Tội phạm tham nhũng, chức vụ gia tăng: Nhìn từ khoảng trống pháp lý trong kiểm soát quyền lực mềm (?)

Thứ năm - 27/10/2022 00:13
(Phản biện) – Liên quan đến tội phạm tham nhũng có thể nói thời gian qua, cùng với tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, Đảng và Nhà nước đã quyết liệt xử lý và xử lý rất mạnh thế nhưng trong báo cáo gần đây nhất của Chính phủ, tội phạm tham nhũng vẫn gia tăng và diễn biến phức tạp. Phải chăng pháp luật vẫn còn có độ chùng, chưa đủ sức răn đe ? Bài viết của Luật gia Vũ Lê Minh sẽ góp thêm một góc nhìn về khoảng trống pháp lý trong kiểm soát quyền lực mềm cần được khắc phục ?
Liên quan đến vụ án ở Công ty Việt Á, đến nay Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Công an các địa phương đã khởi tố hơn 95 bị can. Trong số này, nhiều người là cán bộ cấp Vụ, Cục thuộc các Bộ, ngành, lãnh đạo CDC, Sở Y tế của các địa phương.
Liên quan đến vụ án ở Công ty Việt Á, đến nay Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Công an các địa phương đã khởi tố hơn 95 bị can. Trong số này, nhiều người là cán bộ cấp Vụ, Cục thuộc các Bộ, ngành, lãnh đạo CDC, Sở Y tế của các địa phương.
Còn đó khoảng trống trong kiểm soát quyền lực mềm

1. Đặc trưng điển hình của tội phạm tham nhũng, chức vụ là sử dụng quyền lực mềm (Soft Power). Nghĩa là không dùng quyền lực hay công cụ để cưỡng bức, ép buộc mà là dùng khả năng đạt được những mục đích của mình thông qua việc gây ảnh hưởng khiến người khác tự nguyện làm theo những gì mình mong muốn. Đến thời điểm này, việc kiểm soát quyền lực mềm được điều chỉnh bỡi Hiến pháp và pháp luật: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, thông qua chế định trong Hiến pháp, các văn bản luật và Điều lệ Đảng; các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của các tổ chức chính trị - xã hội...

Đến nay, Đảng đã ban hành nhiều văn bản quy định về kiểm soát quyền lực nhà nước, như: Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về những điều đảng viên không được làm; Kết luận số 12-KL/TW ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Kết luận số 34-KL/TW ngày 18/4/2022 của Bộ Chính trị về Chiến lược kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030…

Các văn bản trên đã tạo cơ sở chính trị rất quan trọng để từng bước kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên vẫn chưa đủ lực để xuyên thủng quyền lực mềm. Nguyên nhân là do những nội dung điều chỉnh trong các văn bản của Đảng và pháp luật của Nhà nước rất khó vươn tới ngưỡng có thể làm thay đổi bản chất của quyền lực mềm. Không cần phải bút phê trực tiếp vào các tờ trình (để lại bằng chứng) như bị can Tất Thành Cang – cựu Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, trong vụ bán rẻ 2 dự án Khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè), Khu dân cư Ven Sông (quận 7), TP. HCM. Một cú điện thoại có nội dung chỉ đạo không đi thẳng vào nội dung, một cái nháy mắt trong chủ trì cuộc họp, hay thậm chí không cần diễn đạt bằng lời… để lại bằng chứng, nhưng cấp dưới vẫn có hiểu được ý sếp muốn gì, trước khi truyền đạt đến “đối tác”. Trong khi đó nếu không “bôi trơn”, “đi đêm”… là đồng nghĩa với doanh nghiệp đánh mất cơ hội trúng thầu hay chỉ định thầu dự án. Thậm chí không cần làm trái pháp luật, sắp xếp “quân xanh, quân đỏ” hay thông đồng xây dựng hồ sơ mời thầu; chỉ cần người đại diện pháp luật của chủ đầu tư để “ngâm tôm” việc ban hành quyết định công nhận trúng thầu cũng đã làm cho doanh nghiệp “chết dở, sống dở”, vì áp lực công ăn việc làm để giữ nhân lực hoặc vì vật tư, nguyên liệu thi công trượt giá…

Đến thời điểm này liên quan đến đại án Việt Á, ông Chu Ngọc Anh và ông Phạm Công Tạc – nguyên Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ KH&CN, ông Nguyễn Thanh Long – nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế và mới đây nhất là ông Phạm Xuân Thăng – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cùng với hàng loạt cán bộ chủ chốt của tỉnh này bị khởi tố bắt giam, nhưng cũng chỉ rơi vào 2 tội danh chủ yếu là “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”… Trong khi đó bất cứ ai cũng hiểu được trên cương vị đó và với trình độ tiến sĩ, giáo sư, các bị can thừa biết đâu là “lằn ranh đỏ” của pháp luật không thể vượt qua. Thế nhưng vì sao họ vẫn bất chấp bước qua, bất chấp đánh đổi sinh mệnh chính trị, trừ phi đó là “lợi ích”. Tuy nhiên đến thời điểm này, CQĐT vẫn không thể nào truy cứu tội danh “Nhận hối lộ” là vì các bị can đã biết khai thác triệt để những khoảng trống của quyền lực mềm (?!)
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực họp Phiên thứ 22, dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, ngày 17/8/2022.

2. Trong lĩnh vực tư pháp, ngoài tố tụng hình sự, nghiên cứu từ thực tế cho thấy quyền lực mềm còn chi phối đến cả giai đoạn tiền tố tụng dân sự. Theo quy định tại Chương XII và XIII của Bộ luật TTDS, trước khi đưa vụ án dân sự ra xét xử, những người tiến hành tố tụng bao gồm: Chánh án, Thẩm phán, Thư ký tòa án… phải có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện; yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; thụ lý vụ án; tiến hành hòa giải (đối với những vụ án bắt buộc phải qua hòa giải). Những công việc này tưởng chừng không quan trọng nhưng trái lại, nếu đương sự không vượt qua được các “cửa ải” tiền thủ tục tố tụng này thì không thể theo đuổi vụ kiện mà mình mong muốn. Vậy nên những cán bộ có quyền tiến hành tố tụng “không ngại” làm khó người khởi kiện mà không sợ vi phạm tố tụng. Tham nhũng vặt và thậm chí có cả tham nhũng lớn phát sinh từ giai đoạn này.

Lấy ví dụ tại Điều 203 Bộ luật TTDS 2015 quy định thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án là 4 tháng (trừ các vụ án tranh chấp về kinh doanh, thương mại và tranh chấp lao động là 2 tháng), kể từ ngày thụ lý vụ án, nếu vụ án có tính chất phức tạp thì Chánh án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 2 tháng. Quy định về khung thời gian rộng như vậy là nhằm tạo điều kiện cho Thẩm phán nghiên cứu kỹ hồ sơ để giải quyết vụ án được khách quan, chính xác, đảm bảo quyền lợi cho các bên. Tuy nhiên từ thực tế cho thấy, quy định này là không cần thiết vì án dân sự là do “đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp” (khoản 1 Điều 6 Bộ luật TTDS). Có nghĩa, khi đã khởi kiện ra tòa, tài liệu, chứng cứ đã được đương sự chuẩn bị, Thẩm phán không cần phải mất thêm nhiều thời gian như vậy…

Theo các chuyên gia, quy định trên của pháp luật vô hình trung tạo ra khoảng trống để các Thẩm phán được phân công thụ lý vụ án tận dụng để trục lợi. Họ có thể vô tư làm “ngâm” hồ sơ vụ án đến phút 89 mà không sợ vi phạm tố tụng. Nếu muốn xử lý nhanh thì đương sự phải “hiểu ý”, “chung chi”, “bôi trơn”… Màu mỡ nhất là các vụ án về tranh chấp chia di sản thừa kế theo pháp luật, vì càng để kéo dài thì giá đất trên thị trường càng diễn biến bất lợi hoặc là để lỡ mất cơ hội khi một trong các đồng thừa kế có nhu cầu được nhận sớm để đầu tư vào một công việc khác. Thực tế còn cho thấy có những vụ án, Thẩm phán còn “ngâm” kéo dài năm này sang năm khác, thậm chí hàng chục năm, nghĩa là bất chấp cả quy định về thời gian của pháp luật về tố tụng dân sự… Tuy nhiên cho đến nay, chưa có một Thẩm phán nào bị chế tài về hành vi này, dù đó chỉ là xử lý hành chính.

Còn trống vắng chế tài hành chính dối với hành vi tham nhũng

Đến nay, Luật PCTN 2020 có thể xem là văn bản pháp luật kiểm soát quyền lực chuyên sâu song những nội dung điều chỉnh cũng chỉ có thể dừng lại ở những thuật ngữ, khái niệm, hoặc cụm từ có nghĩa rất trừu tượng. Ví dụ tại khoản 2 Điều 20 Luật PCTN 2020 quy định về quy tắc ứng xử của người có chức vụ quyền hạn trong tổ chức, cơ quan, đơn vị không được “nhũng nhiễu trong giải quyết công việc”… Nhũng nhiễu hiểu theo Luật PCTN là hành vi cửa quyền, hách dịch, đòi hỏi, gây khó khăn, phiền hà của người có chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ (khoản 6 Điều 3). Tuy nhiên để người dân và doanh nghiệp có được bằng chứng chứng minh cán bộ có chức, có quyền nhũng nhiễu trong giải quyết công việc là câu chuyện xa xỉ.

Hồi tháng 3/2019, Thanh tra Chính phủ đã từng công bố dự thảo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP về hướng dẫn Luật PCTN sửa đổi. Theo đó nếu có hành vi môi giới, đưa hối lộ, tham ô, nhận hối lộ trong khu vực tư mà chưa đến mức xử lý hình sự sẽ bị xử phạt hành chính đến 20 triệu động; hoặc nếu có biểu hiện nhũng nhiễu có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đến 100 triệu đồng. Tuy nhiên khi Nghị định này ban hành thì các hành vi, biểu hiện đó không thấy đề cập đến. Đối với khu vực công thì hình thức chế tài bằng biện pháp xử phạt hành chính chưa đụng tới, duy nhất tại Nghị định có đề cập đến hành vi tặng quà và nhận quà tặng (Điều 28) nhưng cũng rất chung chung.

Đề cập đến quy định tại Nghị định 59/2019,  các chuyên gia cho rằng rất khó để xác định tính chất và mức độ vi phạm của cá nhân khi thực hiện 12 hành vi tham nhũng được quy định tại Điều 2 Luật PCTN năm 2020. Do đó đến thời điểm này, không có một công cụ xác định hoặc quy định cụ thể phân tách các tính chất và mức độ vi phạm hành chính của cá nhân có hành vi tham nhũng. Điều này dẫn đến sự thiếu thống nhất, lúng túng trong việc áp dụng của cơ quan xử lý vi phạm tham nhũng, tiêu cực trên thực tiễn. Ngoài xử lý vi phạm quy định về tặng quà và nhận quà tặng theo lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, thì các hành vi tham nhũng khác của cá nhân sẽ được xử lý như thế nào. Rõ ràng, đây là một thiếu sót lớn của pháp luật phòng, chống tham nhũng.

Đối với trường hợp xác định trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách (Mục I, chương X Nghị định 59/2019). Luật Phòng, chống tham nhũng hiện nay chỉ quy định về xử lý kỷ luật đối với đối tượng này. Hình thức xử lý này vẫn được xem là quá nhẹ nhàng trong trường hợp này.

Cần có biện pháp chế tài khác biệt

Ảnh minh họa

Từ phân tích trên cho thấy, để từng bước ngăn chặn vấn nạn tham nhũng, chức vụ, bên cạnh các giải pháp kiểm soát quyền lực đã và đang áp dụng, theo chúng tôi cần phải quan tâm và xây dựng giải pháp chế tài khác biệt đối với các loại tội phạm khác.

1. Trước hết cần có Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống tham nhũng. Theo đó phải cụ thể hóa theo hướng buộc chặt với những biểu hiện của quyền lực mềm đối với 12 hành vi tham nhũng đã định danh tại Điều 2 Luật PCTN 2020 mà các hành vi vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, để có biện pháp xử phạt vi phạm hành chính tương thích. Chẳng hạn hành vi nhũng nhiễu vì vụ lợi biểu hiện qua các hành vi cụ thể như để kéo dài quá thời gian thụ lý vụ án hoặc quá thời gian chuẩn bị xét xử (trong tố tụng dân sự); hoặc để kéo dài quá thời gian giải quyết khiếu nại hành chính; hoặc ban hành quyết định giải quyết khiếu nại không bằng quyết định hành chính… thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền.

2. Cùng với xử phạt vi phạm hành chính, đối với tội phạm tham nhũng và chức vụ cần phải được áp dụng bằng một một bộ tiêu chí nhận diện, theo hướng không làm khó cơ quan tố tụng khi tiến hành tố tụng. Đặc biệt là đối với tội danh Nhận hối lộ, không thể loại trừ trách nhiệm đối với hành vi cán bộ có chức có quyền nhận quà biếu sau khi công việc hoàn thành, dưới danh nghĩa biết ơn theo đạo đức người Việt Nam. Về mặt chủ quan của tội phạm không bắt buộc phải chứng minh được hình thức lỗi cố ý trực tiếp vì người có chức vụ quyền hạn có thừa lý do để né tránh lỗi cố ý; cũng không cần phải chứng minh người phạm tội thấy trước (vì yêu cầu này là trừu tượng, mang tính chất định tính) họ là người có chức vụ, việc nhận tiền của là do lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhận tiền của hối lộ là trái pháp luật, trái với quy định của cơ quan, tổ chức.

3. Tương tự như vậy đối với quy trình tố tụng, tội phạm tham những và chức vụ cần phải áp dụng theo một quy trình khác biệt với tội phạm thông thường. Nghĩa là không nhất thiết phải thực hiện theo thứ tự khởi tố vụ án trước rồi mới khởi tố bị can (theo quy định tại Điều 143 và Điều 179 BLTTHS) mà có thể tiến hành đồng thời để kịp thời ngăn chặn các hành vi tiếp theo của tội phạm. Cũng như vậy đối với việc khám xét chỗ ở và kê biên tài sản của tội phạm tham nhũng, chức vụ trong giai đoạn tố tụng, để đảm bảo thi hành án, hạn chế thất thoát tài sản của Nhà nước cũng cần phải điều chỉnh khác biệt, theo hướng cho phép được thực hiện nhanh hơn, sớm hơn nhằm để kịp thời ngăn chặn có hiệu quả việc chuyển dịch hoặc tẩu tán tài sản bất hợp pháp…
 

Tác giả bài viết: Luật gia Vũ Lê Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây