Không dạy được con nói, nhưng dạy con đạo đức

Thứ tư - 10/04/2019 21:09
Tôi không thể nghe và nói, vui lòng chỉ tay chọn món', những dòng chữ dễ thương cùng nụ cười đôn hậu của hai vợ chồng câm điếc khiến nhiều người ấm lòng.
Không dạy được con nói, nhưng dạy con đạo đức
Dù cuộc sống nhiều khó khăn nhưng vợ chồng anh Sơn, chị Thúy vẫn cố gắng để nuôi dạy con nên người	 /// Nữ Vương
Càng ấm lòng hơn khi 5 giờ chiều hằng ngày, một cậu bé 6 tuổi được bố đón đi học về, cười tươi kháu khỉnh múa ngôn ngữ ký hiệu chào mẹ và bằng giọng nói chưa “tròn vành rõ chữ” chào các vị khách đang chờ mua bánh tráng nướng. Đấy là đứa con trai đầu của vợ chồng anh Lê Trường Sơn (44 tuổi) và chị Lê Mộng Thúy (39 tuổi), cả hai vợ chồng đều bị câm điếc bẩm sinh.

Nhịn ăn sáng nuôi con ăn học

 
 
Không dạy được con nói, nhưng dạy con đạo đức - ảnh 1 Không dạy được con đọc, nói nhưng mình vẫn có thể dạy con đạo đức. Dù không nghe được con nói gì nhưng mình tin con rất ngoan và không bao giờ nói những lời hỗn lại với người lớn Không dạy được con nói, nhưng dạy con đạo đức - ảnh 2
 
Anh Lê Trường Sơn
 
Rời Đồng Nai lên TP.HCM lập nghiệp, chị Thúy quen và cùng thấu cảm với anh Sơn nên cả hai tìm hiểu và chính thức về chung một nhà từ năm 2010. Trải qua nhiều công việc như sửa xe, bán dưa hấu… nhưng đều thấy không hợp nên cả hai quyết tâm học làm bánh tráng nướng.
Dù không nghe nói được và chỉ mới học hết lớp 4 nhưng anh Sơn rất nhanh nhạy trong việc tìm kiếm thông tin trên mạng. Anh mày mò học công thức làm bánh tráng nướng, qua rất nhiều lần thất bại cuối cùng cũng cho ra được công thức làm bánh tráng nướng ngon và tự tin mang ra bán.
Thời gian đầu, xe bánh tráng nướng của vợ chồng anh chỉ lèo tèo vài người khách do anh chị không nghe nói được, không hiểu những gì khách nói và ngược lại. Thấy thương vợ chồng nhiều vất vả nên một vị khách quen đã tự tay làm cho vợ chồng cái bảng dán trên xe như ngày hôm nay: “Tôi không thể nghe và nói, vui lòng chỉ tay chọn món”, và các món đi kèm giá bán đều được in lên tấm bảng, khách chỉ tay và ra dấu hiệu mua bao nhiêu cái.
Và để tiếp cận được với câu chuyện của vợ chồng anh, chúng tôi phải nhờ chị Trần Thị Oanh, hội viên Nhóm phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu Sài Gòn, đồng hành.
Hiện anh Sơn và chị Thúy đã có 2 con, ngoài bé trai 6 tuổi còn một bé gái 3 tuổi, cả hai đều được đặt theo tên của các ca sĩ nổi tiếng, con trai là Minh Quân, con gái là Ngọc Hà. Nhiều người hỏi anh, sao chọn đặt tên cho con như thế, anh chỉ ôm con vào lòng và cười rất tươi mà không trả lời bằng ngôn ngữ ký hiệu nào. Nhưng nhìn nụ cười hạnh phúc và ánh mắt đầy hy vọng đấy, chúng tôi cũng đọc được phần nào suy nghĩ của anh về mong ước những đứa con không chỉ nói được bình thường mà còn hát được và hát rất hay như ca sĩ, điều mà cả hai vợ chồng anh không bao giờ có thể…
Bị khiếm khuyết, mưu sinh đã vô cùng khó khăn, nên từ khi có thêm 2 thiên thần nhỏ, cuộc sống của hai vợ chồng càng vất vả hơn nhiều.
Không dạy được con nói, nhưng dạy con đạo đức - ảnh 3
Chị Lê Mộng Thúy (phải) trò chuyện bằng ngôn ngữ ký hiệu

“Ngày trước, bán bên kia đường thì không phải thuê nhưng chỗ đó diện tích nhỏ quá, khách đến không có chỗ ngồi nên cũng mất nhiều khách. Giờ bắt buộc phải chuyển qua đây, nhưng phải thuê 2 triệu đồng/tháng. Rồi tiền phòng trọ một tháng cũng 2 triệu nữa. Nên 2 vợ chồng làm chỉ đủ nuôi con, chỉ lo là con càng lớn thì càng tốn kém”, anh Sơn chia sẻ.
Đang ngồi nói chuyện, anh Sơn ôm bụng, ra dấu hiệu anh bị đau bao tử vì phải nhịn ăn sáng thường xuyên. Anh cho biết giờ cũng quen rồi, lúc trước khó khăn quá nên phải nhịn ăn sáng để dành tiền lo cho con.
“Dù mình khiếm khuyết nhưng ông trời thương cho con mình lành lặn thì phải nuôi con thật tốt”, anh Sơn luôn quan niệm như vậy.

Con trai 4 tuổi mới tập nói

Sáng hôm sau hẹn đến nhà anh, lúc đó tầm hơn 9 giờ nhưng vợ chồng anh chưa dậy vì mới ngủ được chưa đầy 2 tiếng. Đứng gõ cửa thật mạnh một hồi lâu, mới giật mình nhận ra cả vợ chồng anh đều không nghe được. Không còn cách nào, đành ngồi đợi, khoảng 15 phút sau anh dậy và ra mở cửa chứ cũng không hề hay biết có khách đang đợi ở ngoài.
Khi biết chúng tôi ngồi đợi, anh gãi đầu ra hiệu rất ngại, nhưng rồi anh kể câu chuyện mà cũng là khó khăn rất lớn khi những năm đầu vợ chồng anh làm ba, làm mẹ.
“Con trai ngày còn nhỏ, mỗi lần đói quá khóc mà cả hai vợ chồng ngủ cũng không biết gì. Nghĩ lại thấy thương con, nhiều lúc phải chia ra người ngủ người canh, nhưng giờ con lớn rồi thì khỏe hơn, con tự biết nên không bao giờ khóc, mà chỉ lay người ba mẹ là mình biết ngay”.
Vì sống trong không gian không có tiếng nói nên đến 4 tuổi, lúc Minh Quân được đưa đến nhà trẻ, cậu bé mới bắt đầu tập nói. Chính vì thế, dù đã 6 tuổi nhưng nhiều từ Minh Quân vẫn chưa nói rõ. Mỗi tối, trong lúc đang bán thì anh chị gửi con đến nhà ngoại để Minh Quân tiếp xúc nhiều hơn với âm thanh, tiếng nói và cũng để cho bà ngoại dạy cháu tập đọc, tập viết. Còn đứa con gái 3 tuổi, sợ cũng khó khăn trong việc tập nói nên sau khi cai sữa mẹ đã gửi cháu về nhà cô, đợi đến lúc con đủ tuổi đến trường, anh chị sẽ đón về.
Vừa nhắc đến chuyện học hành của con, anh Sơn đã vội lấy những sản phẩm mà con trai vẽ được, khoe với chúng tôi. “Cô giáo trên trường khen con rất ngoan, học tốt và vẽ rất đẹp. Nên cuối tuần, mình và vợ hay đưa con đi học vẽ”.
Chỉ tay vào bức tranh của con, anh múa ký hiệu đây là ba, đây là mẹ và đây là Minh Quân, Ngọc Hà, rồi cười giòn tan, hạnh phúc.
Có lẽ sinh ra và lớn lên bên ba mẹ thiếu vắng tiếng nói, nhưng những nụ cười hạnh phúc và lạc quan của hai vợ chồng đã truyền vào cho con thơ nên trong những bức tranh Minh Quân vẽ, hình ảnh gì cũng có miệng và đều cười rất tươi. Mây cũng có miệng cười, ngôi nhà, cái cây… tất cả đều có miệng cười, ngộ nghĩnh và đáng yêu.

Sau này con làm gì cũng được, miễn sao con thích

23 giờ mỗi ngày, trở về nhà với chiếc xe bán bánh tráng nướng, dù mệt nhoài nhưng cả hai vợ chồng đều phải dọn dẹp và tiếp tục chuẩn bị những thứ cần thiết cho buổi bán ngày mai. Chợp mắt được một lúc, 3 giờ sáng, anh Sơn lại dậy đi chợ để mua thịt heo và hành lá.
Anh cho biết vào giờ sớm thì người ta bán như giá sỉ nên sẽ tiết kiệm được nhiều tiền, thịt heo mua từ sáng sớm cũng sẽ tươi và ngon hơn. Sau 7 giờ sáng, khi đã đưa con đi học, cả hai vợ chồng lại ngủ thêm khoảng 2 tiếng để đủ sức chiều bán.
Dù công việc bận rộn, giấc ngủ cũng không yên giấc nhưng vợ chồng anh vẫn dành thời gian để chơi và dạy con học.
“Không dạy được con đọc, nói nhưng mình vẫn có thể dạy con đạo đức. Mình không muốn sau này con sẽ lang bạt và đi theo những giang hồ ngoài đường rồi hư hỏng. Dù không nghe được con nói gì nhưng mình tin con rất ngoan và không bao giờ nói những lời hỗn lại với người lớn. Mình dạy và nhắc con mỗi ngày để con nên người”, anh Sơn tâm sự.
“Vậy anh mong ước sau này con anh sẽ làm gì?”. “Nếu mình mong ước thì đó là mong ước của mình rồi, đâu phải của con. Sau này con làm gì cũng được, miễn sao con thích, con thấy vui và miễn là con không vi phạm pháp luật, không làm những điều xấu”, anh Sơn vừa ra ký hiệu vừa mỉm cười.
 
 Tags: daycon, daoduc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây