Nhân sự kiện lịch sử 40 năm chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã kể với PV Dân Việt về kỷ niệm và ấn tượng của ông với Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước. Ông Lê Đức Anh từng là Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu tại Campuchia.
Đại tướng Phạm Văn Trà nhớ lại: Sau giải phóng miền Nam, tướng Lê Đức Anh làm Tư lệnh Quân khu 9. Thời điểm đó dường như ông đã có một sự linh cảm về tình hình Campuchia nên đã có những bước chuẩn bị nhất định.
Quân khu 9 đã có Sư đoàn 4, Sư đoàn 8 nhưng ông vẫn đề nghị và cho thành lập Sư đoàn 330, gồm những trung đoàn mạnh nhất. Trung đoàn 1 U Minh do ông Phạm Văn Trà làm trung đoàn trưởng được biên chế vào Sư đoàn này. Tướng Lê Đức Anh chỉ đồng ý những đơn vị quân đội thiên về làm kinh tế được cho bộ đội phục viên. Riêng những đơn vị chiến đấu, từ cấp tiểu đội trưởng trở lên ông giữ lại hết.
Đại tướng Phạm Văn Trà trả lời phỏng vấn báo chí về chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. (Ảnh: Huỳnh Xây)
Tính từ năm 1975 -1977, quân Pôn Pốt đã rất nhiều lần tấn công vào biên giới nước ta. Đến 30.4.1977, chúng đánh quy mô cấp sư đoàn. Đối với Quân khu 9, lực lượng chiến đấu nhờ có sự chuẩn bị nên đã anh dũng chặn đánh chặn địch và giữ được đất đai.
Còn ở phía khu vực do Quân khu 7 và Quân đoàn 4 quản lý, khi quân Pôn Pốt tấn công đã gây tổn thất (thương vong lớn) cho ta. Khi quân địch đã đánh sâu vào nước ta, Bộ Quốc phòng phải điều Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) về trấn thủ Tây Ninh để chặn bước tiến quân thù.
Trên cương vị, Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam, ông cũng có quyết định sáng suốt. Ông kiên quyết chỉ đạo phải đánh Pôn Pốt đến tận sào huyệt cuối cùng, nơi đó gần biên giới với Thái Lan.
Pôn Pốt lúc đó lực lượng còn mạnh, lại được sự hậu thuẫn của một số nước lớn, nhiều tướng lĩnh sĩ quan cũng khuyên ông nếu cho bộ đội tấn công ra khu vực này sẽ rất ác liệt. Tuy nhiên tướng Lê Đức Anh kiên quyết yêu cầu thực hiện chỉ đạo của mình.
Tỉnh cảm đặc biệt của người dân Campuchia dành cho Bộ đội tình nguyện Việt Nam: (Ảnh tư liệu)
Sau khi đánh đuổi bọn Pôn Pốt chạy sang phía Thái Lan, tướng Lê Đức Anh cho lập phòng tuyến để giữ đất (trồng tre, cắm chồng, gài mìn). Quân Pôn Pốt tấn công trở lại nhưng vấp phải phòng tuyến vững chắc này và dần suy yếu đi.
Thời điểm này, ở trong nước quân đội ta tiến hành thực hiện nghị quyết theo mô hình của Liên Xô là không tổ chức Đảng ủy Quân sự, chỉ sinh hoạt chi bộ Đảng, thành lập Hội đồng Quân sự, Hội đồng chính trị. Lúc đó, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam cử tướng Đặng Vũ Hiệp sang Campuchia để phổ biến nghị quyết trên với lãnh đạo Quân tình nguyện Việt Nam.
Khi tướng Hiệp sang đến nơi gặp tướng Lê Đức Anh, tướng Anh nói ngay: Anh về nói với anh Chu Huy Mân (Đại tướng – Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị lúc đó) và Bộ trưởng Quốc phòng rằng bên này chúng tôi đang chiến đấu, cần phải có Đảng lãnh đạo, nếu không có Đảng lãnh đạo thì không chiến đấu được. Hiện chúng tôi không thể chấp hành nghị quyết trên. Khi nào rút quân về nước chúng tôi sẽ thực hiện nghị quyết sau (mô hình tổ chức theo Liên Xô sau một thời gian áp dụng đã bỏ và quay lại cách tổ chức Đảng ủy Quân sự như trước đây).
Sau thời gian chỉ huy chiến đấu ở Campuchia, tướng Lê Đức Anh về nước giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm 1989, ông cho Quân tình nguyện Việt Nam rút về nước hết. Nhiều cán bộ sĩ quan cấp cao lo ngại nếu bộ đội Việt Nam về hết, tàn quân Khmer Đỏ sẽ trỗi dậy, phục hồi lực lượng và tấn công lại lực lượng vũ trang cách mạng của Campuchia, có khi phải quân đội Việt Nam lại phải ra phòng thủ biên giới Tây Nam.
Tuy nhiên Đại tướng Lê Đức Anh đã tin tưởng chính quyền và lực lượng vũ trang của nước bạn có thể đứng vững, ông kiên quyết rút hết quân chỉ để lại các chuyên gia ở lại giúp nước bạn.
|
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn