Võ sư huyền thoại
Năm 1966, Tổng cuộc quyền thuật Việt Nam (miền Nam Việt Nam) tổ chức giải vô địch quốc gia. Sau khi hạ nhiều võ sĩ ở các vòng loại, trong 3 đêm cuối cùng, võ sư Phi Long hạ liên tiếp 3 võ sĩ rất nổi tiếng thời đó để đoạt chức vô địch. Từ đó, tên tuổi của ông ngày càng được nhiều người biết đến.
Năm 1968, ông Long tiếp tục giành được chức vô địch tại giải võ thuật toàn Đông Dương mở rộng, có sự tham gia của các võ sĩ đến từ Thái Lan, Trung Quốc. Sau trận chung kết, một số võ sư Thái Lan cho rằng Võ cổ truyền Việt Nam ăn cắp các đòn, thế của họ khiến nhiều võ sư Việt Nam rất tức giận.Thậm chí, có một võ sĩ Thái Lan còn muốn thách đấu và khẳng định sẽ hạ ngay võ sư Phi Long trên sàn. Bình tĩnh, ông Long giải thích cặn kẽ và khẳng định không có chuyện ăn cắp, thế nhưng các võ sĩ Thái Lan không tin. Vì vậy, ông Long quyết định: “Nếu không tin thì lên đài giao đấu nhưng tôi báo trước sẽ không nương tay đâu”.
Trận đài quy định có 3 hiệp đấu nhưng khi hiệp đấu thứ 2 diễn ra khoảng hơn 1 phút thì võ sĩ Muay Thái đã bị võ sư Phi Long hạ knock- out. Sau trận ấy, ai cũng trầm trồ, thán phục, không một võ sư, võ sĩ… nào còn thắc mắc hay dám lên đài thách đấu với ông Long nữa.
Võ sư Phi Long ở ẩn trên đèo, ngày đêm chuyên tâm luyện võ
Tại nhà hát Hoa Mộc Lan (Kon Tum), võ sư Phi Long thách đấu với võ sĩ gốc Campuchia rất nổi tiếng đương thời là Lam Chinh. Nhiều võ sư ở Tây Nguyên khuyên ông Long không nên đấu vì Lam Chinh không chỉ mạnh, giỏi võ mà còn có “bùa chú”.
Tuy nhiên, ông Long vẫn một mực quyết chiến. Ông di chuyển linh hoạt, liên tục tấn công vào các điểm yếu của Lam Chinh như mắt, tai... khiến đối thủ ngã gục ngay trong hiệp 1.
Trong cuộc đời võ thuật, võ sư Phi Long thượng đài tổng cộng 87 trận (trong đó: 68 trận thắng nốc ao, còn lại 19 trận thắng điểm hoặc huề). Sau nhiều năm công tác trong ngành thể thao, năm 1999, ông Long dựng nhà ở đèo An Khê bên Quôc lộ 19, điểm nằm giữa 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai để quy ẩn, chăm sóc cây cảnh, nghiên cứu võ thuật...
“Nguyên tắc dạy võ của tôi là các học trò phải được trang bị thật vững cái gốc của võ cổ truyền, tránh tình trạng tam sao thất bản. Tôi dạy rất khó, học trò nào bướng thì bị trị ngay nhưng dần dần rồi họ sẽ hiểu và biết ơn tôi. Tôi không giàu, nhưng bây giờ muốn đi ra bắc hay vào nam đều dễ, chỉ cần điện báo cho học trò của tôi biết để lo liệu là xong”, võ sư Phi Long nói.
12 đời vợ, cuối đời chọn cô đơn
Võ sư Phi Long cho biết, mình đã có 12 đời vợ và 6 người con (3 trai và 3 gái). Ngoài ra, ông còn có nhiều người tình khác. Rất nhiều người trong số này được xem là “sắc nước hương trời”. Người vợ cuối cùng của võ sư Phi Long là bà Trần Thị Cần cũng rời đất Đồng Phó lên đèo An Khê ở với ông. Năm 2009, bà Cần cũng trở về Đồng Phó sinh sống, ông Long lại trở thành người cô đơn.
“Người ta nói trai ham sắc, gái ham tài mà. Tôi nổi danh trên sàn đấu, cao lớn nhưng lại trắng trẻo như thư sinh nên nhiều người phụ nữ mê. Người đàn ông nào thấy gái đẹp không mê, tôi cũng muốn xây dựng một gia đình yên ấm, hạnh phúc với cô gái xinh đẹp như mọi người. Nhưng vì tôi quá đam mê võ thuật, lơ là chuyện vợ con nên họ dần xa tôi”, võ sư Phi Long nói.
Võ sư Phi Long sau nhiều năm quy ẩn
Sống một mình giữa núi rừng, ngoài thời gian chăm sóc cây cảnh, võ sư Phi Long chuyên tâm vào nghiên cứu võ thuật và các bài thuốc võ.
Theo ông Long, võ thuật phải dùng nhu thắng cương mới “đáng nể”, chứ dùng mạnh thắng yếu chỉ là chuyện đương nhiên, bình thường. Nhờ luyện tập võ thuật thường xuyên, dù tuổi cao nhưng ông vẫn giữ được vóc dáng như thanh niên, dáng đi thẳng đứng, nhanh nhẹn. Ông vẫn muốn có một người phụ nữ bầu bạn với mình sớm khuya.
“Sống một mình ở thời điểm cuối đời, tôi thấy cô đơn và tiếc nuối ký ức đã qua. Những lúc trái gió trở trời, nằm một mình trên đèo rất tủi thân. Tôi đâu có nấu ăn, toàn ăn quán suốt mấy năm nay. Có một số phụ nữ thích tôi rồi muốn tôi đến sống với họ nhưng tôi từ chối. Tôi muốn sống ở đây, vì còn phải thực hiện nhiều ý định về võ thuật đang còn dang dở”- ông Phi Long tâm sự.
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn