Giám sát quyền lực cơ quan tiến hành tố tụng án hình sự: Thiếu chế tài bên trong và cơ chế giám sát bên ngoài (?)
Thứ bảy - 01/10/2022 04:37
(Phản biện) – Tại buổi Tọa đàm về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, do Ban Nội chính Trung ương tổ chức vào chiều 13/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thẳng thắn nhìn nhận: “Cơ chế kiểm soát quyền lực (KSQL) trong Đảng và Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả chưa cao; cơ chế KSQL và chế tài xử lý vi phạm ở nhiều lĩnh vực chưa có hoặc có nhưng chưa cụ thể, hiệu quả thực thi thấp; tình trạng lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực vẫn xảy ra trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây bức xúc trong xã hội”. Có thể nói phát biểu của Phó Thủ tướng đã khái quát gần như đầy đủ về thực trạng PCTN, TC và chỉ ra những bất cập kiểm soát quyền lực (KSQL) trong các cơ quan bảo vệ pháp luật hiện nay…
Hàng loạt công bộc tư pháp “ngã ngựa” vì tha hóa quyền lực
Nếu nói tình trạng lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây bức xúc trong xã hội thời gian qua thì cái tên “Phan Sào Nam” gắn liền vụ án đường dây đánh bạc online nghìn tỷ là điển hình và cũng là nỗi ám ảnh khó chịu nhất đối với các cơ quan tố tụng khi thực hiện các VAHS. Bỡi đi cùng với hành vi phạm tội của phạm nhân là hàng loạt các quan chức trong các cơ quan bảo vệ pháp luật bị “ngã ngựa”. Khởi động (tại phiên tòa cuối năm 2018 diễn ra tại tỉnh Phú Thọ), cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Trung tướng Phan Văn Vĩnh nhận lãnh mức án 9 năm tù; còn cựu Cục trưởng C50 - thiếu tướng Nguyễn Văn Hóa 10 năm tù. Hai cựu tướng công an bị kết tội vì đã có hành vi “bảo kê” đường dây đánh bạc online do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam cầm đầu suốt một thời gian dài “vươn vòi bạch tuộc” ra khắp các tỉnh thành, số lượng người chơi lên đến 42 triệu tài khoản và lợi nhuận đánh bạc hơn 9.000 tỉ đồng.
Đỉnh điểm tha hóa của các cán bộ thực hiện vai trò tố tụng hình sự là trong thời gian Phan Sào Nam chấp hành hình phạt tù. Ngày 25/11/2012, Tỉnh ủy Phú Thọ quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với Đại tá Đào Văn Lý, Trưởng phòng, Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh và Thượng tá Hoàng Phương Nam, Trưởng Công an huyện Hạ Hòa (nguyên Phó Trưởng phòng, nguyên Phó Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh); quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với Đại tá Nguyễn Văn Trường, nguyên Giám thị và Thượng tá Thạch Văn Thắng, nguyên Phó giám thị trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ. Các cán bộ này bị kỷ luật vì liên quan đến việc xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân Phan Sào Nam.
Cùng hành vi trên, trước đó từ ngày 6 - 8/9/2021, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật: Cảnh cáo BCSĐ TAND tỉnh Quảng Ninh các nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025; Cảnh cáo các đồng chí: Hoàng Văn Tiền, Tỉnh ủy viên, Bí thư BCSĐ, Bí thư Đảng ủy, Chánh án TAND tỉnh; Phạm Thị Hương Giang, Uỷ viên BCSĐ, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án TAND tỉnh; Nguyễn Trí Chinh, Uỷ viên BCSĐ, Phó Chánh án TAND tỉnh; Nguyễn Thúy Hằng, Bí thư Chi bộ, Chánh Tòa Dân sự và Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Trưởng Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án, TAND tỉnh Quảng Ninh.
Những tháng đầu năm 2022 (tại kỳ họp thứ 14, diễn ra từ ngày 19 - 24/4), xét đề nghị của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật khiển trách Trung tướng Hồ Thanh Đình, nguyên Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an. Trung tướng Hồ Thanh Đình bị xác định thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát trong việc đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân Phan Sào Nam vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ Công an.
Ngoài vụ án gắn liền với cái tên “Phan Sào Nam”, sự tha hóa của các cán bộ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử khiến dư luận bức xúc, có thể điểm mặt qua hàng loạt cái tên khác gắn liền với các vụ trọng án, như: Nguyễn Duy Linh - nguyên cựu Phó Tổng cục trưởng Cục Tình báo (Bộ Công an), trong vụ án Vũ Nhôm bị kết án về “Tội nhận hối lộ”; Phạm Quang Tuấn - nguyên Phó trưởng Công an quận Đồ Sơn cùng với 6 chiến sĩ công an quận Đồ Sơn bị khởi tố bắt giam về “Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án” trong vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy xảy ra tại quán Karaoke Hải Sơn 86 (11/2020), quận Đồ Sơn (Hải Phòng); Phùng Anh Lê (nguyên Trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an thành phố Hà Nội) bị bắt giam 9/2021 để điều tra về tội “Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù” trong vụ án “Giết người” và “Cướp tài sản” xảy ra tại quận Tây Hồ (Hà Nội).
Gần đây nhất (5/5/2022) là phiên tòa hình sự sơ thẩm do Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình thụ lý xét xử 5 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ Công an huyện Vũ Thư và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp về tội “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội”, theo quy định tại Điều 369 BLHS 2015. Vũ Đức Tuấn (nguyên Phó Trưởng Công an huyện, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT - Công an huyện Vũ Thư) thụ hình 2 năm tù giam; Phạm Thị Thu Hiền (nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Vũ Thư) 1 năm 3 tháng tù giam; Nguyễn Hoàng Hà (nguyên Kiểm sát viên Viện KSND huyện Vũ Thư) 1 năm tù giam; Nguyễn Bằng Giang (nguyên cán bộ, điều tra viên Công an huyện Vũ Thư) 1 năm 6 tháng tù giam; và Hoàng Hồng Hạnh (nguyên cán bộ, điều tra viên Công an huyện Vũ Thư) 2 năm tù giam…
Có thể nói sự tha hóa quyền lực dẫn tới hàng loạt các công bộc có chức có quyền trong các cơ quan tiến hành tố tụng bị “ngã ngựa”. Nguyên nhân khiến họ tha hóa quyền lực, ngoài động cơ trục lợi, còn là do pháp luật điều chỉnh bất cập.
Tại kỳ họp thứ 14, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật khiển trách Trung tướng Hồ Thanh Đình, nguyên nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Bộ Công an)
Những lỗ hổng pháp lý trong KSQL các cơ quan tố tụng ?
1. Khó chứng minh hành vi phạm tội nhận hối lộ
Các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐT thuộc Viện KSNDTC, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, các tội phạm chức vụ khác xảy ra trong hoạt động tư pháp đều là những vụ án rất khó khăn trong việc định tội, xác định người phạm tội. Đối tượng phạm tội tham nhũng trong hoạt động tư pháp là những người có chức vụ quyền hạn, có trình độ chuyên môn cao, đặc biệt trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ xã hội rộng, hành vi phạm tội rất kín kẽ, có điều kiện và nhiều thủ đoạn để thực hiện hành vi phạm tội cũng như che giấu tội phạm... Mặt khác, các vụ án thường xảy ra sau một thời gian khá lâu mới bị phát hiện nên đối tượng đã cất giấu, hợp lý hóa hoặc đã tiêu hủy tài liệu dẫn đến việc thu thập tài liệu gặp nhiều khó khăn. Địa điểm, thời gian thực hiện tội phạm phần lớn ở nơi kín đáo, nơi vắng vẻ, không có người làm chứng; sự đối phó quyết liệt, tinh vi, xảo quyệt của người thực hiện tội phạm. Do đó những chứng cứ vật chất để chứng minh tội phạm không thu giữ được hoặc có thu giữ được nhưng không đủ điều kiện để giám định.
Nhất là đối với hành vi nhận hối lộ trong quá trình tiến hành hoạt động tư pháp, việc thu thập chứng cứ để chứng minh tội phạm càng khó khăn hơn. Một số trường hợp, chỉ có lời khai của người đưa hối lộ nhưng sau đó lại phản cung chối tội; hoặc chỉ có lời khai từ phía người đưa hối lộ nhưng người bị cáo buộc nhận hối lộ không thừa nhận lời khai đó. Để được hưởng mức án 30 tháng tù về “Tội trôm cắp tài sản”, bị cáo Lê Thanh Hưng khai nhận đã đưa cho một số cán bộ thuộc Công an quận Tây Hồ và thẩm phán thụ lý giải quyết vụ án số tiền 600 triệu đồng. Tuy nhiên không có căn cứ để VKSNDTC đề nghị truy tố các bị can về tội nhận hối lộ. Trường hợp bị can Nguyễn Duy Linh (nguyên cựu Phó Tổng cục Tình báo Bộ Công an) thừa nhận nhận hối lộ của “Vũ Nhôm” số tiền 5 tỷ đồng là rất hiếm trong lịch sử tố tụng hình sự Việt Nam. Vì vậy, trong nhiều trường hợp không có đủ cơ sở kết luận hành vi phạm tội của các bị can hoặc chỉ chứng minh được môt phần hành vi phạm tội của các bị can. Đó cũng là câu trả lời vì sao trong hàng loạt các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp xảy ra thời gian qua, nhưng số bị can bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ chỉ lác đác vài người, nên thiếu tác dụng răn đe.
2. Chế tài trách nhiệm theo kiểu khép kín “nội bộ”
Tại buổi tọa đàm về kiểm soát quyền lực để PCTN,TC trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, do Ban Nội chính Trung ương tổ chức (13/5), các đại biểu đồng cho rằng, KSQL để PCTN, TC trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án là vấn đề rất cần thiết, thậm chí là cấp bách. Muốn kiểm soát quyền lực, PCTN thật tốt, trước hết phải kiểm soát quyền lực, PCTN ngay trong các cơ quan chống tham nhũng. Được hiểu là để PCTN, TC có hiệu quả trước hết cần phải KSQL ngay trong cơ quan điều tra, truy tố, xét xử.
Trong khi đó hành lang pháp lý để giám sát hoạt động của các cán bộ trực tiếp tham gia thực hành quyền tố tụng (được quy định tại các Điều 36, 37, 41 và 42 BLTTHS 2015) trong các VAHS được điều chỉnh theo kiểu khép kín nội bộ. Cụ thể: “Điều tra viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra về hành vi, quyết định của mình”; Kiểm sát viên “phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Viện trưởng Viện kiểm sát, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát về hành vi, quyết định của mình”. Còn Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện KSND thì “chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình”.
Từ chế tài trách nhiệm “khép kín” (không lo sợ bị người ngoài cáo giác) mà dẫn tới các bị cáo trong vụ án Đường “Nhuệ” đã đồng loạt “ngã ngựa”. Mặc dù biết Trần Ngọc Hoàng bị một số nam thanh niên (trong đó có Tiến “trắng” - con nuôi Đường “Nhuệ”) đến nhà dùng hung khí đánh gây thương tích vào ngày 22/5/2018. Song vì động cơ cá nhân, bị cáo Vũ Đức Tuấn (nguyên Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT - Công an huyện Vũ Thư) đã đồng ý với đề nghị cấp dưới lập khống số liệu đưa vào hồ sơ, không khởi tố vụ án hình sự. Bị cáo Phạm Thị Thu Hiền và Nguyễn Hoàng Hà (thời điểm đó đang là Kiểm sát viên - Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vũ Thư) được phân công kiểm sát việc giải quyết nguồn tin tố giác tội phạm, cũng biết rõ sai phạm của Cơ quan CSĐT - Công an huyện Vũ Thưnhưng vẫn ban hành công văn thống nhất với điều tra viên không khởi tố vụ án hình sự đối với các nghi phạm… Chắc chắn là khi thực hiện hành vi che giấu tội phạm, các bị can nói trên đã nghĩ tới “quyền bất khả xâm phạm” khi 2 cơ quan tố tụng cùng liên thủ.
Các bị cáo nguyên là các điều tra viên, Phó thủ trưởng CQĐT thuộc Công an huyện Vũ Thư và kiểm sát viên Viện KSND huyện Vũ Thư
3. Tình tiết giảm nhẹ TNHS có nội dung điều chỉnh nước đôi
“Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS” (khoản 1 Điều 54 BLHS2015). Quy định của pháp luật là thể hiện tính nhân văn của Đảng và Nhà nước và khuyến khích người phạm tội “quay đầu là bờ”. Thế nhưng vô hình trung lại trở thành điều kiện “cần” để những người thực hiện TTHS lạm dụng để kết hợp cùng với các tình tiết giảm nhẹ TNHS có nội dung điều chỉnh… nước đôi: “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” (điểm b, khoản 1); “người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn ăn hối cải” (điểm s, khoản 1); “người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện hoặc điều tra tội phạm” (điểm t, khoản 1)…
Bị cáo Trương Quốc Cường, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế gây thiệt hại 31,5 tỷ đồng bị truy tố về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (theo quy định tại khoản 3 Điều 360 BLHS 2015 với khung hình phạt từ 7 -12 năm tù). Mặc dù bị cáo chỉ khắc phục được số tiền 1,8 tỷ đồng nhưng vẫn được HĐXX sơ thẩm hình sự TAND Hà Nội thừa nhận đó là tình tiết giảm nhẹ. Cũng như vậy, mặc dù đến phút chót trước khi nói lời sau cùng, bị cáo Cường mới nhận tội theo cáo trạng mà VKS đã truy tố nhưng vẫn được VKS và HĐXX công nhận đó là tình tiết giảm nhẹ hợp lý vì bị cáo đã “ăn năn hối cải”. Căn cứ vào hai tình tiết giảm nhẹ đó, HĐXX TAND Hà Nội đã chấp nhận với đề nghị của VKS cùng cấp chuyển đổi khung hình phạt bị cáo xuống còn 4 năm tù, khiến dư luận dậy sóng.
4. Khó quy kết trách nhiệm người đứng đầu
Luật PCTN năm 2018 dành hẳn Chương IV, từ Điều 70 đến Điều 73 quy định về trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN và việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác, khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách và xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng…
Tuy nhiên những định chế trên chưa đủ để điều chỉnh hành vi của các ĐTV, KSV và thẩm phán trong quá trình hoạt động tố tụng. Bỡi trước hết Luật PCTN chưa điều chỉnh trực tiếp đến những người trực tiếp hoạt động tố tụng mà chỉ mới dừng lại ở cấp lãnh đạo. Trong khi đó, tại điểm a, khoản 3 Điều 73 quy định: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được xem xét loại trừ, miễn, giảm hoặc bị tăng trách nhiệm pháp lý trong trường hợp “không thể biết… hành vi tham nhũng”. Cụm từ “không thể biết” rất dễ bị lạm dụng để “giải cứu” trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Càng khó hơn khi mà việc kiểm soát quyền lực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án phải đảm bảo tiêu chí “hai trong một”, vừa phải tuân theo cơ chế chung của kiểm soát quyền lực, vừa phải có đặc thù riêng trong hoạt động ở các lĩnh vực này. Nghĩa là có sự độc lập của ĐTV, KSV và thẩm phán trong từng giai đoạn tố tụng, người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được quyền can thiệp sâu, nếu không sẽ bị quy chụp làm sai lệch hồ sơ vụ án hình sự.
Trong khi đó trách nhiệm của người đứng đầu CQĐT, Viện KSND, TAND (quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật PCTN): “Phải tăng cường quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người có chức vụ, quyền hạn khác; chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ nhằm ngăn chặn hành vi lạm quyền, nhũng nhiễu và các hành vi khác vi phạm pháp luật trong hoạt động chống tham nhũng”. Tuy nhiên pháp luật không có chế tài nếu người đứng đầu không tự mình tổ chức thanh tra, kiểm tra nội bộ. Hơn nữa cho dù có phát hiện ĐTV, KSV hay Thẩm phán vi phạm pháp luật thì người đứng đầu chắc chắn sẽ cũng chỉ xử lý theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”, khép kín nội bộ cơ quan. Vì không một người đứng đầu nào lại muốn “vạch áo cho người ngoài xem lưng” hoặc “lấy đã ghè chân mình”…
5. Thiếu văn bản hướng dẫn để giám sát thực chất
Một trong những nội dung mới của BLTHS 2015 là nguyên tắc kiểm tra, giám sát trong TTHS được quy định tại Điều 33: “Các cơ quan nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, đại biểu dân cử có quyền giám sát hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng…”. Nếu phát hiện hành vi trái pháp luật của cơ quan, người tiến hành tố tụng thì họ có quyền kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, giải quyết và trả lời kiến nghị, yêu cầu đó theo quy định của BLTTHS. “Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, giải quyết và trả lời kiến nghị, yêu cầu đó theo quy định của pháp luật”.
Hiểu theo quy định trên, tức là cùng với yêu cầu được kiểm tra, giám sát là quyền được chất vấn, phản biện và được nghe giải trình trực tiếp từ phía những người tiến hành tố tụng đối với khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và công dân. Tuy nhiên, cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng như thế nào đến thời điểm này vẫn chưa có một văn bản nào hướng dẫn. Vì vậy có thể nói, nguyên tắc về trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của ĐTV, KSV trước pháp luật chỉ mới được ghi nhận như một khuynh hướng nhận thức. Hay nói cách khác, việc các cơ quan dân cử, cơ quan hành pháp, và các thành viên Mặt trận Tổ quốc tham gia giám sát quyền lực các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ tồn tại trên danh nghĩa.
Trong khi đó, hành lang pháp lý cao nhất tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí hoạt động được quy định tại Điều 75 Luật PCTN 2018 quy định: “Cơ quan báo chí, nhà báo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về báo chí và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Song các cơ quan cơ quan báo chí lại bị hạn chế quyền được cung cấp thông tin bỡi quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 38 Luật Báo chí 2016: “Các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí trong trường hợp vụ án đang được Điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan Điều tra cần thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động Điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm”…
Sự hạn chế và bất cập nói trên trong quy trình tiếp cận không cho phép hoạt động giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, đại biểu dân cử hoặc các cơ quan báo chí đối với các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự đảm bảo có chiều sâu và hiệu quả như mong đợi.
Rất cần có văn bản dưới luật hướng dẫn để hoạt động giám sát của UBMTQVN đối với lĩnh vực tố tụng hình sự đi vào thực chất hơn.
Kiến nghị giải pháp hoàn thiện
Như vậy, không có tha hóa quyền lực thì không có tham nhũng trong các cơ quan tiến hành TTHS. Chúng tôi đồng ý với quan điểm của các địa biểu tham dự buổi Tòa đàm, để đảm bảo quyền lực được thực thi công khai, minh bạch, đúng đắn, để quyền lực không bị tha hóa cần phải thiết lập cho được cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực, mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế. Hay nói cách khác, quyền lực phải được ràng buộc trách nhiệm, quyền lực đến đâu, trách nhiệm đến đó; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm… thì mới mong đẩy lùi được vấn nạn TN, TC trong các cơ quan tố tụng, làm xói mòn lòng tin của nhân dân. Tuy nhiên hành lang pháp lý để điều chỉnh hành vi của các cơ quan THTT như chúng tôi đã phân tích và chỉ ra ở trên đang lộ ra nhiều khoảng trống.
1. Không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội – là hai mặt của quá trình chứng minh tội phạm, cũng là phương châm, mục đích hoạt động TTHS, là thước đo để đánh giá hoạt động của các cơ quan, người tiến hành tố tụng hình sự. Từ sự phân tích trên, chúng tôi cho rằng: KSQL nhà nước trong lĩnh vực tư pháp, trong trách nhiệm công vụ - trách nhiệm giải trình của cơ quan tố tụng và của mỗi công chức tiến hành tố tụng là ưu tiên hàng đầu. Đó là, cần phải có những định chế nghiêm khắc, minh thị về KSQL, trách nhiệm công vụ - trách nhiệm giải trình trực tiếp từ ĐTV, KSV ngay từ giai đoạn khởi tố, điều tra (bởi đây là giai đoạn tố tụng rất quan trọng, có tính quyết định định hướng cho toàn bộ quá trình tố tụng về sau). Nói không với kiểu chế tài trách nhiệm của KSV, ĐTV, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT, Viện trưởng, Phó Viện trưởng đóng khung trong “nội bộ”; và tháo gỡ yếu tố cấu thành tội danh nhận hối lộ theo hướng không nhất thiết phải có đủ lời khai từ hai phía, nếu như đã có tang chứng, vật chứng phù hợp…
2. Tiếp tục đổi mới về tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của CQĐT thuộc Viện KSNDTC, để tổ chức này trở thành công cụ sắc bén trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành KSND, góp phần củng cố, nâng cao uy tín và bảo đảm sự trong sạch, vững mạnh của các cơ quan tư pháp. Điều đó có nghĩa vai trò của CQĐT có thẩm quyền càng được phát huy, thực sự là công cụ sắc bén thì cũng đồng nghĩa với gia tăng hiệu quả KSQL trong các cơ quan tiến hành tố tụng. Thế nhưng để giải được bài toán KSQL trong điều kiện phải đảm bảo được nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong tố tụng hình sự là vấn đề không đơn giản. Tại sao không, theo chúng tôi, nếu như thiết lập được cơ chế khuyến khích khai thác và chủ động cung cấp nguồn tin tội phạm ngay trong nội bộ các cơ quan tiến hành tố tụng. Bỡi những cán bộ, công chức, các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán đang làm việc tại các cơ quan tiến hành tố tụng, là lực lượng cộng tác viên có điều kiện nắm bắt nhanh nhất và kịp thời nhất nguồn tin tội phạm. Vấn đề là xây dựng cơ chế cung cấp nguồn tin đối với các đối tượng này phải đảm bảo an toàn về sinh mệnh chính trị, để sau khi cung cấp nguồn tin họ không bị trù dập và cô lập…
3. Tăng cường nhận thức và quán triệt sâu sắc hơn nữa về trách nhiệm người đứng đầu được quy định trong Luật PCTN, đặc biệt là nội dung điều chỉnh những điều đảng viên không được làm tại Điều 13 của Quy định 37 của Ban chấp hành Trung ương. Đó là đảng viên không được “can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác”.
4. Khẩn trương ban hành văn bản dưới luật để tạo điều kiện cho các cơ quan dân cử, các thành viên mặt trận… nhập cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, phát huy được vai trò giám sát thực chất của các tổ chức này đối với các VAHS đúng như tinh thần của Điều 33 BLHS2015 điều chỉnh. Cụ thể là: Quy định rõ trách nhiệm của CQĐT và các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải có trách nhiệm tiếp thu, thực hiện và giải trình kịp thời các kiến nghị, ý kiến của các cơ quan dân cử, các tổ chức thành viên mặt trận.
Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạcnêu rõ, muốn KSQL tốt thì phải công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Về phương thức KSQL, phải kiểm soát từ bên trong, tức là trong nội bộ mỗi cơ quan và giữa các cơ quan tố tụng, thi hành án, giữa những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng; kiểm soát từ bên ngoài là kiểm soát của cơ quan dân cử, cơ quan hành pháp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, báo chí, nhân dân; kiểm soát từ quyền lực chính trị của Đảng.