Ông Trần Hữu Thế - phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - cho biết từ ngày 24 đến chiều 29-5, có khoảng 600.000 con tôm hùm nuôi ở phường Xuân Yên và xã Xuân Phương (thị xã Sông Cầu) chết đột ngột, chiếm khoảng 30% tổng số tôm hùm nuôi thương phẩm toàn tỉnh, ước thiệt hại ban đầu khoảng 600 tỉ đồng.
Theo ông Thế, hiện nay tôm hùm nuôi ở đầm Cù Mông (thị xã Sông Cầu) cũng lác đác có hiện tượng chết.
“Bước đầu, cơ quan chức năng của tỉnh nghi nguyên nhân khiến tôm hùm chết hàng loạt là do hiện tượng thủy triều đỏ. Hàng năm, vào mùa này khi trời nắng nóng, xuất hiện mưa giông là tầng đáy ở những vùng nuôi tôm hùm xuất hiện hiện tượng này, khiến khu vực đó thiếu oxy, làm tôm nuôi gần đáy chết nhiều. Nhưng năm nay thì diễn ra sớm hơn, tôm chết nhiều hơn” - ông Thế cho biết.
Tại cuộc họp chiều 29-5, UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ, chọn vị trí nước an toàn để giúp dân di dời những lồng nuôi hải sản chưa bị ảnh hưởng để giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi; lấy mẫu nước ở nhiều nơi, nhiều nguồn xả thải khác nhau như vùng nuôi đang có tôm chết, nguồn xả từ các hồ nuôi tôm, ốc hương… để kiểm nghiệm; sớm đôn đốc việc xác định nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng trên từ kết quả kiểm nghiệm mẫu.
“Tỉnh cũng chỉ đạo cơ quan tham mưu làm văn bản tỉnh công bố tình trạng thiên tai ở vùng nuôi tôm hùm Sông Cầu. Đồng thời, yêu cầu ngành ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, tái cơ cấu nợ cho người dân nuôi tôm hùm bị thiệt hại. Ngành nông nghiệp cũng khẩn trương chuẩn bị điều kiện để mở hội thảo khoa học về nuôi tôm hùm bền vững tại thị xã Sông Cầu, trong đó có mời các chuyên gia hàng đầu về tham dự” - ông Thế cho biết.
Trong khi đó, một số người dân nuôi tôm hùm cho rằng cơ sở chế biến hải sản của một doanh nghiệp ở xã Xuân Phương xả thải trộm ra vùng nuôi khiến tình hình ô nhiễm nghiêm trọng, làm tôm hùm nuôi chết. Những ngày qua, một số người nuôi tôm bức xúc đã tập trung ở cơ sở chế biến hải sản này để phản đối.
Ông Trần Hữu Thế cho biết tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, đồng thời lấy mẫu nước thải ở cơ sở chế biến này đi kiểm nghiệm.
Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phú Yên, nguyên nhân ban đầu khiến tôm chết là do mật độ nuôi quá dày, thức ăn dư thừa, chất thải từ hoạt động nuôi tích tụ, gây ô nhiễm nguồn nước tại khu vực nuôi. Khi thời tiết chuyển đột ngột dẫn đến tình trạng tảo đỏ phát triển quá mức ở tầng đáy, gây hiện tượng thiếu oxy cục bộ vào ban đêm làm cho các loài thủy sản nuôi và sống trong tự nhiên bị chết ngạt.
Mặt khác, khi tôm bị yếu, tác nhân gây bệnh luôn có sẵn trong môi trường nước nên dễ dàng xâm nhập vào cơ thể tôm nuôi, như bệnh sữa, làm tôm chết nhanh hơn.
Nguồn tin: TTO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn