Sự thật về thuật phong thủy?

Thứ bảy - 07/04/2018 04:00
(PhapluatNews) - Khổ lắm, nói mãi, nhàm tai... nhưng có vẻ như chẳng mấy ai biết rõ cái bí mật này, mà có biết vẫn... dị đoan mới lạ!
Sự thật về thuật phong thủy?

Ví dụ ngay ông bạn thân tôi vốn sùng tín, để xây một căn nhà 4 tầng đã chạy đôn đáo lựa thợ, chọn vật liệu, nhờ người giám sát quá trình thi công và đương nhiên không. thể thiếu một thầy địa siêu đẳng cúng vái thổ thần quản lý khu vực, chọn ngày giờ khởi móng, đổ trần xong lại còn hàn cả long mạch và yểm bùa chú bốn phương trừ tà... Tưởng rằng cẩn trọng đến thế không chút sơ sảy nào, nhưng nhà chưa hoàn thành thì bố mát, năm tiếp theo phải vướng kiện tụng liên miên, năm tiếp nữa con thi trượt Đại học, rồi đến sức khỏe bệnh tật mọc ra ầm ầm chẳng biết kêu ai vì đã xem phong thủy địa lý kỹ lắm rồi kia mà? Bà chị tôi cải tạo, lên tầng hai lợp tôn mỗi căn nhà cấp 4 cơ quan chia cho, cũng tất tả ngược xuôi từ Diễn sang Hà Đông nhờ thầy kén ngày giờ tốt, xem tuổi cả mẹ lẫn con, vậy mà mái chưa lợp xong đã thấy đơn hàng xóm gửi đến tận cơ quan khiếu nại chỉ vì lấn chiếm khoảng không tập thể! Cô bạn tôi thì khác, mua được mảnh đất ở Định Công bèn tức tốc xây ngay, khốn nỗi xem nhiều thầy quá mỗi người nói một phách, không biết tin theo ai, bèn chọn bừa một ngày dương và ngày âm có tống số đẹp nhất đào móng, xây ào ào thế mà mọi việc cũng ổn cả, chẳng làm sao? Chuyện cậu tôi lại càng vô thưởng vô phạt khánh thành ngôi biệt thự kiểu Pháp tại khu xóm Chùa xong, chỉ được hưởng thụ mỗi hai tuần đã phải ngậm ngùi khăn gói quay lại căn hộ lắp ghép cũ, vì có ông Tây thuê dài hạn nhà mới mất rồi, chẳng kịp biết ở tốt hay xấu nữa. Hình như đã thành thông lệ, hễ cứ chọn đất xây nhà xong tốt đẹp thì không sao, còn gặp biến cố trục trặc, mất mát thua thiệt gì là người ta đổ riệt tại phong thủy rồi ân hận vì không nhờ thầy địa lý giúp đến nơi đến chốn hoặc hậu đãi thầy chưa cẩn thận...

Kể qua vài câu chuyện mới thấy địa lý phong thủy vốn là một vấn đề tạo nên tâm lý và tác động rất lớn đến đời sống của con người từ xưa tới nay.

Nội dung gốc gác của phong thủy là một loại tri thức người ta dùng để lựa chọn và xử lý hoàn cảnh ăn ở của phần dương trạch (nhà ở cung điện, chùa chiền, bếp...) và phần âm trạch (lăng, mộ, huyệt táng...) nhằm mục đích thỏa mãn tâm lý và sinh lý của con người tránh cái xấu, lấy cái lành. Nếu nhìn trên khía cạnh khoa học, thì phong thủy chính là quan hệ tự nhiên vốn có giữa từ trường trái đất, địa tầng và sức khỏe sinh lý con người. Từ xưa phong thủy có hai trường phái Hình (dựa vào thế đất) và Khí (dùng âm dương bát quái suy ra lành dữ) cho nên hạt nhân cơ bản của phong thủy là nguồn sinh khí một khái niệm vô cùng rối rắm phức tạp bao gồm những quy định về long mạch, huyệt vị, dòng chảy, phương hướng... vì vậy phong thủy là quan niệm duy lý lưu truyền hàng ngàn năm, ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống hiện tại, trở thành một tín ngưỡng vô hình và là tục lệ ám ảnh xã hội mà không sao giải thích rõ ràng được. Cũng cần nói thêm, không chỉ ở riêng nước ta, các dân tộc trên bán đảo Ban Căng cũng từng đề cao yếu tố gió - nước tác động đến con người qua những nghiên cứu của Hipocrát Olimpia, Acrantit... rồi người Ai Cập cổ đại đã xây Kim tự tháp bằng đá theo hướng từ trường để nạp điện, hấp thụ các tia vũ trụ bảo quản xác ướp và hầu hết các nước Đông Á khác đều thịnh hành thuật phong thủy nhu Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Myanmar...

Thông qua rất nhiều điều nghiên xã hội sâu rộng, người ta có thể xác định được nguyên nhân phát sinh quan niệm phong thủy chính là vì con người nhận thấy sự nhỏ bé bất lực của mình trước thiên nhiên bao la bí ẩn, trở nên sùng bái thiên nhiên, tìm mọi cách để tương thích. hòa thuần cùng môi trường sống. Bởi vậy, người ta tôn sùng Trời (nơi quy định số phận sống chết sướng khổ của con người), Đất (nơi người ta phải sống phụ thuộc cả cuộc đời no đói lành dữ), Núi (nơi được coi là chỗ trú ngu của thần thánh). Gió (được coi là sự biểu hiện tính khí hơi thở của Trời), Nước (là nguồn gốc thủy tổ của mọi sinh vật có thể đem lại hạnh phúc hay tai họa khôn lường), Rồng (là linh vật giỏi biến hóa có thể tạo ra mây mưa, quản lý nước gồm chín loại rồng: quay đầu rồng biển, rồng sa, rồng động, rồng bay, rồng nằm, rồng ẩn, rồng lên mây, rồng tự bầy) và nơi tập trung khi mạch tốt nhất của đất được gọi là long huyệt), cuối cùng con người ta tôn thờ linh hồn của người đã chết, coi linh hồn bất diệt và chi phối đến người sống cho nên phải chọn đất lành cho người chết ngụ cư và phù hộ người sống.

Vậy xét cho cùng, bản chất của phong thủy là gì? Đó chính là khái niệm xoay quanh gió và nước. Về khí, các triết gia cổ đại cho rằng khí tồn tại ở mọi nơi, cấu tạo nên vạn vật và khí không ngừng vận động biên hóa quyết định đến họa phúc của con người cho nên khí là gốc của vạn vật có đất là có khí người ta sinh ra từ khí và trở về khí, người sống do khí ngưng tụ lại, người chết phải cần nơi tụ khí vì thế rất nên coi trọng phần mộ tốt để nuôi khí, sinh khí.

Gió cũng được chia làm 8 loại (bát phong), mỗi loại gió cách nhau chừng hai, ba tháng: gió đông bắc nóng, gió đông ào ào, gió đông nam hun đốt, gió nam rất to gió tây nam rét buốt, gió tây heo may, gió tây bắc rất độc, gió bắc lạnh lẽo. Thông qua cách xem gió (phong giác), từng loại gió gắn với hậu quả: nghèo túng, khốn khổ, tan vỡ, tuyệt diệt chết yểu, không con...

Về nước, quan trọng nhất là nguồn mạch, còn gọi là thảy khẩu, nơi nước đổ vào, chảy ra. Nơi nước chảy đi là địa hộ (cửa đất) bởi thế nước sinh ra của cải, bảo tồn đời sống. Cần phải phân biệt được hai loại nước lành (nguồn nước phải vươn xa, quanh co uốn khúc, quay vòng lại. chứa mạch ngầm) và nước xấu (réo ào ào xông tới ầm ầm hoặc có mùi thối). Có tám thần nước (chia ra làm nhiệm vụ theo các dòng sông, biển lớn): thần Lạc thủy là Mật Phi, thần Trường giang là Giang Phi, thần Tương giang là Tương Quân, thần Đống hải là Ngụ Hổ, thần Nam hải là Hồ Dư, thần Tây hải là Yêm Từ, thần Bắc hải là Huyền Minh và thần cai quản các hồ, suối, ao, giếng... nhìn chung là rất phức tạp phiền toái...

 

Phong thủy là học thuyết cổ xưa nghiên cứu sự ảnh hưởng của hướng gió, hướng khí, mạch nước đến đời sống hoạ phúc của con người. Người xưa quan niệm số mệnh của một con người không chỉ phụ thuộc vào bản thân người đó (giờ, ngày sinh) mà còn chịu ảnh hưởng của âm phần và dương phần.

Phong thủy cũng từ đó chia làm hai lĩnh vực:

- Dương trạch: Là cuộc đất được dùng vào mục đích làm nhà cửa, đình, chùa, miếu mạo, thôn xóm, làng mạc, thị trấn, thành phố. Dương trạch phải hài hòa với thiên nhiên, có môi trường tốt đẹp, làm cho con người thấy vui tươi, mạnh khỏe, hạnh phúc. Dương trạch tốt tức là môi trường tốt.

- Âm trạch: Là cuộc đất dùng để chôn người chết, còn gọi là mồ mả. Phong thủy cho rằng, nếu người chết được chôn vào một cuộc đất tốt về phong thủy thì sẽ truyền được phúc đức cho con cháu đời sau.

Phong thủy không phải là yếu tố đơn lẻ mà là tổng hợp hàng loạt yếu tố về địa hình địa thế xung quanh nhà ở, thôn xóm, thành phố hoặc mồ mả, hướng gió, dòng nước cùng tọa hướng, hình dạng, bố cục mặt bằng không gian xây dựng. Phong thủy liên quan đến cát hung, họa phúc, thọ yểu, sự cùng thông của nhân sự. Cát ắt là phong thủy hợp, hung ắt là phong thủy không hợp.

Phong thủy có vai trò rất to lớn, tuy nhiên nó chỉ hỗ trợ, có tác dụng cải biến chứ không thể làm thay đổi hoàn toàn mệnh vận. Nó là nhân tố quyết định sự thành bại. Nếu phong thủy tốt sẽ giúp giảm thiểu được tai hoạ khi vào vận xấu, giúp gia tăng sự thành công và may mắn khi vào vận tốt.

Rõ ràng là quan điểm gió - nước của người xưa nặng về mê tín dị đoan, xây dựng theotrí tưởng tượng để tự an ủi về những hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt và tai hại mà tri thức thời ấy không thể giải thích nổi.

Giờ đây, nếu nhìn nhận và phân tích thuật phong thủy theoquan điểm khoa học hiện đại, thì đúng là trên mặt đất có những vùng từ trường và địa trường phân bố hoàn toàn khác nhau. Mới đây nhất là cách giải thích những tác động, ảnh hưởng của tia đất ở những khu vực đang được quy hoạch, thi công xây dựng và một vài điểm nóng về tai nạn giao thông ví dụ như Pháp Vân - Cầu Giẽ như một số phóng sự báo chí đã đưa tin. Trên cơ sở nhận thức duy vật biện chứng, con người ta hoàn toàn có thế làm chủ phương pháp áp dụng phong thủy vào việc chọn đất, xây nhà ở.

Ngày trước, theo đúng nghiêm luật ra, một công trình kiến trúc hoàn thiện phải hài hòa với thiên nhiên để "nhận khí thiêng của sông núi, tinh hoa của nhật nguyệt", nhằm rèn luyện tinh thần, ý chí, tình cảm dưỡng khí của đất trời và bồi bổ tố chất cho cơ thể (vì lý do hồi ấy chưa điều chế được các loại vitamin tổng hợp)... tất nhiên phải tuân thủ vô số các điều kiện phiền nhiễu như chuẩn bị văn khấn, đồng hồ mặt trời, la bàn, thước đo và phải thuộc lòng ngũ hành, tam hợp, tứ cục, sinh khắc... để chọn cho được long mạch - vấn đề quyết định sự thành bại của thuật tướng địa. Nhưng cuối cùng, sự tài giỏi chính xác của thầy vẫn lại phụ thuộc vào ngộ tính thiên bẩm và các loại bùa chú treo, dán, chôn, yểm... tóm lại xem được chỗ đất làm nhà rất phức tạp, vã mồ hôi trôi tiền của, vô phúc gặp phải thầy địa rởm, dốt thì tai họa càng nặng nề. Tuy nhiên, một số điều kiêng kỵ của phong thủy xem ra cũng khoa họcnhư: Nhà ở không được làm ở cửa ngõ ra vào trên sườn núi hoặc thung lũng tránh lũ quét và sét đánh. Nhà ở không được làm trên giếng cũ vì đất dễ lún gây đổ nhà hoặc rỉ nước mạch mang khí chất độc hay ẩm ướt dễ bị phong thấp. Nhà ở tránh con đường đâm thẳng vào mặt tiền để tránh các phương tiện tốc độ cao hoặc đêm tối lao vào gây tai nạn. Nhà ở không làm nơi ngõ cụt vì ra vào không thuận tiện, hỏa hoạn khó thoát thân. Nhà ở cạnh đền miếu xét về tâm lý cũng không ổn vì vắng vẻ quá tạo hình ảnh cô liêu xa cách cộng đồng, đông đúc quá thì không lúc nào được yên tĩnh...

Cây cối quanh nhà cũng có ảnh hưởng nhất định ví dụ cây to tuy cho bóng mát nhưng mùa mưa sẽ dẫn sét, điện vào nhà và rễ cây sẽ làm móng nhà yếu đi. Trong kết cấu nhà ở cái cửa có vai trò rất quan trọng vì nó là bộ mặt, yết hầu, khẩu khí (đường dẫn khí) của toàn thể kiến trúc. Về yếu tố Thủy tất nhiên nơi ở phải có nguồn nước trong sạch và dồi dào để phục vụ các nhu cầu đời sống khác như chăn nuôi, trồng trọt tưới tiêu. Về yếu tố Phong, nếu nhà chật hẹp, không khí lưu thông kém sẽ sinh ra ẩm thấp, bệnh tật vì sâu bọ, vi trùng, nhưng nếu gió lồng lộng suốt ngày tứ phía thì dễ cảm mạo, phong hàn, tai biến não. Người đang sống đã vậy, người đã chết cũng phải tham khảo một số địa thế đất xấu không được mai táng như nơi có đá tảng lổn nhổn, nước xiết đầu ghềnh, nơi đất cụt vô cảm, núi trọc cô đơn, miếu chùa hoang, vùng đất tù đọng núi đồi tản mạn, phong thủy buồn thảm, đất bẩn hẹp và nước ứ tù hãm... chưa biết lợi hại thế nào nhưng trước hết để tạo thuận tiện cho người thân thăm viếng mộ, tỏ lòng thành kính, tình cảm tốt đẹp với tiền nhân đã khuất điều này không có gì sai trái và đã thành phong tục của các dân tộc phương Đông từ bao đời nay.

Dẫu sao, đã là một tồn tại xã hội thì vẫn có những đặc trưng lạc hậu nhất định, càng ngày phong thủy càng không phù hợp với đời sống công nghiệp và trở thành công cụ trong tay những thầy địa lý ỡm ờ chuyên đi lừa bịp thiên hạ kiếm tiền. Nào là xoay tại vị trí xalông, giường ngủ cho hợp chủ mệnh giá 1 triệu, chặt bỏ những tác động ám địa, hãm chủ như cành cây chĩa vào nhà giá 2 triệu, chỉnh lại hướng bàn thờ để phát tài giá 3 triệu, đặt mộ đúng hướng, chọn đất tốt để phát số thì giá 5 triệu và hơn nữa... Nhưng tại sao các gia chủ và cả các thầy địa không tự đặt ra một câu hỏi đơn giản rồi tự tìm giải đáp xem: Tại sao các thầy siêu giỏi thế mà không tự đặt, chỉnh, sửa cho mình trở thành tỷ phú, vương giả để khỏi hành nghề này, kiếm tiền vất vả lại còn mang tiếng? Thực tế phát triển khách quan còn đang đẩy nhanh thuật phong thủy địa lý vào chân tường ví như chuyện xây nhà ở cho hàng ngàn hộ dân trong một chung cư cao mấy chục tầng thì đương nhiên vấn đề khảo sát địa tầng, chống lún tránh động đất, phòng cháy vô cùng quan trọng và các kỹ sư thiết kế trên máy đồ họa ba chiều cùng các nhà thăm đò địa tầng có thể giải quyết ổn thỏa mà không cần nhờ đến thầy nào cả. Ngoài ra, các nghĩa trang đều có quy hoạch hàng lối, đài hóa thân trở nên phổ biến và vệ sinh môi trường hơn, vì vậy thủ tục chọn hướng mộ tốt xấu, thế đất phát vượng... trở thành khái niệm phù phiếm của những ai lắm tiền, nhiều đất vì phú quý sinh lễ nghĩa mà thôi.

Khái quát lại thuật phong thủy là một hiện tượng văn hóa xã hội tồn tại khá dai dẳng, nếu phân tích kỹ gạt bỏ những thủ pháp, nghi lễ, hình thức mê tín bảo thủ câu nệ thì vẫn còn những kinh nghiệm dân gian đáng học hỏi phục vụ cho việc xây dựng nhà ở thuần túy. Tuy nhiên, với trình độ của khoa học kỹ thuật hiện đại thì thuật phong thủy cũng đáng xếp vào kho lưu trữ để ghi nhớ công sức tìm tòi sáng tạo của các bậc tiền nhân suốt quãng dài lịch sử nhằm phục vụ cuộc sống tốt đẹp yên lành hơn cho con người. Và tất nhiên, phong thủy không phải và không thể là một bộ môn bí hiểm thần kỳ, càng không phải là loại tri thức cao siêu chỉ được chân truyền riêng cho các thầy địa lý như họ đã và đang khuếch khoác bịp bợm để kiếm sống, đó chỉ đơn giản là phương cách để chúng ta tự quyết định lựa chọn ngôi nhà ấm cúng của mình an toàn hơn, tốt hơn và hạnh phúc hơn.

Bất cứ một nền văn hóa nào cũng tìm được chỗ đứng thích hợp trong quá trình phát triển của xã hội. Những tri thức cổ do người xưa để lại không chỉ bắt nguồn và tồn tại ở trong phạm vi vùng miền, khu vực mà còn tạo ảnh hưởng nhất định, lan truyền tương tác, du nhập mở rộng đến phạm vi châu lục. Phương Đông chúng ta giáp với một số nước nằm trên ngưỡng cửa lục địa Á - Âu nên cũng có đôi nét tương đồng về quan niệm phong thủy. Ví dụ Hy Lạp cổ đại có cuốn sách Bàn về gió, nước và hoàn cảnh cuốn sách này đưa ra một số quy định về quan hệ, tác động lẫn nhau giữa con người, xã hội và hoàn cảnh sống như: bệnh tật của cư dân thành thị thường liên quan tới vị trí nhà ở và hướng gió, nguồn nước và chất lượng nước quyết định tới sức khỏe con người, cư dân ở vùng nóng bức ẩm thấp sẽ sinh lười nhác không thích những hoạt động mạnh mẽ, cư dân ở vùng mưa nhiều khí hậu biến đổi thì cần cù, dũng cảm, nóng nảy, cư dân vùng khô cằn hình thể gày yếu, tính tình cố chấp. Một cuốn sách nữa thời Hy Lạp cổ có tên là Hồng Hải lại trình bày và phân tích mối quan hệ giữa con người và các dòng sông, nhưng tất cả các cuốn sách này đều có chung một đặc điểm là hoàn toàn không mang màu sắc mê tín, chỉ thuần chất khoa học. Cũng như vậy, người Ai Cập cổ đại cũng nghiên cứu một loạt những kỹ thuật đặc biệt khi xây dựng Kim tự tháp: tất cả các tháp đều nằm theo hướng từ trường Bắc - Nam của trái đất, tháp xây bằng đá hoa cương, có tính năng nạp điện, hấp thụ và bảo tồn tia vũ trụ, vỏ ngoài tháp xây bằng đá vôi có khả năng ngăn sự khuếch tán các tia năng lượng từ trong lòng tháp vì vậy nó bảo tồn các xác ướp được lâu dài. Những thí nghiệm hiện đại cho thấy: hoa quả để trong Kim tự tháp sau nửa tháng vẫn tươi nguyên, những người bị bệnh ngoài da hay thần kinh suy nhược đều điều trị rất hiệu quả trong tháp. Còn ở Châu Á, các nhà khoa học cho rằng các nước gần nhau về địa lý nên chịu ảnh hưởng và tiếp thu thuật phong thủy của nhau gồm có nhóm nước Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Triều Tiên. Tại Nhật, sau thời đại cải cách đã có cuốn Tác đình ký, đây là cuốn sách chỉ dẫn con người ta cách điều chỉnh dòng nước chảy sao cho mang lợi cho cư dân sống quanh đó nhất, đồng thời cũng giới thiệu cách trồng cây và loại cây giúp tránh bệnh tật ốm đau. Ngoài ra cũng có cuốn Cổ sự ký nói về cách bày biện, bố trí nội thất trong nhà và giữ thần trông bếp. Tại Trung Quốc, thuật phong thủy thịnh hành lâu đời nhất và có ảnh hưởng quyết định đến những trường phái địa lý, phong thuỷ khác ở các nước láng giềng, trong đó có nước ta, thông qua những bộ sách kinh điển đồ sộ như: Thất lược, Văn hiến thông khảo, Sùng văn tổng mục, Bạn thư ngẫu ký, Tứ khố toàn thư tổng mục, Bát trạch... Có thể nói, phong thủy liên quan chặt chẽ đến Nho giáo. Các sách phong thủy đều dẫn luận điểm của các bậc tổ sư đạo Nho như Khổng Tử, Chu Hy, Trình Di và đưa ra nguyên lý tam tài: Thiên - Địa - Nhân trong đó Địa là quan trọng nhất vì như cuốn Phong thủy khuyết danh viết: Trong ba đạo thì đạo đất là quan trọng hơn cả. Những gì đẹp đẽ ở trời đều do bởi đất. Phàm những gì phụ thuộc vào trời đều có gốc rễ ở đất. Thuật phong thủy Trung Hoa còn coi trọng Tam cương (khí mạch, minh đường, thủy khẩu) và Ngũ thường (long, huyệt, sa, thủy, hưởng): Đặc biệt là phong thủy rất tôn trọng trật tự đẳng cấp giống như ở triều đình phong kiến.

Phong thủy chỉ phát huy được tác đụng nhờ vào thầy phong thủy. Đặc trưng của các thầy phong thủy chính là những người không may mắn trên khoa trường vì gần như tất cả những thầy địa đều là những kẻ thi trượt, thất chí lấy phong thủy làm nghề nghiệp kiếm sống và quảng bá tài năng của bản thân trên một khía cạnh khác của kiến thức. Nước ta cũng chịu ảnh hưởng Nho giáo từ ngàn năm trước, nên những lý thuyết về địa lý phong thủy chủ yếu do du nhập vào rồi phát triển thêm dựa trên thuật phong thủy Trung Hoa, điều này rất dễ nhận thấy qua chuyện dã sử về thầy địa lý Cao Biền. Dân ta cũng được biết đến những nhân vật tinh thông địa lý thuần Việt nhất là Tả Ao, người gốc Hà Tĩnh, mà những kiến thức của ông đã được tập hợp thành bộ sách cùng tên rất nổi tiếng trong dân gian. Vậy rút cuộc phong thủy là tôn giáo hay mê tín? Hãy xét những đặc điểm chính của phong thủy rồi ta có thể đưa ra kết luận. Đó là:

Tính chất phổ biến rộng rãi. Kể từ hơn 2500 năm trước cho đến thế kỷ XXI phong thủy không những vẫn tồn tại cùng xã hội mà còn lan rộng tới mọi vùng miền và các tầng lớp xã hội, thậm chí nó còn hòa trộn vào tập tục địa phương một số nơi để hóa thân thành phong tục văn hóa cổ truyền.

Tính chất thần bí, nửa công khai: Không chỉ vì lý thuyết rối rắm phức tạp, mờ ảo của nó mà các thầy địa lý còn thêu dệt nhiều tích ly kỳ, lồng vào các nhân vật lịch sử hoặc dã sử rồi ra sức thổi phồng lên thành truyền thuyết về linh thiêng liêng, định mệnh của thuật phong thủy.

Tính chất vòng vo, rắc rối: Người ta vẫn đồn câu: ba năm tướng địa, mười năm điểm huyệt, như thế phải mất 13 năm mới xác định được nơi đất phát, còn tiếp theo có phát không phải đợi số! Hơn nữa, lý luận phong thủy không có hệ thống chặt chẽ và không thống nhất nữa các trường phái, tiêu chuẩn chính xác là do mồm các thầy phán xét.

Tính chất lừa bịp: Đã là thầy địa thì phải tán tụng phong thủy lên mây xanh mới có cửa kiếm ăn. Nhưng nếu tính ý ra thì hiểu ngay chẳng qua là thủ đoạn bán mộc - bán giáo của các thầy thôi: mộc tết không gì đâm thủng và giáo sắc đâm đâu cũng thủng, vậy mộc ấy bị giáo ấy đâm thì sao? Can cớ gì thầy không tự cứu lấy mình trước?

Tính chất bảo thủ giả hiệu: Các thầy địa thường khắng định mình nắm giữ những kiến thức, kinh nghiệm bí truyền, gia truyền không thể tiết lộ cho ai, chỉ mình hành sự để giữ thiên cơ! (thực ra thầy sợ nói ra mất bản quyền kiếm ăn). Nhưng sau lại thu nạp đệ tử để truyền lại mong sao có người nối nghiệp rồi tôn vinh tên tuổi mình?

Tính chất thực dụng: Thầy phong thủy tự đánh giá mình khi hành nghề cũng giống như thầy giáo hay thầy lang đều bán kiến thức để kiếm sống. Nhưng xét về bản chất thì không hề giống nhau bởi không gì có thể so sánh với tri thức và tính mạng con người, trong khi đó thầy phong thủy chỉ cốt sao cho thỏa mãn cái muốn của gia chủ về tài lộc, địa vị, tương lai nhằm kiếm khoản hậu tạ. Các thầy địa trong xã hội bây giờ hầu hết căn cứ vào tiền thù lao để định tướng địa, tiền càng nhiều thì xem càng kỹ, còn kết quả cụ thể thì đương nhiên phải đợi số rồi!

Từ xưa đến giờ, nhiều thầy phong thủy luôn tự vỗ ngực rằng chỉ giúp dân cầu phúc, nhưng khi vào cuộc rồi vẫn căn cứ vào nhu cầu ý muốn của gia chủ để tính giá cao thấp. Nói đúng ra thì họ coi đó là một nghề kiếm cơm, làm giàu bằng phương pháp thôi miên hóa những khổ chủ cả tin, ít hiểu biết thông qua những kiến thức cổ mù mờ, khẩu ngữ bí ẩn, dụng cụ thô sơ nội dung nhuốm màu hoang đường. Thuật phong thủy tuân theo một số nguyên tắc chính yếu cùng những nhu cầu kiên thức không giản đơn chút nào. Một số người cho rằng chỉ cần quen biết vài thầy phong thủy chuyện trò dăm cuộc, ghi chép đôi điều cốt lõi coi như đã hiểu về tướng địa! Nhưng đó chỉ là những thầy thấp tay, lòe bịp kiểu chợ búa thôi chứ muốn khẳng định mình là thấy địa trứ danh, có mác hiệu xịn cần phải đọc nhiều loại sách, kể cả sách quý hiếm, tư liệu, lịch sử, truyền thuyết kinh điển. Như cuốn cẩm nang Phong thủy giảng nghĩa giới thiệu: Bước đầu học địa lý, phải phân biệt âm dương, tam hợp, song sơn, ngũ hành, sinh vượng, tứ tuyệt rồi sau đến bát quái, long mạch, núi, địa hình... rồi tất cả những điều ấy đem ra thực hành cho cả người sống và người chết. Sau khi nhập môn xong, các thầy địa thực tập lại phải hiểu được những khái niệm thông thường nhất của nghề như Khí (một loại vật chất trìu tượng phát sinh từ tinh thần, tồn tại ở mọi nơi và không ngừng vận động biến hóa mà thuật phong thủy coi đó là yếu tố gốc của vạn vật), Tứ tượng (gồm Thái dương, Thái âm, Thiếu dương. Thiếu âm vận dụng vào địa hình xem tốt xấu, lành dữ), Bát quái (sinh ra từ thuyết âm dương, quy định ứng vào các vùng đất khác nhau để xác định phương vị), Hình thế đất (chủ yếu dùng để quan sát núi gồm có 5 thế rồng của 5 hướng, rồi lại căn cứ vào hình đáng, tư thế chia thành 9 rồng như rồng quay đầu, rồng bay, rồng nằm...).

Các thầy địa từ xưa khi hành nghề có rất nhiều dụng cụ đầu tiên phải nói đến la bàn, trên đó có đủ các thông tin cần thiết để phán. Tiếp theo là những biện pháp cứu vãn những điểm hung họa sắp hoặc đang xảy ra để biến hung thành cát như: Dùng mai thạch trân trạch thần - dùng gương soi trấn sơn binh. Các thầy còn sử dụng bùa chú yểm, vẽ lên cây, đeo vào người, treo trước nhà hoặc chôn xuống đất gọi là bùa Ngũ nhạc, bùa trấn tứ phương, bùa tam giáo cứu trạch... những bùa này vẽ bằng màu son lên miếng gỗ có kích thước quy định và treo theo ngày giờ. Các thầy cũng viết chữ lên tảng đá hoặc chôn yểm hình nhân, súc vật bằng gỗ, đất hay chiếu gương soi để trấn hưng (giờ đây nhiều nhà thành thị cũng đua nhau treo miếng gương bát giác lên cửa ra vào để trừ tà)! Thật ra tất cả những vật dụng này chỉ mang tính an ủi tâm lý chứ không thể ngăn chặn được điều gì. Ví như chỉ một chữ thiện hoặc phúc viết lên miếng gỗ mà có thể trừ được tà ma, đuổi bệnh tật, mang lại phúc lành thì tại sao mỗi chúng ta và cả thầy phong thủy nữa cứ đeo dăm bảy cái bùa trong người hoặc treo yểm từ trong buồng, giữa nhà ra vườn để mãi mãi được yên ổn giống như tiêm vac-xin phòng bệnh vậy? Nếu như hiểu rằng càng đeo nhiều bùa chú càng tết thì tội gì không đeo thay đồng hồ, dây chuyền, nhét vào ví để tiền lúc nào cũng vào như nước, mọi bệnh tật kể cả cúm gà, HIV, ung thư đều phải chào thua? Liệu có thầy địa nào dám chắc là dùng bùa chú đảm bảo không bị đạo chích đào tường phá két sắt không bị chập điện, hỏa hoạn và thậm chí động đất thì nhà chúng ta vẫn trơ trơ cùng tuế nguyệt? Và nếu thế những thầy phong thủy phải chung sức mở hắn nhiều tổ hợp sản xuất bùa cho toàn dân thì mới đủ đáp ứng nhu cầu! Có lẽ tập đoàn những thầy địa cũng đang có ý định ấy chăng?

Ngoài bùa chú ra, các thầy phong thủy dùng một số đồ nghề khác nữa như Thổ khuê (gậy căn cứ vào bóng nắng xác định phương hướng), Thổ quy (dụng cụ đo bóng nắng để phân định bốn mùa), những dụng cụ này ít nhiều mang tính khoa học ứng dụng. Bên cạnh đó, còn có Kim chỉ nam (một dụng cụ giống như cái môi múc canh xoay tròn tự do trên mặt bàn tròn, cán môi chỉ hướng nam trên mặt bàn khắc thiên chi, bàn đồng tâm chồng lên nhau: bàn tròn gọi là thiên bàn tượng trưng cho trời, bàn vuông gọi là địa bàn tượng trưng cho đất. Giữa thiên bàn vẽ chùm sao Bắc Đẩu, ngoài cùng có 28 sao và 12 chữ số. Địa bàn có ba tầng vẽ thập can và thập nhị chi cùng 28 sao). Khi hành sự trên thực địa, các thầy còn dùng cả thước đo đó là một dụng cụ bằng kim loại dài khoảng 1m, chỗ tay cầm giống như hai tai kéo khi gập lại còn khi mở ra sẽ xoay thành góc 90 độ, thực chất đó cũng là thanh sắt từ hoạt động theo nguyên tắc kim chỉ nam.

Mỗi thầy phong thủy đều có một bí quyết riêng không ai giống ai để khẳng định mình giỏi hơn hết thảy, chính vì vậy trên cùng một dụng cụ nhưng các thầy có thể phán hoàn toàn khác nhau và ai cũng cho là mình đúng còn các thầy khác sai tuốt! Nhưng dù sai hay đúng cũng không thể còn đất dụng võ nữa. Lấy ví dụ như cách tìm long mạch chẳng hạn. Long mạch trong thuật phong thủy vốn là một phạm trù hết sức phức tạp về lý thuyết và càng mông lung trên thực tế. Muốn tìm được long mạch phải xác đính được vị trí núi tổ. vì tổ sơn là căn nguyên của cát hung. Tìm được tổ sơn rồi lại phải phân định long mạch xấu hay tốt. Phân tích xong cuối cùng phải tính đếm xem có dùng được không bởi có những long mạch dài xa trên ngàn dặm, loại tương đối cũng vài ba dặm! Ngày xưa chuyện đơn giản vì đất quê ta mênh mông. dân cư thưa thớt chọn chỗ nào cũng ổn, nhưng bây giờ thì khác, nếu long mạch ở giữa đường cao tốc hay trong khu công nghiệp hoặc trúng vào khu vườn cây xuất khấu thì đố thầy địa nào dám cuốc đất lên mà yểm long mạch? Hơn nữa, cách xem cát địa còn phải phụ thuộc vào ngộ tính trời cho từng thầy, tức là mắt phải thấu thị xuyên qua mấy mét đất thì mới chọn đúng chỗ, mà muốn có đôi mắt thần kỳ ấy ngoài khả năng thiên bẩm ra thì không hiểu phải mất bao lâu thầy địa mới luyện được tuyệt chiêu ấy? Thời buổi bây giờ thị lực ai cũng suy giảm vì thiết bị điện tử, chắc là các thầy phong thủy dù muốn cũng không thể trông chờ vào những dược phẩm thông thường như Tobicom hay Rhoto để có ngộ tính cao siêu được!

Tất cả sách vở, kiến thức phương pháp, bí quyết về phong thủy của các thầy địa tóm lại chỉ nhằm đến một mục đích cuối cùng là chọn đất, nhà ở cho người sống (dương trạch) và chọn đất mộ huyệt cho người chết (âm trạch). Nhưng cơ sở của việc chọn lựa này có thể tin được không?

Trước hết, thuật phong thủy cho rằng có hai loại khí ảnh hưởng đến nhà ở là nạp khí và sắc khí Nạp khí là những loại khí dẫn đến nhà ở từ các phương hướng khác nhau. Sắc khí là loại khí tự bốc lên mang tính lành dữ từ nhà đất ở cả hai loại khí này đều được xác định trên cơ sở vô hình và không rõ ràng vì chẳng ai nhìn thấy, mọi tốt xấu đều do ý thầy địa phán quyết. Các thầy còn nói rằng trên nóc nhà thường có khí nhiều màu sắc với ý nghĩa khác nhau, nào là: tía phát tài, trắng mất của, đen phạm pháp, xanh cờ bạc. Dù thế đi nữa mà bây giờ mời thầy địa cao tay nhất đến xem trên nóc nhà chung cư 23 tầng có khí màu gì và ý nghĩa với ai thì chắc hẳn các thầy phải treo ấn chào thua!

Từ xưa đến nay trong lĩnh vực xây dựng, tất cả mọi người đều mong muốn tìm được miếng đất đẹp đẽ vừa đảm bảo kiến trúc bền vững vừa có thể sống tốt. Về nguyên tắc chung thì các triết gia cổ đều chung ý kiến là nhà ở phải hòa hợp với thiên nhiên, kề núi sông, đất đai màu mỡ và móng nhà không lún. Những điều này đều thực tế' có lý và thuật phong thủy cũng nêu ra những kiêng kị về khí, mạch của tướng địa như: không làm nhà trên sườn núi hoặc dưới thung lũng (tránh lũ quét hoặc sét đánh), nhà không được làm trên giếng cũ (để phòng ẩm thấp và khí độc), nhà không làm ở ngã ba đường (có thể nguy hiểm vì phương tiện giao thông)... Thuật phong thủy cũng có một số nhận định về cây trồng có lợi cho sức khỏe và sản xuất của cư dân nhưng lại kèm theo một loạt điểm báo vô căn cứ: cây cối bao quanh nhà thanh nhàn hạnh phúc, cây thùy dương trước cửa chết treo xà nhà, độc thụ chặn cổng mẹ góa con côi. trúc mộc quấn quýt đủ ăn nhiều lộc, cây hòe trước cửa vinh hoa phú quý... Nguồn nước quanh nhà cũng chia làm 6 loại cát hung và đều có ảnh hưởng đến gia chủ như: nước chảy uốn khúc đẹp gia cảnh phát đạt, nước hướng thẳng vào nhà mất người, ao to trước cửa không thọ, ao to sau nhà chết yểu... những điếu này không thể giải thích được nhưng thực tế thì lạc hậu vì thời nay ao cũng đang biến mất dần, đến cống rãnh cũng bị lấp đi xây nhà cho thuê thì ảnh hưởng của nước chỉ phụ thuộc vào mỗi nhà máy nước sạch và cùng lắm là thùng lọc gia đình mà thôi.

Về vấn đề nhà ở thì người xưa xây nhà rất hoành tráng (nếu so sánh với hiện nay): sân có tường rào, trong cổng có đình, tiếp đến sảnh lớn, bên trái là hiên, sau là buồng ngủ, bên phải là nhà học. Phòng ở còn chia làm 5 hình dáng theo tính chất ngũ hành, rồi kích thước nhà ở có quy định để tránh điềm dữ... những điều này cũng không ai lý giải được tại sao, có lẽ chỉ dựa vào kinh nghiệm phỏng đoán. Còn thời buổi bây giờ đất ở nông thôn cũng không nhiều để xây nhà thoải mái như vậy vì người đẻ đất không đẻ, thậm chí tại thành phố nơi tấc đất tấc vàng, sân chung tập thể cũng bị lấn chiếm làm của riêng thì ai dại gì bỏ phí từng cm2? phong thủy cũng cho rằng nhà ở tết nhất hình vuông, tường bao tết nhất hình tròn và cửa rất được coi trọng vì nó là khí khẩu (đường dẫn khí ra vào), cửa nên mở theo hướng dân gian ca tụng là Nam hoặc Đông - Nam thì rất thoáng mát nhưng dân mình còn sáng tạo cả nhà hình ống, nhà mỏng dính, nhà hình thang có cần gì đến phong thủy đâu? Nội thất trong nhà và các đồ dùng như giường, bếp, tủ đều phải đặt hướng tốt nhất nói vậy những gia đình ngũ đại đồng đường đến chỗ ngủ trên sàn còn thiếu nói gì đến xoay thường chọn hướng! Chỉ những nhà riêng 5 - 6 tầng diện tích mênh mông mới có điều kiện thực hành và bày đặt nội thất theo phong thủy và như vậy phong thủy chỉ có ý nghĩa với người giàu.

Qua phần đương trạch, thử bàn đến âm trạch. Người xưa cho rằng dương sao âm vậy nên nơi an táng tổ tiên ông bà cha mẹ cũng phải đàng hoàng, đẹp đẽ trước hết là chứng minh chữ hiếu, sau rồi ước muốn các cụ phù hộ cho hậu bối ăn nên làm ra, công thành danh toại. Chính vì tính thiêng liêng và tác dụng dài lâu này nên thuật phong thủy coi trọng âm trạch hơn đương trạch. Quan niệm chôn cất cũng là biểu hiện của nghi lễ nên mộ còn nhiều tên gọi khác nhau và thường do các pháp sư hay táng sư chủ trì nghi lễ. Gọi là phần mộ vì nó liên quan cả đến địa điểm chôn cất nữa. Phần mộ nguy nga và chuẩn mực nhất thuộc về các đế vương với những đặc điểm: diện tích rộng, trang trí bằng các hình điêu khắc đá như các động vật thiêng, binh lính hầu. Chỗ xây cất tốn kém nhất là tẩm, đây chính là nơi sinh hoạt của người chết ở ngay trong mộ. Trong khu mộ trồng cả cây, dựng bia đá, khắc tiểu sử công lao của người mất. Cứ như thế theo định chế cao thấp mà các đối tượng thấp hơn sẽ có mộ nhỏ hơn, những đồ tuỳ táng ít và không qúy, cuộc sống dưới âm nếu có cũng bình thường, còn đối với dân thì càng xoàng xĩnh và chỉ có các thầy phong thủy địa phương đứng ra chịu trách nhiệm tìm đất, chọn ngày giờ làm lễ, hướng dẫn gia chủ cách chôn cất sao cho có lợi nhất. Nhưng nếu áp dụng những hủ tục này vào xã hội bây giờ hẳn ta sẽ phát hiện nhiều điểm không ổn.

Thời trước còn chế độ phong kiến nên hình thức gia trưởng thống trị trong tư tưởng từng gia đình, khi đặt hướng mộ chỉ chủ yếu có lợi cho người đứng đầu gia đình hoặc trưởng tộc, chủ đất. Ngày nay mọi quan hệ đều bình đẳng, dân chủ và ai cũng muốn phấn đấu vươn lên trong xã hội, vậy nếu chỉ chọn hướng có lợi cho một người chủ hộ khẩu thì liệu có ích kỷ quá không? Còn muốn đặt hướng tốt cho cả nhà thì có khi phải xoay mộ theo cả 8 hướng mới đáp ứng cho tất cả mọi người được!

Điều kiện sống và thực lực vốn có của gia chủ sẽ quyết định việc đặt mộ theo hướng. Ví như ở nông thôn còn nghĩa địa làng hoặc nhà nào có đất riêng thì có thể đặt mộ theo hướng mình thích được (thậm chí các cụ còn cẩn thận lo trước cho mình cỗ áo gỗ tốt và xây trước sinh phần theo tuổi), còn ở những nghĩa trang quy hoạch thống nhất thì sao tự xoay mộ theo hướng vô nguyên tắc được? Hơn nữa, hiện nay phương pháp điện táng đang được đánh giá là văn minh và vệ sinh môi trường thì sau khi áp dụng phương thức này cần gì đến hướng đặt bình tro, chỉ cần một chỗ trên chùa là đủ.

Ngày xưa lạc hậu, sự sống chết do tự nhiên (vẫn gọi là số phận), còn ngày nay người ta chọn giờ mổ đẻ ra con quý tử và thậm chí chọn ngày giờ đẹp để rút ống thở ra cho cụ quy tiên! Vậy còn đâu là tính tự nhiên nữa, hoàn toàn do ý muốn chủ quan của con người chi phối kết quả. Nếu thế, tại sao ta không chọn giải pháp tôn trọng ý muốn của mình hơn là tung hô trí tưởng tượng của thầy phong thủy để đỡ phải tốn tiền oan?

Tác giả bài viết: Đỗ Hoàng Giang

Nguồn tin: Tạp chí Hà Nội Ngàn năm số 33, 34, 36,37

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây