Chưa hợp lý về tăng mức giảm trừ gia cảnh ?

Thứ tư - 11/03/2020 05:39
Dựa trên tình hình phát triển thực tế của xã hội thì Bộ Tài chính cần phải cân nhắc lại về cách thức điều chỉnh và tăng mức giảm trừ gia cảnh. Có thể tiến hành áp dụng mức giảm trừ gia cảnh tính theo vùng hoặc khu vực.
Chưa hợp lý về tăng mức giảm trừ gia cảnh ?

Chưa hợp lý về tăng mức giảm trừ gia cảnh ?

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân. Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng, và giảm trừ người phụ thuộc từ 3,6 triệu lên 4,4 triệu đồng.

Cơ sở để đưa ra đề xuất này là căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân: “Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tại thời điểm cuối tháng 12/2019 so với thời điểm 01/7/2013 tăng 23,2%.

Mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh dựa theo biến động chỉ số CPI. Ảnh: Internet.

Theo đó, giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, thu nhập từ tiền lương, tiền công của người nộp thuế là cá nhân cư trú. Trường hợp cá nhân cư trú vừa có thu nhập từ kinh doanh, vừa có thu  nhập từ tiền lương, tiền công thì tính giảm trừ gia cảnh một lần vào tổng thu nhập từ kinh doanh và từ tiền lương, tiền công. Theo các quy định hiện hành về giảm trừ gia cảnh thì với người nộp thuế là 9.000.000 đồng/tháng, 108.000.000 đồng/năm; mỗi người phụ thuộc là 3.600.000 đồng/người/tháng.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh như vậy là lỗi thời, chưa thật sự hợp lý với tình hình thực tế hiện nay. Theo Luật sư Hoàng Tùng – Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, thì mức giảm trừ hiện nay đã được quy định và tồn tại được một thời gian khá lâu. Do sự biến động của thị trường, nhu cầu và chi phí trong sinh hoạt cũng như giá cả ngày càng leo thang nên việc lấy ý kiến, khảo sát để tiến hành điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là hợp lý. Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh như trong đề xuất cần phải xem xét có hợp lý hay không?

Cụ thể, mức giảm trừ đang được đề xuất đối với người nộp thuế là 11.000.000 đồng/tháng và đối với người phụ thuộc là 4.400.000 đồng/tháng. Mức giảm trừ gia cảnh đã tăng so với trước và luật quy định CPI tăng vượt mức 20% thì tiến hành điều chỉnh giảm trừ.

Luật sư Tùng nhấn mạnh, xét trên nhiều yếu tố thì mức tăng như trên vẫn chưa thật sự hợp lý khi kinh tế cuả Việt Nam đang không ngừng phát triển, đồng nghĩa với việc GDP hàng năm sẽ tăng kéo theo CPI cũng không ngừng tăng. Trong khi mức giảm trừ gia cảnh chỉ tăng so với mức hiện nay là 2.000.000 đồng và được áp dụng trong nhiều năm khi mà kinh tế, giá cả thị trường đang không ngừng leo thang.

CPI không phải một con số có thể tiến hành phỏng đoán mức tăng cụ thể là bao nhiêu, trong từng năm một cũng khó xác định được điều này. Trong khi giá cả thị trường thì biến đổi theo ngày, giờ, theo tháng với xu hướng chung là tăng và còn có thể tăng mạnh tùy thời kì. Người dân vẫn phải tiến hành chi trả cho sinh hoạt cuộc sống theo thời giá tăng lên liên tục nhưng mức giảm trừ lại chỉ xác định ở một mốc cụ thể. Đặc biệt là người lao động, rất khó xác định được mức lương có tăng theo thời giá hay không và đôi khi là không tăng.

Theo Luật sư Tùng, mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh như hiện nay chưa thật sự hợp lý.

Nếu chỉ tính theo CPI thì mức giảm trừ gia cảnh sẽ không phụ thuộc vào mức lương tối thiểu vùng nhưng thực tế trên luật quy định và đời sống thì chênh lệch về mức lương giữa từng vùng đã lên tới 1.5 lần. Trong khi mức giảm trừ gia cảnh lại áp dụng chung cho tất cả các vùng là bất hợp lý.

Đối với dự thảo nêu trên và dựa trên tình hình phát triển thực tế của xã hội thì Bộ Tài chính cần phải cân nhắc lại về cách thức điều chỉnh và tăng mức giảm trừ gia cảnh. Có thể tiến hành áp dụng mức giảm trừ gia cảnh tính theo vùng hoặc khu vực. Có thể cân nhắc đến việc đưa ra mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cho từng năm.

Đối với tình trạng chung hiện nay, nếu tăng mức giảm trừ gia cảnh thì nên xem xét ở mức từ 14 đến 15 triệu/tháng, đối với mỗi người phụ thuộc nên áp dụng từ khoảng 5-6 triệu/tháng/người. Luật sư Tùng nói.
 

Nghị định số 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với lao động làm việc theo hợp đồng lao động, khoản 1 Điều 3 quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau:
a) Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
b) Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
c) Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
d) Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

Nguồn tin: Theo Luật sư Hoàng Tùng – Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây