Hưởng “còi” đi lính
Qua nhiều cuộc chắp nối, cuối cùng tôi cũng có cuộc trò chuyện với Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng. Ông không hề khép chặt các mối quan hệ, nhưng luôn bận rộn với việc chăm sóc, chỉ huy “đoàn quân” cây cảnh: Sanh, Khế, Sung, Đa, Đề... Những ngày tháng 4 lịch sử này, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng càng bận rộn hơn. Lúc ông ở TP.HCM, khi thì ở Ban Mê Thuột để thăm lại chiến trường xưa, gặp mặt đồng đội cũ.
Siết tay đồng đội khi Tướng Đoàn Sinh Hưởng còn là Tư lệnh Quân khu 4. Ảnh: Mai Anh
Năm 1966, khi vừa bước vào tuổi 17, chàng thanh niên Đoàn Sinh Hưởng nhập ngũ giữa lúc chiến trường miền Nam đang đầy lửa, đạn. Đối với lớp thanh niên như Hưởng thời đó, nếu không được ra mặt trận là một thiệt thòi. 41kg, thiếu tới 4kg để đủ tiêu chuẩn tuyển quân, còn bị huyết áp cao, thường bị bạn gọi là Hưởng “còi”, chàng trai bị từ chối. 29 người được gọi đi lính theo danh sách bị khuyết 1 do thiếu sức khỏe, Đoàn Sinh Hưởng quyết xin thế chân. Mọi chỉ số sức khỏe được các cán bộ tuyển quân lén chỉnh sửa để cậu đủ điều kiện hồ sơ đăng lính.
Sau thời gian huấn luyện, ông được biên chế vào Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 273, Quân đoàn 3. Ông đã vào sinh ra tử ở các chiến dịch ác liệt nhất như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau chiến thắng của ta ở chiến dịch Tây Nguyên tháng 3.1975 và giải phóng tỉnh Phú Yên, Đại đội 9 có nhiệm vụ cơ động chiến đấu từ hướng Tây Ninh tiến về Sài Gòn. Sáng ngày 29.4.1975, sau khi chiếm được cầu An Hạ, Đại đội 9 chỉ còn 4 chiếc xe tăng, trong khi phải đối mặt với thiết giáp đoàn gồm 24 chiếc của địch.
Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, ông Hưởng và đồng đội xác định “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Bình tĩnh chọn chiến thuật tổng lực và chiếm giữ vị trí địa hình có lợi nhất, chỉ sau 1 giờ, Đại đội đã bắn cháy 12 thiết giáp của địch và tịch thu 12 xe tăng để bổ sung cho đơn vị.
Tháng 4 đỏ lửa
Vị tướng già nhớ lại, ông đã chỉ huy Đại đội 9 cùng với bộ binh Sư đoàn 10 đánh tiêu diệt cụm cứ điểm Đắk-pét. Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy chiếc xe tăng 980, đánh thắng giòn giã từ trận này đến trận khác, “dọn đường” cho chiến dịch tổng tiến công Sài Gòn.
Chiến dịch Tây Nguyên giải phóng Buôn Ma Thuột chứng thực sự trưởng thành, chuyên nghiệp của người lính và là trận lớn đầu tiên chiến đấu ở đơn vị tăng thiết giáp.
Đời thường của vị tướng trải qua những trận chiến khốc liệt nhất trong kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.
“Trong trận đánh Buôn Mê Thuột chúng tôi được lệnh đánh thọc thẳng vào Sư đoàn 23, cơ quan đầu não ở Tây Nguyên của địch. Đại đội 9, do tôi chỉ huy cùng với Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 21, Sư đoàn 10 đã cắm cờ chiến thắng ở Bộ chỉ huy Sư bộ 23 ngụy. Tiếp đó, đơn vị tiếp tục phát triển đánh thắng ở ngã 5 và ngã 6 Buôn Mê Thuột và cùng các cánh quân giải phóng toàn bộ thị xã Buôn Mê Thuột, phối thuộc với Sư đoàn 320 đánh chiếm thị xã Cheo Reo-Phú Bổn rồi thừa thắng đánh vào Tuy Hòa, đi theo đường chiến lược vòng về phía tây Sài Gòn để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”, tướng Hưởng nhớ lại.
Quê Móng Cái (Quảng Ninh), nhưng khi trở về đời thường sau 42 năm cống hiến trong quân ngũ, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng lại chọn thành Vinh làm chốn dừng chân, ngày ngày trở thành “người làm vườn” mẫn cán trong khuôn viên cây xanh, cây cảnh rộng gần 2.000m2 ở xã Nghi Ân. |
Không chỉ giành thắng lợi, trận đánh không có thiệt hại nào về người và phương tiện chiến đấu. Chiếc xe tăng 980 do Tướng Hưởng chỉ huy dẫn đầu mũi đột kích thọc sâu, tung hoành ngang dọc, tiến công vào sở chỉ huy Sư đoàn 23 trở thành chiếc xe tăng lịch sử.
Chiếm được sở chỉ huy, chiếc xe tăng còn theo đoàn quân thắng như chẻ tre tới đầu cầu Đà Rằng - Tuy Hòa. Tại đây, sau khi diệt 4 khẩu pháo án ngữ lối vào thị xã Tuy Hòa, xe tăng 980 bị trục trặc nên phải để lại. Sau này, TP.Buôn Ma Thuột dựng tượng đài chiến thắng ở Ngã 6 đã lấy hình ảnh chiếc xe tăng 980 làm biểu tượng cho khí thế tiến công như vũ bão ngày ấy.
Trong thời khắc lịch sử gấp gáp ấy, Đại đội 9 được lệnh đánh đuổi địch theo tuyến đường 7, tạo thành mũi tấn công chủ đạo thọc sâu vào căn cứ của chính quyền Ngụy quân ngụy quyền Sài Gòn.
Nhiệm vụ đầu tiên là đánh chiếm cứ điểm ở khu vực cầu An Hạ, giáp ranh giữa hai huyện Hóc Môn và Củ Chi, nằm trên Quốc lộ 22 (đường xuyên Á) ngày nay. Sáng ngày 29.4.1975, 4 chiếc xe tăng tiến đánh chiếm được vị trí cầu An Hạ thì đụng độ ngay một Thiết đoàn gồm 24 chiếc tăng của địch.
Ngay lập tức, sáng kiến “lấy xe tăng địch để đánh địch” đã được thực hiện và sau trận đánh chớp nhoáng, Đại đội 9 đã khiến địch phải bỏ chạy tán loạn, vứt lại 12 chiếc xe tăng còn sử dụng được để bổ sung vào đội hình của ta.
Tiếp đà chiến thắng, Đại đội 9 đánh tiếp vào Thành Quan Năm (Củ Chi), đánh thẳng vào trại Quang Trung, đánh vào ngã tư Bà Hiền, rồi đánh ngược về sân bay Tân Sơn Nhất, kết thúc bằng trận đánh vào Bộ tổng tham mưu của Ngụy quân Ngụy quyền Sài Gòn.
11 giờ ngày 29.4, đoàn xe của Đại đội 9 do Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy đã vượt qua ngã 3 Bà Quẹo, cách ngã 4 Bảy Hiền khoảng 3 cây số. Đến trưa ngày 30/4, cùng với các đơn vị bộ binh và các đơn vị xe tăng của Sư đoàn 273 tung hoành ngang dọc đánh sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy.
11 giờ 30 phút cùng ngày, Đại đội 9, lực lượng bộ binh Sư đoàn 10, xe tăng Đại đội 5, Lữ đoàn 273 cùng các đơn vị chiếm được toàn bộ trụ sở tòa nhà Bộ Tổng tham mưu ngụy.
Cùng thời điểm, các cánh quân khác cũng đã chiếm được Dinh Độc Lập và các mục tiêu quan trọng ở Sài Gòn. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Trải qua nhiều cương vị công tác từ Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết giáp, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4 đến Tư lệnh Quân khu 4, năm 2008 Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng nghỉ hưu và sống một cuộc sống bình dị tại TP.Vinh, tỉnh Nghệ An.
Ông bảo: “Tuy không sống ở quê nhà nhưng lúc nào cũng quan tâm đến Quảng Ninh. Vừa rồi, tôi về thanh minh và gặp đồng đội cũ. Nhìn thấy quê mình phát triển tôi rất vui mừng”.
Tháng 4 lịch sử với người cựu binh như một mùa ký ức đặc biệt. Ai đã đi qua cuộc chiến khốc liệt, ở lại trong hòa bình càng da diết với mùa ký ức đó. Vị tướng từng đi qua những chiến trường khốc liệt nhất, vào sinh ra tử nhắc về các đồng đội đã ra đi mãi mãi, mùa ký ức của ông lại đầy ắp sự thương nhớ.
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn