Về với đất thiêng Quảng Trị

Chủ nhật - 28/04/2019 21:41
Chương trình du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội” triển khai tại Quảng Trị đã thu hút ngày một đông du khách trong nước cũng như nhân dân mọi miền đất nước đến nghiên cứu các di tích chiến tranh, tìm hiểu về truyền thống cách mạng và tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Về với đất thiêng Quảng Trị

Về với "đất thiêng của Tổ quốc"

Kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019), hàng triệu tấm lòng cả nước lại hướng về mảnh đất thiêng Quảng Trị để tri ân và tưởng nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu để gìn giữ sông cha, núi mẹ của Tổ quốc.

Những cựu chiến binh trở về thăm lại chiến trường xưa, thắp nén hương cho đồng đội nằm lại đất này, rưng rưng sờ từng viên gạch, từng viên đá khắc tờ lịch đánh dấu 81 ngày đêm ác liệt quanh tượng đài anh hùng liệt sĩ ở Thành cổ Quảng Trị.

Đứng trên cầu Hiền Lương mới sơn, nhiều cựu chiến binh đã òa khóc. Trong chiến tranh, họ đều ước mơ được đặt chân lên cây cầu lịch sử này, và giờ thật hạnh phúc vô bờ khi được tận mắt chứng kiến sự đổi thay đầy sức sống trên “miền đất chết” dọc đôi bờ Bến Hải.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, cho biết, đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải là tên gọi cho cụm di tích ở hai bên bờ sông Bến Hải tại khu vực cầu Hiền Lương. Cụm di tích này được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2013.

Ngược dòng thời gian, phía Bắc cầu Hiền Lương ngày 10/8/1954, phía ta dựng cột cờ bằng cây phi lao cao 12m, với lá cờ rộng 15,36m2. Ở bờ Nam, địch cắm cờ của chúng lên nóc lô cốt Xuân Hòa cao 15m. Đồng bào hai bờ giới tuyến yêu cầu cờ ta nhất định phải cao hơn cờ địch. Trước sự khiêu khích của địch, tháng 7/1957, quân ta đã xây dựng cột cờ bằng thép ống cao 34,5m với lá cờ rộng 108m2. Trên đỉnh cột cờ gắn ngôi sao bằng đồng đường kính 1,2m. Năm 1962, với vật liệu chở từ Hà Nội vào, quân và dân Vĩnh Linh xây dựng cột cờ mới cao 38,6m với lá cờ rộng 134m2, nặng 15kg. Đây là cột cờ cao nhất khu vực giới tuyến.

Cùng với Di tích Quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, Quảng Trị còn có đến 469 di tích lịch sử chiến tranh cách mạng. Đặc biệt, Quảng Trị còn có 72 nghĩa trang liệt sỹ với hơn 6 vạn phần mộ các anh hùng liệt sỹ của các địa phương trong cả nước đã từng sống, chiến đấu và anh dũng hy sinh trên mảnh đất này. Vì thế, Quảng Trị đã trở thành địa danh được ví là bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc

Các cựu chiến binh tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị.

Thương hiệu du lịch mới

 

Việc xây dựng và phát triển tour du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội” là một trong những hoạt động để ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ.

Tại hội thảo “Liên kết để phát triển du lịch Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội” được tổ chức ở Quảng Trị, đại diện Quỹ Phát triển chương trình du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội” cho rằng, du lịch hoài niệm tại Quảng Trị kết hợp với các tỉnh miền Trung và các nước láng giềng trên Hành lang kinh tế Đông - Tây cho phép khai thác những tiềm năng và lợi thế tốt nhất của tỉnh này và các địa phương về tài nguyên du lịch, về vị trí giao thương, về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và các nguồn lực khác cho phát triển du lịch hoài niệm, giúp Quảng Trị có khả năng cạnh tranh cao hơn trong thu hút đầu tư và khách du lịch.

 

Tuy nhiên, thực tế qua hơn mười năm phát triển, chương trình du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội” ở Quảng Trị vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Trong đó, ngoài những khó khăn về cơ sở vật chất, sự xuống cấp của các di tích, thì nguyên nhân chủ yếu là  chưa thiết kế được những tour tuyến du lịch hoài niệm hấp dẫn, chưa đẩy mạnh việc quảng bá, tuyên truyền và chưa có sự kết nối giữa các điểm di tích cũng như các đơn vị lữ hành của các tỉnh trong khu vực.

Rất nhiều du khách du lịch đánh giá cao tour du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội”.

Cần nhấn mạnh, du lịch dấu tích chiến tranh là một sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, khác biệt trong các sản phẩm du lịch ở Việt Nam, là thế mạnh của du lịch Quảng Trị. Để phát triển sản phẩm du lịch này hơn nữa, lãnh đạo Quảng Trị cũng như các nhà hoạt động du lịch cần quan tâm phối hợp du lịch hoài niệm với các sản phẩm du lịch khác như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, tham quan danh lam thắng cảnh để nâng cao chất lượng, tạo sự ưa thích cho khách du lịch.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị cho biết, năm 2018, địa phương đón hơn 1,8 triệu lượt khách du lịch đến tham quan. Rất nhiều du khách hài lòng khi được trải nghiệm với tour du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội”.

Ngành du lịch Quảng Trị sẽ kết hợp hài hòa giữa hoạt động kinh doanh du lịch với công tác tôn tạo, bảo vệ di tích để níu chân du khách; xây dựng và nâng cao chất lượng các hoạt động lễ hội, quảng bá các sản phẩm du lịch độc đáo của quê hương; đẩy mạnh xã hội hóa trong quản lý, khai thác và bảo vệ di tích.

 

“Trong định hướng sắp tới, Quảng Trị vẫn tiếp tục xây dựng chương trình du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội” trở thành thương hiệu của du lịch Quảng Trị. Từ du lịch hoài niệm, phải nghiên cứu để xây dựng, nâng tầm loại hình du lịch này trở thành thương hiệu ký ức chiến tranh và khát vọng hòa bình”, ông Chiến nói.

“Ta đã đánh trên 300 trận lớn nhỏ, 3 lần bắt biệt kích địch vượt sông đặt mìn phá cột cờ, 2 chiến sĩ công an vũ trang hy sinh, 8 bị thương, 11 dân quân Hiền Lương ngã xuống để lá cờ Tổ quốc luôn tung bay trên bầu trời giới tuyến”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng kể lại.

Nguồn tin: infonet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây