Đòi nợ thuê lộng hành, người dân bất an

Chủ nhật - 07/10/2018 23:55
Hoạt động đòi nợ thuê diễn biến ngày càng phức tạp. Những kẻ đòi nợ thuê đe dọa, khủng bố tinh thần, hành hung con nợ đòi tiền nhưng cơ quan chức năng khó xử lý người chủ mưu, núp bóng…
Đòi nợ thuê lộng hành, người dân bất an

 

 
Đòi nợ thuê lộng hành, người dân bất an

TIN LIÊN QUAN


Thời gian qua, nhiều người dân vay lãi nặng đã bị các đối tượng xã hội đe dọa, khủng bố tinh thần, hành hung để buộc trả nợ, không ít trường hợp phải cấn nợ bằng nhà, đất… để được bình yên.

Đe dọa, khủng bố,  gây sức ép để lấy nhà

Trước đây, tại TP.HCM, vụ đòi nợ tại số nhà 255 Nguyễn Thiện Thuật (phường 1, quận 3) gây xôn xao dư luận một thời gian dài bắt nguồn từ việc người chồng ăn chơi thiếu nợ rồi bỏ trốn nên chủ nợ thuê dân anh chị tới bắt người vợ giao nhà.

Căn nhà này nhiều lần bị tạt mắm tôm bẩn, chất thối, xăng... Nhiều ngày liên tục xuất hiện những người đàn ông to con, đầu cạo trọc, xăm trổ, mặc áo đen, đi xe máy gọi điện thoại, tới đập cửa yêu cầu chủ nhà mở cửa nói chuyện. Có hôm nhóm người này còn thuê thợ tới phá khóa để vào nhà. Có bữa họ mang ghế bố đến nằm, ăn uống ngay trước cửa nhà. Rồi sau một đêm “khủng bố” con nợ, họ đã đạt được thỏa thuận sẽ được nhận căn nhà này trong vòng 10 ngày sau khi đưa lại cho con nợ ít tiền.

Vụ khác, gần 20 năm sống trong căn nhà trên đường Cao Thắng (phường 3, quận 3), bà Huỳnh Thị Ánh Hồng cũng bị đuổi ra khỏi nhà bởi số nợ 200 triệu đồng.

Bà Hồng khẳng định có người làm giả giấy ủy quyền để bán nhà của bà. Bà đã làm đơn gửi Công an TP.HCM và TAND quận 1. Tuy nhiên, khi tòa đang thụ lý thì xảy ra chuyện: Chiều 14-12-2017, nghe hàng xóm báo tin có nhóm người lạ vào nhà chở nhiều tài sản đi, bà và con gái chạy về. Khi đó trên lầu có hai thanh niên lạ mặt, đầu trọc, mình xăm trổ, cầm búa đe dọa buộc bà và con gái phải rời khỏi nhà. “Tôi nói nhà này của tôi, tôi không mua bán gì hết, dù có chết tôi cũng phải chết trong nhà mình. Mấy người đó bỏ xuống lầu dưới, tưởng đã êm, ai dè khoảng tiếng sau họ quay lại tiếp tục đuổi chúng tôi ra ngoài. Tôi không chịu, họ cúp điện rồi khiêng con gái tôi xuống lầu. Tôi thì bị đẩy ngã xuống cầu thang ngất xỉu. Người quen của tôi tới ứng cứu cũng bị đánh bay vào tiệm sửa xe” - bà Hồng kể.

Đòi nợ thuê lộng hành, người dân bất an - ảnh 1
Nhiều người đàn ông xăm trổ tới yêu cầu chủ nhà trên đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3) mở cửa “nói chuyện”. Ảnh: NT

Đòi nợ thuê lộng hành, người dân bất an - ảnh 2
Người quen của bà Huỳnh Thị Ánh Hồng bị nhóm đòi nợ thuê đánh bị thương. Ảnh: NT


Hành hung nạn nhân ép trả nợ

Không riêng ở TP.HCM, tại nhiều nơi khác, hoạt động đòi nợ thuê cũng diễn biến phức tạp, làm người dân bất an.

Tại Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ từng phải yêu cầu: Tội phạm liên quan đến cá độ, đòi nợ thuê, tín dụng đen... hành xử theo kiểu băng nhóm là vấn đề nóng của TP, cần phải diệt trừ thì người dân mới yên.

Trước đó, cho rằng anh Cầm (ngụ phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) thua cá độ bóng đá không trả, chiều 27-7-2016, một nhóm đòi nợ thuê vờ gọi điện thoại nói anh Cầm đến nhà làm biển quảng cáo. Anh Cầm vừa đến đã bị nhóm này dùng hung khí đánh đập, buộc phải viết giấy nợ 188 triệu đồng. Sau đó, nhóm này đưa anh Cầm lên ô tô chở ra khu vực đèo Hải Vân rồi bắt anh gọi cho vợ nói phải thanh toán ngay 100 triệu đồng. Lo sợ, vợ anh Cầm đã giao 90 triệu đồng. Nhóm này tiếp tục ép anh Cầm viết giấy xác nhận số tiền nợ còn lại và yêu cầu ba ngày sau phải trả.

Sau đó, nhóm đòi nợ thuê chở anh Cầm sang thị trấn Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế) rồi thả anh xuống. Về đến Đà Nẵng, anh Cầm phải nhập viện cấp cứu để điều trị các vết thương. Đến tối 1-8, khi nhóm anh chị đến lấy số tiền còn lại thì bị Công an quận Thanh Khê bắt. Từ lời khai của các đối tượng, công an đã tiếp tục bắt giữ những kẻ khác trong băng nhóm này.

Tương tự, tối 14-6-2018, bà LTG (ngụ phường Mỹ Quí, TP Long Xuyên, An Giang) đã đến công an phường trình báo việc bị một nhóm người đi xe của một công ty đòi nợ đến đòi nợ. Nhóm này chửi bới, hăm dọa và đánh bà bị thương.

Khi Công an TP Long Xuyên mời về trụ sở làm việc, nhóm đòi nợ không chấp hành mà còn chống đối. Qua kiểm tra, công an phát hiện trên ô tô của nhóm này có chứa dao, mã tấu, bình xịt hơi cay, cây chích điện...

Làm việc, nhóm này thừa nhận việc đi đòi nợ thuê nhưng chối việc đánh bà G. Công an TP Long Xuyên đã đưa một người vào trung tâm cai nghiện vì test dương tính với ma túy, đưa một người vào trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh, xử phạt hành chính một người về hành vi đánh nhau. Sau đó, UBND TP Long Xuyên cũng xử phạt hành chính 15 triệu đồng/người đối với giám đốc và một nhân viên công ty này về hành vi tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ trái phép.

Tại Cần Thơ, ngày 15-1-2008, anh Lưu Thanh Hùng (ngụ quận Ninh Kiều) viết giấy vay 14 triệu đồng từ một người chuyên cho vay góp, mỗi ngày đóng lãi 280.000 đồng (khoảng 60%/tháng), khi nào trả đủ tiền vay gốc một lần thì hợp đồng chấm dứt. Đến tháng 3, anh Hùng mất khả năng đóng lãi nên lánh mặt. Sáng 8-5, anh bị Ngô Doãn Thuần bắt gặp và đánh đòi nợ.

Làm việc với công an, Thuần khai làm thuê và đi thu tiền góp cho Nguyễn Chí Trung từ tháng 12-2017. Qua làm việc, Trung khai nhận đã cho nhiều người vay tiền từ tháng 6-2015 đến khi bị phát hiện. CQĐT xác định có 44 người vay với tổng số tiền là 361 triệu đồng. Công an đã mời những người vay đến làm việc và xác định có 10 người vay tiền của Trung với lãi suất cao 30%-60%.

Công an quận Ninh Kiều đã phạt hành chính Thuần 2,5 triệu đồng về hành vi xâm phạm sức khỏe của người khác, khởi tố Thuần và Trung về tội cho vay lãi nặng. Mới đây, TAND quận Ninh Kiều đã xử sơ thẩm, phạt Trung hai năm cải tạo không giam giữ, Thuần một năm cải tạo không giam giữ về tội danh trên, đồng thời phạt bổ sung Trung 80 triệu đồng, Thuần 40 triệu đồng.

Chưa cấm được thì phải siết

Tôi cho rằng việc cấm đòi nợ thuê trong ngày một ngày hai rất khó, bước đầu tiên cần làm là siết chặt hoạt động của doanh nghiệp (DN) kinh doanh hoạt động dịch vụ này. Siết chặt bằng quy định về trang phục nhân viên, quy định rõ những hành vi nào bị cấm...

Về thực trạng, có hai vấn đề đặt ra: Một là nhiều người dân dễ dàng ủy quyền cho người khác (thường là nhân viên ngân hàng để được vay nhiều hơn) rồi cuối cùng mất nhà lúc nào không hay. Hai là thực trạng cho vay nóng diễn ra rầm rộ hiện nay, khi các quảng cáo “Alo là có tiền”, “Không cần thế chấp tài sản, chỉ cần phôtô CMND, hộ khẩu” dán khắp nơi. Mà ai lỡ vay rồi thì khó mà trả dứt. Đây là một trong những nguyên do khiến hoạt động đòi nợ thuê ngày càng phát triển.

Về thực tế xử lý có nhiều khó khăn như DN đòi nợ thuê khủng bố về mặt tinh thần nhưng khủng bố tinh thần thì lấy gì mà đo? Hoặc nhà đã bán, dân anh chị được chủ nhà mới ủy quyền đến trông coi. Công an không thể can thiệp tranh chấp dân sự, chỉ có thể đến đảm bảo an ninh trật tự và can thiệp khi có hành vi gây rối an ninh trật tự...

Một lãnh đạo công an quận ở TP.HCM

Không cấm, chỉ cần xử nghiêm

Pháp luật hiện hành đã có ràng buộc một số điều kiện đối với ngành nghề kinh doanh này. Chẳng hạn vốn pháp định của DN đòi nợ phải là 2 tỉ đồng, người đại diện theo pháp luật phải có trình độ cử nhân luật và có đăng ký hộ khẩu tại nơi đặt trụ sở năm năm trở lên; nhân viên không có tiền án, có trình độ trung cấp... Các cơ quan chức năng có đầy đủ quyền năng và công cụ pháp lý để xử lý các DN đòi nợ nếu có hành vi đòi nợ trái pháp luật. Các hình thức chế tài đối với từng hành vi vi phạm cụ thể đã rất đầy đủ, nhẹ thì hành chính, nặng thì hình sự.

Theo quan điểm của tôi với tư cách là một giám đốc điều hành công ty đòi nợ và đồng thời cũng là một luật sư thì không nên cấm dịch vụ đòi nợ. Bởi lẽ hiện nay chủ nợ muốn đi đòi nợ chỉ có hai cách: Thứ nhất là khởi kiện ra tòa. Cách này ưu điểm là chi phí thấp nhưng tốn kém thời gian, công sức và thực tế nhiều chủ nợ chỉ thắng kiện trên giấy vì con nợ đã tẩu tán hết tài sản. Thứ hai là ký hợp đồng ủy quyền đòi nợ cho các DN đòi nợ. Cách này nhược điểm là chi phí cao nhưng ưu điểm là nhanh và khả năng thu hồi nợ rất tốt nếu con nợ thực sự còn tài sản.

Tôi đề nghị cần có nghiên cứu khoa học, đồng bộ, có các hội thảo chuyên ngành... để trên cơ sở đó Nhà nước có chính sách pháp luật điều chỉnh hoạt động này tốt nhất.

Luật sư PHƯƠNG NGỌC DŨNG,
 Giám đốc điều hành một DN đòi nợ

Giám sát, có chế tài mạnh nếu vi phạm

Dịch vụ đòi nợ thuê biến tướng phức tạp nhưng không thể cứ khó quản thì cấm bởi theo tôi, dịch vụ này là nhu cầu tất yếu của xã hội, phát sinh trong quan hệ dân sự vay nợ-trả nợ.

Hoạt động đòi nợ thuê đã được điều chỉnh bởi Nghị định 104/2007, Nghị định 96/2016 của Chính phủ. Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ là bước thụt lùi trong công tác quản lý. Bởi có cấm thì việc đòi nợ vẫn tồn tại và mọi người sẽ lấy tư cách đại diện cá nhân để đi đòi, lúc đó Nhà nước khó quản lý hơn. Do vậy, thay vì cấm cơ quan chức năng nên tập trung quản lý, giám sát chặt chẽ, có những chế tài mạnh đối với hành vi gây mất trật tự, xâm phạm tài sản, sức khỏe, tính mạng người khác liên quan đến công việc đòi nợ…

Luật sư NGUYỄN VĂN HỒNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

Bổ sung quy định

Tôi đề nghị bổ sung các quy định để quản lý như nhân viên DN đòi nợ thuê phải mặc đồng phục. Để tránh tình trạng tụ tập băng nhóm gây mất an ninh trật tự thì cần quy định tối đa số người mỗi lần tham gia đòi nợ. DN phải thông báo danh sách được cử đi đòi nợ cho công an địa phương nơi diễn ra vụ đòi nợ. Việc đòi nợ phải đúng với hợp đồng ủy quyền đòi nợ. Không được đòi nợ kiểu bắc cầu như đòi người thân của con nợ, gây xáo trộn cuộc sống sinh hoạt của người dân...

Luật sư NGuYỄN VĂN HOÀNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây