Vụ việc Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa: Cần lấp những lỗ hổng luật pháp

Thứ bảy - 18/03/2017 10:45
(PL News) - Từ vụ việc Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, cần "nâng tầm" xây dựng chính sách, pháp luật để người có chức, có quyền không lợi dụng nó mưu lợi cá nhân.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa. (Ảnh: Vietnam+)
Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa. (Ảnh: Vietnam+)
 
 

Dù Bộ Công thương đã khẳng định, hàng chục triệu cổ phiếu cùng nhiều tài sản có giá trị khác của bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương là có từ trước khi được bổ nhiệm chức danh Thứ trưởng và hàng năm vẫn kê khai, nhưng dư luận không khỏi nghi ngờ về nguồn gốc, sự hình thành khối tài sản mà bà Thoa đang nắm giữ, sở hữu.

Lần nữa, câu chuyện một số quan chức, người đang đương chức, người đã nghỉ hưu sở hữu khối tài sản “khủng” không còn là chuyện lạ, chuyện hiếm. Lần nữa, lộ ra những lỗ hổng lớn trong công tác kiểm soát thu nhập, tài sản của những người có chức, có quyền. Và cũng lần nữa cho thấy còn nhiều vấn đề đặt ra cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Vụ việc Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa: Cần lấp những lỗ hổng luật pháp - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa. (Ảnh: Vietnam+)

Không phải bỗng dưng dư luận xôn xao, nghi ngờ trước khối tài sản lớn của một số quan chức. Bởi, những siêu xe, những biệt thự, nhà đất, tiền bạc, trị giá hàng tỷ, chục tỷ, thậm chí là hàng trăm tỷ đồng không thể hình thành trong ngày một, ngày hai; không thể là một sớm, một chiều.

Bởi, với những người làm công ăn lương Nhà nước thì cho dù chức vụ cao đến đâu, lương nhiều cỡ nào cũng không thể sở hữu khối tài sản mà chỉ những doanh nhân làm ăn lớn mới có được.

Vậy thì tài sản ấy từ đâu mà có? Phải chăng nó là kết quả của những cái “bắt tay quyền lực” để lũng đoạn chính sách? Phải chăng nó được hình thành từ những cái “sân sau” của cán bộ lãnh đạo? Phải chăng nó còn là hệ quả của việc hiện nay chúng ta chưa kiểm soát được quyền lực, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn?

Ai cũng biết có quyền dễ có tiền, nhất là quyền lực lại vào tay những cán bộ được dựng nên bằng “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ”. Họ lạm dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng chính sách để tư lợi, để câu kết, “bắt tay” với nhau thành những mắt xích, đường dây, thành những nhóm lợi ích.

Vì thế, dù chúng ta đã nêu quyết tâm nhưng vẫn chưa kiểm soát được quyền lực; chưa “dùng quyền lực để chế ngự được quyền lực”; chưa có đủ những chế định pháp luật buộc quyền lực vào trong “lồng quy chế”. Và vòng quay “quyền lực – tiền bạc” cũng từ đó mà phát sinh. Đó là một lỗ hổng của pháp luật.

Nếu như nói hệ thống pháp luật chưa chạm đến những mối quan hệ, những vấn đề “nhạy cảm” đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thì không hẳn; nhưng đã đầy đủ, hiệu quả chưa thì rõ ràng là chưa.

Vì thế, không tránh khỏi tranh cãi, nêu quan điểm khác nhau khi nảy sinh những vấn đề phức tạp liên quan đến cán bộ lãnh đạo. Đơn cử như trường hợp của Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa.

Dù không tin hàng chục triệu cổ phiếu trị giá hàng trăm tỷ đồng ấy là tài sản từ nguồn thu nhập kinh doanh chính đáng, nhưng cũng chưa thể chứng minh được nó là bất hợp pháp. Đó cũng lại là một lỗ hổng của luật pháp.

Cán bộ khi được đề bạt, bổ nhiệm giữ vị trí lãnh đạo, chủ chốt, theo quy định là phải kê khai tài sản. Nhưng nguồn gốc tài sản ra sao thì không được xác minh. Chỉ khi nào có vấn đề, có khiếu kiện mới được xem xét tới.

Việc kê khai lại chỉ căn cứ vào sự trung thực, tự giác của người kê khai, không được công khai hoặc công khai một cách hình thức. Nó là gì nếu không phải là một lỗ hổng để một số cán bộ lãnh đạo thoái hóa, biến chất lợi dụng?

Câu chuyện lùm xùm về khối tài sản “khủng” của bà Hồ Thị Kim Thoa chắc chưa là đoạn kết của danh sách cán bộ lãnh đạo cấp cao có liên quan đến vấn đề tài sản. Bởi có một thực tế, việc xử lý chưa thực sự quyết liệt.

Ví như dư luận đã từng sôi sục trước dinh cơ đồ sộ của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô; ví như công trình trị giá hàng trăm tỷ đồng của con trai nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Bùi Thanh Quyến; ví như ngôi biệt thự hơn 1.000 m2 của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Trong đó có loại tài sản được gắn vào tên người nọ, người kia, vào tên người thân của cán bộ lãnh đạo.

Vậy nên, dư luận đòi hỏi cần làm sao để không còn thực trạng cán bộ lãnh đạo “bỗng nhiên” giàu có; biến tài sản bất minh thành hợp pháp; làm sao để người dân tin tưởng vào kết quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Đảng, Chính phủ đã và đang kiên quyết loại bỏ những quan chức có cơ hội tham nhũng. Vì thế, cùng với những giải pháp khác thì phải “nâng tầm” xây dựng chính sách, pháp luật để nó vừa bao quát nhưng cũng vừa cụ thể, chặt chẽ, đảm bảo tính khả thi; để người thực hành chính sách, pháp luật, người có chức, có quyền không thể lợi dụng nó mưu lợi cá nhân.

Điều cần nữa là phải giải quyết, xử lý tận gốc vấn đề; quyết liệt tới tận cùng sự việc, công khai, minh bạch trước pháp luật, trước người dân, để người dân được tham gia giám sát cán bộ, đảng viên. Có thế mới không còn lỗ hổng cho những kẻ cơ hội, tham nhũng lợi dụng đục khoét tiền của Nhà nước, của nhân dân; đục khoét niềm tin của dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng.

Nguồn tin: VOV 

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây