Đơn cầu cứu của Chủ tịch tỉnh và dòng sông 'chảy máu'

Chủ nhật - 19/03/2017 19:58
(PL News) - Chuyện Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh gửi đơn cầu cứu Thủ tướng vì bị nhắn tin đe dọa có lẽ là câu chuyện hy hữu, thu hút sự chú ý của dư luận những ngày qua.
  Đơn cầu cứu của Chủ tịch tỉnh và dòng sông 'chảy máu'
 

Câu chuyện cho thấy có một thế giới ngầm đang rút ruột tài nguyên, làm những dòng sông chảy máu, làm mất đi tính tôn nghiêm của kỷ cương phép nước.

Những con sông ở vùng Kinh Bắc từ nghìn năm nay vốn yên ả, nay đã dậy sóng ngầm.

chủ tịch tỉnh bị đe dọa, chủ tịch tỉnh Bắc Ninh, hút cát, cát tặc, Huệ Anh
Tàu hút cát tấp nập ngày đêm trên sông Cầu những ngày đầu tháng 3

Sự việc bắt đầu từ khi UBND tỉnh Bắc Ninh gửi công văn kêu cứu Thủ tướng trước thông tin các đối tượng đứng sau "bảo kê", đe dọa cán bộ, lãnh đạo sở, ngành và người đứng đầu chính quyền tỉnh này, liên quan đến dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu.

Đúng là chuyện chưa có tiền lệ. Xã hội đen đe dọa người này người kia xưa nay thời nào cũng có, nhưng đe dọa đến Chủ tịch tỉnh thì chắc đây là lần đầu. Hoặc giả nếu có, thì cũng chưa bao giờ được công khai.

Dư luận cảm thấy bị sốc bởi câu chuyện mới nghe không bình thường chút nào. Khi người đứng đầu cơ quan hành pháp một tỉnh mà phải bất lực, đi “cầu cứu” Thủ tướng thì rõ ràng, những lời đe dọa này cũng không thể xem thường. Bất lực vì xã hội đen, hay bất lực vì một “thế giới ngầm” nào đó ẩn dưới hai chữ “dự án”.

Vì sao một dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, đúng ra phải được tính toán kỹ các yếu tố về kỹ thuật, kinh tế và pháp luật; phải được giám sát chặt chẽ, chấn chỉnh ngay nếu đơn vị thực hiện không làm đúng cam kết. Sao đến nỗi tỉnh phải kêu cứu thì Bộ GT-VT mới chỉ đạo dừng nạo vét.

Khi người đứng đầu một tỉnh phải kêu cứu Thủ tướng vì bị xã hội đen đe dọa thì rõ ràng, chuyện đã không còn bình thường trong một xã hội có pháp luật.

“Đáng suy ngẫm”, bởi nếu lời đe dọa ông Chủ tịch tỉnh mà được dàn xếp êm xuôi, dù đó là do khiếp sợ thực sự, hay là một cách thỏa hiệp có điều kiện, một cú bắt tay giữa cơ quan công quyền với một thế giới ngầm nào đó được ngụy trang dưới lớp vỏ bọc “dự án” được nhà nước cấp phép thì hẳn, mọi người sẽ không bao giờ biết được đâu mới là đường đi thực sự của cát sông Cầu, đâu mới là lợi ích thực sự của các dự án cải tạo luồng lạch đường thủy nội địa. Và khi đó, tiếng kêu cứu của những người nông dân mất đất, những phận người sống bên bờ sạt lở chắc sẽ mãi mãi chìm khuất phía sau tiếng ì ầm của những con tàu hút cát ngày đêm đục khoét lòng sông.

Cả nước hiện có 108 dự án nạo vét luồng đường thuỷ theo hình thức xã hội hoá tận thu sản phẩm. Trong đó, 32 dự án đã thu hồi xong, 55 dự án đang triển khai, 21 dự án đã phê duyệt hồ sơ đề xuất, chấp thuận chủ trương, có 506 mỏ cát được cấp giấy phép. Nhưng nếu như Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã nói tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cuối tuần qua về các dự án nạo vét luồng lạch rằng: “Chỉ cát chở đi, còn bùn, rác để lại” thì đây quả là một vấn đề rất đáng lo ngại trước tình trạng nhiều con sông bị rút ruột không thương tiếc, gây sạt lở nghiêm trọng hiện nay.

Điều đáng nói là lời đe dọa Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh lại xảy ra không lâu sau phát biểu của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp chấn chỉnh tình trạng khai thác cát lậu ở các địa phương mới đây rằng: “Đằng sau hoạt động của các đối tượng khai thác cát trái phép có bóng dáng của tội phạm có tổ chức, xã hội đen”. Điều đó càng cho thấy mức độ phức tạp trong công tác chống nạn khai thác cát sỏi trái phép và quyết tâm của Chính phủ, của Thủ tướng đang một số đối tượng bị cản trở, thậm chí là chống đối.

Thế lực nào đang “chống lưng” cho những con tàu hút trộm cát lộng hành? Bởi có một thực tế là ở đâu có sông, ở đó có trộm cát. Điều người dân mong mỏi là bộ mặt thật của những “tập đoàn lợi ích” này phải được bóc gỡ.

Trong khi ở nhiều nơi chính quyền địa phương gần như bị vô hiệu trước những đoàn tàu hút cát tái phép thì người dân phải tự phát giữ cát, giữ đất sản xuất khỏi bị dòng sông nuốt chửng bằng cách riêng của mình. 

Suy cho cùng, kẻ trộm cát hay người giữ cát đều vì miếng cơm manh áo. Chỉ những ông chủ thực sự đứng phía sau mới được lợi mà thôi.

Những dòng sông của đất nước đang thấm vị mặn của mồ hôi, và trong chừng mực nào đó còn có cả vị mặn của máu. Máu của sông đang âm thầm chảy mà dường như chưa có phương thuốc nào cầm được.

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây