Nguyên Tổng giám đốc PVN: 'Mức án nặng nề khiến bị cáo đau xót'

Thứ bảy - 13/01/2018 22:51
TPO - Bị cáo Phùng Đình Thực – nguyên Tổng Giám đốc PVN trình bày: “Mấy hôm nay chứng kiến nhiều lãnh đạo tập đoàn đứng trước toà, tôi vô cùng đau xót, vì một số người làm sai mà nhiều lãnh đạo vướng lao lý. Mức án đề nghị với bị cáo cũng nặng nề khiến bị cáo đau xót… '
Nguyên Tổng giám đốc PVN: 'Mức án nặng nề khiến bị cáo đau xót'

 

Ngày 14/1, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án kinh tế – tham nhũng xảy ra Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Cty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Tại tòa, các bị cáo tiếp tục được nêu quan điểm tự bào chữa cho mình.
Mở đầu, bị cáo Phùng Đình Thực – nguyên TGĐ PVN khẳng định đã luôn làm việc công tâm, không tư lợi, không lợi ích nhóm không ưu ái ai, kể cả PVC.

“Bị cáo cũng không bàn bạc riêng tư với cấp trên hay chỉ đạo riêng tư với cấp dưới. Khi biết hợp đồng (EPC số 33 để thực hiện dự án Thái Bình 2) sai phạm, bị cáo đã cương quyết chỉ đạo kiểm tra và ngay trong ngày ký quyết định thanh lý chấm dứt hợp đồng 33”, ông Thực nói.

Xét xử vụ án PVN - ảnh 1
Bị cáo Phùng Đình Thực, nguyên Tổng Giám đốc PVN.

Về số tiền PVN tạm ứng cho PVC, ông Thực cho rằng: “Với số tiền tạm ứng được sử dụng sai mục đích, bị cáo cũng ký văn bản yêu cầu PVC báo cáo rõ ràng và có phương án khắc phục. Bị cáo cũng nói rằng bản thân luôn khai báo thành khẩn, không đổ lỗi cho cấp dưới mà chỉ đưa ra những chứng cứ mới để chứng minh mình vô tội tại toà, nhất là sự phân công phân quyền rõ ràng, mỗi người có một việc, mỗi người một trách nhiệm”.

Ông Thực cũng nói mình gắn bó với ngành dầu khí 40 năm và mục tiêu duy nhất của cuộc đời là cống hiến cho ngành. Bản thân tâm niệm luôn làm đúng, ông đã lãnh đạo tập đoàn đạt được nhiều thành tích quan trọng, bảo toàn và phát triển vốn tốt, lợi nhuận tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sách... Cá nhân ông được cấp có thẩm quyền đánh giá có đóng góp đặc biệt xuất sắc, nhất là về các công trình khoa học.

“Bị cáo luôn làm việc với phong cách rõ ràng, việc nào trực tiếp làm thì làm hết khả năng, không bị sai sót, tinh thần trách nhiệm cao, đúng thẩm quyền, đúng quy định”, bị cáo nói trước HĐXX.

Ông Thực trình bày thêm: “Mấy hôm nay chứng kiến nhiều lãnh đạo tập đoàn đứng trước toà, tôi vô cùng đau xót, vì một số người làm sai mà nhiều lãnh đạo vướng lao lý. Mức án đề nghị với bị cáo cũng nặng nề khiến bị cáo đau xót… Bị cáo gửi lời cảm ơn đến cán bộ công nhân viên ngành dầu khí đã đồng hành cùng bị cáo đóng góp cho ngành, cũng như có sự chia sẻ với bị cáo; cảm ơn các luật sư thu thập nhiều tài liệu chứng cứ góp phần làm rõ vụ án trong thời gian ngắn".

Với 40 năm lao động miệt mài, luôn tâm niệm làm đúng, trong hành động không bao giờ biết sai mà vẫn làm. Kính đề nghị VKS xem xét lại việc quy kết tội của bị cáo, mong HĐXX cá thể hoá hành vi, trách nhiệm và xử lý công minh thấu tình đạt lý”.

Tiếp đến, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh – nguyên Phó TGĐ PVN khẳng định: “Ngay trong quá trình điều tra, bị cáo đã thành khẩn khai báo, trực tiếp giao nộp tài liệu giúp kết thúc nhanh vụ án. Kính mong đại diện VKS xem xét tình tiết này… Bị cáo thành khẩn nhận trách nhiệm dù sai phạm là cấp dưới làm. Ngay trong thời gian bị cáo ở trại giam đã rất ân hận, nhờ luật sư báo gia đình vay mượn, nộp 2 tỷ, dù chưa biết mức thiệt hại đến đâu, giúp lương tâm thanh thản”.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Phó TGĐ PVN khi được tự bào chữa đã xin bổ sung luận cứ của luật sư: “Khi làm việc với cơ quan điều ra, VKSND, bị cáo nghĩ rằng mình không làm gì sai quy định của nhà nước. Khi kiểm sát viên làm việc, nói hợp đồng 33 sai quy định, một số văn bản trong 33 không có thật, như vậy đã làm sai và bị cáo là một trong những mắt xích. Khi mình làm sai thì mắt xích sai”.

Ông Sơn khẳng định mình hết sức hợp tác, nói hết những gì biết, nhớ liên quan đến vụ án, giúp cơ quan điều tra biết bản chất vụ án. Bị cáo này trình bày: “Một, liên quan kết luận giám định, kết luận không có tính thuyết phục, thiếu cơ sở tính toán. Hai, nếu nói hợp đồng 33 chưa có hiệu lực thì có vẻ không thuyết phục; công việc đã triển khai thực tế trên công trường, các nhà thầu đã đến công trường làm việc. Ba, xác định trách nhiệm về mặt dân sự, thiệt hại chưa xác định rõ, chưa quyết toán công văn, khấu trừ nếu có. Bốn, trong các vụ hình sự, nếu truy xét thiệt hại, mất mát thì phải truy đến vị trí cuối cùng của đồng tiền; dẫu sai mục đích đã được mang đi thanh toán, phải thu hồi cả gốc.

Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, hành vi tạm ứng tiền có 2 nhóm đối tượng liên quan bị cáo trạng quy kết gồm nhóm cán bộ PVN và nhóm cán bộ Ban quản lý dự án Thái Bình 2 (trực tiếp ký và thực hiện tạm ứng).

“Trong đó, quy trình cấp vốn cho Ban quản lý là việc nội bộ… Ban quản lý có trách nhiệm sử dụng tiền đúng mục đích, quản lý các nhà thầu", ông Sơn nói.

Cũng tại tòa, các bị cáo Vũ Đức Thuận – nguyên TGĐ PVC, Nguyễn Anh Minh – nguyên Phó TGĐ PVC… đồng tình với các quan điểm của luật sư bào chữa cho mình. Ngoài ra, bị cáo Lương Văn Hòa – nguyên Trưởng ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch đề nghị bị cáo Trịnh Xuân Thanh phản biện, nêu căn cứ và không được đổ lỗi cho mình trong việc tham ô 13 tỷ đồng.

Nguồn tin: TPO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây