Đánh thuế hay thu hồi tài sản không rõ nguồn gốc?

Thứ năm - 25/10/2018 23:09
Nhiều đại biểu đề nghị đánh thuế hoặc thu hồi tài sản không rõ nguồn gốc, nhưng cũng nhiều đại biểu băn khoăn cả hai phương án này không khả thi.
Đánh thuế hay thu hồi tài sản không rõ nguồn gốc?

 

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) không đồng tình với phương án chuyển sang tòa án những trường hợp không giải trình được nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm (Điều 52 dự thảo luật).

Ông Phương phân tích: “Thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra mà không chứng minh được tài sản thu nhập do vi phạm pháp luật mà có thì không thể có chứng cứ, không có cơ sở pháp lý để quy tội và không thể chuyển cho Tòa án xét xử.

Thực tế nhiều vụ án phạm tội nhận hối lộ người ta khai là đưa cho ông A, ông B nhưng tòa cũng không thể kết tội cho ông A, ông B được, bởi vì không có căn cứ. Trong thực tế có những vụ án Chủ tịch xã với Trưởng phòng quản lý đất đai khi nhận tiền của người dân nhưng bị truy tố thì Chủ tịch xã không bị tội mà phòng quản lý đất đai bị tội. Vì có ghi đầy đủ ngày tháng nhận tiền nhưng không có căn cứ cụ thể. 

Về tài sản thực tế của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được vi phạm pháp luật mà có nhưng lại giao cho tòa xử lý để thu hồi, điều này có vi phạm với Hiến pháp hay không. Điều 32 Hiến pháp có quy định: "Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải, nhà ở, tư liệu sinh hoạt...". Trong lúc đó pháp luật cũng có quy định: "Pháp luật có quyền bảo vệ".

Như vậy, nhà ở của tôi là tôi có thẻ đỏ như vậy pháp luật đã công nhận, xe của tôi đăng ký tên của tôi, tất cả những điều này đã được pháp luật thừa nhận, bây giờ tôi không kê khai thu nhập lại cho đây là bất hợp lý thì cũng không được. Không chứng minh được vi phạm mà thu hồi thì khó thực thi. Nếu thi hành án hoặc cưỡng chế thì chắn chắn sẽ phát sinh những xung đột khó lường và làm bất an trong xã hội, gây ra những phản kháng, kháng cự chống lại pháp luật.

Không có căn cứ pháp lý mà chuyển cho Tòa án thì sẽ làm khó Tòa án vì kết luận đúng, sai không có cơ sở. Việc làm này dễ phát sinh tiêu cực, làm mất cán bộ, làm mất niềm tin của người dân, chưa nói đến là tăng số lượng vụ án, tăng thời gian xét xử, đòi hỏi phải tăng thêm biên chế cho Tòa án. 

Tòa án hiện nay nhiều vụ xét xử người dân đã không tin, trong lúc đó, đưa việc này vào và không có căn cứ thì người này mất tài sản của mình thì không tội gì mà không chạy và Tòa án có thể kết tội này cũng được, kết tội kia cũng được, rất đơn giản. Rất dễ tiêu cực trong vấn đề này, cho nên không thể đồng ý được.

Từ những phân tích trên, tôi đồng ý với phương án 2, trường hợp tài sản thu thêm mà không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc mà các cơ quan tố tụng hình sự có liên quan không chứng minh được hành vi phạm tội mà có thì chuyển sang cơ quan thuế để thu thuế và theo cách diễn giải trình bày của đại biểu Hòa thì tôi rất đồng tình. Ở đây, thuế có thể tăng thêm bởi lẽ, không chứng minh được thì 50% và cũng không giải trình được thì phải mất 50%. Tùy theo mức độ như thế thì có thể phương án 45% thuế và thu thuế như thế tôi cho là hợp lý”.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình). ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cũng băn khoăn về Điều 52 - xử lý tài sản thu nhập xác minh tăng thêm. 

Ông Nhưỡng cho rằng cả hai phương án thu hồi hay đánh thuế tài sản thu nhập tăng thêm đều không đảm bảo.

“Tôi rất tán thành ý kiến của một số đại biểu vừa rồi phát biểu là nếu chúng ta sử dụng Tòa án thì ngoài những vấn đề về tổ chức bộ máy Tòa án, công việc thì còn có một vấn đề nữa. Nếu chúng ta khẳng định rằng sử dụng Tòa án Hành chính thì ở đây không có khái niệm. Tòa án hành chính mà chúng ta cho rằng phải sử dụng tố tụng dân sự. 

Trong tố tụng dân sự có 2 vấn đề quan trọng, phải có hợp đồng và phải có thiệt hại ngoài hợp đồng. Nếu chúng ta sử dụng khái niệm thu hồi tài sản thì có nghĩa chúng ta đã khẳng định rằng đó là tài sản mà anh lấy của người khác không hợp pháp. Trong khi đó Bộ luật Dân sự còn quy định rằng chiếm hữu bất hợp pháp ngay tình sau 30 năm có thể được thiết lập quyền sở hữu. Vậy, sẽ giải quyết mối quan hệ này như thế nào? Tôi cho rằng nếu không có cơ sở thì rất nguy hiểm.

Kiên quyết xoá bỏ tệ chạy chức, chạy quyền

Đành rằng Tòa án là cơ quan được giao một trong những chức năng, nhiệm vụ rất quan trọng đó là thực hiện quyền tư pháp. Nhưng tòa án không thể thực hiện vượt qua những quy định của pháp luật. Chỗ này chúng tôi đề nghị phải có nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng.

Nếu chúng ta tiếp tục sử dụng cho tòa án để giải quyết kiến nghị của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thì coi như chúng ta đang hình sự hóa trá hình vấn đề thu hồi tài sản. Tôi cho rằng điều này sẽ rất không ổn về mặt khoa học pháp lý.

Về sử dụng công cụ thuế. Tôi đồng tình với ý kiến của một số đại biểu vừa phát biểu, nếu đánh thuế thì chúng ta sẽ có những vấn đề rất khó khăn giải thích, tài sản này là tài sản chịu thuế. Các cử tri có nói với tôi, kể cả tài sản có được bằng tài sản tham nhũng thì nó cũng đã được mua, đã được mua thì cũng có nghĩa là nó đã chịu thuế rồi, vậy chúng ta tiếp tục đánh thuế thì nó sẽ là biện pháp chồng thuế. Như vậy không ổn cả về khía cạnh chúng ta sử dụng thuế. 

Nếu chúng ta coi đó là tài sản chịu thuế có nghĩa chúng ta phải xem xét ở khía cạnh khác. Nếu đã xem xét, tôi rất đồng tình biện pháp của chúng ta hiện nay đang thực hiện trong luật hiện hành, tôi rất tán thành. Nếu đã là tài sản mà chúng ta có nghi vấn thì dứt khoát phải đưa vào quá trình điều tra. Chúng ta hoàn toàn có quyền làm và nếu là tài sản tham nhũng là phải tịch thu, không có câu chuyện chúng ta lại sử dụng các biện pháp. Cả hai biện pháp này đều là biện pháp nửa chừng. 

Chúng ta coi thuế là khoản thu nhập tạm coi là khoản phải chịu thuế, nếu chúng ta sử dụng biện pháp giả định để đi thu thuế thì càng không đúng. Tôi cho rằng điều đó không giải thích được với cử tri và nhân dân về vấn đề này. Tôi không đồng tình với cả hai phương án này. 

Xác minh chặt chẽ, kiểm soát chặt chẽ và đạo luật này chủ yếu là đạo luật về phòng chứ không phải là đi xử lý các vấn đề nghiệp vụ. Các biện pháp nghiệp vụ chúng ta có đầy đủ, có biện pháp về hành chính, có biện pháp về tổ chức cán bộ và có biện pháp về hình sự. Tôi đề nghị chúng ta giữ vấn đề thu tài sản tham nhũng theo quy định hiện hành. Điều đó đảm bảo tính nghiêm khắc của pháp luật hơn là chúng ta sử dụng một trong hai biện pháp này”.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. ảnh: quochoi.vn

Tập trung vào tài sản tham nhũng

Trong khi đó, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) nêu quan điểm tranh luận lại với đại biểu Nguyễn Ngọc Phương và Lưu Bình Nhưỡng. 

Ông Nghĩa nói: “Tôi đề nghị cách tiếp cận trong vấn đề này, tôi tập trung vào tài sản bất minh. Thứ nhất, chúng ta hiểu cán bộ, công chức trong mấy chục năm vừa rồi, đặc biệt mấy năm gần đây nói chung nhiều trường hợp không thể sống và lo cho gia đình bằng thu nhập từ lương, cho nên thu nhập ngoài lương là bình thường.

Thứ hai, trong hàng chục năm qua nhiều cán bộ, công chức bằng nhiều cách khác nhau đã giàu lên nên chuyện cán bộ, công chức giàu không phải là chuyện gì chúng ta kỳ thị. Vấn đề là thu nhập ngoài lương và tài sản giàu lên này phải hợp pháp. Đó là cách tiếp cận thứ nhất.

Cách tiếp cận thứ hai là ở nhiều quốc gia tư bản tài sản hợp pháp phải dựa trên thu nhập hợp pháp. Đối với công chức của họ còn kèm theo hợp pháp và minh bạch. Yêu cầu đối với công chức cao hơn với người dân bình thường nên tính minh bạch rất cao, đi vào từng khoản thu nhập nhỏ, người ta siết vấn đề quà cáp rất ghê gớm.

Cho nên không thể dùng quyền tài sản, quyền công dân thông thường để áp dụng một công chức. Đối với nước Đảng cộng sản lãnh đạo chúng ta, những người cộng sản thì không thể đặt ra tiêu chuẩn về hợp pháp và minh bạch thấp hơn nước tư bản được.

Tôi thống nhất với một số ý kiến đề nghị là phân chia vấn đề tài sản bất minh này ra nhiều loại. Thứ nhất, chuyện anh không khai báo trước hết vi phạm kỷ luật cán bộ, công chức. Đôi khi không khai báo khi tìm hiểu ra đó là tài sản hoàn toàn hợp pháp thì không xử lý. 

Loại thứ hai, khi tìm hiểu thấy tài sản có vấn đề, nó có thể là vấn đề không đóng thuế. Ví dụ, anh bán một cái nhà mấy chục tỷ anh không đóng thuế thì bây giờ thu thuế thu nhập. Nhưng bất minh này có thể rơi vào dạng có vấn đề về đạo đức, nhưng tài sản hòa nhập anh chị em, rồi quà cáp vừa hợp pháp vừa không hợp pháp... ta có thể xử ở mức độ hành chính, thậm chí không đưa vào xử lý tài sản.

Cũng tài sản bất minh này có trường hợp phải chuyển cơ quan điều tra. Chính ở cơ quan điều tra người được điều tra không phải kết luận người ta có tội, mục đích của điều tra không phải để buộc tội mà để xác định có tội hay không. Nguyên tắc suy đoán vô tội cũng được áp dụng trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử. 

Chính khi qua cơ quan điều tra thì cơ quan điều tra có thể xác minh giúp người này tài sản hoàn toàn là hợp pháp và người này không vi phạm pháp luật hình sự gì cả. Lúc đó lại không tịch thu tài sản đó nhưng nếu điều tra xác minh là có tội thì lúc đó tịch thu tài sản đó. Tôi đề nghị cách tiếp cận là chúng ta chia ra làm nhiều loại thì sẽ hợp lý hơn”.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) cũng đồng tình với phương án đánh thuế thu nhập với những tài sản tăng thêm mà giải trình không hợp lý.

Ông Hồng phân tích: “Chúng ta phải dùng giải pháp kinh tế để xử lý những vấn đề kinh tế. Hiện nay bí nhất là việc thu hồi tài sản. Đất nước ta đang thiếu nguồn lực, nếu chúng ta xử lý tốt điều này thì sẽ có nguồn lực rất lớn huy động phát triển kinh tế. 

Nếu chúng ta từ chỗ xử lý cái không hợp lý sang hợp lý, hợp pháp đây là lộ trình đang thực hiện nên tôi đề nghị không chỉ thuế tiêu thụ đặc biệt mà sửa lại điều áp dụng các quy định về thuế để xử lý vấn đề này. Bởi vì nếu thuế thu nhập đặc biệt thì phải là tài sản hợp pháp thì mới đặt ra vấn đề thu nhập đặc biệt được. 

Nếu chúng ta chưa biến nó thành hợp pháp thì chưa thể thu thuế thu nhập đặc biệt được. Đây là vấn đề đặt ra về cơ sở pháp lý. Tôi nói tại sao huy động được nguồn lực bởi nếu chúng ta chặn được việc tham nhũng như chúng ta đang tính toán là 30% theo như dư luận hay đặt vấn đề thì tôi nghĩ đây là một cách tháo gỡ. 

Thứ hai, phải có lộ trình xử lý vấn đề tài sản này là phải có lộ trình, nếu không thì người dân sẽ đặt vấn đề chúng ta đang tìm cách hợp thức hóa. Tôi đề nghị lộ trình đến năm 2025 và cũng có phân loại từng tài sản cần xử lý”.

Nguồn tin: Theo Giaoduc.net.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây