Xây dựng tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá để khắc phục kẽ hở trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản
Thứ hai - 10/10/2022 05:00
(Phản biệ) - Việc cấp phép khai thác khoáng sản vẫn phổ biến tình trạng “xin cho” khiến tài nguyên quốc gia cạn kiệt, quyền lợi chảy vào túi “nhóm lợi ích”, trong khi đó ngân sách thất thu… Để khắc phục, mới đây ngày 26/7, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã phát đi Văn bản 4678/VPCP-CN giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo xem xét lại việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản…
Hở tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá
Nghiên cứu về hành lang pháp lý trong khai thác khoáng sản cho thấy, đến nay pháp luật Việt Nam có 2 bộ luật điều chỉnh chủ yếu là Luật Khoáng sản 2010 và Luật Đấu giá tài sản 2016. Trước khi Luật Đấu giá tài sản ban hành có các Nghị định và Thông tư hướng dẫn, gồm: Nghị định số 22/2012/NĐ-CP quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; và Nghị định sửa đổi bổ sung số 158/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản (trong đó Điều 68 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 22 về đấu giá quyền khai thác khoáng sản); Thông tư liên tịch số 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC và Thông tư số 16/2014/TT-BTNMT…
Nhìn chung hành lang pháp lý về đấu giá quyền khai thác khoáng sản được thiết lập rõ ràng, giúp doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào khai thác tài nguyên khoáng sản, giải quyết việc làm, đóng góp cho nguồn thu ngân sách… Theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, đến hết năm 2020, tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã phê duyệt khoảng trên 52.000 tỷ đồng, trong đó, thuộc thẩm quyền cấp phép của Trung ương là trên 37.000 tỷ đồng; thuộc thẩm quyền cấp phép của địa phương khoảng 15.00 tỷ đồng. Ngân sách Nhà nước thu gần 29.659 tỷ đồng, trung bình hàng năm ngân sách Nhà nước thu từ 4.300 - 4.500 tỷ đồng từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản… Tuy nhiên, bên cạnh một số ưu điểm nổi bật, hành lang pháp lý về khai thác khoáng sản vẫn còn nhiều bất cập.
Đấu giá quyền khai thác khoáng sản là một điểm mới cơ bản của Luật Khoáng sản năm 2010. Theo đó, để đảm bảo tính công khai, minh bạch, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước thì việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản, pháp luật bắt buộc phải thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản.Tuy nhiên tại Điều 78 Luật Khoáng sản quy định theo hướng hạn chế khu vực được đấu giá: “Đấu giá quyền khai thác khoáng sản thực hiện ở các khu vực hoạt động khoáng sản, trừ khu vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khoanh định là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản”.Được hiểu là chỉ thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở những khu vực có hoạt động khoáng sản, đối với những khu vực không có hoạt động khoáng sản (cho dù xác định có khoáng sản) thì được quyền không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đặc biệt, luật còn điều chỉnh theo hướng dễ bị “nhóm lợi ích” lạm dụng để tạo ra sự đặc quyền đặc lợi: “trừ khu vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khoanh định là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản”.
Cũng theo Điều 78 (tại khoản 1 và khoản 3), chủ thể có thẩm quyền quyết định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản là chủ thể có thẩm quyền cấp giấy phép được quy định tại Điều 82 của Luật này (tức là Bộ Tài nguyên và Môi trường sau khi trình Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh). Nhiều khả năng khi bấm nút thông qua điều luật trên, các ĐBQH chỉ mới nghĩ đến yếu tố tích cực là tạo ra hệ sinh thái thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia khai thác khoáng sản, nhưng vô hình trung lại biến thành kẽ hở cho các “nhóm lợi ích” lách luật. Bỡi khi chủ đầu tư được quyền khai thác mà không phải đấu giá một số khu vực khai thác khoáng sản theo cơ chế chỉ định, thì trước đó quyền xác định khu vực nào không phải thực hiện đấu giá khai thác khoáng sản có thể là một bước đi có tính toán của “nhóm lợi ích” trong việc cấp phép khai thác khoáng sản cho nhà đầu tư đã được chỉ định. Và tất yếu khu vực được chỉ định khai thác phải là nơi có trữ lượng tốt nhất.
Trong khi đó, việc quản lý trữ lượng, khối lượng khai thác khoáng sản hiện nay chỉ mới dừng lại ở việc dựa trên kê khai của doanh nghiệp được cấp phép, Nhà nước chưa có biện pháp quản lý tốt khâu xác định trữ lượng, khối lượng khai thác được. Thêm vào đó, Luật Khoáng sản cũng chưa có quy định rõ ràng về định giá khoáng sản, định giá mỏ, chưa có công cụ tài chính phù hợp để quản lý giá trị khoáng sản nói chung và quản lý đấu giá khoáng sản nói riêng. Những bất cập đó đã làm vô hiệu hóa Luật Đấu giá tài sản góp phần “vỗ béo” cơ chế “xin cho”, khi mà các chủ thể (Bộ TN&MT và UBND cấp tỉnh) được quyền quyết định các khu vực không đưa ra đấu giá khai thác khoáng sản. Vậy nên không có gì lạ, khi số liệu công bố đến tháng 6/2021, Bộ TN&MT chỉ mới tổ chức đấu giá thành công 6 khu vực khoáng sản, chiếm tỷ lệ 1,4% trong tổng số 421 giấy phép đã cấp. Tại địa phương, có 394/4.279 giấy phép được cấp theo hình thức đấu giá, chiếm tỷ lệ 9,2%. Tức là có đến 98,6% giấy phép ở Bộ TN&MT và 90,8% giấy phép ở địa phương vẫn được cấp kiểu xin cho.
Hệ lụy từ lỗ hổng đấu giá quyền khai thác khoáng sản
Có thể nói, khai thác tài nguyên là một trong những lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong việc cấp phép khai thác… Từ khi phân cấp quản lý về cho các địa phương (Điều 82 Luật Khoáng sản) và cho phép các chủ thể được quyền quyết định các khu vực không đưa ra đấu giá khai thác khoáng sản, việc cấp phép khai thác ở một số nơi diễn ra tràn lan và tùy tiện, khiến dư luận không thể không đặt ra những nghi vấn về sự câu kết giữa các “nhóm lợi ích” trong thực thi chính sách khai thác tài nguyên.
Do lỗ hổng trong quy định đấu giá quyền khai thác, Bộ TN&MT xác nhận, trong hàng nghìn giấy phép khai thác đã được cấp thời gian qua, có nhiều giấy phép được cấp không đúng thẩm quyền, cấp khi chưa có quy hoạch được duyệt, cấp khi chưa có đánh giá tác động môi trường, cấp khi chưa có đánh giá về trữ lượng… Có tỉnh cấp tới hơn 200 giấy phép khai thác khoáng sản nhưng thu ngân sách lại không đủ để trả lương cho bộ máy quản lý, thanh tra hoạt động khai thác khoáng sản. Nhiều đơn vị có tiềm năng khai thác, chế biến khoáng sản thì không được cấp phép, trong khi nhiều nhóm không hoạt động trong lĩnh vực khai thác, không có nhân lực, trang thiết bị, lại được cấp phép và sau đó “sang tay”, chuyển nhượng để thu lợi. Có thể nói, khai thác tài nguyên là một trong những lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong việc cấp phép khai thác
Khi chưa có Luật Khoáng sản, việc khai thác khoáng sản chỉ dừng lại ở trách nhiệm của Tổng cục Địa chất và các Liên đoàn, Xí nghiệp trực thuộc. Từ năm 2011 trở đi, đối tượng tham gia khai thác được mở rộng đến nhiều cá nhân, doanh nghiệp tư nhân. “Đào mỏ lên bán” để làm giàu, các đối tượng tham gia khai thác khoáng sản luôn tìm mọi cách để được cấp phép khai thác và khi đã được cấp phép thì luôn khai thác ở mức báo động. Quy mô khai thác tăng theo cấp số nhân. Hậu quả của quá trình này khiến nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt.
Không chỉ dừng lại ở việc khai thác, tàn phá, chiếm đoạt khoáng sản, mà hàng nghìn ha rừng phòng hộ cũng bị các doanh nghiệp triệt hạ hoàn toàn khi khai thác tài nguyên. Có thể nhìn thấy một thực tế là hầu hết những dự án khai thác khoáng sản đều tàn phá môi trường, thậm chí gây ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. Dù vậy, nhiều dự án vẫn được cấp phép và được triển khai nhanh chóng. Ngoài ra, việc áp dụng các công nghệ khai thác lạc hậu (có lợi cho doanh nghiệp nhưng có hại cho lợi ích chung) cũng góp phần không nhỏ trong việc hủy hoại và tàn phá môi trường.
Việt Nam có khoảng 5.000 điểm mỏ được phát hiện thì các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương đã cấp phép khai thác gần hết. Điều đó có nghĩa là phát hiện khoáng sản đến đâu, các cơ quan quản lý cấp phép cho các cá nhân, doanh nghiệp khai thác đến đó, chưa tính đến những nhu cầu của tương lai. Điều đáng quan ngại, tài nguyên được khai thác theo kiểu tận thu, nhưng Nhà nước được hưởng lợi không nhiều, khoảng trên dưới 30%, phụ thuộc vào doanh nghiệp khai thác báo cáo thuế. Đó thực sự là một nghịch lý khi nguồn tài sản chung của nhân dân đang được một số cơ quan quản lý nhà nước tùy tiện cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác mà không bắt buộc phải qua đấu giá quyền khai thác.
“Lợi ích nhóm” tiêu cực có mặt trong nhiều hoạt động khai thác khoáng sản ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là qua việc khai thác trái phép. Theo thống kê, “47/63 tỉnh, thành phố có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép”. Việc ngăn chặn, kiểm soát “nhóm lợi ích” trong lĩnh vực này chưa thật hiệu quả, nếu không nói là đang ở trong tình trạng “báo động đỏ”. Thực tiễn đó đang đặt ra những đòi hỏi cấp thiết cần nhanh chóng giải quyết, khắc phục một cách quyết liệt để các “nhóm lợi ích” không thể xâm hại lợi ích quốc gia, làm nghèo đất nước.
Cần hoàn thiện tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá
Khai thác đá vôi và sản xuất vật liệu xây dựng tại tỉnh Hà Nam
Như vậy “lợi ích nhóm”, cơ chế “xin cho” tồn tại và phát triển trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, trong đó có xuất phát từ “lỗ hổng” về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Theo đó các chuyên gia luật cho rằng muốn khống chế và triệt tiêu tận gốc vấn nạn này trước hết cần phải ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý điều chỉnh về đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo hướng không còn đất để “nhóm lợi ích” lợi dụng trục lợi.
Cụ thể là phải xây dựng tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá và đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Kết hợp minh bạch trong cách hiểu, khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản không có nghĩa là không đấu giá mà chỉ là tạm thời vì chưa đáp ứng đủ điều kiện (có thể do chưa đánh giá được chính xác giá trị của mỏ; độ tin cậy của tài liệu thấp; hoặc chưa có mặt bằng sạch, hay chưa phù hợp với quy hoạch…). Cũng như vậy, khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản không có nghĩa là khu vực được quyền chỉ định và giao quyền khai thác. Đồng thời với khống chế đến mức thấp nhất khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản cần thiết phải quy định, tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải chứng minh được năng lực tài chính bảo đảm việc khai thác mỏ theo tiến độ đăng ký; và bắt buộc ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư… Sự chặt chẽ và khắt khe ngay từ công đoạn đấu giá sẽ góp phần thanh lọc và loại trừ được nhà đầu tư kém năng lực, trước khi cấp Giấy phép quyền khai thác.
Cùng với đó, cần công khai, minh bạch trong hoạt động liên quan về lĩnh vực khai thác khoáng sản. Cụ thể là cần phải công khai kết quả điều tra, thăm dò, khảo sát trữ lượng đối với từng mỏ; công khai các quy trình, thủ tục, hồ sơ và thời gian cấp phép cho các dự án khai thác tài nguyên… Thực tế cho thấy, khi thông tin khai thác tài nguyên được minh bạch, các doanh nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm, có điều kiện tham gia một cách bình đẳng vào quá trình khai thác, sẽ góp phần hạn chế đáng kể “nhóm lợi ích” trục lợi. Công khai, minh bạch thông tin cũng là phương pháp hữu hiệu nhằm cảnh báo, ngăn ngừa, hạn chế một số cán bộ thoái hóa, biến chất lợi dụng chức vụ, quyền hạn câu kết với các “nhóm lợi ích” để biến khai thác tài nguyên khoáng sản thành đặc quyền, đặc lợi./.