Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: “Vỡ trận” đào tạo giáo viên?

Chủ nhật - 25/06/2017 21:30
Theo lộ trình của Bộ GDĐT, từ năm học 2018 - 2019 sẽ cho triển khai đại trà chương trình mới ở lớp 1; thực nghiệm ở lớp 2, lớp 6 và lớp 10. Tiến độ này làm dấy lên nhiều băn khoăn, lo ngại từ phía cán bộ quản lý giáo dục, cùng với đó, không ít giáo viên còn chưa biết “mặt mũi” dự thảo chương trình.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT. Ảnh: Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT. Ảnh: Đình Nam

Chương trình quá mới

“Vào tháng 4.2014, Sở GDĐT Hà Tĩnh có văn bản, yêu cầu các trường phổ biến Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (gọi tắt CTTT) để triển khai góp ý, sau đó, sở đã tổ chức hội nghị thảo luận, góp ý về chương trình. Tuy nhiên, băn khoăn vẫn còn nhiều” - một hiệu trưởng Trường THPT tại Hà Tĩnh cho hay. Hỏi lý do, cán bộ này cho biết: “Vì chương trình có nhiều nội dung quá mới, lại chưa có chương trình các môn cụ thể, nếu triển khai đòi hỏi sự chuẩn bị về nhiều mặt”. Vừa qua, Sở GDĐT Thanh Hóa cũng tổ chức họp lấy ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo CTTT. Tuy nhiên, các ý kiến đóng góp chủ yếu thiên về kỹ thuật, tăng giảm số tiết học, thời gian học, chưa có nhiều ý kiến đi sâu vào nội dung.

Về phía giáo viên, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi được hỏi về CTTT. “Vừa qua, bọn em có nghe phổ biến là vào trang web của Sở GDĐT để đọc, góp ý cho CTTT, nhưng em chưa đọc. Chủ yếu một số cán bộ cốt cán đọc thôi” - Nguyễn Lê Hoa, một giáo viên THPT tại Hà Tĩnh - thú thật. Y Thiện - giáo viên Văn tại Tây Nguyên - cho biết chưa đọc CTTT. Một giáo viên tại Trường THPT Kim Liên (Nghệ An) cũng nói: “Tôi không thấy nhà trường triển khai góp ý gì về CTTT cả”. PV Báo Lao Động hỏi vậy làm sao dạy chương trình mới, giáo viên này đáp: “Khi nào có chương trình tập huấn thì đi, rồi về dạy thôi”.

Lý giải về nguyên nhân giáo viên thờ ơ với CTTT, TS Phạm Thị Ly - thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực - thẳng thắn: “Từ trước đến nay, họ (giáo viên) phải tuân theo nhiều quy định chi li và nghiêm ngặt, thậm chí xoay như chong chóng trước những thay đổi hàng năm của các quy định và hướng dẫn đó. Trước thực tế đó, nhiều người đã quá ngao ngán, mệt mỏi và chỉ muốn đi theo lối cũ để không phải nhọc công và mất thì giờ”.

Còn nhiều “khoảng trống”

Để thực hiện CTTT, theo nhiều chuyên gia, chất lượng giáo viên có ý nghĩa quyết định; khâu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phải “đi trước một bước”. Nhưng với tiến độ gấp gáp của chương trình, cùng với sự thờ ơ của không ít giáo viên như trên, cho thấy đây là một bài toán nan giải. “Từ trước đến nay, khâu tập huấn, đào tạo giáo viên chỉ được tiến hành một cách gấp gáp, qua loa trước khi áp dụng chương trình mới. Chủ yếu cưỡi ngựa xem hoa. Ngay cả chuyên gia chủ trì tập huấn cũng không thể dạy thị phạm cho giáo viên”, một giáo viên chia sẻ. Mặt khác, đội ngũ giáo viên có nhiều người cao tuổi, rất khó tiếp cận, thích ứng với chương trình mới.

Điểm mới của CTTT là có “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo” được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12, chiếm thời lượng khá lớn. Hầu hết các lớp là 105 tiết/năm, lớp 10 là 70 tiết/năm. Vừa qua, Sở GDĐT Thanh Hóa đề nghị Bộ GDĐT làm rõ hơn về các điều kiện cần thiết để tổ chức hoạt động này về: Giáo viên; cơ sở vật chất, kinh phí cần cho cơ sở giáo dục triển khai thực hiện; hình thức tổ chức triển khai có gì mới so với việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp… “Nếu không có hướng dẫn cụ thể, chi tiết, thì hoạt động này rất dễ rơi vào hình thức, đối phó, lãng phí” - một cán bộ Sở GDĐT Nghệ An nói.

Vấn đề “đầu tiên” - kinh phí thực hiện CTTT, cũng đang còn để ngỏ. Vừa qua, thực hiện dự án thí điểm mô hình Trường học mới vào Việt Nam (VNEN), nhiều trường phổ thông đã “ôm nợ” vì không đủ kinh phí. “Nếu không tính toán cụ thể các khoản cần phải chi trong một lộ trình, tôi lo sẽ “vỡ trận” về mặt tài chính” - một hiệu trưởng ở Hà Tĩnh chia sẻ. 

Lùi thời gian thực hiện chương trình

Ngày 30.5, làm việc với Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông của Bộ GDĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: Lắng nghe, chắt lọc để tiếp thu những quan điểm khác nhau, trái chiều; giải thích, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội. Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ thì cho biết trong trường hợp chưa thực sự yên tâm về chất lượng và điều kiện thực hiện, Bộ GDĐT sẽ báo cáo để Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội đề nghị điều chỉnh thời điểm bắt đầu áp dụng chương trình, SGK mới từ năm học 2019 - 2020 để có thêm thời gian chuẩn bị.

Tác giả bài viết: QUANG ĐẠI

Nguồn tin: laodong.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây