Theo báo cáo của Ban soạn thảo do đại diện Bộ Tài chính trình bày, mục tiêu chính của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường là nhằm giảm thiểu vấn nạn ô nhiễm môi sinh vốn đang ngày một diễn ra trầm trọng; đặc biệt là tại các đô thị lớn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.gov.vn |
Và quan điểm nhất quán của Ban soạn thảo là sửa đổi theo hướng tăng thuế chỉ để có tiền tái đầu tư môi trường, chứ không phải vì lý do tăng thêm ngân sách. Quan điểm của Ban soạn thảo là vậy, song một số ý kiến trong phiên thảo luận dự án này cho rằng “đọc kỹ” vẫn chưa thấy rõ nét mục tiêu này.
Cụ thể, dự thảo Luật đề nghị sửa đổi, bổ sung túi ni lông, dung dịch hydro - chloro - fluoro - carbon (HCFC) là nhóm gây suy giảm tầng ozone, xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hóa thạch… vào đối tượng chịu thuế.
Về nội dung này, cơ quan thẩm tra dự án Luật cũng nhất trí với việc thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông, dung dịch HFCF và quy định loại trừ đối với bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi ni lông đáp ứng được tiêu chí thân thiện với môi trường. Song lưu ý, việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn là chưa hợp lý, chưa phù hợp với thực tế thu nhập của người dân. Quy định này vô tình sẽ dẫn đến chi phí cho xăng, dầu so với thu nhập của người dân chiếm tỷ trọng rất cao.
Theo các đại biểu, xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu cho toàn xã hội, là “đầu vào” của hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất, đời sống của người dân và mức thuế cụ thể đối với xăng, dầu hiện vẫn chưa điều chỉnh tăng đến mức trần đã được quy định tại Luật hiện hành.
Chính vì thế, đại diện Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh: Trong khi thông điệp của Chính phủ là tạo điều kiện, tăng tính cạnh tranh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thì dự thảo Luật lại đề nghị điều chỉnh chính sách thuế một cách… đột ngột.
Đã thế, trong cơ cấu về số thu từ các đối tượng chịu Thuế bảo vệ môi trường, thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu chiếm tới 93,4% tổng số thu thuế bảo vệ môi trường giai đoạn 2012 - 2016, trong khi xăng dầu không phải là đối tượng gây ô nhiễm môi trường lớn nhất trong các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường, lại tiếp tục điều chỉnh ở mức trần cao gấp 2 lần mức trần hiện nay. Điều này là không hợp lý.
Cạnh đó, các đại biểu cho rằng việc ô nhiễm môi trường hiện nay còn có nguyên nhân từ việc đầu tư phát triển các ngành công nghiệp nặng sử dụng rộng rãi than đá, có nguy cơ ô nhiễm cao như sản xuất điện năng (nhà máy nhiệt điện than), công nghiệp luyện thép, xi măng, hóa chất... Do đó, ban Soạn thảo cũng phải có kế hoạch tăng thuế môi trường các lĩnh vực này.
Kết luận nội dung này, tin từ Văn phòng Quốc hội cho biết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng trong tình hình hiện nay, việc tăng thuế suất là không thuận.
Bởi vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo phải chuẩn bị lại dự án Luật, bảo đảm tính toàn diện hơn, bao quát và hợp lý hơn giữa những đối tượng, mặt hàng phải chịu thuế. Mặt khác, việc giữ chính sách thuế ổn định cũng giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm làm ăn, sản xuất. Sản xuất tốt đương nhiên cũng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Tác giả bài viết: H.Phạm - N.Doăng
Nguồn tin: laodongthudo.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn