Vụ án gần 300 người liên quan và cái chết của phó chủ tịch huyện

Chủ nhật - 28/05/2017 03:49
(PL News) - TAND tỉnh Quảng Ngãi vừa xét xử sơ thẩm vụ án liên quan công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thi công dự án thuỷ điện Đăkđrinh ở huyện Sơn Tây. Đây là vụ án có số người đông nhất: 241 người liên quan, 40 nhân chứng cùng 5 bị cáo.
Cướp giật tiền đền bù ngay trước trụ sở UBND huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi.
Cướp giật tiền đền bù ngay trước trụ sở UBND huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi.

 



Năm bị cáo gồm: Lê Khắc Tâm Anh, Nguyễn Vỹ Cường (nguyên cán bộ Địa chính - nông nghiệp - xây dựng xã Sơn Dung), Trần Minh Việt (nguyên cán bộ Địa chính - nông nghiệp - xây dựng xã Sơn Long), Hà Văn Tiên (nguyên Trưởng phòng TN&MT) và Nguyễn Anh Dũng (nguyên Trưởng phòng NN&PTNT) huyện Sơn Tây. Họ bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tỉnh Quảng Ngãi đã huy động xe buýt để chở gần 300 bà con từ miền núi xuống tỉnh dự phiên tòa với tư cách nhân chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Theo cáo trạng, trong quá trình chỉ đạo và triển khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thủy điện Đăkđrinh khu vực lòng hồ thuộc các xã Sơn Liên, Sơn Long và Sơn Dung (Sơn Tây), các bị cáo đã cố ý làm trái quy các văn bản của Nhà nước; đề ra chủ trương quy về chủ cũ (tức là đưa vào phương án những cá nhân, hộ gia đình không đủ điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ).

Cụ thể là, dù biết rõ nhiều trường hợp mua bán đất không đúng quy định của pháp luật, nhưng nếu đưa tên người nhận chuyển nhượng đất vào phương án bồi thường thì sẽ không được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, nên các bị cáo đề xuất ý kiến khi lập phương án đưa tên người đã chuyển nhượng đất vào diện được bồi thường về đất, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp khi bị thu hồi đất (quy về chủ cũ). Việc làm không đúng quy định của pháp luật này đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26,2 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại tại xã Sơn Liên là 9,66 tỷ đồng; Sơn Dung là 11,88 tỷ đồng và tại Sơn Long là 4,71 tỷ đồng…

Náo loạn vì tiền đền bù

Huyện miền núi Sơn Tây được mệnh danh là xứ sở ngàn cau, nằm cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi gần 100 km. Cuối năm 2012, khu vực trung tâm huyện trở thành điểm nóng về việc cán bộ và nhiều đối tượng từ nơi khác đến đổ xô tìm cách sang nhượng, bán mua đất của đồng bào với hàng loạt phi vụ “trúng mánh bạc tỷ” chỉ sau một đêm… Đất đai ở đây là đất của đồng bào thuộc diện thu hồi để xây dựng thủy điện Đắkđrinh ở huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) và tỉnh Kon Tum. Tổng diện tích đất bị thu hồi tại huyện Sơn Tây để quy hoạch dự án Thủy điện Đắkđrinh la 724 ha.

Ông Đinh Văn Sỏ, già làng thôn Nước Vương xã Sơn Liên, nói: “Mình và bà con không biết quy hoạch thủy điện nên bán đất cho nhiều người, cho cán bộ huyện từ năm 2011, bây giờ tiếc lắm”. Khi mua đất giá rẻ, các đối tượng thường lừa phỉnh đồng bào là mua đất trồng cỏ nuôi bò, trồng keo.

Số tiền mà người dân các xã Sơn Liên được đền bù là 41,47 tỷ đồng, hai xã Sơn Dung, Sơn Long là 189 tỷ đồng. Khi đồng bào đến nhận tiền thì xảy ra cảnh cướp giật ngay trước cổng trụ sở UBND xã, huyện. Các đối tượng đều đưa ra lý do “nó đã bán đất cho tao”.

Phó Chủ tịch huyện đột tử

Ông Tô Cước vào thời điểm đó là Phó chủ tịch huyện kiêm Chủ tịch Hội đồng bồi thường dự án thủy điện Đắkđrinh. Ông Cước đã gặp phóng viên nói nhiều về nỗi đau xót khi thấy đất đai của đồng bào bị mua với giá rẻ mạt; một số cán bộ núp bóng, cho người nhà mua gom đất.

Trước thông tin trên báo chí, ngày 1/8/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Cao Khoa, ký công văn hỏa tốc về việc xác minh người dân nhận tiền bồi thường, hỗ trợ ở huyện Sơn Tây bị xiết nợ. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Ngãi sau đó quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Sau khi vụ án khởi tố, ông Cước bất ngờ đột qụy chết tại nhà.

Tại tòa, ông Nguyễn Anh Dũng, cấp phó của ông Cước, đã phủ nhận lời khai của hai vị nguyên là lãnh đạo huyện Sơn Tây, và cho rằng chủ trương “quy về chủ cũ” đều do Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo, chứ ban bồi thường làm sao dám quyết (!?).
 

Cơ quan điều tra đã xác định có 59 người làm nghề buôn bán, cán bộ không sinh sống và không có hộ khẩu tại các xã Sơn Liên, Sơn Dung, Sơn Long, không đủ điều kiện được giao đất nông nghiệp, nhưng đã mua 113 thửa đất của dân.

Nguồn tin: TPO:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây