Sáng 29/5, Quốc hội nghe các tờ trình về dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi). Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, sau hơn 4 năm thực hiện, đạo luật này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Một trong số đó là thiếu nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết đối với cán bộ về hưu, cán bộ bị thôi việc, chuyển công tác...
Theo ông Sáu, ở lần sửa đổi này, dự thảo Luật đã bổ sung thêm một số nguyên tắc về giải quyết tố cáo trong trường hợp nội dung liên quan tới các cán bộ trong diện nêu trên. Cụ thể, một người bị tố cáo có vi phạm trong thực thi công vụ trước khi nghỉ hưu thì tố cáo đó sẽ do người đứng đầu cơ quan, đơn vị giải quyết.
Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, cơ quan này nhất trí với việc bổ sung nêu trên. Tuy nhiên, theo ông, trong Uỷ ban pháp luật cũng có ý kiến đề nghị không nên bổ sung, bởi đây là đạo luật quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện công vụ..., nên chỉ áp dụng với những người đang đương chức.
Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, sau 4 năm triển khai Luật Tố cáo đã bộc lộ nhiều bất cập. Ảnh: Quochoi.vn |
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Uỷ viên thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội cho rằng, việc bổ sung nguyên tắc trên là cần thiết.
"Tầm ảnh hưởng của nhiều cán bộ khi về hưu vẫn còn rất lớn. Bổ sung nguyên tắc này sẽ thay đổi được quan niệm lâu nay, để họ thấy rằng không phải cứ rời nhiệm sở là hạ cánh an toàn", ông Nhưỡng đánh giá.
Chưa quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh
Theo Tổng thanh tra Chính phủ, dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) trình Quốc hội chưa nên quy định về việc giải quyết tố cáo nặc danh. Ông Sáu lý giải, các quy định liên quan hiện chưa chấp nhận xem xét, giải quyết đơn tố cáo không rõ họ tên địa người tố cáo.
Trong những năm qua, các cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh. Trong đó có đến 59,3% là tố cáo sai và 28,3% tố cáo có đúng, có sai. Vì vậy, nếu luật quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết.
“Hơn nữa, trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo nặc danh sai sự thật thì không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người tố cáo”, ông Sáu nói.
Tác giả bài viết: Anh Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn