Theo hồ sơ vụ án, TTTT và NTMP cùng sinh năm 2002, học chung trường cấp III và cùng ở một khu chợ ở huyện Cần Giuộc (Long An).
Bị ép tự quay clip đang tắm
Đầu năm 2018, P. đến nhà T. mượn áo đầm nhưng T. không cho mượn. P. tức giận đe dọa sẽ thuê giang hồ giết em của T. và đốt nhà của T.
Một bữa, P. đến nhà T., đưa điện thoại của mình cho T., kêu T. quay clip đang tắm trong nhà tắm, nếu không sẽ thực hiện lời đe dọa trên. Vì sợ hãi nên T. chấp nhận làm theo. P. ở ngoài chờ, sau khi T. quay xong thì đưa điện thoại cho P. mang về.
Ngày 21-4-2018, P. gửi đoạn clip T. tắm cho bạn bè của P. qua ứng dụng chat Messenger. P. còn đăng hình ảnh và những lời nói xấu về T. trên trang Facebook cá nhân của P.
T. nộp đơn tố cáo nhưng cơ quan công an trả lời là không khởi tố P. Nhận thấy việc P. phát tán clip tắm và rêu rao nói xấu mình trên Facebook ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, gây khó khăn cho mình trong việc kiếm việc làm sau này nên T. khởi kiện ra TAND huyện Cần Giuộc.
Trong đơn khởi kiện, T. yêu cầu P. phải bồi thường 2 tỉ đồng bao gồm các khoản thiệt hại vật chất, thiệt hại tinh thần trong hiện tại và tương lai. Ngoài ra, T. còn yêu cầu P. phải xin lỗi T. tại Công viên Nguyễn Thị Bảy (thị trấn Cần Giuộc) để mọi người biết được hành vi trái pháp luật của P. và lấy lại danh dự cho T.
Trong khi đó, P. nói khi làm việc với Công an thị trấn Cần Giuộc và họp khu phố, P. đã xin lỗi nhưng T. không đồng ý. P. không đồng ý bồi thường vì cho rằng mình không gây thiệt hại, do mới 16 tuổi nên không nhận thức được việc mình làm là vi phạm pháp luật, mặt khác P. cũng không có khả năng bồi thường.
Cha mẹ phải liên đới bồi thường
Tháng 1-2019, TAND huyện Cần Giuộc đưa vụ kiện ra xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa, T. nói P. không đến nhà xin lỗi, không bồi thường. P. có xin lỗi tại buổi làm việc với công an thị trấn và buổi họp khu phố nhưng không thể hiện thiện chí, không thỏa đáng nên T. không chấp nhận.
TAND huyện Cần Giuộc đã tuyên buộc P. phải bồi thường thiệt hại tinh thần cho T. là 10 tháng lương cơ bản, tương đương 13,9 triệu đồng. Cha mẹ của P. có trách nhiệm bồi thường nếu P. không đủ tài sản để bồi thường do P. là người chưa thành niên.
T. kháng cáo cho rằng từ khi xảy ra sự việc, P. không thấy được lỗi của mình. T. không dám ra đường, không thể tiếp tục đi học hoặc xin việc làm, ảnh hưởng đến tương lai, sự nghiệp. Cả năm trời T. bị người xung quanh khinh rẻ vì bị P. phát tán clip không lành mạnh, đưa hình ảnh trên mạng xã hội. Những thiệt hại này không thể đánh đổi bằng tiền, 2 tỉ đồng chỉ bù đắp được phần nào mà thôi. P. đưa hình ảnh của T. lên Facebook nên cần xin lỗi T. ở công viên để mọi người đều biết, để cho P. thấy việc mình làm là sai trái.
P. thì thừa nhận lỗi khi thực hiện việc làm pháp luật không cho phép nhưng không đồng ý bồi thường 2 tỉ đồng vì “quá vô lý”. P. còn cho rằng việc T. không ra đường và sợ mọi người cười chê là do T. sinh con, phải nằm nhà…
Không xét tổn thất trong tương lai
Xử phúc thẩm gần đây, TAND tỉnh Long An xét thấy việc làm của P. là vi phạm pháp luật nhưng có mức độ hạn chế, tầm ảnh hưởng không sâu rộng. P. cũng đã gỡ hình ảnh của T. và các đoạn chat trên Facebook. Phía T. không phải bỏ khoản tiền nào ra để khắc phục hậu quả.
Vào thời điểm bị P. xúc phạm danh dự, nhân phẩm, T. chưa có việc làm, chưa có nghề nghiệp, thu nhập ổn định nên thiệt hại vật chất chưa xảy ra.
Bên cạnh đó, về tổn thất sẽ có trong tương lai, pháp luật không có quy định buộc bên có lỗi phải bồi thường mà thiệt hại được bồi thường phải là thiệt hại thực tế.
Về bồi thường tổn thất tinh thần, theo khoản 2 Điều 592 BLDS hiện hành thì mức tối đa cho một người bị xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm là không quá 10 tháng lương cơ bản. Như vậy, việc tòa sơ thẩm tuyên buộc P. bồi thường 10 tháng lương cơ bản (13,9 triệu đồng) là có căn cứ. Tuy nhiên, do đến thời điểm xét xử phúc thẩm, một tháng lương cơ sở đã tăng thêm 100.000 đồng nên phần bồi thường sẽ tăng tương ứng là thêm tổng cộng 1 triệu đồng (14,9 triệu đồng).
|
Tác giả bài viết: PHƯƠNG LOAN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn