Sự việc ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch quận 1 (TPHCM) làm đơn xin từ chức không lâu sau khi nhận quyết định của UBND TP Hồ Chí Minh điều động về làm Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH Một thành viên khiến dư luận không khỏi bất ngờ.
Người ta bất ngờ bởi đã quen với hình ảnh ông xông xáo, mạnh mẽ, quyết liệt trong việc lập lại trật tự lòng lề đường thì bỗng nhiên được chuyển sang một lĩnh vực khác. Bất ngờ hơn nữa, chỉ vài giờ sau khi nhận quyết định điều chuyển, ông đã có đơn xin từ chức. Việc làm của ông đã thu hút khá nhiều bình luận trên mạng xã hội. Có ý kiến bày tỏ thông cảm, nhưng cũng có ý kiến không đồng tình với cách làm của ông Hải.
Ông Đoàn Ngọc Hải nhận quyết định điều động (Ảnh: Thanh Niên) |
Đại biểu Quốc hội khóa XIII Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội lại cho rằng, ông không thấy có gì không bình thường trong ứng xử của ông Đoàn Ngọc Hải, mặc dù ở Việt Nam hiện nay, việc một công chức từ chức đúng là chuyện không bình thường, một chuyện rất hiếm.
Theo cách suy nghĩ của ông Lê Như Tiến, việc ông Đoàn Ngọc Hải từ chức không có gì bất thường là ở chỗ, ông ấy cảm thấy mình không thể đảm nhận được nhiệm vụ đó, cảm thấy vị trí đó không phù hợp với mình thì ông ấy từ chức.
“Việc ông Hải từ chức chỉ vài giờ sau khi nhận quyết định điều động cũng không có gì lạ. Tôi lại cho rằng, ông là người có tự trọng và chúng ta nên ủng hộ những người như thế. Họ từ chức không phải vì họ tự ái với Đảng, với nhân dân mà họ thấy cơ chế ấy họ khó làm việc, khó hoàn thành nhiệm vụ thì nên từ chức, dành vị trí đó cho những người phù hợp, xứng đáng”.
Ông Lê Như Tiến (Ảnh: Bình Minh) |
Ông Tiến nêu quan điểm, đồng thời nhấn mạnh: “Việc từ chức đó cũng không trái với sự phân công của tổ chức, của Đảng. Cán bộ khi được phân công nhiệm vụ nếu cảm thấy sự phân công đó quá sức với mình thì nên xin thôi. Điều đó thể hiện sự trung thực với Đảng. Đảng không bắt anh phải gánh 100 kg khi anh chỉ gánh được 50 kg. Ai đó cứ cố gánh thật nhiều để rồi không hoàn thành nhiệm vụ như thế mới là không trung thực với Đảng, có tội với Đảng, với dân”.
“Trên mạng xã hội có ý kiến bình luận rằng thái độ của ông Hải khi có đơn từ chức vài giờ sau khi nhận quyết định thể hiện sự dỗi hờn. Nhưng theo tôi đó chỉ là võ đoán và nếu được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc, ông ấy vẫn từ chức, tôi tin ông ấy là người có lòng tự trọng cao”.
Vị Đại biểu Quốc hội khóa XIII bình luận thêm và cho biết, theo dõi tình hình thời sự chính trị ở ta hàng chục năm qua, ông mới thấy có Bộ trưởng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ xin từ chức, và nói chung đây là một việc hiếm. Không chỉ gắn với trách nhiệm, chức vụ còn đi liền với quyền hạn, với quyền lợi, nên người ta thấy từ chức là dại dột. Vì thế, xưa nay ở ta, người ta thường phấn khởi, vui mừng khi được nhận chức, chứ mấy ai vui vẻ từ chức. Nhưng những người có tự trọng, họ từ chức khi trọng trách quá lớn không thể cáng đáng nổi; từ chức khi chức vụ, quyền hạn không phù hợp. Đó chính là văn hóa từ chức. Xã hội ta cần những cán bộ công chức có được văn hóa ấy.
Ông Lê Quang Thưởng (Ảnh: Kim Anh) |
Đánh giá về phong cách làm việc cũng như những việc làm của Phó Chủ tịch UBND quận 1 thời gian qua, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương, cho rằng đó là một con người thẳng thắn, quyết liệt, dám chịu trách nhiệm về bản thân, về những lời nói, hành động của mình. Những việc làm của ông Hải thời gian qua thể hiện ông là một công chức rất có trách nhiệm, sâu sát. Một công chức như ông Hải có thể nói là “hiếm”. Việc ông xuống đường trực tiếp chỉ đạo chiến dịch lập lại trật tự lòng lề đường ở một thành phố lớn là một chuyện không hề dễ dàng nhưng ông ý đã làm mạnh mẽ, dứt khoát, bước đầu đã có hiệu quả.
“Việc ông Hải xin từ chức với lý do không được đào tạo ở lĩnh vực đó theo tôi là hoàn toàn chính đáng. Ông ấy đâu cần một vị trí cao mà chỉ muốn tiếp tục công việc ông ý đang làm có hiệu quả. Hành động của ông Hải theo tôi là rất đáng hoan nghênh”, ông Thưởng nêu quan điểm, đồng thời cho rằng, vấn đề điều động cán bộ do cấp ủy và cơ quan tổ chức làm. Người làm công tác tổ chức nghĩ rằng, không nên để một người làm việc ở một vị trí quá lâu, sẽ dẫn đến chuyện làm theo kinh nghiệm, thiếu sáng tạo. Đó là quyền của tổ chức. Còn tổ chức có điều động được cán bộ hay không đòi hỏi phải dân chủ, phải được thảo luận. Nếu ra quyết định một cách vội vàng, người ta phản ứng lại là khó tránh khỏi" - ông Lê Quang Thưởng chia sẻ./.
Nguồn tin: VOV.VN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn