Ngày 1: Không phản ứng
"Sai lầm của rất nhiều phụ huynh là phản ứng lại ngay với hành vi sai phạm của trẻ”, Tiến sĩ Ed Christophersen, chuyên gia tâm lý trẻ em lâm sàng tại Bệnh viện nhi Mercy ở Kansas City, bang Missouri (Mỹ ) cho biết.
Cách xử lý đúng trong trường hợp này là bố mẹ cần phải giữ bình tĩnh. Đừng để con cảm thấy hành vi của chúng có thể gây sự chú ý của bạn mà nên giả vờ không thấy, không nghe cho đến khi chúng bình tĩnh trở lại.
Trẻ hiểu rằng mè nheo hay gào khóc sẽ mất đi sự hấp dẫn khi bố mẹ không tỏ ý quan tâm đến nó.
Ngày 2: Luôn giữ thái độ tích cực
Robin H-C, huấn luyện viên chuyên về các vấn đề gia đình và là tác giả của cuốn sách “Thinking Your Way to Happy!” (Tạm dịch: “Hãy suy nghĩ theo cách của bạn để trở nên vui vẻ!”).
Ông nói rằng: "Khi bạn đánh giá con của bạn, hãy chắc chắn đánh giá đó là tích cực để con biết chúng có cái đích để phấn đấu". Hãy tránh những suy nghĩ tiêu cực liên quan đến hành vi của trẻ.
Nổi đóa, tức giận hay vội trừng phạt là những sai lầm phổ biến của bố mẹ trong quá trình loại bỏ những hành vi xấu ở trẻ.
Ngày 3: Làm tới nơi tới chốn
Tiến sĩ Jayne Bellando, cũng là bác sĩ tâm lý trẻ em tại bệnh viện nhi Arkansas, đã cho thấy tầm quan trọng của việc làm gương cho trẻ noi theo.
Nếu muốn con cái làm theo những hành vi tốt và trưởng thành thì bố mẹ phải là một hình mẫu cho trẻ nhìn vào học tập. Sau này bạn sẽ thấy rằng dấu ấn của mình là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến cách hành xử thường ngày của con.
Ngày 4: Giảng giải trước khi trừng phạt
Gary M. Unruh, tác giả cuốn sách “Unleashing the Power of Parental Love” (Tạm dịch: “Giải phóng sức mạnh tình yêu thương của bố mẹ”) cho biết: “Trẻ em thường hành động vì lý do gì đó. Đó là lý do tại sao bạn nên tìm hiều cảm xúc dẫn đến những hành vi xấu của trẻ, và sau đó hãy cho con thấy hậu quả của những hành vi đó. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy được chấp nhận và thấu hiểu, ngay cả khi bị phạt vì hành vi không tốt”.
Bố mẹ hãy cho trẻ cơ hội giải thích và làm rõ những gì trẻ muốn thể hiện trước khi chỉ đưa ra hình phạt. Điều này giúp trẻ hiểu rằng bạn rất yêu chúng nhưng vẫn phải phạt vì đã cư xử không đúng.
Ngày 5. Luôn nhất quán
Bertie Bregman, giám đốc trung tâm dịch vụ y học gia đình tại bệnh viện New York- Presbyterian, khuyên rằng, "Cha mẹ cần phải nhất quán suy nghĩ của mình và tránh những cơn bộc phát nhất thời". Bạn không thể bình tĩnh, kiên định hôm nay nhưng rồi lại quát tháo, thiếu công bằng vào ngày hôm sau.
Ngày 6: Đôi khi cũng phải thay đổi quy tắc
Nếu có nhiều hành vi xấu của trẻ xuất phát từ cùng một lý do, các chuyên gia khuyên bạn nên thay đổi các quy tắc. Catherine Hickem, tác giả của cuốn “Regret Free Parenting” (Tạm dịch: “Để dạy con mà không phải hối tiếc”) nói: "Bạn chỉ cần đối phó với việc phá vỡ những quy tắc cũ và thiết lập những quy tắc mới".
Thay vì cho phép những thói quen giống nhau mà luôn gây ra rắc rối, hãy thay đổi những quy tắc của bạn! Nếu trẻ liên tục tỏ ra khó chịu với thời gian được xem tivi, thì đó là lúc bạn cần thay đổi.
Ngày 7: Hãy thư giãn
Đây là khoảng thời gian để bạn nhìn lại và xem mức độ cải thiện hành vi xấu của con đã đạt được đến đâu. Cùng con đi dã ngoại hay chơi công viên cuối tuần, bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi những câu mè nheo, kêu khóc, nổi đóa… cuối cùng cũng biến mất.
Tác giả bài viết: Huyền Anh (Theo Parents)
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn