(PL News) - Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn hành động thật nhanh theo ý của mình những đã gặp phải hàng loạt trở lực trong hệ thống tam quyền phân lập.
Việc thẩm phán bang Washington ra phán quyết tạm ngưng sắc lệnh về cấm người nhập cư cho Donald Trump hiểu giới hạn quyền lực tổng thống trong tổng thể hệ thống chính trị Mỹ.
Reuters |
Tổng thống Donald Trump, người nhiều năm liền điều hành doanh nghiệp với quyền lực không bị kiểm soát, lần đầu tiên hiểu hạn chế của quyền lực tổng thống trong hệ thống tam quyền phân lập ở nước Mỹ.
Trong hệ thống này, cơ quan lập pháp ban hành các luật, tổng thống và nội các đảm bảo các luật đó được vận hành, còn toà án là nơi người dân có thể kiện nếu cảm thấy luật đó là không phù hợp. Các thẩm phán sẽ đưa ra phán quyết dựa trên lý lẽ của các bên.
Cách chính quyền Trump liên tiếp ký các sắc lệnh chỉ cho thấy mong muốn vội vàng để thúc đẩy một loạt luật lệ mới thay vì thông qua hệ thống chính trị Mỹ truyền thống - vốn sẽ lâu và mất thời gian hơn.
Được soạn thảo bởi nhóm nhỏ các trợ lý và thậm chí giấu kín nội dung với cả các nghị sĩ cùng phần lớn thành viên nội các, lệnh cấm của Trump đã liên tục đối mặt với các chỉ trích ngay từ khi được ban hành. Nhiều chuyên gia luật đã chỉ ra những lỗi rất "nghiệp dư" trong sắc lệnh này.
Đơn kiện của bang Washington dùng đúng chiến thuật mà phe Cộng hoà từng dùng chống Tổng thống Barack Obama hồi tháng 11/2014 khi ông định bảo vệ không cho trục xuất 4 triệu người nhập cư.
Các luật sư phe Cộng hoà khi đó nói ông Obama đã vượt quá thẩm quyền mà hiến pháp cho phép khi xâm phạm quyền hạn của quốc hội. Bang Washington và các bang khác lập luận Trump đã xâm phạm Hiến pháp khi phân biệt đối xử dựa trên tôn giáo (khi nhắm vào người Hồi giáo).
Việc ông Trump sau đó dùng Twitter tấn công thẩm phán James Robart cũng là việc bất thường và có thể bất lợi cho Bộ Tư pháp sau này khi ra trước toà.
Kỳ nghỉ bị phá bĩnh
Tối 3/2, trong lúc Tổng thống Trump ngồi giữa quan khách của biệt thự nghỉ dưỡng Mar-a-Lago (Florida) và tận hưởng kỳ nghỉ đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức tổng thống, thẩm phán liên bang James Robart ở bang Washington đã ra lệnh chặn đứng lệnh cấm nhập cư Trump vừa ký cách đó 1 tuần. Phán quyết của vị thẩm phán có hiệu lực trên toàn quốc.
Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus, chiến lược gia trưởng Steve Bannon và cố vấn cao cấp Stephen Miller đều cùng tổng thống đi nghỉ. Cuối cùng, từ khu nghỉ dưỡng sang trọng của gia đình Trump, các cộng sự thân tín của tổng thống phải tạm ngưng kỳ nghỉ để đối phó với lệnh tòa mới nhất.
Từ Washington, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sean Spicer thông báo lúc 22h ngày 3/2 rằng Bộ Tư pháp Mỹ sẽ tìm cách chặn đứng phán quyết của tòa. Tuy vậy, trước lệnh chặn đứng được ban ra, các nhân viên của chính quyền Trump buộc phải tuân theo lệnh tòa. Một ngày sau, Bộ Tư pháp Mỹ chính thức gửi đơn kháng án, phản đối quyết định dừng thực thi sắc lệnh tổng thống.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết cơ quan này đã ngưng thực thi lệnh cấm của ông Trump dù vẫn tuyên bố sắc lệnh của tổng thống là "đúng luật và hợp lý". Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới (thuộc Bộ An ninh Nội địa) đã thông báo đến các hãng hàng không có thể nhận hành khách nằm trong diện cấm trước đó lên máy bay đến Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ đang cấp lại những visa mà họ từng huỷ trước đó vài ngày.
Sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump rồi phán quyết tạm ngưng thi hành sắc lệnh kéo theo sự thay đổi "chóng mặt" trong chính sách của Mỹ vài ngày qua và một chính phủ non trẻ đối mặt với sự hỗn loạn.
"Tôi không thể nhớ có tổng thống nào lại bước vào 100 ngày đầu nhiệm kỳ với nhiều rắc rối hơn", CNN dẫn lời David Gergen, người từng làm cố vấn cho 4 đời tổng thống.
"Tôi hiểu rằng họ đang cố giải quyết một vấn đề nghiêm trọng. Chính họ đã gây ra việc này bằng cung cách soạn thảo chính sách đấy. Họ không có luật sư. Họ cần hiệu đính lại nó sao cho có thể vượt qua hàng rào hiến pháp", theo ông Gergen.
Cuộc chiến pháp lý phía trước
Trong 11 ngày đầu trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, chính quyền của ông nhận được 42 đơn kiện. Trước phán quyết của thẩm phán liên bang, sắc lệnh cấm nhập cư của ông bị các bang Massachusetts, New York, Virginia và Washington kiện.
Tuy nhiên, cuộc chiến pháp lý giữa chính quyền ông Trump với các thẩm phán sẽ còn kéo dài. Phán quyết của thẩm phán liên bang chỉ tạm ngưng việc thực thi sắc lệnh hành pháp của tổng thống. Để vụ việc được đưa lên Tòa Tối cao, các bên liên quan sẽ phải tham gia vào một cuộc chiến pháp lý có thể kéo dài đến một năm.
Theo Economist, trong chừng ấy thời gian, tổng thống có thể đã ban hành thêm nhiều chính sách về nhập cư và việc bác bỏ sắc lệnh hôm 27/1 sẽ không còn nhiều ý nghĩa.
Hệ quả với Tòa Tối cao
Tổng thống Trump đã lên Twitter để chỉ trích James Robart, thẩm phán ra quyết định dừng lệnh cấm trên toàn quốc, là "cái người gọi là thẩm phán". Phát ngôn này của ông có thể gây bất lợi cho Neil Gorsuch, người tổng thống đề cử cho vị trí thẩm phán Tòa tối cao, trong quy trình xem xét phê chuẩn thẩm phán của quốc hội.
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện, tuyên bố ngày 5/2 rằng cách gọi "người gọi là thẩm phán" của tổng thống sẽ kéo theo những câu hỏi khó cho thẩm phán Gorsuch tại phiên điều trần trước quốc hội.
"Việc tổng thống tấn công thẩm phán James Robart, người được bổ nhiệm từ thời cựu tổng thống George W. Bush và được thông qua với 99 phiếu thuận (trong số 100 phiếu của Thượng viện), cho thấy thái độ xem thường đối với nền tư pháp độc lập khi nó không thuận theo ý riêng của mình và sự thiếu tôn trọng hiến pháp. Vì vậy, vai trò của Tòa Tối cao phải giám sát độc lập chính phủ càng quan trọng hơn", ông Schumer cho biết.
Chính quyền Trump cũng chuẩn bị cho cuộc chiến ở Thượng viện. Ngày 4/2, Phó tổng thống Mike Pence kêu gọi phe Cộng hòa tại Thượng viện đổi luật, áp dụng "phương án hạt nhân", chỉ cần thiểu số tối thiểu, tức 51/100 thượng nghị sĩ bỏ phiếu thuận, để thông qua đề cử ứng viên Toà Tối cao./.
Nguồn tin: Theo Phương Thảo/Zing
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn