Không ít lần, trong cuộc chạy đua vào không gian giữa Mỹ và Liên Xô - hai cường quốc đối địch nhau trong cuộc Chiến tranh Lạnh (1946 - 1989) - lịch sử phải cay đắng chứng kiến những tấn bi kịch hàng không thảm khốc của cả hai quốc gia này.
Nếu như người Liên Xô mở ra buổi bình minh khai phá vũ trụ với sự kiện đưa người lần đầu tiên bay ra ngoài quỹ đạo Trái Đất năm 1961 thì người Mỹ lại thành công vang dội với chương trình đưa người lên Mặt Trăng Apollo lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại năm 1969.
Cứ thế, năm nối tiếp năm, sự kiện nối tiếp sự kiện, những "Christopher Columbus" của vũ trụ không ngừng xuất hiện khiến cho ước mơ ngàn đời của nhân loại (bay ra vũ trụ, sinh sống và làm việc ngoài không gian) dần hiện thực hơn rất nhiều. Hào quang của những chiến thắng trên "mặt trận" không gian vũ trụ giữa Mỹ và Liên Xô khiến dư luận quốc tế vui mừng, tự hào khôn xiết.
Lẽ dĩ nhiên, khi dư luận đổ xô khen ngợi các phát kiến vũ trụ vĩ đại của cả người Mỹ và người Liên Xô, thì những thảm họa hàng không tất yếu được chính phủ hai nước bưng bít. Họ không muốn đưa mình vào thế yếu trước một địch thủ mạnh và trước những lời tung hô không ngừng của thế giới.
Trong suốt hơn 4 thập kỷ dài của cuộc chiến không đổ máu, rất nhiều tài năng vũ trụ của Mỹ (và Liên Xô) phải âm thầm hy sinh để những ánh hào quang sau này được tỏa sáng.
Trước khi chứng kiến hai tấn bi kịch hàng không đau đớn bậc nhất trong lịch sử khai phá vũ trụ của NASA - là tàu con thoi Challenger nổ tung sau 73 giây rời bệ phóng khiến toàn bộ phi hành đoàn 7 người tử nạn năm 1986 (đọc chi tiết), và số phận bi thảm của tàu con thoi Columbia nổ tung trước khi trở về mặt đất khiến 7 phi hành gia thiệt mạng năm 2003 (đọc chi tiết) - thì lịch sử NASA nói riêng và lịch sử Mỹ nói chung đã phải đối mặt với thảm kịch hàng không cay đắng đúng vào lúc người Liên Xô đang ở đỉnh cao của người tiên phong.
Vụ tai nạn của tàu Apollo 1 năm 1967 là nỗi đau còn day dứt mãi trong ký ức của những người tham dự chương trình Apollo những năm 1960.
Một trong những sự kiện "thức tỉnh" người Mỹ trong cuộc chạy đua vào không gian diễn ra vào ngày 4/10/1957: Khi đó, Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên của thế giới có tên Sputnik 1 lên thẳng quỹ đạo Trái Đất.
Người Mỹ bất ngờ!
Chưa hết, ngày 12/4/1961: Phi hành gia Liên Xô Yuri Gagarin lái con tàu Phương Đông 1 ra ngoài không gian. Chuyến bay lần đầu tiên của nhân loại ra ngoài vũ trụ kéo dài 108 phút ấy trở thành "cú hích" đánh mạnh vào niềm kiêu hãnh của người Mỹ.
Người Mỹ lo sợ!
Bắt đầu từ đó, hàng loạt các chương trình đưa người ra vũ trụ (Project Mercury), đưa người lên Mặt Trăng (Apollo Program)... được Mỹ tức tốc thực hiện.
Dưới áp lực từ giới lãnh đạo, NASA cũng vì thế mà nôn nóng với các chương trình không gian của mình. Để rồi, trong lúc người Liên Xô còn hân hoan với sự kiện trọng đại ngày 12/4/1961 cùng "huyền thoại vũ trụ" mang tên Yuri Gagarin thì người Mỹ đã không "hái được quả ngọt" nào lại còn phải chịu nỗi đau mang tên Apollo 1.
Ngày 27/1/2017 đánh dấu thời điểm tròn 50 năm sau thảm kịch hàng không tồi tệ bậc nhất trong lịch sử khám phá vũ trụ của Mỹ.
Phi thuyền Apollo 1, ban đầu có tên AS-204, theo kế hoạch là con tàu thực hiện sứ mệnh bay vào vũ trụ có người đầu tiên thuộc Chương trình đổ bộ Mặt Trăng có người (Apollo) của NASA, dự kiến phóng vào ngày 21/2/1967.
Nhưng ngày 21/2 cách đây 51 năm đã không bao giờ trở thành một phần quan trọng trọng lịch sử của NASA và nước Mỹ, bởi trước đó, Apollo đã "tử nạn" ngay trước khi thực hiện sứ mệnh đổ bộ Mặt Trăng.
Ngày 27/1/1967
Phi hành đoàn gồm 3 tài năng vũ trụ Mỹ là Trung tá Gus Grissom, phi công chính Ed White - người Mỹ đầu tiên bước ra vũ trụ, và phi công Roger B. Chaffee nhận nhiệm vụ tiến hành buổi phóng thử tàu Apollo 1 mô phỏng tại bãi phóng thuộc Trung tâm vũ trụ Kennedy.
Nếu thử nghiệm này thành công, Apollo 1 sẽ chính thức được phóng vào không gian theo lịch dự kiến vào ngày 21/2/1967.
Phi hành đoàn Apollo 1 năm 1967.
Thử nghiệm được nhận định là không nguy hiểm bởi vì cả chiếc xe phóng cũng như tàu vũ trụ Apollo 1 đều không được nạp nhiên liệu, và tất cả các hệ thống tên lửa đều bị vô hiệu hóa.
13 giờ cùng ngày,
Phi hành đoàn sau khi được trang bị bộ đồ phi hành gia đầy đủ, họ bước vào khoang chỉ huy của Apollo 1. Mô-đun này được thiết kế không gian vừa vặn cho 3 chiếc ghế. Điều này đồng nghĩa với việc các phi hành gia như "bị trói" khi ngồi xuống ghế trang bị đầy đủ hệ thống kết nối thông tin với chỉ huy mặt đất và hệ thống oxy của Apollo 1.
Ba phút sau khi đếm ngược, quá trình khởi động bắt đầu. Tất cả các cửa khoang đóng kín, không khí bên trong mô-đun được thay thế bằng oxy tinh khiết 16,7psi, cao hơn 2psi so với áp suất khí quyển.
Khi tiến hành liên lạc với trạm chỉ huy mặt đất, hệ thống microphone gặp trục trặc. Chỉ huy tàu Gus Grissom nói rằng: "Làm sao chúng ta có thể đổ bộ Mặt Trăng nếu như không thể liên lạc với thành viên phi hành đoàn cũng như với trạm chỉ huy!?"
Ba phi hành gia trong mô-đun chỉ huy của Apollo 1. Nguồn: NASA
17:40 chiều cùng ngày,
Quá trình phóng thử Apollo 1 được thực hiện lại sau khi đội kỹ thuật khắc phục sự cố liên quan đến microphone. Buổi phóng thử đếm ngược diễn ra thuận lợi cho đến 18:30 phút - khi phi hành đoàn đang hoàn tất việc kiểm tra cuối cùng trước khi rời khỏi mô-đun.
9 giây sau,
Trạm chỉ huy bỗng nghe thấy tiếng kêu thất thanh từ một phi hành gia: "Lửa. Ở đây có lửa!"
Tiếp theo đó là tiếng ồn ào từ phía bên kia. Chỉ huy tàu Gus Grissom nói vội: "Báo cáo... có một đám cháy lớn...Chúng tôi đang cố thoát ra... tút.... tút... tút..."
Người ta không còn nghe thấy bất cứ âm thanh nào ngoài tiếng kêu đau đớn của phi hành đoàn Apollo 1. Từng giây trôi qua khiến cho những người liên lạc hoang mang.
Lập tức, đội cứu hộ chạy đến khoang chỉ huy của con tàu. Họ hy vọng mọi chuyện vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Thế nhưng, tất cả đã quá muộn màng!
Nhờ oxy tinh khiết mà ngọn lửa bùng cháy nhanh và dữ dội hơn bao giờ hết. Nhiệt độ cao, khói dày đặc, các cánh cửa tàu nóng rãy và mặt nạ không khí hoạt động không hiệu quả... tất cả cản trở nỗ lực cứu hộ của những người bên ngoài khoang chỉ huy.
Đồng đội của 3 phi hành gia như điên cuồng tìm mọi cách đưa các anh ra ngoài, bất chấp cả việc mô-đun chỉ huy có thể phát nổ, gián tiếp gây vụ nổ cho quả tên lửa dùng để phóng tàu cách đó không xa.
Khi oxy tinh khiết trong khoang bị đốt cháy gần hết, ngọn lửa tàn dần. Nhưng bên trong nó là nồng độ khí CO2 đậm đặc. Phải mất 5 phút, người ta mới có thể mở cửa khoang của mô-đun chỉ huy. Khung cảnh trước mắt những người có mặt hôm đó trở thành ký ức đau thương, ám ảnh vô cùng:
Tất cả... 3 phi hành gia tài năng của Apollo 1 không còn chút sinh khí. Tồi tệ hơn nữa. Ngọn lửa nghiệt ngã đã thiêu đốt họ biến dạng đến nỗi người ta không thể nhận ra ai với ai. Ba thi thể bị cháy đen. Quần áo phi hành dính chặt vào những phần còn lại của thi thể các anh. Pháp y về sau gặp khó khăn trong việc tách quần áo với phần xương thịt còn lại của phi hành đoàn.
Thi thể còn lại của phi hành đoàn Apollo 1. Nguồn: NASA
Ngay sau vụ cháy tàn khốc của Apollo 1 xảy ra, giám đốc NASA khẩn thiết xin Tổng thống Mỹ thời đó là Lyndon B. Johnson cho phép cơ quan này "bí mật" điều tra nguyên nhân vụ việc và hứa sẽ báo cáo trung thực toàn bộ sự việc trước khi cho công chúng biết.
Ngày 5/4/1967, NASA đệ trình bản báo cáo nguyên nhân sự cố tàu Apollo 1 lên Tổng thống.
Giới pháp y khám nghiệm tử thi xác định, nguyên nhân chính gây tử vong cho cả ba phi hành gia là tim ngừng đập do nồng độ CO2 cao. Các mức độ bỏng khác nhau của phi hành đoàn không phải là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của họ. Các cấp độ bỏng đều được xác định là xảy ra sau khi 3 phi hành gia tử nạn.
Cũng theo khám nghiệm tử thi, chỉ huy Gus Grissom bị bỏng cấp độ 3. Bộ độ phi hành bị phá hủy hoàn toàn; Phi công chính Ed White bị bỏng cấp độ 2. Bộ quần áo bị cháy hoàn toàn; Phi công Roger B. Chaffee bị bỏng cấp độ 3, một phần quần áo bị cháy nặng.
Về nguyên nhân gây nên vụ hỏa hoạn, NASA báo cáo:
Thứ nhất, nguồn đánh lửa có thể liên quan đến "hệ thống dây điện nguồn của Apollo 1" hoặc có thể do "ống dẫn nước mang theo chất làm mát dễ cháy và ăn mòn trên tàu".
Thứ hai, nguồn oxy trong khoang ở mức tinh khiết cao nhiều so với áp suất khí quyển.
Thứ ba, cabin (môn-đun chỉ huy) kín không dễ dàng đóng-mở khiến cho quá trình thoát hiểm trong tình huống nguy cấp gặp khó khăn.
Thứ tư, trong cabin chỉ huy có quá nhiều vật liệu gây cháy.
Thứ năm, công tác cứu hộ bên trong và bên ngoài cabin chưa đầy đủ và hiệu quả.
Sứ mệnh Apollo sau sự kiện tàn khốc của tàu Apollo 1 ngày 27/1/1967 đã thay đổi hoàn toàn về sau. 18 tháng sau vụ tai nạn khiến 3 phi hành gia Mỹ hy sinh, NASA mới lại thực hiện sứ mệnh đưa người lên Mặt Trăng. Và họ đã thành công.
Ngày 20/7/1969, hai năm sau cái chết của phi hành đoàn Apollo 1, người Mỹ đổ bộ Mặt Trăng thành công. Họ chính thức trở thành quốc gia đi tiên phong trong cuộc chạy đua lên vệ tinh tự nhiên của Trái Đất. Tạm thời bỏ xa người Liên Xô trong sứ mệnh thăm dò Mặt Trăng tiêu tốn hàng tỷ đô.
Quay lại thập niên 1960, một cựu phi hành gia của NASA từng thú nhận: "Khi giới lãnh đạo đặt mục tiêu đổ bộ Mặt Trăng trong vòng chưa đầy 10 năm là một tham vọng quá sức!"
Bởi có lẽ, bi kịch của Apollo 1 có thể chấm dứt mọi nỗ lực tiếp cận Mặt Trăng của người Mỹ nếu như chính nước Mỹ không bị cuốn vào cuộc chạy đua khổng lồ vào không gian với người Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.
Áp lực trước một Liên Xô hùng cường trong vũ trụ khiến giới lãnh đạo Mỹ đứng ngồi không yên.
Trước những toan tính chính trị và tham vọng muốn vượt mặt Liên Xô đã khiến Mỹ gây áp lực lên NASA. Công thức cho thảm họa hàng không được giải khi NASA phải thực hiện một trong những sứ mệnh tham vọng và khó khăn nhất trong lịch sử của mình.
Thực tế cho thấy, Apollo 1 không phải là một phiên bản sửa đổi của tàu vũ trụ Gemini, nó là một tàu vũ trụ hoàn toàn mới và Apollo 1 có khoảng năm năm phát triển, nhưng nó chưa sẵn sàng bay vào tháng 1 năm 1967 định mệnh đó.
Khi sự thúc giục bất chấp những nguyên tắc an toàn bay cộng với những mưu toan chính trị thì thảm họa xảy ra là điều dễ hiểu. Bài học này có lẽ chính NASA thấm nhuần hơn cả.
Dưới góc độ nhân văn, sự hy sinh của 3 tài năng vũ trụ Mỹ trên con tàu Apollo 1 khi chưa kịp cất cánh bay vào vũ trụ phần nào đã giúp NASA có được kinh nghiệm cho các chuyến bay về sau an toàn hơn.
Neil Armstrong cùng Buzz Aldrin và Michael Collins đã trở thành những người đầu tiên trong lịch sử thế giới đổ bộ lên Mặt Trăng trên con tàu Apollo 11 ngày 20/7/1969.
Chúng ta hẳn còn mãi nhớ câu nói trong thời khắc phi hành gia Neil Armstrong đặt dấu chân đầu tiên lên Mặt Trăng: "Đây là bước đi nhỏ bé của một người, nhưng là bước tiến khổng lồ của nhân loại".
Phi hành đoàn Apollo 1 (trái sang phải): Gus Grissom, Ed White, Roger B. Chaffee. Nguồn: NASA
Để ghi nhớ công lao của ba phi hành gia tàu Apollo 1, người Mỹ trang trọng đặt thi thể của chỉ huy Gus Grissom và phi công Roger Chaffee tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington. Phi công Ed White được chôn cất tại nghĩa trang West Point trên khuôn viên của Học viện Quân sự Mỹ ở West Point, New York.
Tên của họ nằm trong danh sách những phi hành gia đã chết trong nhiệm vụ, được khắc trên Đài tưởng niệm Space Mirror tại Trung tâm vũ trụ Kennedy ở đảo Merritt, Florida.
Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã trao tặng Huân chương danh dự cho Gus Grissom vào ngày 1/10/1978. Tổng thống Bill Clinton trao tặng huân chương cùng loại cho Ed White và Roger Chaffee vào ngày 17/12/1997.
NASA dành riêng "Ngày Tưởng niệm - Day of Remembrance" để tưởng nhớ 3 thảm kịch đáng nhớ trong lịch sử cơ quan này, gồm: Apollo 1 - Challenger - và Columbia.
Lịch sử mãi khắc ghi những cống hiến to lớn của các anh hùng vũ trụ, nhờ họ, không chỉ người Mỹ, mà cả nhân loại có những bước tiến lớn trong công cuộc khai phá không gian.
Bài viết sử dụng nguồn: NASA, Space.com
theo Helino
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn