Trong số 6 người này, có Nguyễn Ngọc Sinh - nguyên Tổng GĐ công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land).
Theo bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội, PVP Land có 4 cổ đông sáng lập là Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí VN (PVC); Tổng công ty tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam; Tổng công ty Phong Phú và công ty CP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà.
Đào Duy Phong - Chủ tịch HĐQT và Nguyễn Ngọc Sinh - Tổng giám đốc PVP Land là người đại diện PVC quản lý phần vốn tại PVP Land.
Thời điểm năm 2010, vì khó khăn tài chính, PVP Land muốn thoái vốn góp và tìm người để nhượng lại toàn bộ 50,5% cổ phần vốn góp của PVP Land tại công ty CP dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương.
Thông qua sự môi giới của Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, "siêu lừa" Lê Hòa Bình đã gặp gỡ đại diện các cổ đông sáng lập của công ty và thống nhất ký Hợp đồng đặt cọc mua toàn bộ 24 triệu cổ phần của 5 cổ đông sáng lập với đơn giá trung bình là 20.756,34 đồng/ cổ phần; tổng giá trị là hơn 498 tỷ đồng.
Các bị cáo trong phiên tòa phúc thẩm. |
Đại diện cho PVP Land tham dự buổi gặp này và ký hợp đồng đặt cọc là người có tên Đặng Sỹ Hùng, theo giấy ủy quyền của Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Sinh.
Trong việc ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land với giá thấp hơn, Đào Duy Phong khai nhận được Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo bán giá cao, nhưng thể hiện trong hợp đồng thấp hơn vài giá để chia nhau phần chênh lệch. Và Phong đã thông báo lại cho Nguyễn Ngọc Sinh để triển khai thực hiện.
Sau đó Sinh đề nghị rút thêm 1 giá để lấy tiền chia nhau và Phong đã đồng ý.
Trên cơ sở đó, khi Nguyễn Ngọc Sinh ký tờ trình xin phê duyệt phương án bán cổ phần. Phong đã ký phiếu gửi các thành viên HĐQT của PVP Land chuyển nhượng toàn bộ hơn 12.120.000 cổ phần sở hữu.
Khoảng 2 ngày trước khi vụ án được khởi tố, Đào Duy Phong nhận được điện của Huỳnh Quốc Duy (kẻ môi giới để PVP Land bán cổ phiếu cho "siêu lừa") nói sang Văn phòng của Duy để nhận tiền.
Tại văn phòng của Duy, lái xe của PVP Land là ông Trần Ngọc Long đã nhận 10 tỷ đồng, mang về chuyển lại cho Phong.
Phong khai đã sử dụng 8 tỷ đồng để trả nợ các khoản vay và chi tiêu cá nhân hết. Còn 2 tỷ đồng Phong bảo lái xe chuyển cho Sinh.
Bị khởi tố sau hơn 4 năm được đình chỉ vụ án
Về phía Nguyễn Ngọc Sinh, ông ta không thừa nhận lời khai của bị cáo Phong về việc ông ta đề nghị Đào Duy Phong "rút bớt thêm 1 triệu đồng/m2 để lấy tiền chi phí", cũng không thừa nhận việc ký ủy quyền cho Đặng Sỹ Hùng đại diện tham gia cùng các cổ đông đàm phán việc chuyển nhượng cổ phần tại Công ty CP dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương...
Bản án sơ thẩm cho rằng, Nguyễn Ngọc Sinh là người ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần ngày 2/4/2010, chứng cứ xác định việc thông đồng với Đào Duy Phong để ký hợp đồng với giá thấp hơn nhằm rút số tiền chênh lệch chia nhau chỉ trên cơ sở lời khai của Phong, Sinh không thừa nhận.
Cơ quan điều tra đã cho đối chất nhưng không làm rõ được nên cho rằng chưa đủ cơ sở kết luận.
Cơ quan điều tra cũng tiến hành xác minh tài liệu, giấy tờ lưu tại văn thư và sổ theo dõi số công văn đi tại PVP Land và không thấy có Giấy ủy quyền của Nguyễn Ngọc Sinh và cũng không thu được giấy ủy quyền này nên cũng chưa có căn cứ xác định Sinh ký giấy ủy quyền cho Đặng Sỹ Hùng để thực hiện thảo luận, thống nhất ký hợp đồng đặt cọc mua cổ phần ngày 27/3/2010.
Kết quả điều tra cũng không chứng minh được trong việc ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với giá thấp hơn, Sinh được hưởng lợi về vật chất hoặc có động cơ gì khác. Do vậy, thấy chưa đủ chứng cử để truy tố Sinh về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
VKSND Tối cao đã ra quyết định đình chỉ vụ án số 05/VKSNDTC- V1 ngày 6/6/2012 đối với bị can Nguyễn Ngọc Sinh.
Tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư bào chữa cho bị cáo Đào Duy Phong từng cho rằng, cơ quan điều tra không khởi tố Sinh, làm rõ số tiền 2 tỷ đồng khiến vụ án có vi phạm tố tụng.
Nhiều người không ngờ rằng, đến phiên tòa phúc thẩm, Nguyễn Ngọc Sinh lại bị khởi tố tội Tham ô cùng với Trịnh Xuân Thanh và 5 người khác.
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn