Trao đổi với VietNamNet xung quanh việc triển khai thực hiện các kết luận thanh tra về việc bổ nhiệm lãnh đạo tại Thanh tra CP, quyền Chánh thanh tra Bộ Nội vụ Nguyễn Hữu Tuấn cho biết việc thực hiện các kiến nghị của thanh tra sau khi có kết luận cần có thời gian để xử lý.
Khắc phục phải chờ kỳ sau
Ông Tuấn giải thích, các nội dung thanh tra chuyên ngành nội vụ không như lĩnh vực kinh tế có thể khắc phục được ngay mà phải theo quy trình và có thời gian.
“Tùy từng loại, từng vụ việc cụ thể, ví dụ như tuyển dụng phải chờ đến kỳ tuyển dụng khác thì mới khắc phục được. Tất nhiên nếu việc nào khắc phục ngay được thì vẫn phải làm ngay, còn cái gì không làm ngay được thì phải có thời gian”, ông Tuấn nói.
Quyền Chánh thanh tra Bộ Nội vụ dẫn chứng thêm việc tuyển dụng thường các đơn vị thông báo không đúng thời hạn, muốn khắc phục phải chờ kỳ sau, còn kỳ này (trong giai đoạn thanh tra) đằng nào cũng làm rồi nên họ chỉ rút kinh nghiệm và xử lý.
Tháng 11/2014, ông Huỳnh Phong Tranh được báo chí truy hỏi về việc bổ nhiệm ồ ạt cũng như các thông tin liên quan đến khối tài sản của người tiền nhiệm - ông Trần Văn Truyền |
Người ký bổ nhiệm chịu trách nhiệm chính
Về kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý của TTCP giai đoạn đoạn từ 1/1/2015 - 30/6/2016, Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Tổng TTCP chỉ đạo kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện trình tự điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại để khắc phục. Đồng thời thực hiện đúng quy định trong thời gian tiếp theo.
Thanh tra Bộ Nội vụ cũng kiến nghị TTCP không thực hiện việc bổ nhiệm (bao gồm điều động ngang cấp) tại các đơn vị đã có đủ số lượng cấp phó theo quy định.
Ông Tuấn cho biết, từ kiến nghị của Thanh tra Bộ Nội vụ, TTCP sẽ phải thực hiện theo thẩm quyền. Cụ thể, Tổng TTCP nhiệm kỳ này sẽ đứng ra chỉ đạo việc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Khi Tổng TTCP đã có chỉ đạo kiểm điểm, rút kinh nghiệm, nếu có liên quan đến Tổng TTCP nhiệm kỳ trước thì sẽ xem xét mức độ để quy trách nhiệm.
“Nếu nói về quy trình thủ tục thì đơn vị tham mưu là chính, còn nói về người thiếu điều kiện, tiêu chuẩn mà được bổ nhiệm thì người ký quyết định bổ nhiệm phải chịu trách nhiệm chính”, ông Tuấn cho hay.
Ông cũng lưu ý đồng thời cũng phải xem xét cả vấn đề liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu.
“Bình thường bao giờ cũng phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu. Nhưng trường hợp người đứng đầu đã về hưu pháp luật chưa quy định rõ ràng cho nên khó chỗ đấy”, quyền Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ nói.
Ông Tuấn cũng cho biết, có nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định để gỡ khó những trường hợp như vậy.
Theo kết luận của Thanh tra Bộ Nội vụ, trong vòng 1,5 năm cuối nhiệm kỳ, nguyên Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh đã quyết định bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với 48 trường hợp.
Ngoài ra, TTCP còn điều động bổ nhiệm ngang cấp 9 trường hợp, bổ nhiệm lại 21 trường hợp, kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu 4 trường hợp.
Trong các trường hợp này, có 1 quyết định điều động, bổ nhiệm không ghi thời hạn giữ chức vụ, 3 trường hợp ban hành quyết định bổ nhiệm lại chậm so với quy định. Ngoài ra, có 2 trường hợp được điều động, bổ nhiệm ngang cấp tại 2 đơn vị vượt quá số lượng cấp phó so với quy định.
Tác giả bài viết: Nguyên Phương
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn