Trong nhiều vụ việc, nhờ vi bằng mà người dân có chứng cứ đắc lực trong giải quyết khiếu nại, tranh chấp tại cơ quan chức năng cũng như tại tòa án. Thế nhưng ai có quyền lập vi bằng, văn bản được xem là chứng cứ thì phải đảm bảo thủ tục gì, ai được phép làm chứng, cá nhân hay tổ chức…? Đó là một trong rất nhiều câu hỏi của bạn đọc sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng tải bài viết liên quan đến “Phòng làm chứng” (“văn phòng làm chứng”) Đất Vàng ở huyện Hóc Môn, TP.HCM.
Sở Tư pháp không phạt được
Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, ngày 22-11, Sở Tư pháp và UBND huyện Hóc Môn, TP.HCM kiểm tra Công ty Đất Vàng có trụ sở tại 28/9B Nguyễn Thị Ngâu, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn. Đoàn kiểm tra ghi nhận Công ty Đất Vàng đặt biển quảng cáo “Phòng làm chứng Đất Vàng” nhưng chưa được sự chấp thuận của Sở Văn hóa-Thể thao TP.HCM.
Công ty này được thành lập ngày 17-10-2018 và đăng ký hành nghề kinh doanh là tư vấn, môi giới bất động sản, quyền sử dụng đất (trừ tư vấn mang tính pháp lý) nhưng lại hoạt động trong lĩnh vực khác với ngành nghề đăng ký nên đoàn kiểm tra đã lập biên bản…
Theo Sở Tư pháp, việc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nhà đất Đất Vàng (Công ty Đất Vàng. Lý do: Căn cứ quy định pháp luật hiện hành về công chứng, thừa phát lại thì những hoạt động của công ty này như treo biển hiệu “Phòng làm chứng”, thực hiện soạn thảo các văn bản với tư cách “đơn vị lập văn bản” là chưa đủ cơ sở để xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp. Đồng thời, công ty này cũng không phải là một tổ chức bổ trợ tư pháp thuộc phạm vi quản lý của Sở Tư pháp.
Sở Tư pháp cũng cho rằng từ những thông tin về đăng ký hành nghề kinh doanh của công ty, việc treo biển hiệu quảng cáo và kết quả xác minh hoạt động cho thấy công ty đã có hành vi vi phạm về quảng cáo không đúng quy định, hoạt động kinh doanh ngành nghề không có đăng ký. Từ đó, việc xử lý các vi phạm nêu trên thuộc thẩm quyền của UBND huyện Hóc Môn.
Trụ sở của Công ty Đất Vàng ngày 22-11. Ảnh: KP
Làm chứng có thu phí như dịch vụ: Không ổn!
Luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, phân tích: Tùy theo từng lĩnh vực như dân sự, hình sự… mà pháp luật có quy định cụ thể về người làm chứng. Nói chung, pháp luật hiện hành chỉ quy định về người làm chứng chứ chưa nghe nói đến có “phòng làm chứng”, (“văn phòng làm chứng”).
Đối chiếu với trường hợp “Phòng làm chứng Đất vàng” mà báo đã thông tin thì công ty này được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép hoạt động trong lĩnh vực hành nghề kinh doanh là tư vấn, môi giới bất động sản, quyền sử dụng đất (trừ tư vấn mang tính pháp lý). Trong khi thực tế công ty này hoạt động “tương tự” như lĩnh vực công chứng, thừa phát lại là không đúng với ngành nghề đăng ký trong giấy phép. Chưa kể đến chuyện công ty lập văn bản, làm chứng đóng dấu và dấu giáp lai trong hợp đồng cho thuê xe, văn bản thỏa thuận… và có thu phí là một loại hình kinh doanh dịch vụ liên quan đến cơ quan thuế nữa.
“Làm chứng mà thu phí để thực hiện công việc dịch vụ liên quan đến tư pháp thì liệu có khách quan hay không? Ở đây, khi người làm chứng bị “biến tướng” thành một loại dịch vụ để cung cấp theo nhu cầu trả tiền của người cần thì không ổn về tính pháp lý.
Công ty đứng ra làm người làm chứng là gây ngộ nhận cho người dân về lĩnh vực tư pháp. Trong khi đó lĩnh vực này là lĩnh vực có điều kiện, có quy định chặt chẽ, cụ thể do Sở Tư pháp quản lý chứ không phải ai cũng có thể tự ý kinh doanh” - LS Hậu nói.
Theo LS Hậu, hiện nay chỉ có thừa phát lại mới có thẩm quyền lập vi bằng để làm chứng cứ. “Còn việc Công ty Đất Vàng lập văn bằng thì đây không phải là văn bản được mặc nhiên xem là chứng cứ như vi bằng của thừa phát lại lập. Người dân nên chú ý chi tiết này để tránh “tiền mất tật mang”, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của chính mình” - LS Hậu khuyên.
Chỉ thừa phát lại mới có quyền lập vi bằng Từ đầu năm 2018 đến nay, Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật (gọi tắt là hội đồng) huyện Hóc Môn, TP.HCM tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền về hoạt động của thừa phát lại cũng như các quy định khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân trên địa bàn huyện. Ông Phan Thanh Tùng (Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TP.HCM) là báo cáo viên của các hội nghị này. Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến các quy định về chế định và hoạt động thừa phát lại thì ông Tùng đặc biệt lưu ý về giá trị pháp lý của việc lập vi bằng nhằm tránh tình trạng ngộ nhận vi bằng có giá trị tương tự văn bản công chứng, chứng thực. Vi bằng chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà thừa phát lại trực tiếp chứng kiến như ghi nhận có việc giao nhận tiền, giao nhận giấy tờ, nhà đất giữa các bên. Vi bằng không có giá trị thay thế văn bản (hợp đồng) công chứng, chứng thực. Và theo pháp luật hiện hành, cơ quan duy nhất có thẩm quyền lập vi bằng đó là thừa phát lại. Vi bằng của thừa phát lại lập là nguồn chứng cứ Thừa phát lại được quyền lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức: Là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi do thừa phát lại lập, là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp theo quy định của pháp luật. Xác minh điều kiện thi hành án: Người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án… (Theo Nghị định 61/2009, Nghị định 135/2013 của Chính phủ và Thông tư liên tịch 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC |
Nguồn tin: plo.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn