Chuyên gia luật lên tiếng: Những chế định làm khó doanh nghiệp...

Thứ hai - 10/08/2020 22:54
(TVLMP) - Môi trường kinh doanh lành mạnh không phải chỉ là môi trường kinh doanh thuận lợi mà còn là một môi trường kinh doanh an toàn. Sự yếu kém của các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp trong kinh doanh đang là một trong những điểm quan ngại hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay. Các chuyên gia luật điểm lại những chế định trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng đến doanh nghiệp...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Luật Đất đai: Không nên cứng nhắc trong việc thu hồi đất của nhà đầu tư chậm tiến độ 

Dự án "treo" là dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất mà chủ đầu tư không thực hiện theo đúng thời hạn, tiến độ đã được đề ra khi xin giao đất, thuê đất. Theo quy định của Luật Đất đai, đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án mà không sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép thì Nhà nước sẽ thu hồi.
                             
Võ
GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, ngay tại thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành đã thể hiện rất thiếu đồng bộ với các Luật có liên quan. Hệ quả là quy trình chuyển dịch đất đai để đầu tư phát triển khá phức tạp và chưa động viên được động lực từ khu vực kinh tế tư nhân.

Từ năm 2009 đến tháng 6-2012, TP Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra hơn 600 tổ chức được Nhà nước giao đất có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai, 81 tổ chức bị xử phạt hành chính với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng, 327 tổ chức chủ động khắc phục vi phạm, 133 dự án đang triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư; ban hành quyết định thu hồi đất đối với 29 tổ chức với tổng diện tích đất hơn 215 nghìn m2; đang xem xét quyết định thu hồi đối với 11 tổ chức với diện tích hơn 8,1 triệu m2... Thực tế tại nhiều đại phương, khi địa phương công khai ký quyết định thu hồi dự án (du lịch sinh thái, sân golf...) bỏ hoang thì nhận được sự đồng tình của người dân.

Người dân cho rằng, với những khu đất loại này hoặc chính quyền phải có kế hoạch sử dụng hiệu quả mang tính chiến lược, hoặc lại tạm chia cho người nông dân trồng cấy để phát huy hiệu quả trên đất. Khi nào Nhà nước sử dụng, người dân sẽ giao lại theo cam kết. Đây có lẽ cũng là suy nghĩ chung của những người dân hiện đang phải sống ở những khu vực có dự án "treo" trong cả nước, mong rằng cơ quan nhà nước có thẩm quyền lắng nghe, tiếp thu để có chiến lược quản lý và giao đất phù hợp sau khi thu hồi.


Một trong những vấn đề trong quản lý thu hồi đất được đẩy mạnh trong thời gian qua là thu hồi đất. Tuy nhiên chế định này gây băn khoăn với nhiều nhà đầu tư và giới chuyên gia.  Theo GS. Đặng Hùng Võ Võ, Luật Đất đai sửa đổi mới được Quốc hội thông qua cũng như những cơ chế, chính sách trước đây vẫn khẳng định “nhà nước sẽ thu hồi đất của các doanh nghiệp, chủ đầu tư nếu sau 12 – 24 tháng không triển khai, tùy từng dự án cụ thể”. Quy định này được cho là thể hiện tính kỷ cương và quyết tâm cao của nhà nước trong việc khắc phục tình trạng dự án treo, vốn khá phổ biến tại các địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn trong thời gian qua.

Tuy nhiên, cho dù thể hiện quyết tâm cao như vậy, song trong luật vẫn "cố" thêm một dòng rằng “trừ các trường hợp bất khả kháng” - đã vô tình tạo điều kiện cho một số cá nhân, tổ chức có thể lợi dụng “điều khoản mở này”. Thế nhưng, với ông, ngay cả khi nhà nước có quyết tâm thu hồi đất của các dự án treo thì cũng không phải là hợp lý. Bởi lẽ, theo phản ánh của một số địa phương vừa qua, sau khi thu hồi đất của các dự án bất động sản không triển khai sau nhiều năm cấp đất, nhưng khi thu hồi xong chính quyền cũng không biết xử lý như thế nào, nhà đầu tư mới thì không có nhu cầu, nông dân cũng không thể trả lại đất cho họ, rốt cục vẫn là đất bỏ hoang.

Đề xuất được chuyên gia về đất đai này đưa ra, đó là, thay vì thu hồi đất của các dự án treo, nhà nước nên đánh thuế việc chậm đưa vào sử dụng với mức thuế suất rất cao. Làm như vậy, buộc các chủ đầu tư phải tính toán ngay từ đầu và có kế hoạch triển khai dự án. Trong trường hợp dự án đã bị chậm, chủ đầu tư vẫn có thể cân nhắc, tính toán tiếp tục đóng thuế để duy trì quyền sử dụng đất hay chuyển nhượng dự án cho đối tác khác.

Theo ông Võ, nếu làm như vậy, nhà nước vừa không phải lo việc dự án bị bỏ hoang mà cũng không phải bận tâm việc tìm nhà đầu tư khác để giao đất sau khi thu hồi của chủ cũ. “Chỉ với những dự án vi phạm mới thu hồi. Còn các dự án chậm triển khai, nhà nước nên đánh thuế thật cao và cho họ tiếp tục làm chủ quyền sử dụng đất”, ông Võ kiến nghị.

Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước: Chưa có trách nhiệm bồi thường khi chậm bồi thường

Với doanh nghiệp, thời gian là tiền bạc. Thế nhưng trên thực tế, không ít doanh nghiệp bị hàm oan trong thời gian đằng đẵng nhưng đến khi đòi bồi thường oan sai lại rất gian nan. Mất mát về thời gian hàm oan, lại mất mát về thời gian kêu oan. Điều đó như nhân đôi đe dọa, mất mát về tài sản. 
 
Từ một chủ doanh nghiệp làm ăn có tiếng bỗng dưng ông Dương Văn Hòa mất trắng tài sản và bị đưa vào vòng lao lý đầy oan khiên. Dù ông được minh oan sau 10 năm, nhưng một phần đời với nhiều hoài bão phải lỡ dở. Hơn mười năm trước, cựu chiến binh Dương Văn Hòa (61 tuổi), ở thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, là giám đốc Công ty TNHH Thuận Thành, chuyên cung cấp bò giống và cây giống cho các khách hàng trong và ngoài tỉnh.  Một hôm, ông bất ngờ bị khởi tố, đưa ra xét xử... thế nhưng từ hành trình oan sai đến khi nhận được bồi thường của ông Hòa rất gian truân. 

                             
Luật

Theo hồ sơ vụ án, ông Hòa gặp họa khi năm 2007 ông mua 250 con bò giống từ Thanh Hóa đưa về Quảng Trị theo hợp đồng của một dự án.  Từ ngày 8-6-2007, một số hộ nhận bò giống lai Sind do dự án cấp phát hiện bò bị sưng chân, sau đó dịch lở mồm long móng bùng phát ở 6 huyện, thị xã trong tỉnh Quảng Trị. Trong số bò giống ông Hòa cung cấp có 49 con bị lở mồm long móng.  Tiếp thu chỉ đạo của chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Quảng Trị, ông Hòa đã thu hồi 49 con bò lai Sind do mình cung cấp đưa về trang trại của công ty và trả lại cho nơi bán ở Thanh Hóa nhập vào lò mổ. Ngày 28-6-2007, UBND tỉnh Quảng Trị có quyết định công bố dịch lở mồm long móng.  

Vậy mà ngày 12/7/2007, Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Quảng Trị ra quyết định khởi tố vụ án "làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật" và "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".  Phiên tòa hình sự sơ thẩm đầu tiên vào ngày 25-6-2008 tuyên phạt ông Hòa 18 tháng tù giam. Ông cũng bị chính quyền tỉnh thu hồi giấy phép kinh doanh, bò giống của ông được lệnh tiêu hủy.  Thế là, từ chủ doanh nghiệp có uy tín và ăn nên làm ra có tiếng, vợ chồng ông Hòa phút chốc đã trắng tay, sa vào vòng lao lý.

Trong mười năm qua, ông Hòa đã kiên trì đấu tranh đòi lẽ phải cho mình. Ông liên tục kháng cáo kêu oan, đòi công lý và số phận đã bắt đầu mỉm cười khi Viện KSND tối cao đã công nhận khiếu nại của ông. Ngày 31-8-2017, Viện KSND tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Dương Văn Hòa và hướng dẫn ông làm thủ tục nhận đền bù oan sai. Hơn 10 năm lao lý và đòi bồi thường

Trao đổi với chúng tôi, một thẩm phán (đề nghị giấu tên) cho rằng: Trách nhiệm Bồi thường nhà nước quy định rất rõ về thời hạn thụ lý văn bản yêu cầu bồi thường, quy trình bồi thường oan sai. Nhưng việc ra văn bản thừa nhận làm oan và tống đạt văn bản như QĐ đình chỉ là cả 1 quá trình đợi chờ vô vọng của những người bị hàm oan. Kéo dài thì cùng lắm là bồi thường cho việc đã làm oan tuy nhiên trách nhiệm bồi thường oan sai chậm chưa được đặt ra. 

Luật Đầu tư 2014: Quy định còn mâu thuẫn, xung đột giữa với các luật chuyên ngành dẫn đến thủ tục chồng chéo… gây khó cho DN

Sau hơn 3 năm thi hành, với nhiều quy định mới, Luật Đầu tư 2014 (LĐT) đã góp phần xóa bỏ rào cản về điều kiện kinh doanh không phù hợp với nền kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường ĐTKD theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư (NĐT). Tuy nhiên bên cạnh đó, LĐT vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Còn nhiều quy định của luật không rõ ràng, gây khó cho NĐT và cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện thủ tục; hay những quy định mâu thuẫn, xung đột giữa LĐT và các luật chuyên ngành dẫn đến thủ tục chồng chéo…

Chỉ ra sự bất cập trên của LĐT, Luật sư Lê Hoài Sơn (Đoàn Luật sư Bình Định) dẫn khoản 2 Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định, quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định chủ trương đầu tư dự án; trong khi đó, thủ tục, hồ sơ yêu cầu quyết định chủ trương đầu tư quy định tại khoản 1 Điều 33 LĐT năm 2014 lại không yêu cầu cung cấp báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Chính vì sự không thống nhất này, thời gian qua có nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau…
                               
ĐT


Hay tại Điều 7 LĐT 2014 quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo ông quy định này đều đã có trong các văn bản luật chuyên ngành, thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, được quy định và thể hiện bằng các thủ tục tương ứng trong pháp luật kinh doanh chuyên ngành (như giấy phép kinh doanh, điều kiện kinh doanh không cần giấy phép, các loại chứng chỉ hành nghề…). Do đó việc quy định thêm một thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư trong các lĩnh vực này theo LĐT là không cần thiết, trùng lặp với pháp luật chuyên ngành, tạo thêm thủ tục cho NĐT trong khi không tăng thêm hiệu quả quản lý. Từ sự phân tích đó, LS Sơn đề xuất nên loại bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện được quy định tại điều LĐT 2014.

Về lâu dài, luật phải hướng tới việc giám sát tuân thủ các điều kiện kinh doanh phải do chính xã hội và thị trường tham gia thì mới mang lại hiệu quả thực sự. LS Sơn lấy ví dụ, một công ty xây dựng (bên B) ký một hợp đồng thi công với bên A mà không đáp ứng đủ nhân sự với đủ chứng chỉ chuyên môn cần thiết, không có hồ sơ năng lực đảm bảo theo quy định… nếu cơ quan có chức năng phát hiện sẽ chịu chế tài xử phạt hành chính; hoặc nếu xảy ra tranh chấp sẽ bị tòa án có thẩm quyền tuyên vô hiệu hợp đồng, khi đó DN sẽ bị thiệt hại nặng nề; đồng thời, nếu phán quyết đó được công khai hoá, DN đó có thể sẽ bị chính thị trường loại bỏ…

Pháp luật về hình sự: Còn điều khoản mờ, khó xác định ranh giới, rất dễ bị lạm dụng để phục vụ cho những mục đích tư lợi.

“Không hình sự hóa các quan hệ hành chính, kinh tế”, đó là một trong số nội dung được cho là “linh hồn” của bản Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ ban hành vào 5/2016. Tuy nhiên sau gần 4 năm thực hiện, các doanh nghiệp đã và đang quan ngại chủ trương lớn của Chính phủ đứng trước nguy cơ “đầu voi, đuôi chuột” bỡi sự trỗi dậy của một số vụ việc dân sự bị hình sự hóa xảy ra gần đây.

Điển hình nhất là vụ án vừa xảy ra tại Công ty TNHH MTV Minh Đại ở Bạc Liêu. Giữa lúc vụ tranh chấp tín dụng giữa Công ty này với BIDV Bạc Liêu đang được Tòa án có thẩm quyền thụ lý giải quyết theo trình tự 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm, thì bất ngờ Công an tỉnh Bạc Liêu có quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại BIDV Bạc Liêu. Vụ án sau đó đã được TAND tỉnh Bạc Liêu đưa ra xét xử và tuyên các bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với mức hình phạt tổng cộng 48 năm tù/ 3 bị cáo…

Hành vi trên của các cơ quan tố tụng tỉnh Bạc Liêu, theo các cơ quan tố tụng cấp cao tại TP. HCM là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. “Cơ quan tiến hành tố tụng đã hình sự hóa quan hệ dân sự giữa Công ty Minh Đại và BIDV Bạc Liêu. Đồng thời, việc khởi tố của cơ quan điều tra là vi phạm điều 100 Bộ luật Tố tụng Hình sự vì Ngân hàng không có đơn tố cáo Công ty Minh Hiếu”. Một vụ việc khác khiến dư luận “dậy sóng” cũng xảy ra trong năm 2019: Đó là vụ tranh chấp khối tài sản 30.000 tỷ xảy ra trong gia tộc bà Tư Hường (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàn Cầu), đứng trước nguy cơ bị các cơ quan tố tụng đẩy tới… bờ vực hình sự hóa dân sự. Trong khi theo các chuyên gia pháp lý, vụ việc có tính chất dân sự nhiều hơn hình sự vì bản chất là tranh chấp thừa kế tài sản, vì tranh chấp cổ phần cổ phiếu cũng được coi là một loại tài sản…

Từ 2 vụ việc trên cho thấy, các cơ quan tố tụng ở 2 địa phương đi ngược lại chủ trương “không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự” đã được Chính phủ đề cập trong Nghị quyết số 35. Hệ lụy của “hình sự hoá”, không chỉ gây ra những hậu quả thiệt hại về vật chất, về con người mà quan trọng hơn nó gây phiền hà cho các hoạt động kinh doanh, gây tâm lý hoang mang cho các nhà đầu tư, theo đó làm giảm năng lực sáng tạo của các doanh nghiệp, và xa hơn nữa làm suy giảm lòng tin của các nhà đầu tư vào sự nghiệp phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước.
                                     
HS


Nguyên nhân tái diễn thực trạng trên, trao đổi với PV, Luật sư Lưu Bá Khiết (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, ngoài yếu tố con người (như lời Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại buổi đối thoại giữa Thủ tướng với DN diễn ra vào ngày 29/4/2016, vẫn còn tình trạng một số cán bộ do thoái hóa biến chất, không nắm vững pháp luật, không thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ… - PV) còn là do hệ thống pháp luật điều chỉnh các hành vi đó trong thực tế vẫn còn rất nhiều vấn đề chồng chéo, khó xác định ranh giới, rất dễ bị lạm dụng để phục vụ cho những mục đích tư lợi.

Trong đó, theo LS Khiết, Điều 174 BLHS 2015 (quy định về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản) là một trong những điều luật khiến cho các DN làm ăn chân chính “run sợ”, nản lòng nếu không may gặp rủi ro. Thực tế cho thấy, khi xảy ra tranh chấp, các cơ quan tố tụng có thể “nâng cấp” thành vụ án hình sự hoặc hạ xuống dân sự đều hợp lý. Vì vậy, để ngăn chặn hiện tượng “hình sự hoá”, theo LS Khiết, trước hết phải tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn và phẩm chất chính trị của đội ngũ cán bộ trong các cơ quan điều tra, kiểm sát, toà án. Thứ hai, nội dung điều luật lừa đảo chiếm đoạt tài sản và các điều luật có liên quan trong Bộ LHS 2015 phải được sửa đổi, bổ sung theo hướng cụ thể hoá. Hoặc phải có văn bản dưới luật hướng dẫn phân định một cách rõ ràng giữa hành vi vi phạm pháp luật về kinh tế với tội phạm. Ba là, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong kiểm tra, giám sát các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử nhằm chống lại hiện tượng “hình sự hoá” các tranh chấp kinh tế và “phi hình sự hoá” trong điều tra các vụ án kinh tế…
 

Tác giả bài viết: Luật gia Vũ Lê Minh cùng PV Pháp lý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây