Bản đồ Piri Reis: bằng chứng của một nền văn minh tiên tiến chưa từng có trên Trái đất?

Thứ bảy - 04/03/2017 21:39
(PL News) - Piri Reis là một bản đồ thế giới biên soạn vào năm 1513 từ tình báo quân sự của hải quân Ottoman và nhà bản đồ học Piri Reis. Điểm bí ẩn là tấm bản đồ đã thể hiện một số khu vực vốn chưa được con người khám phá tại thời điểm tấm bản đồ ra đời như vùng biển Bắc Nam Cực. Bằng cách nào mà khi đó con người có thể vẽ lại chính xác bờ biển phía Bắc Nam Cực? Một giả thuyết đặt ra cho rằng đây là kết quả từ việc thám hiểm toàn cầu của một nền văn minh cổ đại chưa từng được biết đến.
Bản đồ Piri Reis: bằng chứng của một nền văn minh tiên tiến chưa từng có trên Trái đất?

 

Bản đồ này được tình cờ phát hiện vào năm 1929 bởi nhà thần học người Đức, Gustav Adolf Deissmann (1866-1937). Ông được Bộ Giáo dục Thổ Nhĩ Kỳ ủy nhiệm để tạo danh mục các hiện vật ngoài Hồi giáo trong thự viện cung điện Topkapi. Trong quá trình đó, Deissmann đã phát hiện ra một tấm bản đồ cổ. Nhận thấy đây có thể là một phát hiện độc đáo, Deissmann đem đến cho nhà Đông phương học Paul Kahle, người đã xác định đây chính là bản đồ Piri Reis.

Phát hiện này đã thu hút nhiều sự quan tâm, vì dường như nó đã tái hiện lại tấm bản đồ (bị thất lạc) của Christopher Columbus (1451-1506) trong thế kỉ XVI, cho thấy Nam Mĩ trong tương quan chính xác với Châu Phi. Trong khi đó, nhiều nhà nghiên cứu trong nhiều năm đã thất bại khi tìm kiếm "tấm bản đồ thất lạc của Columbus", tấm bản đồ được cho rằng do Columbus vẽ khi đang ở Tây Ấn. Thậm chí, sau khi đọc phát hiện về tấm bản đồ Piri Reis, Ngoại trưởng Hoa Kỳ khi đó, Henry L. Stimson đã liên lạc với Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ để tìm tấm bản đồ Columbus.

Tấm bản đồ Piri Reis sử dụng nhiều nguồn tham khảo khác nhau. Trong đó bao gồm mười nguồn Ả Rập, bốn bản đồ xứ Anh điêng (từ người Bồ Đào Nha) và một bản đồ của Columbus. Khoảng một phần ba bản đồ còn sót lại cho thấy các bờ biển phía tây của châu Âu và Bắc Phi và bờ biển Brazil với độ chính xác đáng kể.

Các mảnh sót lại của bản đồ Piri Reis thấy bờ biển miền Trung và Nam Mỹ (ảnh).
Các mảnh sót lại của bản đồ Piri Reis thấy bờ biển miền Trung và Nam Mỹ (ảnh).

Hiện nay, bản đồ Piri Reis đang nằm trong thư viện của cung điện Topkapi (Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ), nhưng không được trưng bày cho công chúng thường xuyên. Hình ảnh tấm bản đồ này cũng xuất hiện trên mặt trái của tờ 10 triệu đồng lira Thổ Nhĩ Kì giai đoạn 1999-2005 và của tờ tiền giấy 10 lira mới 2005-2009. Piri Reis là một họa đồ (portolan), được thể hiện bởi bốn la bàn hoa hồng (hai lớn và hai nhỏ) từ đó tỏa ra các hướng. Một số phân tích khẳng định Piri Reis là một bản đồ góc phương vị cách đều có tâm vào Cairo. Tuy nhiên, một phân tích bởi Steven Dutch vào năm 1998, cho thấy tâm bản đồ có thể là một tọa độ gần giao điểm giữa kinh tuyến gốc và xích đạo.

Bán đảo Iberia và bờ biển của châu Phi được thể hiện chính xác. Trong tương quan với châu Phi, các nước châu Mỹ, bờ biển phía bắc của Nam Mĩ cũng được thể hiện khá chuẩn. Nhưng khu vực đại diện cho Bắc Mỹ gần như không giống với bờ biển thực sự của nó (không có gì đáng ngạc nhiên vì thời gian này, đây là vùng đất gần như chưa được khám phá). Đáng chú ý hơn cả là vùng Queen Maud Land, cùng với đó là phần bờ biển phía Bắc Nam Cực cũng được thể hiện trong bản đồ Piri Reis.

Bằng cách nào, con người có thể vẽ lại chính xác bờ biển phía Bắc Nam Cực? Cần lưu ý rằng, những cuộc đặt chân đầu tiên đến Nam Cực của con người không sớm hơn 1820. Và bờ biển Queen Maud Land cũng không có thăm dò quan trọng nào trước khi các cuộc thám hiểm của Na Uy bắt đầu vào năm 1891. Tại thời điểm tấm bản đồ Piri Reis ra đời - năm 1513, vùng Cape Horn vẫn chưa được phát hiện và hành trình vòng quanh Ferdinand Magellan thực sự đã không thể căng buồm sáu năm sau đó.

Một giả thuyết đặt ra cho rằng đây là kết quả từ việc thám hiểm toàn cầu của một nền văn minh cổ đại chưa từng được biết đến. Đây là ý tưởng mà Charles Hapgood đề cập trong cuốn sách "Bản đồ Biển Kings cổ đại" (1966). Cuốn sách này đề xuất một lý thuyết về việc thám hiểm toàn cầu của một nền văn minh cổ đại chưa được biết đến, dựa trên phân tích của ông về các bản đồ cổ và cuối thời trung cổ. Ý tưởng này cũng được lặp lại trong tác phẩm "Cỗ xe của các vị thần" của Erich von Däniken.

Gregory McIntosh, một nhà nghiên cứu lịch sử bản đồ học, đã đưa ra những ý kiến có tính logic hơn khi phân tích bản đồ Piri Reis. Một số điểm dị biệt của bản đồ Piri Reis, chẳng hạn như sự xuất hiện của Quần đảo Virgin tại hai địa điểm, là do việc sử dụng nhiều bản đồ khác nhau làm nguồn. Những điểm bất hợp lý khác (chẳng hạn như các lỗi về địa lý Bắc Mỹ), có thể bắt nguồn từ sự nhầm lẫn với khu vực Đông Á. Ngoài ra, nếu để ý đến sự chính xác của bờ biển Đại Tây Dương, có hai lỗi dễ thấy. Thứ nhất, nó được biểu thị cách hàng trăm dặm về phía bắc so với vị trí đúng. Thứ hai, vùng Drake Passage hoàn toàn biến mất và bán đảo Nam Cực có lẽ được đem lồng với bờ biển Argentina.

Mặc dù việc xác định độ chính xác của các khu vực trong bản đồ Piri Reis tương ứng với bờ biển Nam Cực băng giá cũng là một vấn đề nan giải. Vì ghi chú trên bản đồ cho biết khu vực này có khí hậu ấm áp nhưng hiện tại lại bao phủ bởi băng giá. Tuy nhiên, giới học giả chính thống cho rằng không có lý do để tin rằng bản đồ là sản phẩm của những kiến thức xác thực về bờ biển Nam Cực.

Nguồn tin: Theo Khám phá:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây