"Đổi mới giáo dục và món nợ với cha ông"

Thứ hai - 13/03/2017 09:31
(PL News) - Nếu không có cách làm tốt hoặc né tránh bản chất của vấn đề thì sẽ không thay đổi được. Làm một hồi, vất vả và tốn kém, nhưng cuối cùng thì vẫn như cũ.
"Đổi mới giáo dục và món nợ với cha ông"

 

LTS: Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam loạt bài viết của ông góp ý cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Hôm nay, Ban Biên tập Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin trân trọng gửi đến quý bạn đọc bài viết đầu tiên và trân trọng cảm ơn ông.

Văn phong cũng như nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Tiêu đề bài viết do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đặt.

Đối với nước ta hiện nay, phát triển là mục tiêu quan trọng nhất. Mà không chỉ hiện nay, đây là câu chuyện vẫn còn nợ của mấy ngàn năm lịch sử. 

Món nợ với cha ông

Ông cha ta rất anh hùng trong đấu tranh giữ nước. Với một hoàn cảnh lịch sử hết sức khó khăn như vậy, phải đương đầu với các thế lực xâm lăng mạnh hơn ta rất nhiều lần, nhưng cha ông đã đủ bản lĩnh và mưu trí, giữ vững nền độc lập cho dân tộc và cơ bản toàn vẹn lãnh thổ non sông. 

Thật sự đáng tự hào về truyền thống ấy.

Nhưng mặt khác, cho đến nay, qua mấy ngàn năm lịch sử, với thời gian hòa bình xây dựng vẫn nhiều hơn gấp bội so với thời gian chiến tranh, người Việt Nam ta vốn cần cù lao động chăm chỉ và hiếu học, có nhiều người học giỏi và thông minh, nhưng đến nay vẫn tụt hậu, chưa thành một dân tộc và quốc gia phát triển. 

Không phát triển thì độc lập dân tộc đã giành được bằng rất nhiều công sức và máu xương sẽ không giữ được và Chủ nghĩa xã hội cũng không bao giờ có thể đạt tới trên thực tế. 

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, ảnh do tác giả cung cấp.

Đối với sự phát triển của một quốc gia, thì trước tiên và quan trọng nhất là sự phát triển của con người - từng con người, những con người, và cả một dân tộc. 

Khi có một cộng đồng phát triển thì đất nước tất yếu cũng sẽ phát triển, vì đất nước là sản phẩm của con người, con người sẽ tạo ra đất nước như thế này hoặc thế kia. 

Để dân tộc và đất nước có thể phát triển bền vững, việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà là việc quan trọng số một, không gì bằng.

Khi nói đổi mới giáo dục là quan trọng nhất, chắc sẽ có ý kiến chưa đồng tình. 

Có người sẽ nói kinh tế còn quan trọng hơn, kinh tế là trung tâm, vật chất quyết định ý thức, phải “có thực mới vực được đạo”, hoặc chính trị quan trọng hơn nữa, đó là “then chốt”, hoặc văn hóa mới là quan trọng nhất, vì đó là “nền tảng”. 

Ý kiến nào cũng có những lý lẽ hùng hồn.

Đều đáng lắng nghe cả.

Lắng nghe và suy ngẫm. 

Tuy nhiên, đổi mới giáo dục mới là quan trọng nhất.

Bởi lẽ, chính công việc ấy, chứ không phải cái gì khác, nếu làm tốt thì sau một thời gian, không phải dài lắm, nó có thể tạo ra một dân tộc Việt Nam “mới” ở tầm cao hơn hẳn hôm nay, kể cả phẩm chất và năng lực. 

Còn mọi việc về xây dựng một nền kinh tế phát triển cao, một nền văn hóa giàu tính nhân văn, một chế độ xã hội tốt đẹp, một cách quản trị quốc gia thông minh nhất, một hệ thống chính trị trong sạch, không tham nhũng…cũng đều quan trọng cả, chẳng có cái nào là không quan trọng.

Nhưng tất cả những việc quan trọng ấy đều do những con người (với đẳng cấp cao hơn) giải quyết, đều là sản phẩm của con người, của một dân tộc ở tầm cao mới ấy.

Những bất cập trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 29/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục

Việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà đã chính thức có chủ trương cách đây ba năm với một nghị quyết của Trung ương khóa XI - Nghị quyết 29. 

Nghị quyết ấy được nhiều người, kể cả các chuyên gia trong nước và chuyên gia nước ngoài (như nhóm các nhà khoa học Đức…) đánh giá cao, cho rằng nó có nhiều nội dung rất tiến bộ, phù hợp thời đại. 

Theo tôi, nội dung khoa học của Nghị quyết tuy chưa phải đã đạt yêu cầu tốt nhất đối với tất cả mọi vấn đề, khi thời gian đi qua, sẽ có những nội dung phải thay đổi, nhưng riêng linh hồn của nó-giá trị cốt lõi của Nghị quyết ấy thì sẽ sống lâu dài với thời gian, như một dấu mốc tiến bộ trong tư duy.

Nhưng không phải ra Nghị quyết là xong. Quan trọng hơn là thực hiện Nghị quyết ấy như thế nào. 

Rất tiếc là, cho đến nay, việc triển khai thực hiện Nghị quyết có nhiều việc chưa đạt yêu cầu. 

Việc tổ chức nghiên cứu và thảo luận sâu thêm để nhận thức thật rõ yêu cầu chính yếu của công cuộc đổi mới, trên cơ sở đó mà tiếp tục đề ra những giải pháp cụ thể và tổ chức thực hiện một cách tích cực, có bài bản, chúng ta chưa quan tâm đúng mức và thực hiện chưa đạt yêu cầu. 

Cho đến nay, bốn năm rồi, vẫn chưa có một đề án tổng thể về chuyên môn, trong khi đó đã thực hiện một số việc cụ thể. 

Cứ cho rằng khẩn trương làm một số việc cụ thể ấy là cần thiết và tích cực đi, nhưng rất tiếc là đối với các công việc đã triển khai thì có việc đi xuôi, có việc đi ngược, hoặc nửa vời, hoặc hình thức, không thực chất và không vững chắc. 

Vừa đi xuôi vừa đi ngược thì cũng có nghĩa là có biểu hiện chệch choạc, chưa nhất quán, nắm không chắc vấn đề (xin sẽ trình bày rõ hơn trong các vấn đề cụ thể sau). 

Đổi mới nền giáo dục là công việc hết sức hệ trọng và cần thiết hiện nay, kể cả cấp bách nữa, đồng thời cũng là công việc khó bậc nhất. Nếu không đủ tâm huyết thì sẽ không làm được. 

Nói chung nó chỉ đem lại lợi ích cho người học, cho phụ huynh và cho xã hội, chứ không trực tiếp tạo ra thu nhập đối với những người làm công việc quản trị (thậm chí nhiều việc còn bị giảm thu nhập so với kiểu quản lý hiện nay). 

Vì thế, nó không có “động lực” vật chất cho những người trực tiếp tổ chức thực hiện Nghị quyết. Đòi hỏi phải rất thiện tâm đối với công việc. 

Nó là việc khó, đòi hỏi phải sâu và có kiến thức tổng hợp, nên rất cần được thảo luận kỹ, thảo luận một cách công khai và phải có một “bộ lọc” tốt, biết cách lắng nghe và lựa chọn phương án tốt nhất. 

Nếu không có cách làm tốt hoặc né tránh bản chất của vấn đề thì sẽ không thay đổi được. Làm một hồi, vất vả và tốn kém, nhưng cuối cùng thì vẫn như cũ. Lại một lần nữa đánh mất cơ hội phát triển của dân tộc.

Các nhà lãnh đạo và quản lý cấp trung ương thì bận quá, không giành thời gian thỏa đáng cho công cuộc đổi mới giáo dục này, dù rằng đây là việc lớn và quan trọng nhất như tôi hiểu, trong khi đó thì nhiều cuộc khởi công và khánh thành công trình này, công trình kia, dự án này, dự án khác cũng được nhiều đồng chí quan tâm đến dự. 

Trong Nghị quyết có nói đến việc phải có một Ủy ban Quốc gia về đổi mới giáo dục. Đó là việc rất cần. Cần một ủy ban tâm huyết với giáo dục và làm việc thật nghiêm túc.

Vì rằng, sẽ phải giải quyết nhiều việc có tính chất liên ngành mà một Bộ không giải quyết nổi, ngay cả đối với Chính phủ cũng có việc sẽ bị vượt thẩm quyền mà phải xin ý kiến Quốc hội, có việc còn liên quan đến bên Đảng nữa.

Ủy ban ấy đã được thành lập mấy năm rồi, nhưng nhìn chung hầu như không có hoạt động gì. Có họp vài lần theo kiểu hành chính, nêu tên một số công việc, vậy thôi. 

Nếu không hoạt động tích cực và làm việc theo kiểu hành chính như vậy thì cũng chẳng cần cái Ủy ban ấy. 

Các nhóm chuyên gia thì nhìn chung, trong một thời gian dài, không hoạt động, mặc dù công việc này rất cần họ hoạt động thường xuyên với cường độ cao trong một thời gian nhất định. 

Hơn hai mươi năm trước, Hàn Quốc đã tiến hành cải cách giáo dục, lúc ấy họ lập ra một ủy ban do Tổng thống làm chủ tịch và huy động 800 nhà khoa học trực tiếp tham gia. 

Ngày nay có công nghệ thông tin để giúp cho việc thảo luận, ta không nhất thiết phải huy động nhiều như thế, nhưng cũng không thể là ít, càng không thể không có, đây là việc lớn và khó. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan tham mưu chính cũng còn tỏ ra rất lúng túng. 

Bản thân ngành giáo dục chưa thấy có tổng công trình sư về khoa học giáo dục, mỗi người một vài lĩnh vực, một số vấn đề, mới nhìn theo góc độ cụ thể nào đó thì thấy đúng, nhưng khi khớp nối vào trong tổng thể thì không ít ý kiến mâu thuẫn nhau.

Trong khi đó, các chuyên gia cũng không được tổ chức lại để thảo luận, mỗi người nói một khía cạnh, nhiều ý kiến khác nhau không được trao đổi đến cùng, trong đó không ít ý kiến theo kiểu kinh nghiệm của giáo dục chưa đổi mới.

Những việc quan trọng chưa làm được để thực hiện Nghị quyết 29

Xin điểm lại một số việc quan trọng để thấy rõ hơn tình hình. 

Trước nhất, điểm lại việc đổi mới chương trình. Chương trình tổng thể và chương trình cho từng cấp, từng môn học. Trong đó có việc đổi mới về mục tiêu, chuyển mạnh từ nền giáo dục chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục xây dựng nhân cách, phát triển năng lực. 

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng (bên trái) trò chuyện với nhà báo Đào Ngọc Tước, Phó Tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tại nhà riêng, ảnh Hồng Thủy.

Ban đầu có chỉ đạo thực hiện khá tích cực, được một thời gian sau đó thì “đắp chiếu” nằm yên.

Người thì nói không có kinh phí, người khác lại cho biết là Bộ Tài chính đã có dự kiến bố trí ngân sách nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì chờ đợi vốn vay. 

Gần đây, sau khi có ý kiến tích cực từ phía Quốc hội yêu cầu phải triển khai theo kế hoạch đã dự kiến thì công việc mới khởi động trở lại.

Được biết chương trình tổng thể mới gần xong dự thảo ban đầu để đưa ra thảo luận, còn chương trình môn học thì còn rất nhiều vấn đề, hầu như chưa đi được bước nào đáng kể. 

Việc tự chủ đại học có bàn một ít, rồi cũng dừng ở đó, gần đây Chính phủ có khởi động lại. Tự do học thuật hầu như chưa đụng đến, còn né tránh, có phần ngại đụng đến những vấn đề nhạy cảm. 

Vấn đề liên thông và phân luồng là một chủ trương quan trọng vẫn chưa có giải pháp gì mới. Hệ thống giáo dục mở và thực học hầu như chưa có tiến triển gì, thậm chí có việc còn đi ngược, cắt khúc hệ thống ra, trở ngại hơn đối với liên thông và phân luồng. 

Chính sách thúc đẩy khu vực ngoài công lập, nhất là đối với loại trường phi lợi nhuận, chưa có cải tiến gì, vẫn theo cái cách làm cho nó không thể ra đời được, hoặc nếu đã ra đời thì trước sau gì cũng “chết”.

Đổi mới sư phạm nhìn chung chưa chuyển động, mà cũng phải thôi, vì chương trình mới chưa có.

Mặc dù cũng có thể ghi nhận đây đó, cơ sở này cơ sở kia, đã có một số chuyển động ban đầu về đổi mới cách dạy, cách học, nhưng nhìn chung còn rất ít và chủ yếu là tự phát. 

Chính sách và cách phân bổ tài chính đối với giáo dục chưa có gì tiến bộ đáng nói. 

Một số trường đại học đã có những cố gắng rất đáng khích lệ và rất cần tạo điều kiện, kể cả trợ giúp. Họ đã tự làm một cách tâm huyết và vất vả, trong điều kiện chỉ đạo từ trên không thật tích cực và không rõ ràng.

Đấy, tình hình theo chỗ tôi nắm được là như vậy. Việc làm được rất “khiêm tốn”, ít ỏi, vẫn đang còn trong lùng bùng, có đi xuôi và có đi ngược, chưa rõ lối. 

Nếu tôi nói như vậy là không đúng thực tế thì đáng mừng! Nhưng tiếc rằng, tôi cũng đã theo dõi, cố gắng tìm kiếm, nhưng vẫn chưa thấy được những kết quả nhiều hơn, mặc dù luôn mong muốn như vậy.

Tác giả bài viết: TIẾN SĨ VŨ NGỌC HOÀNG

Nguồn tin: Theo Giaoduc.net.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây