đoàn Ngọc Hải cũng đang vấp phải không ít khó khăn khi mà ông phải nhượng bộ lắp lại bốt gác cho Ngân hàng Nhà nước và thậm chí có những người cố tình ngáng trở, kêu rằng ông đang làm trái luật. Trong quyết tâm của quận 1 vẫn phải có “ngoại lệ”. Dẹp vi phạm của dân sao lại có ngoại lệ cho cơ quan Nhà nước?
Dân kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, người đi bộ cũng cần vỉa hè. Vỉa hè dành cho người đi bộ chứ không phải chỗ để bán hàng, trông giữ xe… Vỉa hè gắn với quyền lợi của rất nhiều người và chính quyền cơ sở phải là người đứng giữa để hài hòa các lợi ích đó bằng các công cụ quản lý, chế tài xử phạt. Để xảy ra sự luộm thuộm trên các vỉa hè, tuyến phố như hôm nay có lỗi không nhỏ từ chính quyền cơ sở./.
Nguồn tin: Theo vov.vn:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn