Xếp "lương giáo viên cao nhất" khó hay dễ?

Thứ bảy - 25/11/2017 05:05
Vitenamnet  - “Lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống lương hành chính sự nghiệp”. Quan điểm từng được khởi xướng cách đây 20 năm nay đang được Bộ GD-ĐT đề xuất đưa vào luật, liệu khả thi đến đâu?
Xếp "lương giáo viên cao nhất" khó hay dễ?

 

GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cho biết: Chủ trương xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp đã có từ Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII từ năm 1996.

Trong suốt thời gian qua vẫn giữ nguyên quan điểm đó, và ở Nghị quyết TƯ 29 vừa rồi cũng khẳng định lại quan điểm đó".

Song muốn chuyển sang thực hiện phải được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật.

Trước kia, Chính phủ đã triển khai thực hiện. Nhưng việc thực hiện này chỉ được ở mức là ưu tiên, với quy định cho giáo viên được thêm một khoản phụ cấp giảng dạy.

Thế nhưng, phụ cấp đó chưa thể bằng đúng tinh thần của Nghị quyết của Đảng, tức là lương. Phụ cấp thì đối tượng được áp dụng cũng bị hạn chế, không phải tất cả các giáo viên mà chỉ giáo viên trực tiếp đứng lớp và thời gian nào đứng lớp thì mới được hưởng.

Nếu tính bằng lương thì ổn định và vững bền hơn. Quan trọng nhất là lương thì sẽ được tính để đóng bảo hiểm xã hội, về sau sẽ được hưởng ở lương hưu” – ông Thi phân tích.

Khả thi đến đâu?

Anh Phạm Trí Oanh, giáo viên THPT tại TP.HCM, cho rằng nếu triển khai được sẽ giúp các thầy cô có động lực hơn, yên tâm hơn trong công tác.

Lương giáo viên,Luật giáo dục,giáo viên,dự thảo
Quan điểm “Lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống lương hành chính sự nghiệp” từng được khởi xướng cách đây 20 năm

Anh Phạm Sơn, giảng viên đại học tại TP.HCM, cũng nhận định việc lương giáo viên sẽ tăng là có cơ sở.

“Hiện tại, bậc lương của giảng viên chính, giáo viên cao cấp đã vượt lên rất cao, nên hoàn toàn có cơ sở thực tế để có hướng tăng lương cho giáo viên ở mức cao nhất. Mặt khác, quỹ lương cho giáo dục sẽ giảm ở phần dành cho CĐ, ĐH sau khi các trường tự chủ. Đồng thời, theo định hướng thì sẽ có nhiều trường THPT theo mô hình tự chủ tài chính nên nguồn ngân sách dành cho quỹ lương giáo viên không bị hao hụt mà vẫn có thể đảm bảo được”. 

Trong khi đó, anh Nguyễn Viết Đăng Du, Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM lại quả quyết “không tin lương giáo viên sẽ được xếp cao nhất”, vì bộ phận hành chính sự nghiệp xét ra không chỉ một mình giáo viên mới có nhu cầu phải tăng lương.

“Bản thân tôi đi dạy 20 năm, nếu tính tất cả, thu nhập của tôi chỉ ổn với một người độc thân. Nếu chỉ tính lương, thì chính bản thân tôi cũng sẽ phải “thắt lưng buộc bụng” - anh Du nói.

Theo anh, “giáo viên cũng chỉ là một bộ phận của hành chính sự nghiệp, nếu giáo viên được tăng lương thì bộ phận y tế cũng “đòi” tăng lương. Giữa giáo dục và y tế làm sao để nói bộ phận nào quan trọng nhất? Vì vậy, nếu bậc lương cao nhất nhưng không đủ sống là lạc hậu với thực tế".

Tại buổi gặp gỡ giữa thường trực Thành ủy TP.HCM với giáo viên vừa qua, GS Phạm Phụ, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), đã thẳng thắn nói rằng những chính sách về lương, thu nhập cho giáo viên nhiều lần đã được đưa ra với tiêu chí là dựa trên mặt bằng chung của xã hội nhưng không giải quyết được. Việc này đã kìm hãm sự phát triển chung của ngành giáo dục. Muốn giải quyết được điều đó phải có một nghiên cứu toàn diện nghiêm túc về tài chính, tiền lương trong ngành giáo dục. 

Băn khoăn nguồn kinh phí

GS Đào Trọng Thi cho hay, để làm được điều này phải rất cố gắng và cần nhận được sự đồng thuận, đồng tâm của toàn xã hội. Bởi giáo viên chiếm số lượng rất đông đảo, chiếm một tỷ lệ lớn những người “ăn lương”.

“Mọi người cần nhận thức rằng ủng hộ việc tăng lương cho giáo viên, không phải chỉ chăm sóc đời sống họ và sự thông cảm của mình dành cho họ mà còn gián tiếp đầu tư cho chính con em của mình”.

Ông Thi cũng cho rằng ngân sách có hạn, nên tăng khoản này thì phải chấp nhận giảm bớt những khoản khác.

“Thậm chí, hiện nay ngân sách dành cho giáo dục là 20% thì ngay trong ngành cũng cần phải sắp xếp lại, khu vực nào có thể xã hội hóa được thì phát triển, để dành phần ngân sách Nhà nước vào những khu vực không xã hội hóa được. Ví dụ như để các đại học tự chủ thì sự đóng góp của nhân dân sẽ tăng lên vì đó đào tạo nghề nghiệp, là quyền lợi trực tiếp của người học, còn cấp phổ thông thì Nhà nước lo”.

Tuy nhiên, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, lại có cách nhìn khác.

Theo ông Phúc, từ trước đến nay, lương của công chức, viên chức trong ngành giáo dục đã cao hơn công chức viên chức các ngành nghề khác và chỉ đứng sau ngành Quốc phòng - An ninh. Điều đó có nghĩa lương giáo viên đã được ưu đãi rất nhiều.

Ông Phúc cho rằng khi Bộ GD- ĐT đề xuất lương cho giáo viên xếp thứ nhất thì phải xác định được nguồn kinh phí cũng như các giải pháp.

“Hiện nay, tổng số công chức, viên chức khoảng 2,8 triệu người (trừ quốc phòng, an Ninh) thì số lượng công chức, viên chức của ngành giáo dục đã lên tới khoảng 2 triệu người, đây là một con số quá lớn”.

Ông Phúc nhận định kiến nghị này của Bộ GD-ĐT xét trong không khí chung là một sự bênh vực cho ngành giáo dục, nhưng thực tế đây là một bộ phận công chức, viên chức rất lớn.

“Ý tưởng có tốt đẹp nhưng thực tiễn không có tiền thì không thể làm được. Như việc từ năm 2000, chúng ta có tư tưởng cải cách cơ bản tiền lương cho công chức, viên chức nhưng đến nay vẫn chưa làm được vì không có nguồn”.

Lương giáo viên,Luật giáo dục,giáo viên,dự thảo
"Ủng hộ việc tăng lương cho giáo viên không phải chỉ chăm sóc đời sống họ mà còn gián tiếp đầu tư cho chính con em của mình” - GS Đào Trọng Thi nói.

Ông Phúc khẳng định lương không chỉ là vấn đề bức xúc của giáo viên mà cả hệ thống từ cán bộ công chức.

“Thay vì đề xuất một chính sách không có thực tiễn thì nên có những chính sách như chăm lo đời sống cho công chức, viên chức của ngành như lo chỗ ăn ở, nhà ở xã hội, thực hiện luân chuyển vùng sâu vùng xa hợp lý…” – ông Phúc đưa quan điểm.

Tại buổi khảo sát của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về các giải pháp tạo nguồn thực hiện điều chỉnh chính sách tiền lương, Bộ Tài chính cho biết: Trong 14 năm qua, có 11 lần tăng mức lương cơ sở, bổ sung phụ cấp thu hút cán bộ công tác ở vùng khó khăn, bổ sung phụ cấp thâm niên đối với một số ngành đặc thù, mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp từ ngân sách. Việc này đã làm tăng quỹ tiền lương, phụ cấp, trợ cấp. Hiện, mức chi này chiếm 50% mức chi ngân sách thường xuyên, tương đương trên 31% tổng chi ngân sách nhà nước.

Riêng giai đoạn 2010- 2016, mức lương cơ sở điều chỉnh tăng 1,78 lần nhưng tổng quỹ lương và trợ cấp chi từ ngân sách tăng 2,185 lần. Chính sách tiền lương vẫn đang gây áp lực rất lớn lên ngân sách khi thời gian tới ngân sách TƯ phải tăng dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển và chi trả nợ..

Trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Ngọc Thạch, thành viên trong tổ soạn thảo Luật Giáo dục cho biết hiện nay Ban soạn thảo Luật Giáo dục sửa đổi đang xin ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ về dự luật này trong 60 ngày:

"Nhiều người lo lắng về tính khả thi nhưng không tăng không được. Tôi nghĩ nếu tăng ở thang bậc cao nhất hành chính sẽ có một tỷ lệ giáo viên sống được bằng lương của mình".

“Nếu được Chính phủ cho phép, cũng phải có lộ trình tăng cụ thể theo thời gian và bậc học. Nhưng nếu được chấp thuận, sẽ đặc biệt ưu tiên cho giáo viên mầm non và tiểu học tăng cao hơn, lộ trình tăng ngắn. Ngoài ra, sẽ ưu tiên đặc biệt cho vùng khó khăn chứ không nên cao bằng Hà Nội với Mù Cang Chải chẳng hạn..." - ông Thạch bày tỏ.

Ngoài việc tăng lương, những chế độ khác cho giáo viên như phụ cấp nhà giáo, phụ cấp thâm niên vẫn đảm bảo. 

 Về so sánh trong mối tương quan với các ngành khác, ông Thạch nhìn nhận nếu Nhà nước tăng được cả hai nghề giáo viên và bác sĩ như nhau là tốt.

"Ưu tiên ngành nào trước là quyền của Chính phủ vì ngành nào cũng rất cao cả. Nhưng phải nói rằng hiện nay một bộ phận giáo viên rất khổ, giáo viên khổ sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác nhau".

Đề án cải cách tiền lương mà Ban chỉ đạo tập trung xây dựng trình TƯ tới đây nhằm giải quyết các bất hợp lý hiện nay đối với chính sách tiền lương.

Cụ thể là khắc phục tình trạng cào bằng, không kích thích được lao động sáng tạo, không kiểm soát được thu nhập ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính xác định rõ cơ cấu chi thường xuyên (trừ quỹ lương) để đề xuất cắt giảm những khoản không phù hợp với thực tiễn tạo thêm nguồn cải cách tiền lương.

Tác giả bài viết: Lê Huyền - Thanh Hùng - Song Anh

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây