Các nhà khoa học tại Đại học Cambridge, Anh, chế tạo thành công phôi thai nhân tạo đầu tiên trên thế giới của chuột nhờ sử dụng hai loại tế bào gốc và một khung 3D cho phôi thai phát triển, theo Nature World News. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science hôm 2/3.
Nhóm nghiên cứu sử dụng tế bào gốc phôi chuột biến đổi gene (ESC), có chức năng hình thành cơ thể, và tế bào gốc lá nuôi phôi ngoài phôi (TSC) tạo thành nhau thai, để phát triển thành công một cấu trúc tự động lắp ráp và có khả năng giao tiếp với nhau, gần giống phôi thai tự nhiên.
"Nó có những vùng giống phôi thai về mặt giải phẫu, phát triển ở đúng nơi và đúng thời điểm", Magdalena Zernicka-Goetz, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Phôi nhân tạo này phát triển theo mô hình phôi tự nhiên, ECS ở một bên và TCS ở phía bên kia trước khi chúng kết hợp lại. Zernicka-Goetz nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giao tiếp giữa hai loại tế bào phôi và ngoài phôi, chúng có khả năng "nói chuyện với nhau".
"Điều nổi bật trong nghiên cứu của chúng tôi là khiến các tế bào gốc thực sự hợp tác và ảnh hưởng lẫn nhau để hình thành phôi", Zernicka-Goetz nói.
Zernicka-Goetz cho biết, sự hợp tác này rất quan trọng vì không có nó, tế bào sẽ không phát triển thành hình dạng chính xác và các cơ chế sinh học không thể xảy ra vào đúng thời điểm. Một loại tế bào gốc thứ ba, có chức năng hình thành túi noãn hoàng, trong tương lai sẽ được thêm vào để tạo ra phôi thai nhân tạo với đầy đủ chức năng.
"Việc phát triển phôi thai nhân tạo giúp chúng tôi nghiên cứu những sự kiện quan trọng trong thời kỳ đầu phát triển của con người mà không thực sự phải làm việc trên phôi thai người thật", Zernicka-Goetz nói.
Tác giả bài viết: Lê Hùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn