Viết tiếp bài: “Chủ tịch xã có dấu hiệu lạm quyền, làm trái quy định pháp luật?”

Thứ sáu - 04/08/2017 23:26
(Phapluat News) - Không chỉ điều tiếng dính dáng gỗ lậu, nhiều người dân còn bức xúc phản ánh với PV về thái độ trịch thượng, lộng quyền của “vị” Chủ tịch xã Ia Dal…
Viết tiếp bài: “Chủ tịch xã có dấu hiệu lạm quyền, làm trái quy định pháp luật?”

     KỲ 2.  CHỦ TỊCH XÃ LỘNG QUYỀN, HÁCH DỊCH

     Không chỉ dính dáng đến gỗ lậu, nhiều người dân còn bức xúc phản ánh với phóng viên về thái độ trịch thượng, lộng quyền của "vị" Chủ tịch xã Ia Dal... 

     Phát súng giữa màn đêm biên giới    

     Điển hình là vụ nổ súng vào buổi tối 20/01/2017. Theo lời kể của một nhân chứng, tối hôm đó ông Phúc dẫn đầu Tổ công tác của xã đi xuống thôn 1 và ghé vào khu vực mỏ đá Sông Hồng. Lúc này có một người đàn ông Campuchia đang có mặt tại đây (vì vùng vành đai biên giới cư dân Việt Nam và Campuchia thường xuyên qua lại thăm chơi, mua bán – PV). Không hiểu vì sao ông Phúc lớn tiếng hoạnh họe khiến người đàn ông Campuchia phản ứng. Lập tức ông Phúc rút khẩu súng bắn đạn cao su nổ hai phát thị uy, rất may không có ai bị thương.

    Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch UBND huyện Ia HDrai xác nhận việc ông Phúc nổ hai phát súng khi đi tuần tra cùng Tổ công tác là có thật. Đây là vi phạm nghiêm trọng vì ông Phúc không nằm trong diện được sử dụng công cụ hỗ trợ nhưng lại dùng súng bắn đạn cao su, hơn thế còn nổ súng trong khu vực nhạy cảm vành đai biên giới.

     Do vậy sau khi có kết luận điều tra của cơ quan công an, Thường vụ Huyện ủy Ia HDrai đã có quyết định kỷ luật “cảnh cáo” đối với ông Phúc, đồng thời UBND huyện cũng ban hành quyết định xử lý kỷ luật ở mức tương tự. Chứng thực những thông tin phá rừng do PV cung cấp, ông Lộc đích thân gọi điện cho Hạt Kiểm lâm huyện sang làm việc. Sau khi kiểm chứng nguồn tin, một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Ia HDrai đã lập tức cử cán bộ xuống địa bàn nắm tình hình để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh.

     Nộp tiền, nộp tủ lạnh vẫn không thoát lỗi vi phạm làm nhà không phép?

     Hiện nay, trở ngại lớn nhất đối với Ia HDrai là đường giao thông. Muốn vào huyện phải “mượn” đường từ huyện Ia Grai (Gia Lai) theo tỉnh lộ 664 đi qua. Vì nếu đi từ Sa Thầy sẽ phải vượt hơn năm chục cây số gập ghềnh đá hộc không xe nào chịu thấu. Để có nguồn nhân lực, tạo đà phát triển kinh tế, xã hội cho dải đất vùng biên, “Đề án di dân, bố trí, sắp xếp dân cư trên địa bàn huyện Ia HDrai” đã được UBND tỉnh Kon Tum chính thức phê duyệt tại Quyết định số 162/QĐ-UBND ngày 22/02/2016. Tuy nhiên cho đến nay kết quả thực hiện vẫn còn khiêm tốn.

     Ngoại trừ đội ngũ cán bộ, công nhân thuộc các lâm trường, công ty cao su là có hộ khẩu và được cấp đất làm nhà trong quỹ đất của đơn vị, phần lớn những người dân từ nơi khác đến xã Ia Dal làm ăn buôn bán từ trước đến nay đều rơi vào tình trạng phải làm nhà tạm không phép bởi chưa được chính quyền địa phương cấp hoặc cho thuê đất. Đến nay, việc giải quyết với các hộ thuộc diện “hợp lý nhưng không hợp pháp” này vẫn đang là vấn đề nan giải, dễ tạo thành điểm nóng. 
                 
                       Một trong những gian quán không có giấy phép xây dựng ven đường vành đai biên giới xã Ia Dal.
 
    Theo đơn của bà Đ.T.Thừa cùng các chứng cứ liên quan thì trước đây bà có hộ khẩu tại xã Ia Tô, huyện Ia Grai (Gia Lai), còn chồng bà, ông Lê Hồng Hà có hộ khẩu tại thành phố Pleiku (Gia Lai). Cuối năm 2014, bà Thừa làm thủ tục cắt chuyển khẩu và đến ngày 31/12/2014 chính thức có hộ khẩu thường trú tại thôn 1, xã Ia Dal. Do liên đới trong vụ án buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu của con trai nên tháng 01/2015 tại phiên tòa sơ thẩm, bà Thừa bị tuyên phạt 3 năm tù treo và 5 năm thử thách.

     Khi huyện Ia HDrai được thành lập, bà Thừa làm hồ sơ đăng ký kinh doanh và được phòng Tài chính – Kế hoạch huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh vào tháng 12/2015. Nhiều lần gửi đơn xin cấp đất, mượn đất gửi UBND xã Ia Dal nhưng không được giải quyết nên bà Thừa phải trú nhờ nhà các bạn hàng để mua bán sắn lát. Tháng 12/2016, được gia đình ông Bùi Văn Lam đồng ý cho tạm trú, bà Thừa cùng ông Lam đến UBND xã Ia Dal làm thủ tục nhưng lại bị chính quyền địa phương gây cản trở. Lúc này đang vào mùa cao điểm thu mua sắn lát nên trong tình thế bất khả kháng, bà Thừa phải san lấp một khoảnh đất nhỏ và dựng kho tạm chứa hàng bằng khung sắt, mái tôn.

     Theo như bà Thừa trình bày trong đơn thì ngay sau khi bà dựng kho tạm, ông Ngụy Đình Phúc đã cử ông Trung, Phó Chủ tịch UB và ông Sơn, cán bộ địa chính xã xuống tận nơi xem xét và thống nhất việc bà phải nộp khoản tiền sáu triệu đồng gọi là tiền thuê đất. Sau đó, ông Phúc gửi giấy mời và trực tiếp làm việc với bà Thừa tại đơn vị Tổ công tác thôn 1. Tại đây, ngoài việc chấp thuận cho bà Thừa nộp khoản tiền sáu triệu đồng, ông Phúc còn đề nghị bà Thừa tặng cho Tổ công tác của UB xã một cái tủ lạnh. Trong đơn, bà Thừa nêu rõ: “Tôi đồng ý và vài ngày sau đã mua một cái tủ lạnh hiệu Panasonic chở đến cho anh em Tổ công tác (hiện tủ này vẫn đang đặt tại đây để Tổ công tác sử dụng). Sau đó mấy ngày, ông Phúc gọi điện bảo tôi lên trụ sở UB nộp tiền đất. Vì bận việc nên ngay hôm sau tôi nhờ chồng tôi là Lê Hồng Hà lên UB xã nộp sáu triệu đồng cho cô Nhi, cán bộ tài chính xã trước sự chứng kiến của các cán bộ UB. Nhận tiền xong, cô Nhi nói là hết phiếu thu nên không giao biên lai nhận tiền cho chồng tôi”.

     Trao đổi với PV, ông Ngụy Đình Phúc xác nhận việc bà Thừa nộp sáu triệu đồng và một cái tủ lạnh là có thật nhưng lại “biến báo” rằng sáu triệu đống này do gia đình tự nguyện ủng hộ cho một doanh nghiệp thông qua Ủy ban, được doanh nghiệp này viết hóa đơn (?) Còn tủ lạnh thì bà Thừa tự nguyện tặng cho Tổ công tác vì bà hay ghé qua đó uống nước (?)
                
                         Chiếc tủ lạnh gia đình bà Thừa tặng cho Tổ công tác sau khi dựng kho tạm không phép và UB xã xuống làm việc.
 
     Tưởng nộp tiền và tủ lạnh là yên, không ngờ đến tháng 5/2017, gia đình bà Thừa bị UBND xã Ia Dal lập biên bản vi phạm hành chính vì lấn chiếm đất rừng, xây nhà không phép. Tiếp đó đến ngày 22/6/2017, ông Ngụy Đình Phúc ký Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này. Lạ một điều, tuy chủ thể thực hiện hành vi làm kho tạm là bà Thừa (có hộ khẩu thường trú tại địa phương, đứng tên trong giấy phép kinh doanh và trực tiếp nộp thuế - PV) nhưng không hiểu sao UBND xã Ia Dal lại lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Hà, chồng bà Thừa, trong khi ông Hà có hộ khẩu thường trú và sống tại thành phố Pleiku (?) Đối chiếu với Luật Xử lý vi phạm hành chính, có thể thấy đây là những sai sót trong ban hành văn bản hành chính của chính quyền địa phương cần được khắc phục.

     Giao nộp đầy đủ các khoản thuế với 84.000.000 đồng trong năm 2016 và 30.000.000 đồng trong năm 2017 nhưng vẫn bị chính quyền địa phương gây khó, đồng thời trước áp lực bị cưỡng chế kho tạm không còn điểm đứng chân mua bán, hiện bà Thừa đã gởi đơn đến các cơ quan chức năng xin được cứu xét.

     Áp dụng pháp luật trong xử lý sai phạm là cần thiết nhưng phải rạch ròi, liêm chính, bình đẳng trước mọi đối tượng để người dân thật sự “tâm phục, khẩu phục”. Qua những tình tiết trên đây, có thể thấy UBND xã Ia Dal chưa thực hiện được điều này. Hơn thế, một lãnh đạo xã còn có biểu hiện lạm quyền, làm trái trong thực thi công vụ và nếu những hành vi này không được chấn chỉnh kịp thời dễ dẫn đến những hệ lụy khó lường trên dải đất vùng biên heo hút. 

Tác giả bài viết: Tổ PV miền Trung

Nguồn tin: Báo Kinh doanh & Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây