|
Khi chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền cũng chính là tạo ra tấm gương soi chiếu vào hành vi quản trị của công chức nhà nước, xem đâu là sự lạm quyền (vượt quá quyền hạn ); đâu là sự ỷ lại (trây ì, đùn đẩy cho cấp dưới, cho người khác...). Quyền lên tiếng góp ý, khiếu kiện công chức của người dân chính là khung pháp lý dân chủ để người dân uốn nắn tính “phi pháp quyền” thường xảy ra ở một số quan chức hay công chức hiện nay, đồng thời cũng là một trong nhiều biện pháp hữu hiệu để thực thi phòng chống tham nhũng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ít lần nhắc nhở công chức rằng họ là công bộc chứ không phải là người “đè đầu cưỡi cổ” nhân dân. Lời răn dạy này vừa mang tính pháp quyền vừa mang tính đạo lý ở sự làm đúng bổn phận, nhưng không đúng tác phong, đạo đức khi quan liêu, hách dịch, hạch sách, tham nhũng (tiêu cực) trong công vụ.
Chính phủ nhiệm kì Quốc hội thứ XIV hiện nay thường được người đứng đầu nhấn mạnh phải xây dựng Chính phủ kiến tạo là một đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Tại sao cần xây dựng Chính phủ kiến tạo? Thiết nghĩ Chính phủ nhấn mạnh sự cần thiết phải có một Chính phủ kiến tạo không phải vì trước đó không làm gì cho sự kiến tạo, kiến thiết quốc gia, mà đó là nhấn mạnh Chính phủ cần chấn chỉnh lại chức năng căn bản nhất trong một nhà nước dân chủ đang xây dựng cơ chế thị trường. Hiện nhiều chính sách chưa đi vào thực tế (là do quan liêu); phải sửa đi sửa lại (gây tranh cãi, không biết làm thế nào cho đúng, cho hiệu quả); nhiều nhu cầu sản xuất và dịch vụ bị cản trở vì những “giấy phép con”, bởi năng lực và có vấn đề phẩm chất của người có trách nhiệm (từ cấp chuyên viên các bộ ngành trở lên). Như vậy sự điều phối công việc của Chính phủ, nhất là các bộ là cơ quan giúp Chính phủ xây dựng chính sách là mất cân đối, thậm chí đến mức nghiêm trọng. Vậy nhấn mạnh tính chất kiến tạo của Chính phủ là sự “căn chỉnh” hoạt động của cơ quan hành pháp. Theo đó, chức năng quan trọng nhất của Chính phủ là ưu tiên hoạch định chính sách, tạo hành lang pháp lý cho sản xuất dịch vụ và trật tự xã hội. Cùng với việc chú trọng xây dựng chính sách là giảm dần, xã hội hóa các doanh nghiệp và dịch vụ công. Đây là nhiệm vụ mang tính pháp lệnh nhưng không dễ thực hiện. Bởi các bộ, ngành vẫn có sân sau, chỗ dựa cho lợi ích cục bộ. Mà để chống tham nhũng, yêu cầu đặt ra là phải hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực bởi chỉ những người có quyền lực mới có thể tham nhũng.
Xây dựng Chính phủ liêm chính là tuyên ngôn của Chính phủ cùng với quá trình cải cách thể chế, hoạch định chính sách. Một Nhà nước có liêm chính hay không được đánh giá bằng tình trạng tham nhũng, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các hoạt động công vụ ra sao. Các Nhà nước, Chính phủ đang là đối tượng nghiên cứu, đánh giá xếp hạng của một tổ chức, gọi là Minh bạch quốc tế (Transparency International). Nếu chỉ số càng thấp thì Nhà nước đó càng ít liêm chính (ví dụ nếu đạt tới 9/10 được coi là Nhà nước trong sạch, liêm chính; còn nếu 2/10 là liêm chính thấp). Hoặc Nhà nước nào đứng ở vị trí càng cao trong tổng các quốc gia được đánh giá thì mức độ tham nhũng của các quốc gia đó càng cao (ví như một Nhà nước đứng ở vị trí 140/160 thì ở đó chỉ số tham nhũng rất cao; chỉ số niềm tin, hay liêm chính rất thấp). Muốn xây dựng Nhà nước, Chính phủ liêm chính phải bài trừ được tiêu cực, có được ngày càng nhiều niềm tin trong nước và quốc tế. Chính phủ liêm chính thì nền hành chính, hệ thống hành chính, công chức, quan chức phải giỏi, không tham nhũng và có trách nhiệm giải trình cao.
Ở Việt Nam, Đảng ta coi tham nhũng là “giặc nội xâm”, là “lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực…”, là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, lối sống và là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Trong thời gian qua, nhất là từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, gắn vấn đề giữ lời nói đi đôi với thực hiện thì công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng không phải bây giờ mới thực hiện mà đã có từ lâu, kể cả thời chiến và thời bình, nhưng ở các mức độ khác nhau. Trước đây, chúng ta cũng đã làm nhưng chưa thành phong trào hoặc chưa công khai ra. Còn giờ đã thành phong trào, thành xu thế trong toàn xã hội, không ai có thể cưỡng được, không ai có thể đứng ngoài cuộc.
Việc xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng trong thời gian qua như tiếng súng báo hiệu thời kỳ cuộc chiến chống tham nhũng đi vào thực tế quyết liệt, có chuyển biến mạnh mẽ. Việc này được thể hiện rõ từ trong xử lý vi phạm, không có vùng cấm trong xử lý cán bộ vi phạm, cho dù người đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, kể cả những cán bộ đã về hưu, hay tướng lĩnh Công an, Quân đội đều bị xử lý và bình đẳng trước pháp luật. Không có việc hạ cánh an toàn hay “chuyển vùng an toàn”, không phải chịu trách nhiệm trước những hành vi sai trái.
Đồng thời, công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua đã tập trung xử lý hàng loạt vấn đề lớn, nhỏ khác nhau. Xử lý nghiêm từ trên xuống dưới, từ những vấn đề ở Trung ương như “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, gây thất thoát kinh tế đến những vụ việc công tác cán bộ có dấu hiệu bất minh ở các địa phương… Việc xử lý những vụ việc này được thể hiện một cách dân chủ, công khai, minh bạch, không có chuyện nương nhẹ hay “xử lý kín, không rõ kết quả”, theo nguyên tắc sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, được thực hiện một cách công khai, minh bạch, càng tạo thêm niềm tin của người dân, củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng.
Hội nghị Trung ương 7 khóa XII bàn về công tác cán bộ, đặc biệt về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược cũng chứng tỏ rằng, Đảng không chỉ quan tâm khắc phục sai phạm, khuyết điểm, xử lý những vụ việc cụ thể mà còn chăm lo xây dựng và hoàn thiện thể chế để có thể ngăn chặn từ gốc những sai phạm và tạo điều kiện cho việc xây dựng một đội ngũ cán bộ đảm bảo cả về chất và lượng, đủ năng lực và uy tín hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện thành công những mục tiêu rất lớn, rất khó khăn đang được đặt ra trước chúng ta, đó là phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam thực sự trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại và đến năm 2045 trở thành một nước công nghiệp phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tác giả bài viết: GS. TS. Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia
Nguồn tin: .baohaiquan.vn:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn