Theo National Geographic, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Arizona phân tích khoáng vật trong những mẫu tro bụi sản sinh từ đợt đại phun trào gần đây nhất và tìm thấy sự thay đổi nhiệt độ cũng như thành phần bất thường chỉ xảy ra trong vòng vài thập kỉ.
Cho đến hiện tại, các nhà địa chất học nghĩ rằng cần vài trăm năm nữa để siêu núi lửa này có thể hoàn thành quá trình chuyển đổi.
Theo một nghiên cứu năm 2011, mặt đất bên trên hồ chứa magma ở Yeallowstone đã nâng cao khoảng 25 cm trong vòng 7 năm. “Đây là một độ cao đáng kể bởi vì nó bao phủ một khu vực rộng lớn với tỉ lệ rất cao”, Bob Smith, chuyên gia núi lửa Yellowstone cho biết.
Các địa điểm khác của công viên quốc gia Mỹ như cột nước nóng kì lạ Old Faithful và hồ nước nóng Grand Prismatic Spring, những địa điểm thu hút nhiều khách du lịch đến từ khắp nơi trên thế giới đều là dấu hiệu cho thấy có một hồ chứa magma khổng lồ đang hoạt động bên dưới.
Theo USA Today, khoảng 630.000 năm trước, một vụ phun trào mạnh mẽ đã làm rung chuyển khu vực và tạo ra miệng núi lửa Yellowstone với chiều rộng 64 km. Một điều đáng lo ngại là trận đại phun trào này xảy ra theo chu kỳ từ 1,3 triệu năm trước, cho thấy hệ thống có thể đã sẵn sàng cho một vụ phun trào mới.
Theo New York Times, các nhà nghiên cứu xác định siêu núi lửa này có khả năng tạo ra hơn 1.000 km khối đá và tro bụi – gấp 2.500 lần vật chất so với vụ phun trào núi lửa St. Helens năm 1980, sự kiện có thể bao phủ phần lớn nước Mỹ trong tro bụi và khiến Trái đất rơi vào "mùa đông núi lửa".
Dù vậy, vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu trước khi có thể đưa ra kết luận chính thức về khả năng phun trào của núi lửa này.
(Nguồn: USA Today)
Tác giả bài viết: PHƯƠNG ANH
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn