Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định trả lời phỏng vấn Pháp Lý Online xung quanh vụ 19 tàu vỏ thép nằm bờ đang gây nóng dư luận

Chủ nhật - 25/06/2017 08:15
(PL News) – Như Pháp lý Online đã thông tin, chiều ngày 22/6, Sở NN&PTN tỉnh Bình Định đã chủ trì cuộc họp để công bố chính thức kết quả thẩm định của Tổ thẩm định về sự cố nằm bờ của 19 tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh Bình Định. Theo đó bước đầu đã xác định được những hành vi làm ăn gian dối của hai cơ sở đóng tàu là Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu (Bộ Công an) và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương vi phạm hợp đồng đã ký kết với ngư dân
Ông Trần Châu – PCT UBND tỉnh Bình Định trả lời PV
Ông Trần Châu – PCT UBND tỉnh Bình Định trả lời PV

 

 Phóng viên: Như Pháp lý Online đã thông tin, chiều ngày 22/6, Sở NN&PTN tỉnh Bình Định đã chủ trì cuộc họp để công bố chính thức kết quả thẩm định của Tổ thẩm định về sự cố nằm bờ của 19 tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh Bình Định. Theo đó bước đầu đã xác định được những hành vi làm ăn gian dối của hai cơ sở đóng tàu là Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu (Bộ Công an) và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương vi phạm hợp đồng đã ký kết với ngư dân, như: Có 5 tàu tự ý thay đổi vỏ thép Trung Quốc, có 9 máy tàu chính hiệu Mitsubishi nhưng không chính hãng; có 14 tàu có hệ thống hầm bảo quản ứ đọng nước, giữ nhiệt kém, bơm phôm không đều, có hiện tượng gỉ sét… Mặc dù vậy, Tổ thẩm định vẫn tiếp tục kiến nghị cho trưng cầu giám định của các cơ quan chức năng liên quan đến các mẫu thép. Điều đó có nghĩa là kết quả thẩm định chỉ mới là bước đầu mà còn phải tiếp tục làm rõ. Xin ông cho biết cụ thể hơn?

Ông Trần Châu: Vâng, đó mới chỉ là kết quả bước đầu. Như tôi đã từng phát biểu, quan điểm của tỉnh Bình Định là nhất quán, cần phải căn cứ vào Hợp đồng (HĐ) đã được 2 bên ký kết với điều khoản như thế nào thì phải thực hiện đúng như vậy. Do đó nếu như bên cơ sở đóng tàu sử dụng nguyên liệu để đóng tàu không đúng như chủng loại thép Nhật Bản/Hàn Quốc đã ký kết trong HĐ thì phải thay mới lại vỏ thép cho phù hợp với HĐ, để đảm bảo tuổi thọ của các tàu vỏ thép ít nhất là 20-30 năm.

Qua kiểm tra các chỉ tiêu cơ lý và hóa lý của thép vỏ tàu, về mặt cơ lý (tính năng chịu lực) đảm bảo. Tuy nhiên về hóa lý thì hàm lượng Mn không đảm bảo để chống nhiễm mặn đối với nước biển, bị gỉ sét rất nhanh (vì đối với thép có hàm lượng Mn thấp thì chỉ thích hợp với những vật dụng không bị nhiễm mặn). Do đó, rất cần phải trưng cầu giám định của các cơ quan chức năng liên quan đến các mẫu thép để có kết luận chính xác hơn.

PV:  Được biết, UBND tỉnh Bình Định đang tổng hợp vụ việc báo cáo Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Trước đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Cơ quan Công an tỉnh vào cuộc quyết liệt ?

Ông Trần Châu: Theo tôi thực chất đây là hợp đồng ngư dân mua con tàu chứ không phải thuê các cơ sở đóng tàu vì nếu ngư dân thuê thì ngư dân phải trực tiếp đi mua vật liệu và thiết bị, đằng này mọi nguyên vật liêu, động cơ, thiết bị đều do cơ sở đóng tàu làm hết, có khác gì mua đứt bán đoạn. Mà đã mua thì khi con tàu xuất xưởng phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn quy định của Nhà nước, đặc biệt là thời gian vận hành phải ghi rõ cụ thể bao nhiêu năm mới trùng tu và bao nhiêu năm mới hết hạn sử dụng…
Kết quả kiểm tra bước đầu của Tổ thẩm định đã có đủ căn cứ để nói rằng các cơ sở đóng tàu vi phạm nghiêm trọng HĐ đã ký kết với ngư dân. Nói cách khác là các cơ sở đóng tàu và các vệ tinh phục vụ cho các cơ sở đóng tàu đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của ngư dân, đánh tráo nguyên liệu và động cơ, hay nói cách khác là “mua gian bán lận”. Do đó không còn là chuyện hành chính thuộc phạm trù chức năng của cơ quan hành pháp nữa, mà là câu chuyện của các cơ quan bảo vệ pháp luật vì có dấu hiệu hình sự. Do đó rất cần sự vào cuộc của Cơ quan điều tra Công an để làm rõ trách nhiệm theo quy định pháp luật.

PV: Trường hợp nếu như ngư dân chấp nhận thương lượng với các cơ sở đóng tàu, nhận tiền bồi thường chênh lệch vỏ thép, tạm gác chuyện bức xúc, quan điểm của tỉnh sẽ như thế nào, thưa ông ?

Ông Trần Châu: Cũng không đồng ý mà phải kiên quyết, vì để Nghị định 67/CP đi vào cuộc sống thực sự có ý nghĩa thúc đẩy phát triển nghề thủy sản thì bắt buộc phải có những con tàu vỏ thép có chất lượng để ra khơi bền vững. Có thể hôm nay nhận tiền bồi thường chênh lệch của các cơ sở đóng tàu, giải quyết được khó khăn trước mắt ngư dân tạm gác chuyện bức xúc.

Song nếu như vài ba năm nữa, con tàu tiếp tục bị hư hỏng, gỉ sét và trở thành đống sắt vụn thì sự việc sẽ trở nên trầm trọng hơn. Một khi ngư dân không thể ra khơi được thì lấy đâu tiền để trả nợ gốc, dẫn tới vỡ nợ dây chuyền, hậu quả không chỉ ngư dân gánh lấy mà còn làm ảnh hưởng cả hệ thống ngân hàng, làm gia tăng nợ xấu…. Khi đó dù có muốn, UBND tỉnh và các cấp có thẩm quyền cũng không thể nào can thiệp được, Tòa án cũng không thể thụ lý xét xử được, vì HĐ dân sự là thỏa thuận hai bên được pháp luật thừa nhận rồi. Do đó không đơn giản để ngư dân tự ý thỏa thuận là xong việc.

Hoặc, trường hợp nếu cơ sở đóng tàu có thỏa thuận dân sự thành công với ngư dân đi chăng nữa, thì UBND tỉnh cũng yêu cầu cơ sở đóng tàu phải cam kết bằng văn bản về tuổi thọ hoạt động của các con tàu vỏ thép phải đảm bảo ít nhất là từ 20 năm trở lên.

PV: Thưa ông, trường hợp nếu kết quả điều tra không đủ yếu tố cấu thành tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật, thì ngư dân có thể khởi kiện dân sự để bồi thường được không, UBND tỉnh đã tính đến phương án này chưa ?

Ông Trần Châu: Đúng là vấn đề này chúng tôi cũng chưa tính đến. Tuy nhiên theo tôi với những cứ đã xác định được ban đầu như Tổ thẩm định công bố là đủ điều kiện để ngư dân khởi kiện. Việc này phải do ngư dân tự quyết định, không ai làm thay, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội chỉ tham gia được ở góc độ tư vấn, hỗ trợ, khuyến cáo. Vấn đề tôi lo ngại nhất hiện nay là hết thời hạn bảo hành thì việc khởi kiện dân sự sẽ gặp khó khăn vì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án chỉ được thực hiện trong một thời hạn do luật định, hết thời hạn đó thì người có quyền khởi kiện bị mất quyền khởi kiện.

PV: Tại buổi công bố kết quả thẩm định, Tổ công tác chưa thấy đặt vấn đề về kiến nghị xem xét trách nhiệm của các cơ sở đóng tàu trong việc đền bù thiệt hại cho ngư dân trong khoảng thời gian trước và trong quá trình khắc phục sự cố (riêng thời gian khắc phục có thể kéo dài 2 – 3 tháng), không thể ra khơi. Được biết, UBND tỉnh cũng đã có ý kiến đối với các Ngân hàng thương mại đề nghị giảm lãi, khoanh nợ, giãn nợ. Ông có thể cho biết thông tin này để ngư dân yên tâm ?

Ông Trần Châu: Tàu vỏ thép nằm bờ sẽ làm phát sinh cho ngư dân 2 khó khăn lớn: Không ra khơi được thì không phát sinh được sản lượng, người dân mất thu nhập; thứ hai là không có tiền để trả nợ gốc và lãi vay Ngân hàng theo tiến độ. Để chia sẻ áp lực nợ vay với ngư dân, UBND tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị Ngân hàng giảm lãi suất, khoanh nợ và giãn nợ. Tuy nhiên cho đến nay phía Ngân hàng vẫn chưa có phản hồi. Tôi nghĩ đây là vấn đề khó, vì nguyên nhân tàu nằm bờ không phải lỗi do thiên tai gây ra. Cho nên theo tôi phương án khả thi vấn đề này nếu có thì đó là Chính phủ hỗ trợ và khởi kiện dân sự để bắt buộc đối tác gây ra thiệt hại phải đền bù.

PV: Nghị định 67/CP quy định ngư dân, tức chủ đầu tư có quyền chọn lựa cơ sở đóng tàu và chịu trách nhiệm giám sát việc thi công. Tuy nhiên đặc thù của ngư dân phải chạy ăn từng bữa làm sao có thời gian để giám sát việc thi công, mà nếu có thời gian đi chăng nữa thì họ cũng chỉ giám sát theo kiểu “thầy bói xem voi”. Lẽ ra trong Nghị định 67/CP hay Bộ NN&PTN phải có văn bản hướng dẫn thực hiện chi tiết về quy trình chọn lựa cơ sở đóng tàu và thuê tư vấn giám sát thay mặt chủ đầu tư giám sát việc thi công. Ông có đồng tình với quan điểm này ?

Ông Trần Châu: Như chúng ta đã biết, mục đích của Nghị định 67/CP là hỗ trợ vốn vay để giúp ngư dân có điều kiện đóng mới và nâng cấp phương tiện ra khơi đánh bắt hải sản, không sợ sóng to gió lớn hay bị tàu khác đâm phải, góp phần bảo vệ chủ quyền của đất nước. Còn đóng mới hay nâng cấp như thế nào là trách nhiệm của ngư dân, Nghị định chưa đề cập đến. Trách nhiệm của các cơ quan có chức năng Nhà nước thời gian qua chỉ tham gia được về mặt thủ tục hành chính để giúp ngư dân đủ điều kiện vay vốn. Mới đây UBND tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT phải dành một khoản kinh phí để giúp ngư dân thuê tư vấn giám sát thi công. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cũng đã ghi nhận và hứa sẽ đề xuất đưa vào bổ sung Nghị định 67/CP hoàn chỉnh.

PV: Câu hỏi cuối cùng. Thưa ông, qua vụ việc đáng tiếc xảy ra và mặc dù còn đang tiếp tục giải quyết; tuy nhiên UBND tỉnh đã rút ra bài học kinh nghiệm gì trong chỉ đạo điều hành để sắp tới đây tiếp tục triển khai Nghị định 67 hay các chương trình khác sẽ không còn tái diễn tình trạng tương tự ?

Ông Trần Châu: Đây cũng là bài học lớn cho các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, vì chưa có biện pháp giúp cho người dân đến nơi đến chốn. Chúng ta đã để người dân “tự bơi “ mà lẽ ra Bộ NN&PTNT phải có Thông tư hướng dẫn quy trình cụ thể, để UBND tỉnh và Sở NN&PTNT các tỉnh theo đó có căn cứ hướng dẫn ngư dân chọn lựa những cơ sở đóng tàu có uy tín để đóng được những con tàu vỏ thép có chất lượng; hoặc thành lập Tổ công tác hỗ trợ ngư dân giám sát chất lượng các cơ sở đóng tàu ngay từ công đoạn đầu thi công đến khi nghiệm thu; và ngay cả hỗ trợ về mặt pháp lý khi người dân ký kết hợp đồng với bên B…
Làm được như vậy, theo tôi người dân mới thực an tâm, sử dung nguồn vốn vay có hiệu quả và chương trình đóng tàu vỏ thép cho ngư dân theo Nghị định 67 mới thực sự đi vào cuộc sống và có ý nghĩa tích cực.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn TCPL !

Tác giả bài viết: MINH TRUNG (thực hiện)

Nguồn tin: Pháp lý Online

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây