Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết kiến nghị của tỉnh Bình Định.
Cụ thể, Thủ tướng giao các bộ: Giao thông Vận tải (GTVT), Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), Nội vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đề nghị của tỉnh Bình Định về cơ chế thẩm quyền quản lý của địa phương đối với cảng Quy Nhơn, xác định lại tỉ lệ cổ phần theo hướng nhà nước nắm cổ phần chi phối và xem xét quy hoạch, đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô cụm cảng Quy Nhơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết kiến nghị của tỉnh Bình Định
Trước đó, ngày 20-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với các lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Định. Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng đề nghị Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành làm sao để cảng Quy Nhơn trở lại là cảng của Nhà nước. Theo ông Tùng, cảng Quy Nhơn có vị thế chiến lược rất quan trọng, vốn là niềm tự hào của tỉnh Bình Định, là vị thế của tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, vừa qua, việc cổ phần hóa (CPH) cảng Quy Nhơn, bán cảng này cho tư nhân đã khiến cán bộ, nhân dân Bình Định bất bình, bức xúc.
"Tôi xin thay mặt cho cán bộ, nhân dân tỉnh Bình Định tha thiết đề nghị Thủ tướng làm sao cho cảng Quy Nhơn trở lại là cảng của tỉnh, của Nhà nước. Nếu được như thế, cán bộ, nhân dân Bình Định sẽ rất mừng. Tôi có thể dám khẳng định như vậy" - ông Nguyễn Thanh Tùng đề nghị.
Gần đây nhất, tại buổi làm việc vào ngày 4-7 với đoàn công tác của Trung ương Đảng do ông Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư - dẫn đầu, lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng tiếp tục kiến nghị thu hồi cảng Quy Nhơn về cho Nhà nước.
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã nêu những kiến nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định về vụ việc cảng Quy Nhơn với Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và đoàn công tác. Theo đó, cảng Quy Nhơn là cảng tổng hợp quốc gia, rất có ý nghĩa chiến lược an ninh - quốc phòng. Trong kháng chiến chống Mỹ, cảng luôn đóng vai trò quan trọng đối với quốc phòng - an ninh, là hành lang Đông - Tây (nối từ Myanmar ra biển Đông) trong giao thương quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện CPH tại cảng Quy Nhơn đã nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc trong nhân dân, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra toàn diện để phát hiện, làm rõ sai phạm và đề xuất xử lý theo quy định.
Sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, để ổn định tình hình và phát huy lợi thế đặc biệt của cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định tha thiết đề nghị Thường trực Ban Bí thư quan tâm xem xét, chỉ đạo Chính phủ cho cơ chế về thẩm quyền quản lý của địa phương đối với cảng Quy Nhơn theo hướng Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Phát biểu tại buổi làm việc về vấn đề CPH tại cảng Quy Nhơn, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh: "Hiện, vấn đề CPH ở cảng Quy Nhơn đã được Thanh tra Chính phủ vào cuộc, đang chờ kết luận. Đây là công việc cụ thể, việc của Chính phủ cần phải làm sớm, không để bức xúc kéo dài được. Bởi, cảng Quy Nhơn có vị trí rất quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh".
Cho rằng vụ mua bán này có dấu hiệu làm thất thoát tài sản Nhà nước, từ tháng 4-2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thanh tra lại toàn bộ quá trình CPH tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn (QNP). Sau đó, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra. Đến cuối tháng 7-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chỉ đạo khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng sai trong việc CPH tại QNP.
Liên quan tới vụ việc, cuối tháng 5-2017, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật đối với nguyên bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Văn Thiện với lý do đã thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT về việc CPH QNP không thuộc trách nhiệm của tỉnh, không thông qua tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Cảng Quy Nhơn - Ảnh: Đức Anh
Cảng Quy Nhơn được hình thành năm 1976, do Cục Đường biển (Bộ GTVT) quản lý. Đến năm 1993, Bộ GTVT quyết định thành lập doanh nghiệp nhà nước Cảng Quy Nhơn. Năm 2009, cảng trực thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đổi tên thành Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn. Tháng 7-2013, Vinalines phê duyệt phương án CPH, chuyển Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn thành Công ty CP Cảng Quy Nhơn (QNP).
Trên cơ sở đó, tháng 9-2013, QNP tổ chức bán đấu giá thành công, bán ra 10% vốn điều lệ cho cổ đông tự do, tương đương 4,04 triệu cổ phiếu với mức giá bình quân 12.792 đồng/cổ phiếu. Thời điểm này, QNP cũng bán 4,04 triệu cổ phiếu khác cho "nhà đầu tư chiến lược" là Công ty CP Đầu tư và Khoảng sản Hợp Thành (gọi tắt là Công ty Hợp Thành, trụ sở TP Hà Nội) với mức giá tương tự.
Trước đó, tại công văn số 747/TTg-ĐMDN ngày 27-5-2013, Thủ tưởng đã có ý kiến về việc CPH tại QNP. Theo đó, Vinalines nắm giữ 49% vốn điều lệ, các nhà đầu tư trong nước nắm giữ 51% vốn điều lệ tại QNP.
Trên cơ sở đó, ngày 22-7-2013, Vinalines ban hành Quyết định số 336/QĐ-HHVN về quá trình CPH và thoái vốn nhà nước tại QNP. Theo đó, giai đoạn 1, phát hành lần đầu 40.409.950 cổ phiếu, trong đó nhà nước chiếm 75% vốn điều lệ; người lao động và tổ chức công đoàn chiếm 5%; nhà đầu tư chiến lược 10% và phát hành ra bên ngoài 10%. Giai đoạn 2, nhà nước giảm tỷ lệ nắm giữ xuống còn 49%, thực hiện trong khoảng thời gian 2014 - 2015.
Kế hoạch thực hiện công văn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như vậy nhưng sau đó Vinalines lại "bán tháo" hết phần vốn của nhà nước tại QNP. Cụ thể, ngày 12-5-2014, Vinalines bất ngờ gửi văn bản đề nghị QNP đánh giá và nêu rõ quan điểm đối với vấn đề bán hết phần vốn nhà nước tại QNP, sự ảnh hưởng và tác động của vấn đề này đối với cảng Quy Nhơn trong giai đoạn hiện nay cũng như trong giai đoạn tương lai.
Ngay sau khi nhận được văn bản trên, ngày 13-5-2014, Ban Thường vụ Đảng ủy, người đại diện phần vốn góp của Vinalines, Ban Tổng Giám đốc và đại diện Công đoàn QNP khẩn trương tiến hành cuộc họp để lấy ý kiến về vấn đề bán hết cổ phần nhà nước tại QNP. Qua đó, ngày 14-5-2014, QNP đã có văn bản nêu rõ những bất cập trong việc bán hết phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp này, đồng thời đề nghị Vinalines kiến nghị các cấp, ngành tiếp tục duy trì sở hữu của Vinalines tại QNP là 49% vốn điều lệ.
Theo ông Nguyễn Hữu Phúc - nguyên Tổng Giám đốc QNP, người ký văn bản trên, việc thoái toàn bộ phần vốn nhà nước tại QNP không nằm trong phương án CPH và thông tin đã công bố, gây ảnh hưởng đến tâm lý các tổ chức, cá nhân đã đầu tư vào công ty và đặc biệt ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm của các thế hệ công nhân, viên chức, người lao động đã góp sức xây dựng và phát triển cảng Quy Nhơn. Bên cạnh đó, vai trò, vị trí và tầm quan trọn của cảng Quy Nhơn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định nói riêng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói chung đã và đang được khẳng định ngày càng nhiều hơn. Do đó, khi nhà nước tiếp tục duy trì sở hữu để tham gia quản lý điều hành doanh nghiệp là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, đến tháng 6-2015, Vinalines bất ngờ chuyển nhượng đợt 2 với 10,5 triệu cổ phiếu, tương đương 26,01% tỉ lệ sở hữu QNP cho Công ty Hợp Thành. Đến đầu tháng 9-2015, Vinalines tiếp tục bán toàn bộ phần vốn góp còn lại trong QNP (19,8 triệu cổ phiếu với tỉ lệ 49%) cho Công ty Hợp Thành, giúp doanh nghiệp này gia tăng tỉ lệ nắm giữ trong QNP lên 86,23%, với số tiền mua khoảng 440 tỉ đồng.
Trước khi CPH, cảng Quy Nhơn là một trong những cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực loại 1 của nhóm cảng biển Nam Trung bộ với hệ thống 20.960m2 kho, 12.000 m2 bãi, 48.000 m2 bãi chứa container. Ngoài ra, cảng còn có trụ sở làm việc 3 tầng rộng hàng ngàn m2, hàng chục gian nhà ở và hơn 300.000 m2 đất các loại ngay trong nội thành Quy Nhơn dưới hình thức thuê đất 50 năm hoặc giao đất không thu tiền sử dụng đất...
Chưa kể giá trị diện tích đất bạt ngàn, với tài sản đồ sộ như vậy nhưng trước khi CPH, QNP chỉ được định giá hơn 404 tỉ đồng. Trong khi đó, thời điểm này QNP có lượng tiền mặt gần 53 tỉ đồng và chỉ nợ ngắn hạn hơn 100 tỉ đồng.
Nguồn tin: nld.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn