Gặp “cha đẻ” của giống gạo Việt ngon nhất thế giới

Thứ sáu - 27/12/2019 20:29
Đang sống trong những ngày lâng lâng niềm vui, ông Hồ Quang Cua chia sẻ không thể ngờ được sự chú ý của người dân với sản phẩm này trong những ngày qua lại lớn đến vậy.
Gặp “cha đẻ” của giống gạo Việt ngon nhất thế giới

Hội nghị thương mại gạo thế giới tổ chức tại Philippines (từ ngày 10-13/11/2019) đã công nhận giống gạo ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua cùng nhóm nghiên cứu là “gạo ngon nhất thế giới năm 2019”.

ST25 là giống gạo do nhóm các nhà khoa học tỉnh Sóc Trăng gồm kỹ sư Hồ Quang Cua, TS Trần Tấn Phương, kỹ sư Nguyễn Thu Hương lai tạo, phát triển.

Để tạo ra giống lúa thơm như ST25 các nhà khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp phải thực hiện lai ghép giữa nhiều giống lúa bố mẹ để tạo ra nhiều dòng lúa phức tạp về kiểu gien, sau đó sử dụng phép lai hồi giao cải tiến với dòng ST tân tiến nhất để tạo ra sản phẩm cuối cùng.

Các giống lúa ST, mà mới nhất là ST25 có các đặc tính vượt trội về phòng bệnh, kháng mặn; mang nhiều ưu điểm của giống gạo thuần Việt, hạt dài, trắng, trong, khi nấu cho cơm dẻo, ráo có mùi dứa.

So với các giống gạo quốc tế, ưu điểm của ST25 là giống cao sản, có thể trồng từ hai đến ba vụ trong một năm.

Gặp “cha đẻ” của giống gạo Việt ngon nhất thế giới
Anh hùng lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua vui mừng nói về giống gạo do nhóm mình lai tạo được đánh giá ngon nhất thế giới năm 2019. Ảnh: Thanh Hùng

Kỹ sư Hồ Quang Cua cho hay để đạt được kết quả ngày hôm nay nhóm ông đã chuẩn bị và thực hiện từ rất lâu, ngót nghét cũng hơn 20 năm. Vị thế gạo ngon nhất năm nay cũng có tiền đề khi các giống lúa 2 năm liền trước đây đều lọt top 3 thế giới. 

"Đây cũng là lần đầu tiên các nước khu vực Đông Nam Á có một giống lúa cải tiến ngắn ngày, năng suất cao được lọt vào top ngon nhất thế giới. Những giống lúa đạt giải ngon nhất thế giới 10 năm trước đây đều là những giống lúa mùa cảm quang, dài ngày, năng suất thấp, không có nhiều sản lượng để cung ứng ra thị trường và không đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho người nông dân", kỹ sư Cua nói về tính ưu việt. 

Đang sống trong những ngày lâng lâng niềm vui nhưng ông chia sẻ không thể ngờ được sự chú ý của người dân với sản phẩm này trong những ngày qua lại lớn đến vậy. "Tự nhiên giống gạo này có mặt ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam, thậm chí còn nhận được hình ảnh một mẫu gạo ST25 từ Mỹ gửi về".

Ông kể, từ sau khi nhận được giải và về nước ngày 14/11, đã phải tắt điện thoại. Tính đến nay đã khoảng 6 tuần lễ.

"Nếu nghe hết mọi người gọi hỏi thăm và đặt hàng thì sẽ không còn thời gian làm được việc gì khác và nếu không giải tỏa được áp lực có thể ngã ra khi nào không hay", ông giải thích.

Gặp “cha đẻ” của giống gạo Việt ngon nhất thế giới
ST25 có các đặc tính vượt trội về phòng bệnh, kháng mặn; mang nhiều ưu điểm của giống gạo thuần Việt, hạt dài, trắng, trong, khi nấu cho cơm dẻo, ráo có mùi dứa. Ảnh: Thanh Hùng

Hành trình của mình cùng các cộng sự, theo ông Cua, là quá trính dài kiên trì vừa học vừa làm, vừa cải tiến vừa nâng cao năng suất, chất lượng. Năm 1997, sau khi nhận được tin Thái Lan đã lai tạo được 2 giống lúa thơm được gọi là “hạt vàng”, ông đã trăn trở tại sao họ làm được và rồi cùng nhóm nhen nhóm ý tưởng, tìm vật liệu di truyền và đến năm 2002 bắt đầu tiến hành lai giống.

Trong vòng 6 năm, ông cùng với nhóm của mình đã có được những thành quả đầu tiên. Từ kinh nghiệm, nhóm cải tiến phương thức lai dần dần và định hướng mục tiêu.

“Đó là một chuỗi quá trình kết hợp giữa sự kiên trì và chuyên tâm học hỏi. Mình xem những cây lúa trước, ví dụ đã đạt yếu tố về chất lượng nhưng còn thiếu yếu tố ngoại hình, chưa thích nghi ngoại cảnh, tính kháng sâu bệnh chưa mạnh thì tiếp tục lai tạo. Đến năm 2014, chúng tôi đã có những giống lúa gần ưu việt như hiện nay và năm 2017 đi thi quốc tế đã lọt vào top 3 gạo ngon nhất. Năm 2018, tiếp tục lọt top 3 và đến năm nay thì gạo Việt Nam được chọn là ngon nhất”.   

Gặp “cha đẻ” của giống gạo Việt ngon nhất thế giới
“Cha đẻ” của giống gạo Việt ngon nhất thế giới. Ảnh: Thanh Hùng

Theo ông Cua, điều quan trọng để đạt được thành công là sự kiên trì và có định hướng, phương pháp đúng.

Tuy nhiên, ông Cua cũng khiêm tốn cho rằng đây là việc giống như thống kê, tức là phải có cả yếu tố may mắn nữa chứ “không phải cứ làm là được”.

“Nhưng có đặt mục tiêu thì mình mới cố gắng tìm ra giải pháp. Còn nếu không đặt mục tiêu thì làm sao nghĩ đến chuyện làm ra một điều gì đó. Khi đã khẳng định sự quyết tâm thì phải tìm cách để vượt qua những khó khăn gặp phải và một trong những cách là học tập. Học để nâng cao trình độ, để biết cách làm và học chính từ thị trường để biết nhu cầu xã hội cần gì", kỹ sư Cua nói.

Ông Cua cho rằng năm nay là gạo ngon nhất không có nghĩa chúng ta đã hơn các quốc gia như Thái, Nhật,… bởi những yếu tố lịch sử, quá trình, liên hệ thị trường của họ trong nhiều năm qua. 

Gặp “cha đẻ” của giống gạo Việt ngon nhất thế giới
 Ảnh: Thanh Hùng

Do đó, theo ông Cua, đoạt giải chỉ là một điểm khởi đầu để từng bước làm lại ngành gạo của Việt Nam và muốn phát triển thành quả này thì còn cần phải có những chính sách và giải pháp khoa học để có thể di truyền những đặc tính, phẩm chất ban đầu của giống lúa, tránh sự thoái hóa.

“Đây là giống lúa cải thiện, ngắn ngày, phải dùng phân hóa học. Do đó, làm theo kiểu thâm canh, nếu không có giải pháp bài bản thì khoảng 3 năm khi sản xuất đại trà cho thị trường, giống lúa sẽ lại rơi vào diện thường thường bậc trung chứ không còn là bậc cao nữa”, ông Cua nói.

“Gạo thơm Thái Lan vẫn nổi tiếng là loại gạo an toàn. Còn gạo của chúng ta, nếu sử dụng lượng phân bón không đúng, sử dụng hóa chất gây mất an toàn thực phẩm thì không bao giờ có thể so được với họ”.

Gặp “cha đẻ” của giống gạo Việt ngon nhất thế giới
 

Nói về độ thích nghi của giống lúa, kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết, không chỉ ở trong Nam mà giống lúa trước ST25 là ST24 (cũng có những đặc tính tương đương) sau khi đạt giải quốc tế năm ngoái cũng đã được nhiều người đưa ra trồng thử ở Nam Định cũng cho kết quả rất tốt. Sản lượng thống kê năm sau cao hơn năm trước.

Hiện hồ sơ xin công nhận ST25 là giống lúa mới đã được gửi tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các nhà khoa học tạo ra ST25 mong rằng sau khi được Bộ công nhận giống mới, bên cạnh việc nhân rộng diện tích, xây dựng vùng trồng chuyên canh các địa phương và người nông dân cần canh tác đúng quy trình kỹ thuật để giữ chất lượng của loại gạo quý này nhằm sản xuất được gạo ngon với giá cao. 

 

Tác giả bài viết: Thanh Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây