Trong những năm Chiến tranh Thế giới thứ 2, nhân loại chứng kiến cuộc chạy đua vũ trang khốc liệt giữa Đức quốc xã và phe Đồng minh nhằm chiếm ưu thế trên chiến trường. Theo Warhistoryonline, một nhóm nhà nghiên cứu đã nhận thấy mức độ phóng xạ cao bất thường ở thị trấn St Georgen an der Gusen, phía tây nước Áo.
Một phần đường hầm dẫn vào nhà máy nghiên cứu công nghệ hạt nhân bí mật của Đức quốc xã. Ảnh: Warhistoryonline.
Họ tiến hành nghiên cứu khu vực nói trên và phát hiện ra một bí mật động trời. Nhóm điều tra do nhà làm phim Andreas Sulzeris dẫn đầu đã tìm thấy một lối vào được bịt kín bằng bê tông. Sulzeris nói với Sundaytimes rằng “Đây có thể là cơ sở sản xuất vũ khí bí mật lớn nhất của Đế chế thứ 3”.
Nhà máy này bao gồm hệ thống các đường hầm nối với nhau có diện tích khoảng 75 mẫu Anh cùng các phương tiện nghiên cứu. Khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc, phe Đồng minh đã nghiên cứu các khu vực trên mặt đất nhưng họ không phát hiện ra cơ sở ngầm này.
Nhóm nghiên cứu nhận định rằng, cơ sở này có thể kết nối với nhà máy B8 Bergkristall trong lòng đất chuyên sản xuất máy bay Messerschmitt Me 262 nằm tại thị trấn St Georgen an der Gusen. Người ta cho rằng, khu phức hợp bí mật này được xây dựng bằng cách sử dụng lao động nô lệ từ trại tập trung Mauthausen-Gusen gần đó. Trại tập trung này có khoảng 320.000 tù nhân.
Một nhà máy sản xuất tên lửa đạn đạo V2 trong lòng đất. Trong Thế chiến thứ 2, Đức quốc xã đã xây dựng rất nhiều nhà máy bí mật trong lòng đất phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu vũ khí của họ. Ảnh: Warhistoryonline.
Hiện tại nhóm nghiên cứu của Andreas Sulzeris đã ngưng công việc khai quật do giấy phép của họ hết hạn. Ông Sulzeris hy vọng rằng, công việc của họ sẽ tiếp tục trong vài tháng tới khi chính quyền gia hạn giấy phép. Trong quá trình khai quật họ đã phát hiện rất nhiều mũ bảo hiểm của lính SS và các đồ dùng khác.
Bằng chứng về chương trình hạt nhân của Đức quốc xã đã xuất hiện tại một địa điểm khác. Một nhóm các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 126.000 thùng đựng vật liệu nghiên cứu hạt nhân ở độ sâu 609 mét tại một khu mỏ cũ gần Hanover, Đức. Mặc dù công cuộc nghiên cứu của nhóm Andreas Sulzeris vẫn chưa có kết quả nhưng người ta hy vọng rằng cơ sở bí mật này sẽ cung cấp một cái nhìn đầy đủ hơn về chương trình hạt nhân của Đức quốc xã.
Tác giả bài viết: Theo Đức Hải (Zing)
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn