Mâm cơm giỗ Tổ Hùng Vương - nét đẹp văn hóa của người dân Phú Thọ

Thứ sáu - 12/04/2019 21:09
Khuyến khích mỗi gia đình làm mâm cơm tri ân Giỗ Tổ Hùng Vương vào đúng ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, cùng với lễ Giỗ trên điện Kính Thiên là một trong nét mới tại Giổ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019.
Mâm cơm giỗ Tổ Hùng Vương - nét đẹp văn hóa của người dân Phú Thọ
Chú thích ảnh

Hoạt động này nhằm đẩy mạnh thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Tổ tiên của người Việt góp phần khẳng định Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch, gia đình ông Nguyễn Văn Chung ở  khu 3 xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì nhộn nhịp hơn ngày thưởng, bởi đây là ngày con cháu, anh em của gia đình ông tụ hợp đông đủ để cùng làm mâm cơm cúng giỗ Tổ Hùng Vương. Theo ông Chung, việc làm mâm cơm cúng các bậc tiền nhân hết sức có ý nghĩa, vừa là tưởng nhớ công đức các vua Hùng đã có công dựng nước, vừa truyền dạy cho con cháu hiểu thêm về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.  

Ông Nguyễn Thanh Vân, Chủ tịch UBND xã Chu Hóa cho biết, việc làm mâm cỗ tri ân tại gia đình được triển khai từ năm 2018 tại 2 xã Chu Hóa và Hy Cương thành phố Việt Trì. Đây là 2 địa phương gần Khu di tích lịch sử Đền Hùng, mang nhiều dấu ấn về văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Lần đầu tiên được tổ chức và lan tỏa đến các địa phương khác trên địa bàn thành phố, việc này tạo cơ hội để các gia đình sum họp, đoàn viên tưởng nhớ công ơn vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Đồng thời giáo dục con cháu về niềm tự hào là người dân đất Tổ vua Hùng, cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Theo các nhà nghiên cứu, thờ cúng Hùng Vương cũng là một tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nhưng được nâng lên một tầm cao đó là tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ có từ hàng ngàn năm nay đã trở thành một bản sắc văn hoá trong đời sống tinh thần của cộng đồng địa phương với triết lý “Con người có tổ có tông”, là điểm tựa tinh thần bền vững, cố kết cộng đồng dân tộc. Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm giáo dục đạo lý truyền thống tri ân công đức tổ tiên, gắn kết các thế hệ con cháu về cùng một cội nguồn, sống hoà hợp. 

Trên vùng Đất Tổ, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được “phát triển” thành tín ngưỡng thờ Quốc Tổ. Đây là hiện tượng hiếm có, nếu không nói là độc nhất trên thế giới khi cả dân tộc Việt Nam đã tự ý thức về mình là có chung một nguồn gốc (đồng bào), một khu mộ Tổ và có chung ngày giỗ Tổ để thực hành những nghi lễ thờ cúng và tưởng niệm Vua Hùng - vị Quốc Tổ chung của cả quốc gia, dân tộc. 
 

Trong dòng chảy sâu thẳm tâm linh của người Việt Nam, các Vua Hùng là thánh nhân, là người có công dựng nước, là thần linh bảo vệ cho cả cộng đồng. Cứ mỗi dịp tới ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng 3, tất cả những người con đất Việt trên khắp thế giới đều hướng về ngày lễ chung toàn dân tộc - ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Có một nghi lễ không thể thiếu trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên dù là ở gia đình nhỏ hay lễ trọng của dân tộc thì việc dâng lễ vật lên ban thờ trong đó có mâm cơm là một nghi lễ vô cùng quan trọng của người Việt. Mâm cơm cúng giỗ có quy mô vượt lên trên một mâm cơm bình thường, nó thể hiện sự thành kính của người sống với người đã khuất cũng như nhằm tri ân với tổ tiên.

Mỗi vùng miền có thể sẽ có một cách thức chuẩn bị, bày trí mâm cơm cúng theo phong tục riêng biệt nhưng ý nghĩa của mâm cơm cúng tổ tiên bao đời vẫn vậy, ngàn năm chưa từng đổi thay. Mâm cơm cúng Vua tổ cần có những món cơ bản là: Bánh chưng, bánh giầy và cơm tẻ. Món bánh chưng, bánh giày là 2 sản vật thời kỳ Hùng Vương tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của muôn loài. Cơm tẻ cũng do Vua Hùng dậy dân cấy lúa mà ra, là lương thực hàng ngày, nên trong mâm cỗ có nếp, có tẻ cũng như có âm có dương đầy đủ sẽ sinh sôi. Bát nước chấm đặt giữa mâm hình tròn với 4 bát cơm đặt 4 góc mâm, tượng trưng cho trời đất vũ trụ, mà con người dù ở cõi âm hay dương đều có cuộc sống trong đó. 

Với ý nghĩa lớn lao đó, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay, Ban tổ chức vận động, khuyến khích mỗi gia đình làm mâm cơm cúng Vua Hùng vào đúng ngày mùng 10 tháng 3, cùng với lễ Giỗ trên điện Kính Thiên nhằm thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Tổ tiên của người Việt góp phần khẳng định Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tác giả bài viết: Lâm Đào An (TTXVN)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây