Sau gần 1 tháng xét xử sơ thẩm và tạm dừng phiên tòa để xác minh thêm chứng cứ, chiều 27.3, TAND TP.HCM tuyên án việc “tranh chấp ly hôn” giữa nguyên đơn là bà
Lê Hoàng Diệp Thảo và bị đơn là ông
Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên).
Theo đó, ngoài việc tuyên các bên được ly hôn, về tài sản chung trong hôn nhân là cổ phần tại Tập đoàn Trung Nguyên; tài sản là vàng, ngoại tệ, tiền mặt tương đương hơn 1.764 tỉ đồng, HĐXX tuyên chia theo tỷ lệ ông Vũ được 60%, bà Thảo được 40%. Đồng thời ông Vũ sẽ nắm toàn bộ cổ phần chung của vợ chồng tại Trung Nguyên và hoàn lại một khoản tiền tương ứng 40% số cổ phần mà bà Thảo được hưởng.
Sau khi tính toán tài sản chung các bên đang sở hữu và đối trừ nghĩa vụ, HĐXX tuyên ông Vũ thanh toán chênh lệch hơn 1.223 tỉ đồng cho bà Thảo. HĐXX cũng tuyên án phí tài sản bà Thảo phải nộp là hơn 33 tỉ đồng, án phí tài sản ông Vũ phải nộp là hơn 48,7 tỉ đồng.
Bà Thảo nuôi dưỡng con
Cụ thể, về hôn nhân, HĐXX nêu tại tòa các bên thừa nhận mâu thuẫn hôn nhân đến mức trầm trọng, mục đích hôn nhân không còn nên cần chấp nhận nguyện vọng xin ly hôn của bà Thảo và ông Vũ; giao 4 con chung cho bà Thảo nuôi dưỡng theo nguyên vọng các con. Ông Vũ có nghĩa vụ cấp dưỡng 10 tỉ đồng/năm/4 người con, từ năm 2013 đến khi các con trưởng thành, lao động tự lập.
Về phân chia 13 bất động sản (BĐS) chung, theo tòa, do hai bên đã thống nhất giá trị khoảng 726 tỉ đồng và cách chia, mỗi bên hưởng 50%. Đồng thời, tại phiên tòa, các bên thống nhất ai đang sở hữu và quản lý BĐS nào thì tiếp tục quản lý và sở hữu tài sản đó, nên HĐXX tuyên bà Lê Hoàng Diệp Thảo tiếp tục sở hữu 7 BĐS, ông Đặng Lê Nguyên Vũ tiếp tục sở hữu 6 BĐS còn lại. Do có sự chênh lệch về giá trị BĐS mà các bên đang sở hữu nên HĐXX tuyên bà Thảo sẽ trả phần giá trị chênh lệch cho ông Vũ hơn 12 tỉ đồng.
Người khóc, người cười
Đối với tỷ lệ phân chia cổ phần, phần vốn góp là tài sản chung của vợ chồng tại 7 công ty của Tập đoàn Trung Nguyên, tại tòa bà Lê Hoàng Diệp Thảo đề nghị được chia 51% cổ phần tại Công ty CP đầu tư Trung Nguyên, ông Vũ chỉ nắm 49% cổ phần; đối với cổ phần chung tại Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, Công ty CP hòa tan Trung Nguyên, bà Thảo đề nghị chia đôi; 4 công ty còn lại, bà Thảo đề nghị chia cho ông Vũ sở hữu toàn bộ. Không đồng ý, ông Vũ đề nghị chia toàn bộ số cổ phần tại 7 công ty theo tỷ lệ 70% (ông Vũ) - 30% (bà Thảo). Sau đó, ông Vũ sẽ nhận lại toàn bộ số cổ phần của bà Thảo và hoàn lại tiền cho bà Thảo.
Về tranh chấp này, HĐXX đã dựa vào luật Hôn nhân gia đình (HNGĐ) năm 2014, rằng tài sản chung vợ chồng nếu không thỏa thuận được là chia đôi nhưng có tính đến công sức các bên. “Ông Vũ là người có công sức đóng góp lớn hơn trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung nên cần chia cho ông Vũ nhiều hơn, nhưng xét bà Thảo ngoài việc nuôi con còn có công sức trong phát triển khối tài sản chung, vì vậy phải chia theo tỷ lệ ông Vũ 60%, bà Thảo 40%”, HĐXX nhận định.
Phân tích cho nhận định trên, HĐXX nêu: “Từ các chứng cứ do bị đơn cung cấp được sao lục tại cơ quan thẩm quyền, xác định ông Vũ là người sáng lập ra Trung Nguyên từ việc bán hai căn nhà của bố mẹ và tiền vay mượn bạn bè. Quá trình duy trì, phát triển khối tài sản này, ông Vũ luôn là người giữ chức danh chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty. Ngoài ra, khi thành lập các công ty thuộc tập đoàn, số vốn góp của ông Vũ bao giờ cũng nhiều hơn của bà Thảo. Đây chính là căn cứ để đánh giá công sức của ai nhiều hơn trong việc hình thành khối tài sản chung của vợ chồng”.
Ngoài ra, theo HĐXX, việc chia tài sản trong hôn nhân phải đảm bảo lợi ích bên đang hoạt động sản xuất kinh doanh cần tiếp tục được sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, từ nhiều năm nay, ông Vũ và bà Thảo phát sinh nhiều tranh chấp tại
Tập đoàn Trung Nguyên, gây ảnh hưởng đến hoạt động, sản xuất kinh doanh của công ty nên HĐXX đã chấp nhận nguyện vọng của ông Vũ, giao toàn bộ cổ phần chung của vợ chồng tại tập đoàn cho ông Vũ sở hữu. Đổi lại, ông Vũ sẽ thanh toán giá trị chênh lệch cho bà Thảo, nhằm giải quyết dứt điểm tranh chấp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Sau phần phán quyết của tòa, bà Thảo bật khóc và nói: "Bản án quá bất công với mẹ con tôi". Trong khi đó, ông Vũ chỉ cười và từ chối nói về phán quyết của tòa.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo chịu trách nhiệm với việc “mất” 1.764 tỉ đồng
Đối với tài sản là tiền mặt, vàng, ngoại tệ tương đương 2.109 tỉ đồng, theo yêu cầu phản tố của ông Vũ năm 2015, ông đề nghị được chia theo tỷ lệ 70% (ông Vũ) - 30% (bà Thảo). Quá trình tạm dừng phiên xử xác minh lại, do có sự hiểu lầm của HĐXX và bị đơn nên khoản tiền tranh chấp này bị thay đổi.
Tại phiên tòa sáng 27.3, đại diện một ngân hàng trình bày, số vàng bà Thảo từng gửi trước đây, con số chính xác là 10.000 chỉ vàng, chứ không phải là 10.000 lượng vàng như cách hiểu của HĐXX và bị đơn. Vì vậy, phía ông Vũ điều chỉnh số tiền yêu cầu được phân chia từ 2.109 tỉ đồng xuống còn hơn 1.764 tỉ đồng.
Về tài sản này, trước đây đều do bà Thảo quản lý nhưng đến nay số dư tài khoản của bà Thảo chỉ còn hơn 1,3 tỉ đồng. Bà Thảo cũng không đồng ý chia vì cho rằng đây không phải là tài sản chung.
HĐXX nhận định, theo điều 91 bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh. Nếu đương sự không đưa ra được chứng cứ hoặc không đủ chứng cứ thì tòa án giải quyết theo những chứng cứ đã thu thập được. Mặt khác, theo điều 33 luật HNGĐ, trong trường hợp không có căn cứ chứng minh tài sản vợ chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đang tranh chấp đó được coi là tài sản chung và chia đôi, có tính đến công sức đóng góp. Từ đó HĐXX chia theo tỷ lệ ông Vũ được 60%, bà Thảo được 40% và bà Thảo phải chịu trách nhiệm với khoản tiền hơn 1.764 tỉ đồng. |