Cụ thể hóa hành vi sai phạm...
Đánh giá về 4 điều được quy định tại Dự thảo quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban chấp hành Trung ương... ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKTTƯ cho biết, ông ủng hộ cao với tất cả những nội dung, nội hàm được thể hiện trong Dự thảo lần này.
Đó đều là những nội dung rất thỏa đáng, rất cần thiết trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay.
Dự thảo nêu gương cán bộ giúp nhận diện cán bộ mắc tham nhũng dễ dàng hơn. Ảnh minh họa |
Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKTTƯ, những điều quy định trong Dự thảo thật ra không mới và đã được dư luận bóng gió, các cơ quan chức năng nhiều lần đề cập, tuy nhiên, quy định cụ thể, chi tiết bằng văn bản thì đây là lần đầu tiên được đề xuất.
Vì thế, câu chuyện không còn là nêu vấn đề dể tranh luận, thảo luận nữa mà là làm thế nào để các quy định trên được thực thi và đi vào trong cuộc sống?.
"Ai sai phải xử lý, quan điểm từ xưa tới nay vẫn vậy, không có gì thay đổi. Đạn đã lên nòng, phải bắn thôi", ông Vũ Quốc Hùng nói.
Phân tích cụ thể từng điểm, ông Hùng đánh giá cao nội dung quy định tại Điều 3 quy định nghiêm cấm cán bộ cấp cao có các hành vi tiêu cực, tham nhũng, tham vọng quyền lực, lạm quyền, lộng quyền; “lợi ích nhóm”; tham nhũng, hối lộ; chạy chức, chạy quyền; thông đồng, thoả hiệp, tạo cơ chế “xin-cho”, “duyệt cấp”; chống can thiệp không đúng thẩm quyền vào công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án...
Ông Hùng nhấn mạnh, đó là những hành vi một cán bộ, đảng viên bình thường cũng không được phép mắc phải.
Đặc biệt là các hành vi lợi dụng doanh nghiệp, liên kết lập sân sau, lợi ích nhóm, sử dụng tiền, tài sản của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân làm giàu bất chính, vụ lợi như mua đất, xây nhà, cho người dân du học, đi công tác, du lịch nước ngoài, chơi golf, tiêu dùng xa xỉ...
"Tất cả đều là những hành vi đã được nhận diện từ thực tế, thậm chí, Ủy ban KTTƯ khóa X còn có hẳn một đề tài nghiên cứu về mối quan hệ giữa các lãnh đạo cấp cao với các doanh nghiệp sân sau của mình.
Như thế để nói, hiện tượng lợi dụng chính sách để móc nối, liên kết, thông đồng với danh nghiệp để trục lợi là những hành vi có biểu hiện cụ thể, khá phổ biến được tổng kết từ thực tiễn, không xuất phát từ cảm tính, từ lời đồn nữa.
Điển hình như trường hợp của Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Anh, Vũ Nhôm, Út trọc... đó là những vụ việc điển hình, là những ví dụ rất đau xót, rất phiền lòng được phản ánh và đã được đưa ra xét xử rồi.
Quy định của Dự thảo lần này là cụ thể hóa thêm những biểu hiện sai phạm, cụ thể haa những hành vi sai phạm nhằm giúp cán bộ, nhân dân có điều kiện đánh giá, phát hiện những cán bộ suy thoái, biến chất, có sai phạm để kịp thời xử lý.
Tôi mong với quy định trên, các cán bộ lãnh đạo cấp cao sẽ lấy đó làm tiêu chí để tự soi, tự điều chỉnh hành vi của mình. Ai đã dính chàm thì phải sửa đi", ông Hùng chia sẻ.
Ông Hùng cũng cho rằng, cùng với việc cụ thể hóa những biểu hiện sai phạm cũng sẽ giúp việc đánh giá, quy trách nhiệm cho từng cán bộ, lãnh đạo sẽ dễ dàng hơn.
Chính vì thế, tại Dự thảo cũng chỉ rõ đối với từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương phải chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín hoặc để xảy ra sai phạm.
"Tôi không đặt kỳ vọng sẽ có kết quả ngay nhưng tôi tin những quy định trên sẽ từng bước giúp chúng ta thanh lọc bộ máy, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên... Tất cả phải có thời gian", ông Hùng chỉ rõ.
|
Để sai phạm phải dè chừng, sợ hãi
Về quy định cán bộ cấp cao phải chống việc bố, mẹ đẻ, bố, mẹ vợ (chồng), con, anh chị em ruột của bản thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình can thiệp, thao túng các công việc của địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp như công tác cán bộ, xin dự án, cấp đất, đấu thầu mua cổ phần... ; sống xa hoa, phô trương, ngạo mạn, coi thường pháp luật, sa vào các tệ nạn xã hội; đầu tư tài chính, mua bất động sản ở nước ngoài... nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKTTƯ cũng cho rằng được tổng kết từ thực tiễn.
Theo ông Hùng, qua các vụ việc đã xảy ra cho thấy có nhiều trường hợp đã chuyển thành công tài sản tham nhũng, tài sản có được từ vi phạm của mình sang cho con cái, vợ chồng, anh chị em... bằng các thủ đoạn, mánh khóe tinh vi. Ngay tại các kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu cũng chỉ rõ nhiều "cậu ấm, cô chiêu" vừa nứt mất cũng tài sản cả dự án BĐS hàng ngàn tỉ hay những biệt thự xa hoa...
"Quy định này nhằm kiểm soát tài sản của cán bộ cấp cao, tránh để lọt tài sản của nhà nước.
Những quy định sẽ giúp các hành vi vi phạm phải e dè, dè chừng hơn, các cơ quan quản lý cũng giám sát tốt hơn", ông Hùng lưu ý.
Theo ông Hùng, để các mục tiêu trên đạt được hiệu quả thì trước hết phải phát huy được tính dân chủ, công khai, minh bạch. Đây là giải pháp quan trọng giúp người dân, dư luận và cả xã hội đều có điều kiện theo dõi, giám sát, đánh giá.
"Chỉ cần phát huy mạnh mẽ tính công khai, dân chủ thì ai cũng biết tài sản của cán bộ từ đâu mà có? Cán bộ giàu nhờ làm kinh tế, đi buôn hay nuôi lợn, chăn gà...? Đến lúc đó, cái nhà của cán bộ từ đâu mà có? Cán bộ làm gì mà có nhà to, đất rộng, tiền nhiều? cũng sẽ có ngay câu trả lời", ông Vũ Quốc Hùng chỉ rõ.
Nguồn tin: baodatviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn